Chiều 12/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới.
Diễn đàn góp phần nhận diện và phát huy các động lực tăng trưởng cũ và mới có ý nghĩa hết sức quan trọng để điều hành và phát triển nền kinh tế trong năm 2024; đồng thời đưa ra các kiến nghị phù hợp cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) cần được đẩy mạnh cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen...).
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Châu) |
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI nhận định, khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
“Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư. Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện”, ông Phòng nhấn mạnh.
Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. |
Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh cho rằng, kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thuận lợi, xuất siêu duy trì đà tăng mạnh từ năm 2023 tạo điều kiện thuận lợi cho ổn định tỷ giá, điều hành lãi suất, sản xuất công nghiệp, và kỳ vọng của nền kinh tế. Trong nhiều yếu tố thuận lợi thì việc lãi suất điều hành của các Ngân hàng Trung ương sẽ không tăng và có nhiều khả năng giảm trong năm 2024 là yếu tố hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi vẫn còn tồn tại những điểm khó khăn. Cụ thể, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp khó do thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa trở thành kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn chưa có sự khởi sắc.
Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Châu) |
Trong thời gian tới, ông Tú Anh đánh giá, Việt Nam cần lưu ý đến một số yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, các rủi ro địa chính trị, việc đóng cửa biển Đỏ do chiến sự sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng..
Mặt khác, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn đang ngày càng sâu sắc làm ảnh hưởng tiêu cực đến các dòng vốn và thương mại. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được khơi thông, gần 300 nghìn tỷ đến hạn trong năm 2024 có thể tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản không được khơi thông sẽ trở thành điểm nghẽn lớn.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, nói rằng năm 2024 được dự báo là khu vực và thế giới sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, biến động khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp.
TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, Việt Nam đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, và bảo đảm an sinh xã hội. Đó chính là những nền tảng quan trọng để quyết liệt hơn với những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, Việt Nam cần phải quyết liệt đổi mới tư duy.
Bà Minh cho biết, CIEM vừa được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tín nhiệm, ủng hộ làm Trưởng nhóm xây dựng Chương trình cải cách cơ cấu mới của APEC cho giai đoạn 2026-2030, dự kiến sẽ được công bố vào năm 2025. Trên nền tảng ấy, bà Minh cho rằng Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ.
Đồng thời khẳng định, thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng. Tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy nếu xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách với mức trung bình của OECD về các rào cản thương mại và đầu tư, Việt Nam có thể tăng GDP bình quân đầu người thêm 1% sau 01 năm, và 7,3% sau 10 năm tiến hành cải cách (so với kịch bản không cải cách).
TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, và bảo đảm an sinh xã hội. (Ảnh: Hồng Châu) |
“Việt Nam cũng cần lưu tâm đến cả những nội lực khác của nền kinh tế, gắn với quy mô dân số đã vượt 100 triệu dân, gắn với tầng lớp thu nhập trung bình có thể đạt hơn 50 triệu người vào năm 2050, thế hệ ‘Gen Z’ đang ngày một mở rộng và nguồn tài nguyên dữ liệu nhiều tiềm năng", bà Minh lưu ý.
Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp, kiến nghị để khơi thông các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể như: nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)….
Hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; tiên phong đổi mới sáng tạo..