Thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn). (Nguồn: BQN) |
Chính thức có Ban quản lý
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công bố Nghị quyết của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh. Sau 3 năm triển khai mô hình thí điểm (từ ngày 21/4), UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã chính thức trao quyết định bổ nhiệm ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh giữ chức vụ Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn. Ông Lê Hữu Phúc, Phó trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh, được điều động bổ nhiệm làm Phó trưởng ban.
Theo quyết định của Thủ tướng, Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp với Khu kinh tế Vân Đồn; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong Khu kinh tế Vân Đồn theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý gồm: Văn phòng, Phòng Nghiệp vụ và Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư. Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư.
Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh được hoạt động trong ba năm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện sự quan tâm, tin tưởng, sự ủng hộ, thống nhất cao của tập thể Chính phủ đối với sự phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Xuân Ký cũng chúc mừng và gửi gắm niềm tin tưởng đối với cá nhân 2 lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn được điều động bổ nhiệm sẽ tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm công tác của mình cùng tập thể Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn tập trung tham mưu, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy (đứng giữa) được bổ nhiệm làm Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn. |
Tiếp tục đề xuất các ý tưởng đột phá
Khu kinh tế Vân Đồn hiện có 34 dự án của các nhà đầu tư chiến lược đang được triển khai; trong đó có 13 dự án đã giao cho chủ đầu tư, 11 dự án đang nghiên cứu quy hoạch và 10 dự án đã duyệt quy hoạch chi tiết, đang lựa chọn chủ đầu tư.
Tại các buổi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở Khu kinh tế Vân Đồn hồi tháng Ba vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định, quan điểm Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đã được phê duyệt, rà soát các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị cho các khu chức năng trong Khu kinh tế, Quảng Ninh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư mới, các dự án trọng điểm, coi đây giải pháp trọng tâm, tạo động lực phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Đến nay, tại Khu kinh tế Vân Đồn ngoài dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào khai thác, các dự án còn lại đang được các nhà đầu tư vào cuộc triển khai một cách tích cực.
Điển hình trong số đó, phải kể đến 13 dự án đã được tỉnh giao đất cho các chủ đầu tư như dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1 của Tập đoàn CEO; dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải của Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải; Dự án Khu đô thị mới Ao Tiên; Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Dài của Công ty cổ phần Vân Đồn Heritage Road; dự án Quần thể sân golf, khách sạn năm sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Đăng...
Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vân Đồn sẽ được xây dựng trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; xây dựng đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững.
Vì vậy, mục tiêu trong thời gian tới của Tỉnh là hỗ trợ các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án: Khu công nghiệp Y - Dược công nghệ cao; Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; du lịch sinh thái tại xã đảo Ngọc Vừng; Khu dân cư đô thị Ocean Park; Quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Ao Tiên…
Bên cạnh đó, Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, như: Phát triển đô thị xung quanh khu vực sân bay Vân Đồn; các khu công nghiệp công nghệ cao; đô thị du lịch gắn với bến du thuyền; du lịch cao cấp tại các đảo và các công trình, dự án ưu tiên đầu tư được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội...
Ngoài ra, Quảng Ninh đẩy mạnh công tác truyền thông, hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức lựa chọn các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến để đầu tư các dự án tại Khu kinh tế Vân Đồn nhằm giúp khu kinh tế sẽ có thêm nhiều dự án phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ được khởi công trong năm 2020.
Những nỗ lực này hứa hẹn đem đến cho Khu kinh tế Vân Đồn diện mạo mới, hiện đại, đồng bộ, tiếp tục tạo động lực quan trọng cho các kế hoạch thu hút đầu tư mới của Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Có thể khẳng định rằng, với sự quan tâm của Trung ương và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh, cùng với bộ máy Ban Quản lý mới, Khu kinh tế Vân Đồn sẽ cùng các đô thị hạt nhân của tỉnh, tạo "mắt xích" quan trọng thúc đẩy Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.