Hội nghị Ngoại trưởng G7 cho thấy mong muốn duy trì ưu thế của các nước phương Tây trước sự cạnh tranh của các cường quốc mới nổi khác. (Nuồn: PA) |
G7 nỗ lực tìm lại vai trò đầu tàu
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), diễn ra từ ngày 3-5/5 tại thủ đô London (Anh), đánh dấu lần họp trực tiếp đầu tiên của nhóm G7 trong 2 năm qua.
Trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, chương trình nghị sự của Hội nghị tập trung vào các vấn đề như phân phối vaccine, hồi phục kinh tế hậu Covid-19, biến đổi khí hậu, mối quan hệ với Nga, Trung Quốc.
Hội nghị cũng nhằm chuẩn bị sự kiện quan trọng là Hội nghị thượng đỉnh G7 do Anh chủ trì, dự kiến diễn ra ở Cornwall, Tây Nam nước Anh vào tháng 6 tới.
Ngoài Ngoại trưởng của các nước thành viên G7 gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada, việc nước chủ nhà Anh mời thêm một số vị khách đặc biệt, gồm Ngoại trưởng các nước Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brunei - Chủ tịch ASEAN, cho thấy mối quan tâm của Anh cũng như nhóm G7 đa dạng hơn nhiều, ngoài vấn đề ứng phó đại dịch.
Theo thông cáo của nước chủ nhà, điều này “mang tới kinh nghiệm và sự hiện diện rộng lớn hơn, cũng như chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Những cam kết tại Hội nghị cũng như việc mời các vị khách đặc biệt cho thấy G7 muốn tạo được dấu ấn trong nỗ lực tìm lại vai trò đầu tàu trên trường quốc tế, duy trì ưu thế của các nước phương Tây trước sự cạnh tranh của các cường quốc mới nổi khác.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Dominic Raab nhận định hội nghị lần này cho thấy “ngoại giao đã trở lại” và là cơ hội để các quốc gia cùng nhau giải quyết những vấn đề quốc tế.
Theo các nhà phân tích, rõ ràng Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này đã phần nào nhen nhóm tinh thần đối thoại, hợp tác sau năm 2020 ảm đạm vì dịch Covid-19 và các chính sách đơn phương.
Tuy nhiên, liệu đồng thuận về tinh thần ấy có được chuyển hóa thành hành động hay không thì phải đợi những kết quả cụ thể của Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng tới.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thất bại trong việc thành lập chính phủ mới theo đúng thời hạn. (Nguồn: EPA) |
Israel: Kỳ vọng mới liệu mong manh?
Sau cuộc tổng tuyển cử Israel hồi cuối tháng 3/2021, ngày 5/5 là thời hạn chót để đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu thành lập một chính phủ liên minh. Tuy nhiên, ông Netanyahu đã không thể thực hiện được nhiệm vụ này trong thời hạn 28 ngày theo quy định.
Phần lớn sự bế tắc trong thành lập chính phủ mới của ông Netanyahu được cho là do lập trường một số đảng phái không muốn phục vụ dưới quyền một Thủ tướng đang bị xét xử.
Hiện Thủ tướng Netanyahu đang hầu tòa vì một loạt cáo buộc tham nhũng, dù ông nhiều lần bác bỏ các cáo buộc chống lại mình. Phiên tòa xét xử ngày 5/4 vừa qua đã đánh dấu là phiên tòa hình sự đầu tiên ở Israel đối với một thủ tướng đương nhiệm.
Trong hoàn cảnh này, Tổng thống Israel Reuven Rivlin ngày 5/5 đã có cuộc gặp với lãnh đạo các đảng tại nước này nhằm tìm ra ứng cử viên có thể thành lập chính phủ mới. Ông Rivlin đã giao trách nhiệm thành lập chính phủ mới cho lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập, ông Yair Lapid.
Ngay sau đó, ông Lapid đã tuyên bố sớm xúc tiến đàm phán thành lập chính phủ thống nhất, khẳng định chính phủ mới sẽ hợp tác nhằm giải quyết những thách thức về kinh tế và an ninh. Lãnh đạo đảng Yesh Atid cũng có thời hạn 28 ngày để công bố thành phần chính phủ.
