📞
Xuân đến, Xuân đi, Xuân lại đến

Tiếp kiến Ngọc Hoàng

02:09 | 02/02/2011
Nhận thấy vị khách không mời kia chính là Ngọc hoàng, Bút Trúc bèn thưa gửi rất là trịnh trọng. Ngọc Hoàng nói nhanh: "Khen cho con mắt tinh đời, Ngọc hoàng đoán giữa trần ai mới là… Ta đang đi vi hành, nói nhỏ thôi kẻo người ta lại đón tiếp linh đình thì hỏng việc.

1. Đã hơn một năm, Bút Trúc (BT) không làm vè, có lẽ vì hai lý do, một vì sợ sếp không cho đăng, bởi có lần sếp dọa … "làm vè lếu láo, tao cho về vườn", hai vì cảm hứng đã cạn rồi. Mỗi ngày BT ra quán bia hơi một vài lần, ngồi một mình uống bia suông để tìm ý tứ văn chương. Thói quen của BT là thế, cứ mỗi khi bí với bài vở thì lại lấy bia làm bạn mà năm nay thì hầu như lúc nào BT cũng bí.

Bỗng dưng, một cụ già quắc thước bước tới và ra hiệu được ngồi cùng bàn. Vốn mê tiết mục Táo quân chầu Trời, BT nhận ra ngay Vị khách không mời kia chính là Ngọc hoàng, bèn thưa gửi rất là trịnh trọng. Ngọc Hoàng nói nhanh: "Khen cho con mắt tinh đời, Ngọc hoàng đoán giữa trần ai mới là… Ta đang đi vi hành, nói nhỏ thôi kẻo người ta lại đón tiếp linh đình thì hỏng việc. Sắp đến 23 tháng Chạp rồi, các Táo lại sắp lên báo cáo, Trẫm phải dò la trước xem tình hình thực tế thế nào chứ không thể trông chờ vào bọn "làm láo báo cáo hay" được."

2. Biết BT vốn là phóng viên kinh tế đa năng, ngồi phòng lạnh mà buôn toàn chuyện trên trời dưới đất, nay lại còn tham gia Nhóm chắp bút cho bản báo cáo của Táo kinh tế sắp sửa tâu trình, Ngọc Hoàng lấy làm mừng lắm. Ngài phán: Nhằm tránh những bản báo cáo nhàm chán năm sau cóp-pi năm trước, ta thấy cần đổi mới cách làm, nên tập trung vào tìm nguyên nhân và giải pháp, bỏ kiểu tô hồng thành tích còn sai lầm thì qui cho trách nhiệm chung. Táo nước Nam báo cáo chỉ vài chuyện đặc thù của xứ mình, còn ta thì phụ trách hằng hà vô số các hành tinh khác nữa nên cần hiểu đánh giá của xứ này về tình hình kinh tế năm Hổ của toàn hạ giới. Chỉ riêng ở Trái đất thôi cũng đã lắm chuyện cần bàn. Bao nhiêu con hổ đã biến thành mèo?

