Du khách trải nghiệm ngâm chân bằng lá thuốc tại bản Miền, Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Quyên) |
Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, khi có tới 18 huyện, thị xã ngoại thành rộng lớn với những hình thái nông thôn mang đặc trưng riêng, hệ thống di tích lịch sử phong phú, di sản phi vật thể đặc sắc và ẩm thực đa dạng.
Thời gian qua, việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, làng nghề, văn hóa, lợi thế về nông nghiệp tại khu vực ngoại thành Hà Nội để phát triển du lịch đã được ngành Du lịch, ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm.
Việc biến di sản, văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp thành tài sản, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ nhu cầu của đông đảo các du khách trong nước và quốc tế bước đầu đã có những chuyển biến.
Phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử
Những năm gần đây, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tạo ra sản phẩm khác biệt, giàu tính trải nghiệm cho du khách.
Từ những hoạt động ban đầu chỉ gồm tham quan, ăn uống mang tính tự phát, với sự hỗ trợ của Sở Du lịch Hà Nội, chính quyền các địa phương, Hà Nội đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đồng bộ.
Đơn cử như: Du khách được tham gia các hoạt động tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thưởng thức những đặc sản ẩm thực địa phương, mua những món quà lưu niệm mang đậm bản sắc địa phương; có thể ngủ lại tại các homestay. Hầu hết các dịch vụ đều do chính người dân địa phương thực hiện.
Hà Nội đã có những địa bàn cộng đồng tích cực tham gia vào hoạt động du lịch như: Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Khu Di tích Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức), Làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), Điểm du lịch Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng)...
Du lịch cộng đồng đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Tại Bát Tràng, trước đây, các dịch vụ ăn uống chủ yếu là tự phát, thì nay đã có các nhà hàng chuyên phục vụ đặc sản Bát Tràng, trong không gian nhà cổ. Còn tại làng cổ Đường Lâm, hiện có hơn 100 gia đình tham gia "chuỗi" cung ứng dịch vụ du lịch, đem lại kinh tế ổn định.
Hay mới nhất, trong năm nay, điểm du lịch cộng đồng bản Miền tại thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì được xây dựng theo mô hình du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đầu tiên đưa vào hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội.
Điểm nhấn cốt lõi để Thủ đô xây dựng bản du lịch cộng đồng bản Miền là gắn với nghề làm thuốc nam, phát triển mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Từ đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) nhận thấy, Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng khi có lợi thế lớn cả về nền văn hóa đa dạng, giá trị truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số, có giá trị thiên nhiên hấp dẫn từ phố thị, đồng bằng đến vùng núi, lịch sử phong phú và cộng đồng dân cư thân thiện, nhiệt huyết.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nhận định: "Du lịch cộng đồng đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời, phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương".
Du khách lựa chọn các sản phẩm truyền thống của làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm). (Ảnh: Đỗ Tâm) |
Để nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội, du lịch cộng đồng là một trong những mũi nhọn được tập trung đầu tư để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô.
Ông Trần Trung Hiếu cho hay, trong tương lai gần, ngành du lịch Thủ đô đang tập trung gắn phát triển du lịch với hoạt động nông nghiệp, sinh hoạt làng nghề, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm văn hóa làng quê.
Theo Phó Giáo sư Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn Hà Nội, phát triển du lịch cộng đồng đòi hỏi quá trình điều tra kỹ lưỡng về các điều kiện phát triển du lịch cộng đồng ở góc độ cung và cầu.
Bên cạnh đó, cần có tư duy sáng tạo để đưa ra các ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương, giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, tránh sự trùng lặp. Nói cách khác, tính đặc thù là điểm mấu chốt trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng.để người dân có được kỹ năng, kiến thức làm du lịch, cần phải được tập huấn, hướng dẫn và kết hợp cùng kinh nghiệm thực tế.
Ông Phạm Hồng Long khẳng định: "Việc huyện ngoại thành Hà Nội phát triển du lịch cộng động, du lịch xanh không chỉ góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương".
Để du lịch cộng đồng ở Hà Nội được nhân rộng, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Hà Nội cần tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tập trung vào khai thác và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống; thúc đẩy sự hợp tác, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng và du khách, cải thiện hạ tầng du lịch, dịch vụ ở các khu vực cộng đồng.
“Đặc biệt, cần căn cứ vào những giá trị hiện có để xây dựng cộng đồng, xây dựng sản phẩm, nâng cao giá trị điểm đến trước khi có kế hoạch đầu tư lớn. Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững, tạo cơ hội cho người dân tham gia và hưởng lợi từ du lịch", ông Quỳnh nhấn mạnh.