Trong khi đó, ông Netanyahu sẽ vẫn nắm quyền thủ tướng cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Nếu ứng cử viên mới không thể thành lập chính phủ trong vòng 28 ngày, Tổng thống có thể ủy quyền cho Quốc hội trong vòng 21 ngày. Nếu tiếp tục thất bại, Israel sẽ tổ chức vòng bầu cử thứ 5 trong hơn 2 năm. Đồng nghĩa, Israel lại rơi vào “vòng luẩn quẩn” của bế tắc chính trị kéo dài.
Quan hệ Nga-EU lại có dấu hiệu xuống dốc khi liên tục trả đũa nhau. (Nguồn: RIA Novosti) |
Nốt nhạc trầm trong quan hệ Nga-EU
Quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) vốn đang căng thẳng đã tiếp tục “lao dốc” mạnh khi các động thái trừng phạt-đáp trả giữa hai bên ngày càng gia tăng.
Sau khi Bộ Ngoại giao Nga ngày 30/4 thông báo cấm nhập cảnh đối với 8 quan chức châu Âu để đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào giới chức Nga hồi tháng 3, EU ngày 3/5 đã triệu Đại sứ Nga tại khối này tới phản đối về động thái này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli ra tuyên bố chung lên án quyết định của Nga, cho rằng điều này là "không thể chấp nhận được, không có bằng chứng pháp lý và hoàn toàn không có cơ sở".
EU tuyên bố "bảo lưu quyền đưa ra những biện pháp thích hợp để đáp trả".
Trước khi đưa ra lệnh trừng phạt các quan chức châu Âu, Moscow cũng đã trục xuất một loạt nhân viên ngoại giao của các nước thành viên EU như Czech, Ba Lan, Thụy Sỹ… để trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga.
Những động thái nêu trên cho thấy, một “vòng xoáy đối đầu” mới lại xuất hiện trong mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa Nga và EU. Trong bối cảnh “cuộc chiến trừng phạt” không ngừng gia tăng giữa Nga và EU, Nghị viện châu Âu mới đây ra một nghị quyết tuyên bố Nga không còn là một đối tác chiến lược của EU.
Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov cũng khẳng định với lập trường cứng rắn rằng, Moscow sẵn sàng cắt đứt hoàn toàn quan hệ nếu EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Nga.
Những động thái trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và EU gia tăng nhanh gần đây đang gây nhiều quan ngại, có thể khiến tiến trình đàm phán, giải quyết một loạt vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống của khu vực và toàn cầu trước nguy cơ bị đình trệ.
Việc Trung Quốc đình chỉ cơ chế đối thoại kinh tế với Australia được xem là một bước lùi mới trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước. (Nguồn: AFP) |
Trung Quốc lại "chơi khó" Australia
Ngày 6/5, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) thông báo đình chỉ "vô thời hạn" tất cả hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung Quốc-Australia.
Theo cơ quan trên, quyết định này xuất phát từ "thái độ gần đây" của chính phủ Australia trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne ngày 6/5 bày tỏ sự "thất vọng" trước động thái mới của Trung Quốc. Canberra sẵn sàng và có thể tham gia Đối thoại Kinh tế chiến lược, song quyết định cuối cùng thuộc về phía Bắc Kinh.
Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung Quốc-Australia, một diễn đàn quan trọng nằm trong các cuộc gặp thường kỳ của thủ tướng hai nước, là một phần quan trọng của các cơ chế khác nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước.
Bởi vậy, việc Trung Quốc đình chỉ cơ chế đối thoại kinh tế với Australia được xem là một bước lùi mới trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai quốc gia.
Gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục đưa ra các quyết định áp thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Australia bị áp thuế cao vượt bậc hoặc bị đình chỉ nhập khẩu vào Trung Quốc, như lúa mạch, sợi bông, thịt bò, tôm hùm, rượu vang, gỗ và than đá…
Mới đây nhất, ngày 26/3, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo áp đặt các mức thuế chống bán phá giá dao động từ 116,2% đến 218,4% đối với rượu vang Australia nhập khẩu, có hiệu lực trong vòng 5 năm tới.
Trước đó vào tháng 12/2020, Australia đã chính thức khởi kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc áp đặt mức thuế cao hơn 80% đối với mặt hàng lúa mạch xuất khẩu của Australia.
