Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương” do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội.
Đây là sự kiện thường niên được cộng đồng doanh nghiệp chờ đón để được đối thoại, nêu những khó khăn vướng mắc, kiến nghị đến Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành ở địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Cộng Thương Trần Quốc Khánh, với việc chiếm hơn 8% ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (22/267), kiểm soát 447 thủ tục hành chính, ngành Công Thương được coi là một lĩnh vực quan trọng đối với quản lý nhà nước về kinh tế. Do đó, các quy định và thủ tục hành chính trong ngành Công Thương có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.
Những tiêu chí được hướng tới cho công tác cải cách thủ tục hành chính trong ngành đó là: đơn giản hóa, minh bạch hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa thủ tục hành chính. Để thực hiện các tiêu chí trên, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó có việc thường xuyên tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp về các quy định và thủ tục hành chính.
Bộ Công Thương hiện đang kiểm soát gần 447 thủ tục hành chính. (Ảnh: VCCI) |
Mặc dù đánh giá công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong Ngành đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc hiện hữu trong các quy định, đặc biệt là quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh và thủ tục hành chính.
Ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, các thủ tục hành chính trong ngành Công Thương được đưa ra xuất phát từ 28 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, gấp đôi so với số lượng trung bình các bộ, ngành khác. Điều doanh nghiệp sợ nhất không phải là thủ tục mà chỉ sợ thủ tục không minh bạch, có thể có cách hiểu khác nhau và áp dụng khác nhau, gây nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã tính toán, việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính của Bộ giúp tiết kiệm được trên 4,3 tỷ đồng/năm, dựa trên tính toán chi phí thời gian trung bình chứ chưa tính chi phí cơ hội”, ông Thưởng khẳng định.
Chia sẻ về những vướng mắc trong quy trình thủ tục trong ngành kinh doanh gas, đại diện một doanh nghiệp tại Khánh Hòa than phiền, theo quy định hiện hành nếu doanh nghiệp muốn làm tổng đại lý kinh doanh gas phải có cửa hàng bán gas. Tuy nhiên, nếu muốn bán gas thì lại phải có một số điều kiện của tổng đại lý. Quy định này thực chất lại thành luẩn quẩn, vòng vo, gây khó khăn cho doanh nghiệp và kiến nghị Bộ nên xem xét điều chỉnh.
Thống kê cho thấy, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 6 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 33 thủ tục trong nhóm thương mại điện tử, hóa chất, rượu, năng lượng, an toàn thực phẩm…
Điển hình, riêng trong lĩnh vực điện năng, Bộ Công Thương thực hiện đề xuất giảm tiết kiệm điện năng từ 132 xuống từ 33-41 ngày. Nếu so sánh với thời gian tiếp cận điện năng trung bình của 6 nước đứng đầu ASEAN là 50,3 ngày thì Việt Nam thấp hơn nhiều.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: H.Đ) |
Trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật trong quản lý nhà nước ngành Công Thương.
Bên cạnh đó Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ và sửa đổi hoặc bãi bỏ những vướng mắc tại Nghị định 19 cho doanh nghiệp kinh doanh khí; cân nhắc bãi bỏ quy định về giấy xác nhận trong kinh doanh hóa chất, nhập khẩu ôtô theo Thông tư 20; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Dệt may tháo gỡ những bất cập trong việc kiểm tra mẫu vải quy định tại Thông tư 37… Hiện nay, Vụ Pháp chế đang tập hợp ý kiến, xây dựng, chỉnh sửa để có thể ban hành dự thảo sớm nhất, dự kiến ngay trong tháng 9 hoặc tháng 10/2016.
Hội nghị sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 29/9 tới.