Trong khi liên kết ASEAN chuyển mình nhờ khéo léo chèo chống của Việt Nam ở vị thế Chủ tịch luân phiên thì khối liên minh vốn được coi là tấm gương như EU đang đứng trước nguy cơ chia rẽ bắt nguồn từ khâu yếu nhất là các nước như Hilạp, Ireland… Mỗi nơi mỗi vẻ nhưng chung qui cũng chỉ tại chi nhiều, thu ít. Hãy suy nghĩ kỹ trường hợp Hi Lạp mà xem, nợ nần đến mức mà một số người ở Châu Âu mỉa mai khuyên nên bán bớt di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên để mà trả nợ. Soi vào cơ chế điều hành của nước này người ta mới tá hỏa lên rằng ai dè họ có một cơ chế quan liêu đến thế, bộ máy hành chính thì cồng kềnh, nhiều cơ quan có danh sách “nhân viên ma”, cốt để nhận lương còn thực tế thì đi làm nghề khác. Một số công ty Nhà nước ít ỏi của nước này trở thành nơi làm bến đậu cho các cậu ấm, cô chiêu và một nhóm lợi ích rất yếu kém về năng lực. Trong các bản tấu trình của các Táo Châu Âu năm ngoái, ta toàn nghe những lời hay ý đẹp, người ta hi vọng nhiều rằng kinh tế Trái Đất năm nay phục hồi theo hình chữ W chữ U, thậm chí chữ V …, thế nhưng, ta vừa ở Châu Âu về, nhiều dự báo cho thấy để vượt ra khỏi cơn suy thoái nặng nề vừa qua, kinh tế thế giới còn phải trải qua một chặng đường dài, quanh co và đau đớn. Tồi tệ nhất vẫn là các nước Châu Âu thuộc khối EURO hiện đang phải giải quyết vấn đề nợ nần quốc gia quá mức. Ngân hàng Citygroup báo cáo ta: ""Sự sụp đổ theo kiểu hiệu ứng domino rất có khả năng sẽ xảy ra đối với hệ thống ngân hàng và các nền kinh tế châu Âu". Có người còn khẳng định: sau Hi Lạp, Ireland thì Bồ Đào Nha là nước tiếp theo cần Châu Âu giúp đỡ, tiếp đó là Tây Ban Nha và 2 nước này đang mong Trung Quốc đổ tiền vào đây mua trái phiếu chính phủ. Chuyện to lắm rồi, việc tái cấu trúc nợ công tại châu Âu là điều không tránh khỏi, và nếu các Chính phủ không ra tay kịp thời, nợ công sẽ trở thành một bệnh dịch ở cấp độ toàn Châu lục và tác động đến cả hành tinh.

Kinh tế Mỹ khá hơn nhưng vẫn chưa có biểu hiện gì về một bước ngoặt "thay đổi", bất hòa tiền tệ Mỹ-Trung còn lớn lắm. Nỗ lực của Mỹ trong việc cắt giảm thâm hụt tài khóa và cán cân thương mại còn gặp nhiều khó khăn, buộc Chính phủ Mỹ phải thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ và lại còn quyết định in thêm 600 tỷ USD nữa. Cuối cùng thì đầu tàu kéo nền kinh tế Trái đất vẫn chỉ dựa vào các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…Táo Trung Hoa còn cho ta biết, sau khi sử dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) phải nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 0,31%, đây là lần nâng giá đồng nội tệ lớn nhất kể từ tháng 6, đồng thời tăng dự trữ bắt buộc lên 18% tại 6 ngân hàng thương mại lớn nhằm kiềm chế lạm phát. Trong đó, giá lương thực tăng trên 10%, giá bất động sản tại 70 thành phố tăng 8,6%.

Lại nói thêm về Hội nghị G20, những lúc sóng yên biển lặng người ta chỉ nói đến G7, lúc khó khăn phải cậy đến nhóm này, tuy nhiên họ nói nhiều, làm ít, khi hoạn nạn họ đoàn kết với nhau, nay thoát khỏi bờ vực thẳm thì họ lại chia rẽ. Không khéo G20 sẽ thành diễn đàn tranh cãi thường xuyên giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

3. Ngọc Hoàng vẫn say sưa giải thích về tình hình kinh tế toàn cầu, nhưng, vốn là nhà báo luôn chủ động, BT khéo cắt ngang và vội vàng trình bày những thành tựu của Việt Nam trong năm con Hổ, nào là GDP tăng trưởng thuộc tốp cao nhất của địa cầu, nào là xuất khẩu kỷ lục, nào là FDI, ODA, kiều hối… đạt mức hết sức khả quan, mặc dù lũ lụt miền Trung nặng lắm. Ngài nghe chăm chú, lặng lẽ gật đầu tán thưởng nhưng tỏ ra đăm chiêu suy nghĩ. Để trả lời thắc mắc của BT, Ngài tu luôn một vại bia và chậm rãi nói suy nghĩ của mình.

