Ông Tạ Quang Đông nhận định, tiếng Việt nó phải ra tiếng Việt, tiếng Việt đã có 'khởi nghiệp' thì đừng ‘start up’. |
Lạm dụng sự "trộn mã"
Hiện nay, trên phương tiện thông tin đại chúng, hiện tượng từ tiếng Anh được sử dụng xen lẫn tiếng Việt rất phổ biến cho dù chúng ta sẵn có những từ tiếng Việt mang nghĩa tương đương...
Trên các trò chơi truyền hình thậm chí là các bản tin chính thống, nhiều từ tiếng Anh được sử dụng phổ biến như “start-up” trong khi tiếng Việt đã có từ “khởi nghiệp” hay “diva” trong tiếng Việt đã có “nữ danh ca”…
Thậm chí những từ giao tiếp thông thường như “cảm ơn”, “xin lỗi” cũng được người dẫn chương trình hay người tham gia chương trình thay bằng từ tiếng Anh “thank you", "sorry”...
Ông Tạ Quang Đông, một phiên dịch tiếng Anh đã có gần 30 năm trong nghề, người không ít lần đi dịch cho các nguyên thủ quốc gia băn khoăn trước hiện tượng này và cho rằng những từ nào mà tiếng Việt chúng ta có thì chúng ta không nên dùng từ tiếng Anh tương ứng.
“Tiếng Việt nó phải ra tiếng Việt, tiếng Việt đã có 'khởi nghiệp' thì đừng 'start up', tiếng Việt đã có 'doanh nghiệp kỳ lân' thì đừng có 'unicon', tiếng Việt đã có 'nhà đầu tư thiên thần' thì đừng có 'angel investor'”, ông Đông nêu ví dụ.
Ông Tạ Quang Đông từng từ chối nhiều hợp đồng dịch vì họ không đồng ý chuyển ngữ từ Logicstic thành "tiếp vận hậu cần" hay "kho vận", "slogan" thành "hiệu ngữ". |
Tiếng Việt có nhiều từ Hán-Việt và cả từ mượn tiếng Pháp. Đây là hiện tượng thông thường trong ngôn ngữ của tất cả các quốc gia.
Theo ông Tạ Quang Đông, chúng ta không cực đoan đến mức không dùng các từ có nguồn gốc tiếng nước ngoài, nhưng không nên dùng các từ mà tiếng Việt đã có, đặc biệt trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng.
PGS.TS. Phạm Văn Tình, Viện Từ điển, Bách khoa thư Việt Nam gọi đây là hiện tượng “trộn mã” trong ngôn ngữ nhưng hiện tượng này đang bị lạm dụng kể cả trên thông tin đại chúng và đặc biệt phổ biến trong các trò chơi truyền hình.
Ông Tình chỉ ra rất nhiều từ hoàn toàn có tiếng Việt tương đương. Chẳng hạn Shark Hưng, Shark Liên hay một số từ chỉ người mà có đệm thêm một từ nước ngoài. Đây có vẻ người ta muốn làm lạ hóa và tạo ra một cái gì đó khác thường.
Nhưng cái khác thường ấy có thể làm khó cho người xem, vì người Việt chỉ có thể tiếp nhận những cái nội dung mà gần với bản ngữ nhất dù có có trình độ thế nào.
Từ góc độ ngôn ngữ - văn hóa, PGS. TS. Phạm Văn Tình cho rằng báo chí thông tin đại chúng mang chức năng truyền bá văn hóa nên việc tùy tiện sử dụng trộn lẫn tiếng Anh với tiếng Việt là một điều bất ổn.
Nghĩ từ mới cho tiếng Việt, tại sao không?
Từ một góc nhìn khác, việc lạm dụng từ tiếng Anh còn biểu hiện tâm lý tự ti với tiếng mẹ đẻ. Theo ông Tạ Quang Đông, nếu chúng ta yêu tiếng Việt, tự hào về tiếng Việt thì thậm chí chúng ta còn phải làm giàu cho tiếng Việt, sáng tạo thêm các từ mới cho tiếng Việt.
Ông Đông lấy ví dụ, cha ông ta trước kia đã sang tạo ra từ “nước hoa” thay cho từ “parfum” trong tiếng Pháp hay “perfume” trong tiếng Anh. Chúng ta cũng không mượn từ “hương thủy” trong tiếng Hán.
“Chứng tỏ là các cụ chúng ta đã dám nghĩ ra một phương án của riêng mình chứ không phải như trường nhiều trường hợp là vận dụng từ tiếng Hán sang”.
Tìm từ mới cho một sự vật hiện tượng nhiều khi đơn giản chỉ là sử dụng từ đã có và cấp thêm nét nghĩa mới.
Ví dụ từ logicstic có thể dịch là “tiếp vận hậu cần” hay “hậu cần”. Vì suy cho cùng đó chỉ là vỏ ngôn ngữ và ta cấp cho nó nét nghĩa mới. Nếu có đủ tình yêu với tiếng Việt, chúng ta sẽ tìm ra vỏ ngôn ngữ phù hợp với sự vật hiện tượng mới, ông Đông nêu quan điểm.
Theo ông Đông, chúng ta không chống lại việc vay mượn nước ngoài với những khái niệm mà tiếng Việt không có.
Tuy nhiên với những từ mà tiếng Việt có khả năng tìm ra một vỏ môn ngữ nghe Việt Nam hơn thì chúng ta nên là tiến hành đi theo hướng đó chứ không phải là lúc nào cũng “lười suy nghĩ”.
Là phiên dịch có tiếng với khả năng chuyển ngữ ra tiếng Việt vừa hay vừa sát nghĩa gốc, không ít lần ông Đông từ chối các hợp đồng dịch vì được yêu cầu để nguyên một số từ tiếng Anh dù trong tiếng Việt có từ mang nghĩa tương tự.
PGS. TS. Phạm Văn Tình cho rằng: "Tùy tiện sử dụng trộn lẫn tiếng Anh với tiếng Việt trên thông tin đại chúng là điều bất ổn". |
Từ thực tế sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trên phương tiện thông tin đại chúng đến việc chúng ta có nên chấp nhận xuất hiện từ mới trong tiếng Việt cùng hàng loạt các vấn đề khác như chính tả, chữ viết cho thấy đòi hỏi phải có những quy định thống nhất về luật pháp trong ngôn ngữ.
PGS. TS. Phạm Văn Tình cho rằng việc xây dựng ban hành Luật ngôn ngữ là cần thiết bởi chúng ta cần văn bản chi tiết hóa việc thực hiện tất cả các lĩnh vực của tiếng Việt một cách chính xác.
Đó phải là một văn bản quan trọng để cho tất cả mọi người có căn cứ thực thi, đồng thời cũng là văn bản để bắt lỗi nhưng ai đã sử dụng tiếng Việt không đúng theo quy định.
“Tôi rất mong là Quốc hội khóa tới tới sẽ lắng nghe và sẽ quyết định đưa việc xây dựng và triển khai bộ luật ngôn ngữ của chúng ta trong một thời gian gần nhất”, ông Tình nêu quan điểm.