Aditya-L1 sẽ là đài quan sát không gian đầu tiên của Ấn Độ nghiên cứu Mặt trời. |
Aditya-L1 ("Aditya" có nghĩa là "Mặt trời" trong tiếng Phạn) sẽ mang theo 7 thiết bị để nghiên cứu bầu khí quyển của Mặt trời, các cơn bão từ của Mặt trời và tác động của nó đối với môi trường xung quanh Trái đất.
Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đang lên kế hoạch phóng vệ tinh Aditya-L1 để thực hiện sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời đầu tiên trong tháng này.
Vệ tinh Aditya-L1 sẽ mất khoảng 109 ngày để đi đến quỹ đạo quầng sáng quanh điểm L1 giữa Trái đất và Mặt trời, cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km. Tại đây, vệ tinh Aditya-L1 có thể quan sát Mặt trời liên tục mà không bị cản trở bởi bất kỳ hiện tượng nào.
Aditya-L1 được lắp ráp và tích hợp tại Trung tâm vệ tinh Rao U R (URSC), thành phố Bengaluru, thủ phủ bang miền Nam Karnataka.
Mặc dù Mặt trời đã được nghiên cứu từ lâu nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hiểu làm thế nào lớp khí quyển ngoài cùng, được gọi là vành nhật hoa, lại nóng đến thế - nóng hơn khoảng 1,8 triệu độ F (1 triệu độ C) so với bề mặt của Mặt trời.
Các nhà nghiên cứu biết rất ít về chính xác những gì diễn ra trên Mặt trời trước khi nó giải phóng các tia lửa mặt trời và các đám mây plasma khổng lồ được gọi là sự phun trào khối vành nhật hoa (CME) vào không gian — và đôi khi hướng về Trái đất — và cách các CME tăng tốc đến tốc độ cực lớn gần đĩa Mặt trời.
Các nhà khoa học đang hy vọng đài quan sát Aditya-L1 sẽ cung cấp một số manh mối về những bí ẩn kéo dài hàng thập kỷ này.
Trong khi ISRO chưa công bố thời điểm phóng vệ tinh, song báo chí Ấn Độ đưa tin, sứ mệnh này sẽ "cất cánh" vào tuần đầu tiên của tháng 9.
Giữa tháng trước, tên lửa đẩy LVM3 của ISRO rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota thuộc bang miền Nam Andhra Pradesh đưa thành công tàu đổ bộ Chandrayaan-3 lên quỹ đạo Trái đất. Tàu thám hiểm này dự kiến vào ngày 23/8 sẽ hạ cánh có kiểm soát xuống vùng cực nam của Mặt trăng.
Nếu sứ mệnh thành công, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ 4 sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc có tàu thám hiểm đáp xuống Mặt trăng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, Chandrayaan-3 “đang tạo nên một chương mới trong cuộc du hành không gian của Ấn Độ" và "minh chứng cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà khoa học của chúng tôi”.