Ta không quên, không thể nào quên, hình như là vào năm 1986, nước Nam có câu sấm truyền rằng: "Phải tự cứu mình, trước khi Trời cứu". Lúc ấy, ta tự ái lắm, bởi lẽ chẳng ai còn cần đến ta, nhưng cố nhịn để theo dõi, được biết sau 25 năm đổi mới, các người đã thành công vang dội trên rất nhiều lĩnh vực... Ta mừng lắm lắm, thấy nước Nam quyết chí đi lên, thậm chí sai Thiên lôi mấy lần làm khó dễ nhưng các khanh vẫn trụ vững. Nay ta xuống đây, tiếp cận nhiều đối tượng vẫn nghe câu ấy, nhưng nổi lên mạnh mẽ lại là từ miệng các quan tham. Nghe câu ấy lòng ta như dao cắt, nước mắt đầm đìa và tự hỏi nước Nam sao nỡ có kẻ chỉ biết lợi ích cá nhân của mình như thế. Năm nay ta xuống hạ giới bởi còn một lý do khác. Lạc Long Quân và Âu Cơ than phiền với ta rằng 100 người con của họ trong bọc trứng ngày nào, kẻ lên rừng, người xuống biển nhưng rừng thì bị tàn phá hoặc cho thuê, còn biển thì khó bề đánh cá. Ta chưa rõ thực hư nhưng các khanh nhớ cho: trời sẽ không dung kẻ nào đang tâm cướp hoặc bán rẻ tài nguyên dân tộc.

Ta vừa thăm khu du lịch Vân Long và Tràng An ở Ninh Bình. Cái vùng bán sơn địa này nay đã biến thành nơi sông nước hữu tình, thành một vịnh Hạ Long trên cạn. Nghe nói nông dân ở đây đã bán đất chiêm trũng với giá mỗi sào từ 3,7 đến 5 triệu VND và được nhận vào làm dân chèo thuyền đưa du khách ngoạn cảnh. Họ nói với ta, hết đất canh tác nên chồng thì ra Hà Nội làm phụ hồ, vợ ở nhà chèo thuyền nhưng phải xếp hàng chờ cả tuần, thậm chí cả tháng mới đến lượt. Ở nhiều vùng khác, nông dân nay cũng không còn đất vì các dự án, sân golf mọc lên như nấm…Trong khi đó, nhiều quan tham giàu lên nhờ đất cát, bổng lộc, có một quan địa phương bỏ hơn 1 triệu USD để mua 2 lọ lục bình cổ. Bọn này tạp ăn lắm, chẳng khác nào lũ rùa tai đỏ mới du nhập vào, đã thế chúng còn dám hỗn lão với linh qui của ta ở Hồ Gươm.

Trở lại báo cáo của khanh về thành tựu năm con Hổ. Ta khen, rất khen, chỉ gợi ý đôi điều. Trước tiên nói về thành tựu kinh tế vĩ mô. Chỉ có kẻ mù mới không thấy được những thành công của nước Nam trong năm con Hổ. Thế nhưng… theo quan điểm của ta, cần hiểu ngành Kinh tế học bằng cách nhìn sâu hơn qua chỉ số GDP, nhiều trường phái nghiên cứu theo hướng là làm thế nào để tối đa hóa GDP. Trẫm nghĩ, việc tối đa hoá GDP bằng mọi giá chính là khủng hoảng. Điều này không chỉ liên quan đến các vấn đề kinh tế, sinh thái, mà là các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng, liên quan đến di cư không kiểm soát được, khoét sâu các căng thẳng về văn hóa…Trẫm nghĩ, trong tương lai các khanh không nên coi GDP là mục tiêu, mà mục tiêu để phát triển phải là những mục tiêu tổng quát hơn, bao trùm hơn.