Giá trị thương mại của Australia với Trung Quốc tại hầu hết các ngành giảm 40% kể từ khi tranh chấp thương mại gia tăng.
Thông điệp "Hãy ở nhà" nhằm phòng tránh dịch Covid-19 lan truyền ở Nhật Bản. (Nguồn: AP) |
Chưa thể cản đường Covid-19!
Tính đến sáng 12h trưa ngày 8/5, theo trang Worldometers, thế giới đã ghi nhận 157.551.182 ca mắc Covid-19, trong đó 3.284.031 ca tử vong và gần 135,6 triệu ca đã hồi phục.
Với con số hơn 800 nghìn ca mắc mới và gần 13,7 nghìn ca tử vong trong 24 giờ qua, thế giới vẫn đang quay cuồng với thảm họa Covid-19, trong khi đó các chiến dịch tiêm vaccine đều chậm trễ.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 594.909 ca tử vong trong tổng số hơn 33,4 triệu ca nhiễm. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa tuyên bố mục tiêu tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19 cho 70% người Mỹ trưởng thành vào đúng ngày quốc khánh 4/7.
Ấn Độ xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm với 21,8 triệu ca, song đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 238.265 ca. Với hơn 15 triệu ca nhiễm và 419.393 ca tử vong, Brazil xếp thứ ba thế giới về số ca mắc và thứ hai thế giới về số bệnh nhân không qua khỏi
Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 293 người tử vong. Tiếp đến là CH Czech với 276 người và Bosnia-Herzegovina với 267 người/100.000 dân.
Nhật Bản ngày 7/5 ghi nhận thêm 6.057 ca mắc mới, lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 ca/ngày kể từ ngày 16/1. Thủ tướng Suga Yoshihide đã tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với 4 địa phương là Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto đến hết ngày 31/5, đồng thời bổ sung thêm 2 tỉnh Aichi và Fukuoka vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp từ ngày 12/5.
Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp.
Như vậy, vaccine của Sinopharm trở thành vaccine ngừa Covid-19 thứ sáu được WHO phê chuẩn. Đây cũng là lần đầu tiên WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho một loại vaccine do Trung Quốc phát triển và bào chế.
Nhân viên cứu hộ và cứu hỏa nhanh chóng có mặt, triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân của vụ sập cầu vượt metro ở Mexico City tối ngày 3/5. (Nguồn: Reuters) |
Tai nạn thương tâm ở thủ đô Mexico City
Ngày 3/5, một vụ tai nạn sập cầu có tuyến đường sắt chạy qua đã xảy ra tại thủ đô Mexico City (Mexico) làm ít nhất 24 người chết và 78 người bị thương.
Vụ tai nạn xảy ra khi một đoạn đường sắt trên cao ở phía Nam thành phố bất ngờ bị sập xuống làn đường phía dưới có nhiều ô tô đang lưu thông.
Tuyến đường sắt xảy ra vụ tai nạn trên có 12 đoạn trên cao, giữa 2 ga Olivos và Tezonco, quận Tlahuac. Mexico City có 12 tuyến đường sắt, chuyên chở hàng triệu hành khách mỗi ngày. Tuyến đường sắt Metro 12 chạy qua cây cầu cạn vừa bị sập đã được xây dựng gần 10 năm trước.
Ngay sau vụ tai nạn, các phương tiện truyền thông phát đi các hình ảnh từ hiện trường cho thấy, các nhân viên cứu hộ và cứu hỏa đã nhanh chóng có mặt, triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân dưới đống đổ nát.
Đến nay, công tác cứu hộ và đưa thi thể các nạn nhân bị kẹt trong 2 toa tàu đã hoàn tất. Cơ quan chức năng đang tiến hành xác nhận danh tính của những người tử nạn. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng mời thanh tra và giám sát viên quốc tế đến hỗ trợ điều tra nguyên nhận của vụ tai nạn.
Chính phủ Mexico tuyên bố quốc tang vào ngày 4/5 để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ tại nạn. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và gia đình, khẳng định sẽ điều tra minh bạch nguyên nhân của vụ việc.
Lần cuối cùng hệ thống metro của Mexico City chứng kiến một tai nạn chết chóc cỡ này là năm 1975, khi đó hai đoàn tàu lao thẳng vào nhau dưới lòng đất, khiến 31 người thiệt mạng.