Đồ bảo hộ, khẩu trang y tế là những mặt hàng đang được sản xuất ổn định tại Việt Nam, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khầu. |
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của các đại diện từ đầu cầu KualaLumpur (Malaysia); TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam); Udon Thani (Thái Lan) và các doanh nghiệp của Việt Nam, Malaysia.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã tập trung thảo luận, trao đổi, nhận định về các nội dung trọng tâm về thương mại hai chiều Việt Nam-Malaysia và các thế mạnh; kinh nghiệm xuất khẩu của Việt Nam và các điểm nhấn giao thương giữa Việt Nam và toàn cầu về trang thiệt bị vật tư y tế trong dịch Covid-19 và 2 năm tới; chứng chỉ Halal và thế mạnh của sản phẩm Halal tại thị trường Malaysia; những thuận lợi và khó khăn khi nhập khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Malaysia.
Ông Phạm Quốc Anh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia cho biết, cơ cấu các loại hàng hóa trao đổi, xuất nhập khẩu giữa hai nước không mang tính cạnh tranh mà bổ sung cho nhau nên có nhiều cơ hội tăng trưởng. Các sản phẩm chính mà Malaysia xuất khẩu sang Việt Nam, gồm máy móc thiết bị điện, máy móc và thiết bị cơ khí, nhựa và các sản phẩm hóa dầu các loại. Trong khi đó, các mặt hàng chính mà Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia là các sản phẩm: gạo, túi xách, giày, hàng dệt may, thủy sản, cà phê, chè…
Theo ông Quốc Anh, Malaysia là một thị trường khá lớn với dân số gần 32 triệu người, thu nhập bình quân đầu người cao và đây là quốc gia có quan hệ thương mại rất tốt với các nước Hồi giáo như Indonesia, các nước Trung Đông… nên khi thâm nhập thị trường Malaysia sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường sản phẩm Halal với nhu cầu hơn 2.000 tỷ USD/ năm.
Bên cạnh đó, Malaysia là nước công nghiệp phát triển, có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng thực phẩm như gạo, cà phê, rau quả, thủy sản, bánh kẹo, vì vậy, dù đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến thương mại thế giới nói chung và thương mại giữa hai nước nói riêng nhưng vẫn mở ra những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đưa các mặt hàng này vào thị trường Malaysia. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nhà cung cấp lớn nhất các mặt hàng nói trên cho thị trường Malaysia.
Trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp về các điểm nhấn giao thương giữa Việt Nam và toàn cầu về trang thiệt bị vật tư y tế trong đại dịch Covid-19, ông Peter Hồng- Phó chủ tịch Thường trực Hiệp Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp trên thế giới tìm đặt mua của Việt Nam các dụng cụ, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19 như găng tay, khẩu trang y tế, các loại áo bảo hộ… Những mặt hàng này đang được trong nước sản xuất ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu.
Ông Peter Hồng cũng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, tạo nên những ảnh hưởng tích cực đến uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam như là một trong những điểm đến an toàn cho đầu tư kinh doanh cũng như đẩy mạnh các hoạt động giao thương thời gian tới.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại nhiều thị trường khu vực châu Âu, Hoa kỳ, ASEAN… vẫn chưa được kiểm soát. Việc các nước áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Vì thế, những giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cực kỳ cần thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trong thời kỳ hậu dịch bệnh.
Thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng triệt để các hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu. Trọng tâm là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đưa vào thực thi và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được phê chuẩn và có hiệu lực. Đây là 2 trong số những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đáng chú ý nhất để các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, đánh giá. Đặc biệt nên tập trung xuất khẩu vào các thị trường, khu vực hết dịch sớm và hiện đang có các FTA với Việt Nam.
| TGVN. Gạo Việt Nam xuất khẩu lập kỷ lục trên 1.000 USD/tấn, giá thịt lợn giảm mạnh, giá xăng ổn định...là những nội dung chính ... |
| TGVN. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 đạt 26.15 tỷ USD, giá thịt lợn giảm mạnh, giá xăng tăng… là ... |
| TGVN. Giá thịt lợn hơi ít biến động, thị trường xuất khẩu có nhiều yếu tố thuận lợi cho gạo Việt Nam, giá xăng giảm ... |