Tháng 9 vừa rồi, Trẫm đến thăm Bhutan, nghiên cứu của họ thì không bằng Việt Nam, Mỹ hay những nước khác… nhưng họ đưa ra một chỉ số rất đặc biệt đó là chỉ số hạnh phúc. Tăng trưởng GDP là 6,7 % trong khi lạm phát xấp xỉ 12% thì tăng trưởng cao chính là gieo mối họa cho năm con Mèo. Các khanh là phóng viên báo chí, thu nhập cao nên chưa cảm nhận hết sự khổ ải của dân thường mỗi khi đi chợ. Rõ ràng có chuyện người dân đã rất lo ngại vào đồng tiền của mình, USD mất giá thì rõ rồi, trong khi ở nước Nam đã nhiều lần điều chỉnh tỷ giá theo hướng thua kém USD. Còn thành tựu về tăng xuất khẩu ư? Năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, các khanh đã tính sự mất giá của USD chưa? Đã hiểu rằng có tới 50% xuất khẩu là do các doanh nghiệp FDI đóng góp chưa? Nói cho dễ hiểu, kim ngạch xuất khẩu được tính cho nước Nam thực chất phần nhiều là tài sản của Toyota, Adidas, Hyundai…còn của các khanh chỉ là công lao động rẻ. Trẫm rất buồn vì nạn nhập siêu, nhất là tới mức 11 tỷ USD với nước láng giềng, đau xót hơn là nước Nam đang định hướng là quốc gia thiên về xuất khẩu, nhưng lại nhập từ đôi đũa que tăm còn xuất nhiều nguyên liệu. Nhập khẩu là lẽ thường tình, nhưng nhớ cho phải nỗ lực để cân bằng xuất nhập. Ta còn biết việc điều hành kinh tế vĩ mô theo kiểu giật cục, hầu như chưa có dự báo chính xác, thấy dễ thì "zô", thấy bất lợi vội vàng "thắng lại". Hình như nước Nam vừa bỏ lỡ một cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế. Ta biết, Ông Lê Nin ở nước Nga đã từng dạy, đại thể: ưu điểm kéo dài sẽ trở thành khuyết điểm. Ta không dám lạm bàn nhưng có thể liên hệ rằng những nhân tố ưu việt của thời bắt đầu Đổi mới cách đây 25 năm đã phát huy hiệu quả tối đa, những gì đúng lúc đó không còn đủ cho bây giờ mà phải tìm ra đột phá mới. Cái áo cơ chế vừa vặn cách đây mấy chục năm, nay đã chật lắm rồi. Ta vừa ngồi với một vài doanh nghiệp, ta bái phục họ vì vẫn tồn tại với lãi suất ngân hàng lên tới 20%. Với mức này, nuôi con gì, trồng cây gì, kinh doanh mặt hàng gì, đều khó có lợi nhuận. Thế nhưng, họ vẫn lạc quan, khi trả lời câu hỏi của ta họ nói tỉnh bơ rằng bí quyết của họ chỉ nằm trong mấy chữ M: mồ mả, mưu mẹo, mạnh mẽ và mặc mẹ nó". Có lẽ họ Chí Phèo hoặc AQ một tý cho vui chứ thực ra họ có nhiều tâm tư lắm, rằng họ cũng là doanh nghiệp được vinh danh nhưng chẳng bao giờ được ưu ái như những tập đoàn kinh tế quốc doanh kiểu Vinashin. Trong cái rủi có cái may, vụ Vinashin đổ vỡ là bài học cảnh tỉnh để đừng thêm doanh nghiệp lớn nào rơi vào cảnh con tàu mắc cạn. Đã có tín hiệu mừng, từ năm Tân Mão trở đi, nước Nam sẽ quan tâm hơn đến phát triển bền vững, ổn định vĩ mô, cải tiến cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả cạnh tranh.

4. Ngọc Hoàng đột ngột đứng lên ý chừng không cho Bút Trúc hỏi thêm câu gì. Vốn nhanh trí, BT lại mời Ngài một vại bia và năn nỉ: Những chỉ huấn của Ngài thần xin lĩnh hội, coi đó là ý tưởng chỉ đạo cho bản báo cáo tất niên. Chỉ còn một việc là các đồng nghiệp của thần vừa nhắn tin xin Ngọc Hoàng cho một câu đối mừng Xuân năm mới với làng báo in mấy năm nay sa sút do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngài cười tươi, an ủi rằng đó là tình trạng chung của khắp hành tinh, chớ vội bi quan và đọc luôn:

" Xuân đến, Xuân đi, Xuân lại đến!Báo in, Báo chuẩn, Báo còn in”

Bút Trúc dè dặt thưa, còn nội dung bản tấu trình sửa đổi thần xin gửi Ngọc Hoàng tham khảo trước theo thư điện tử. Ngọc Hoàng vội ngăn: Không được, cứ tháp tùng Táo kinh tế lên trao đổi cùng ta, gửi qua internet rất dễ bị WikiLeaks làm lộ, còn gửi qua Namnet thì rất dễ bị thay bài. À quên, nhớ nói với Táo kinh tế rằng lên yết kiến ta đừng cưỡi cá chép nhé, cá basa đáng được khuyên dùng bởi năm nay vừa vượt vũ môn, thoát vòng lao lý tài tình lắm n

Nguyễn Xuân