📞

Tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới

Vân Chi 13:51 | 17/09/2022
Chiều 16/9, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với chủ đề "Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới". Hơn 600 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự Diễn đàn.

Diễn đàn do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức nhằm góp phần thực hiện tốt các cam kết tại Hội nghị COP26 và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ.

Diễn đàn là nơi chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp công nghệ và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới.

Diễn đàn gồm hai phiên: Phiên đầu giúp các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước cùng thảo luận và chia sẻ chính sách đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.

Phiên 2 đặc biệt quan trọng với sự tham gia của cộng đồng các viện trường, các nhà khoa học công nghệ trong và ngoài nước sẵn sàng tiếp nhận "các đặt hàng" từ các nhà quản lý, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022, ngày 16/9 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi)

Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn. Theo báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021, nước ta có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Trên thế giới, các cuộc xung đột chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về khí hậu diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, những tác động của hiện tượng ấm lên, nước biển dâng, cháy rừng, lũ lụt đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.

Tại báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, sau hơn 2 năm đại dịch, cùng với tác động lan toả từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, một trong những lý do là giá năng lượng ngày một tăng, tình trạng thiếu hụt và giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao đã xảy ra trong các chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn tới sản xuất đình trệ và giá sản xuất tăng lên.

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, kịch bản tính toán để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, tổng đầu tư cần tăng gấp 3 lần. Do đó, phải mở rộng công nghệ thúc đẩy giải pháp toàn cầu sử dụng tiết kiệm năng lượng. "Đây là điều cần thiết để đảm bảo cam kết về khí hậu", ông nói.

Tại Việt Nam luật sử dụng tiết kiệm năng lượng cũng chú trọng việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tiên tiến, từng bước loại bỏ thiết bị lạc hậu. Các công nghệ cũng được tập trung từ góc độ sản xuất điện năng (sử dụng khí thu hồi, tăng hệ số khai thác, tận dụng nguồn năng lượng sạch), chuyển tải phân phối (sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, IoT, BigData để giảm cường độ tiêu thụ, để tận dụng khu vực năng lượng tiềm năng), hay chuyển đổi năng lượng (công nghệ làm mát, giải pháp tuần hoàn)...

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhận định, có thể thấy ở Việt Nam đang phát triển năng lượng tái tạo rất mạnh mẽ. Phát triển năng lượng tái tạo không chắc chắn là phát triển xanh, nhưng nếu năng lượng tái tạo được kết hợp với kinh tế tuần hoàn thì có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ thiên nhiên.

Để thực hiện tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, thiết bị cho phát triển năng lượng tái tạo phải được sản xuất, phân phối và tái chế một cách an toàn, tiết kiệm và bền vững. Kinh tế tuần hoàn có thể giúp các thiết bị này đạt được chu kỳ phát thải thấp nhất, giảm thiểu chất thải.

"Chính sách của Chính phủ có thể xem xét kết hợp các khái niệm kinh tế tuần hoàn vào tất cả các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo; tạo mạng lưới cho tất cả các bên liên quan đóng góp tích cực vào các mục tiêu phát triển bền vững; phát triển các tiêu chuẩn an toàn và đảm bảo chất lượng trong các sản phẩm mới và tái chế", PGS.TS Nguyễn Hồng Quân đề xuất.

Nhiều chuyên gia cũng gợi ý giải pháp hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sóng biển, xây dựng hệ thống kiểm soát năng lượng toà nhà thông minh dựa trên dữ liệu lớn (BigData), sử dụng điện toán đám mây, giám sát quản lý năng lượng theo hướng bền vững. Các công nghệ ứng dụng trong nông-lâm-ngư nghiệp như chiếu sáng thông minh, làm mát hỗn hợp hay tuần hoàn khép kín thu hồi nguồn nhiệt, khí dư thừa để phát điện.