Thách thức và cơ hội
Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar Võ Thị Ngọc Diệp. |
Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, sản phẩm từ chất dẻo; nhập khẩu hầu hết là hàng nông, thủy sản, cao su, nguyên liệu, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Hiện có hơn 200 doanh nghiệp (DN) Việt Nam có hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức như Văn phòng đại diện, Chi nhánh, Công ty 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Nổi bật nhất là Dự án Nhà mạng Mytel có tổng vốn đăng ký 1,384 tỷ USD, trong đó Viettel nắm 49% cổ phần; Dự án khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; Ngân hàng BIDV chi nhánh Yangon; Hãng Vietjet Air mở thêm đường bay Hà Nội – Yangon vào năm 2017.
Để không ngừng phát triển, mở rộng thị trường tại Myanmar, các DN Việt đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Ngoài rào cản về ngôn ngữ, tập quán kinh doanh, DN Việt còn phải chật vật cạnh tranh với các bạn hàng truyền thống của Myanmar (như Trung Quốc, Thái Lan) vốn có lợi thế rất lớn về chi phí vận chuyển. Ngoài ra, thói quen thanh toán bằng hình thức điện chuyển tiền (TTR), không mở tín dụng thư (LC) cùng với việc chậm thanh toán tiền hàng cũng là những khó khăn mà DN Việt Nam phải đối mặt.
Bên cạnh đó, Myanmar vẫn duy trì hệ thống cấp phép nhập khẩu - một thủ tục hành chính mất thời gian và chi phí. Cơ sở hạ tầng về điện, giao thông kém; thủ tục giấy tờ hành chính qua nhiều cấp phê duyệt, cộng với những hướng dẫn thực hiện không nhất quán từ các cấp cũng gây trở ngại không ít cho DN.
Mặc dù vậy, với nguồn tài nguyên thiên dồi dào, lao động rẻ, các ngành sản xuất trong nước còn kém phát triển và Chính phủ chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài, người dân có tâm lý ưa chuộng hàng Việt Nam... Myanmar vẫn là thị trường rất nhiều tiềm năng, có nhiều dư địa để phát triển trên hầu hết các lĩnh vực.
Hội thảo thúc đẩy thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar, tháng 9/2018. |
Thời gian gần đây, Chính phủ Myanmar đã đưa ra nhiều cải cách để thu hút đầu tư, thể hiện ở việc ban hành Luật đầu tư mới 2016 và Luật DN 2017 có hiệu lực thi hành vào tháng 8/2018. Điểm nổi trội nhất của Luật DN 2017 là nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tối đa 35% cổ phần trong DN bản địa và có thể thực hiện chức năng kinh doanh, điều mà trước đây nhà đầu tư nước ngoài không được phép.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Myanmar đã ban hành Thông tư số 25 mở cửa thị trường bán lẻ, bán buôn. DN đầu tư nước ngoài với số vốn tương ứng 3 triệu USD (bán lẻ), 5 triệu USD (bán buôn) được nhập khẩu và kinh doanh 24 nhóm sản phẩm tại các hệ thống bán buôn, bán lẻ của mình. Từ tháng 8/2018, Cơ quan quản lý đầu tư và đăng ký DN triển khai đăng ký DN trực tuyến theo Myco, giảm thiểu thời gian của DN, đặc biệt bãi bỏ điều kiện chuyển vốn kinh doanh vào các ngân hàng chỉ định để được cấp phép thành lập như trước đây.
Những bước đi cụ thể
Trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam và Myanmar tiếp tục duy trì sự hợp tác tốt đẹp và chặt chẽ. Đây chính là nền tảng để DN hai nước có nhiều thuận lợi khi thực hiện các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại.
Sau ba tháng khai trương (tháng 6-9/2018), Mytel – Liên doanh giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và các đối tác Myanmar - đã đạt mốc 3 triệu thuê bao di động. Mytel là một trong những ví dụ thành công của các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar. |
Để khai thác được lợi thế, nắm bắt cơ hội đầu tư tại Myanmar, các DN Việt Nam cần có những chính sách phù hợp. Cụ thể, cần xây dựng chiến lược hợp tác đầu tư dài hạn giữa đối tác hai nước. Hiện hai nước đã thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Myanmar và Hội Hữu nghị Myanmar - Việt Nam. Hai hội cần đưa ra chương trình hành động cụ thể như, tổ chức các hội thảo, diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối giao thương, trong đó, đặc biệt chú trọng vào các ngành hàng cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam.
Hai bên chú trọng lựa chọn các DN Việt Nam có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm làm đầu mối để đầu tư các dự án lớn, trọng điểm tại Myanmar, ưu tiên tập trung và các lĩnh vực Myanmar cần, Việt Nam có thế mạnh; Thúc đẩy việc thành lập Hội DN Việt Nam tại Myanmar để tăng cường kết nối giữa các thành viên, cùng hỗ trợ nhau và có tiếng nói chung bảo vệ lợi ích cho các DN trong những hoạt động kinh doanh, đầu tư, cũng như hướng dẫn và hỗ trợ các DN Việt Nam đang có ý định phát triển thị trường tại Myanmar.
Việc xây dựng kênh thông tin đánh giá, phân tích cụ thể các cơ hội, tiềm năng sẽ giúp các DN Việt Nam nắm bắt được cơ chế, chính sách mới của Myanmar cũng như định hướng đầu tư vào Myanmar trong thời gian tới. Đẩy mạnh hiệu quả hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm thương mại và đầu tư, văn hóa, xã hội và giáo dục. Những nỗ lực trên sẽ gia tăng tin cậy và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Khai thác hiệu quả Tuyên bố chung về Đối tác Hợp tác Toàn diện, lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hợp tác về chính trị, thương mại và đầu tư, an ninh-quốc phòng, nông-lâm-ngư nghiệp, năng lượng, viễn thông, du lịch, tư pháp, giáo dục, giao lưu nhân dân và hợp tác trong các vấn đề khu vực. Cần nghiên cứu thiết lập cơ chế hợp tác mới cũng như ký kết thỏa thuận nhằm thuận lợi hóa và thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.
Võ Thị Ngọc Diệp
Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar