Trong căn nhà nhỏ sau ngõ phố 87 Thuốc Bắc, người xem như bước qua cánh cổng kỳ lạ để bước vào một thế giới khác – nơi tất cả mọi thứ, kể cả không khí để thở - như đều được nhuốm một lớp bột màu của thời gian. Mùi hăng hắc ẩm mốc đặc trưng của nhà phố cổ khiến người tới xem tranh Phố Phái như được truyền thêm cảm hứng nghệ thuật khi đối diện với những tác phẩm để đời của ông.
Một cuộc đời đặc biệt
Danh họa Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). Đây làng nghề vẽ tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng. Niềm đam mê hội họa của ông đã được gieo mầm từ chính mảnh đất tốt lành này và những mầm xanh nghệ thuật ấy được vun trồng khi ông trở thành sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Từ năm 1945, họa sĩ trẻ Bùi Xuân Phái bắt đầu tham gia những hoạt động mỹ thuật phục vụ cách mạng và từng được trao giải thưởng Văn hóa cứu quốc tại Triển lãm Mỹ thuật tháng Tám vào năm 1946. Khi kháng chiến bùng nổ, ông lên chiến khu vẽ tranh rồi sau đó lại trở về giảng dạy ở trường Mỹ thuật Việt Nam. Mãi tới khi ngừng dạy vẽ ở trường này, Bùi Xuân Phái bắt đầu vẽ về phố cổ Hà Nội và vẽ tranh Hà Nội chiến đấu. Đó là năm 1957.
Đây chính là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp hội họa của Bùi Xuân Phái khi ông bắt đầu tìm thấy niềm đam mê của mình trong đề tài phố cổ Hà Nội – gắn liền với đó là những kỷ niệm vui buồn, thăng trầm trong suốt cuộc đời ông. Họa sĩ Bùi Thanh Phương nhớ lại: “Mỗi lần chuẩn bị vẽ là ông ấy lại uống rượu vì nếu không uống thì ông ấy không đủ dũng cảm để đối diện với bức tranh mà ông muốn vẽ. Nếu có khi nào đó, ông ấy uống nhiều và vẽ như mê sảng thì đó chính là những bức mà sau này được đánh giá là giá trị nhất”.
Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, ngày ấy, đời sống khó khăn nên ngay cả đồ vẽ cũng phải hết sức tiết kiệm. Họa sĩ Bùi Xuân Phái không có tiền để mua nhiều màu sơn nên ông chỉ có vài màu cơ bản và từ đó pha chế, sử dụng. Mỗi khi xong một bức họa, chỗ sơn dầu còn thừa lại, ông đều sử dụng để vẽ một bức tranh thứ hai. Ông gọi đó là “tranh rửa bút”. Vì thế, ngoài những bức họa có chủ ý của Bùi Xuân Phái, người ta còn được biết đến một dòng tranh với cái tên gắn liền với thời kỳ khó khăn của đất nước: Tranh rửa bút. Nhưng, đó chính là lúc cố danh họa như được “cởi trói” hoàn toàn khỏi những khuôn phép thông thường của tranh Phái. Màu sắc của chúng cũng rất lạ lẫm – không giống bất kỳ dòng tranh nào khác, nhưng chúng vẫn được danh họa viết tên mình dưới góc phải bởi: Nếu không hài lòng, Bùi Xuân Phái sẽ chẳng khi nào ban cho chúng một PHÁI đầy kiêu hãnh – như dấu triện chấp nhận để chúng được bước vào thế giới của nghệ thuật của ông.
Tiếp nối một tình yêu
Danh họa Bùi Xuân Phái qua đời ngày 24/6/1988, để lại hàng loạt tác phẩm giá trị và những giải thưởng mỹ thuật lớn trong nước và quốc tế… Ghi nhận công lao của ông, năm 1996, Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 cho danh họa Bùi Xuân Phái. Trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã quyết định đặt tên phố Bùi Xuân Phái tại khu đô thị mới Mỹ Đình, để vinh danh ông.
Tài năng, nhân cách lớn của Bùi Xuân Phái còn góp phần đào tạo nhiều danh họa cho Việt Nam.
Trong hơn 40 năm làm nghệ thuật, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã gắn bó với Thủ đô, những phố cổ Hà Nội với tình cảm thiết tha, sâu đậm. Tiếp nối tình yêu ấy, gia đình họa sĩ đã cùng với báo Thể thao & Văn hóa nối dài tình yêu ấy bằng sáng kiến lập ra Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội. Giải thưởng được trao hàng năm cho những tác giả, tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội.
5 mùa giải đầy uy tín đã trôi qua, 5 Giải thưởng Lớn đã được trao cho những cái tên đầy tầm vóc như nhà văn Tô Hoài, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, GS. Sử học Phan Huy Lê, nhạc sĩ Văn Vượng… Mùa giải lần thứ 6 này, chỉ có một nhân vật duy nhất được đề cử Giải thưởng Lớn, đó là nhiếp ảnh gia Quang Phùng - người lữ hành vượt thời gian để ghi lại cuộc sống thường nhật của Hà Nội. Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 6 được trao ngày 29/8/2013 - ngay trước ngày sinh của ông.
Đặc biệt, nhân dịp này, công chúng được biết tới bộ ảnh 1.700 tấm về đề tài Hà Nội của nhà ngoại giao Anh John Ramsden - nguyên Tùy viên văn hoá Đại sứ quán Anh quốc tại Hà Nội đầu thập niên 1980. Bộ ảnh này được đề cử hạng mục “Tác phẩm- Vì tình yêu Hà Nội” trong Giải thưởng.
Thiên Đức