📞

Tìm kiếm lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam và cơ hội phát triển kinh tế nội khối ASEAN

Minh Hòa 09:31 | 25/03/2021
TGVN. Ngày 24/3, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ASEAN 2021 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam, dư địa và cơ hội giao thương nội khối ASEAN".

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Trung ương Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – ASEAN, Tạp chí MEKONG - ASEAN phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Chủ tịch Hội Phát triển Kinh tế Việt Nam-ASEAN Nguyễn Thế Phương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: MH)

Tham dự sự kiện có Chủ tịch Hội Phát triển Kinh tế Việt Nam-ASEAN Nguyễn Thế Phương; Tổng Biên tập, tạp chí Mekong-ASEAN Lại Thanh Bình, Phó Chánh Văn Phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế Nguyễn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam Võ Trí Thành, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long và Phó Vụ Trưởng Vụ Thị trường Á - Phi Bộ Công Thương Đỗ Quốc Hưng cùng một số đơn vị và doanh nghiệp.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Hội nghị. (Ảnh: MH)

Tại sự kiện, Chủ tịch Hội Phát triển Kinh tế Việt Nam-ASEAN Nguyễn Thế Phương khẳng định, tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành "thương hiệu" của ASEAN. Diễn đàn cho thấy vị thế, vai trò của thương mại hàng hóa nội khối ASEAN, góp phần tuyên truyền tới đông đảo các doanh nghiệp, doanh nhân toàn khối ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng về chủ trương, mục tiêu hành động của Chính phủ Việt Nam trong năm 2021; nâng cao nhận thức, ý thức củng cố đoàn kết, gắn kết nội khối, chủ động thích ứng, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt.

Các đại biểu dự Hội thảo. (Ảnh: MH)

Tại Diễn đàn các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận, đặc biệt trong số đó phải kể đến các tham luận như "Tổng quan về Thị trường Việt Nam-ASEAN", "Môi trường đầu tư: Thu hút đầu tư từ khối ASEAN chính sách và thực tiễn" hay "Thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN", "Giải pháp và hướng đi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong chuỗi cung ứng ASEAN".

Bên cạnh đó, các nội dung tham luận như "Vai trò doanh nghiệp Logistics trong phát triển thị trường ASEAN của Việt Nam và Thị trường Vật liệu Xây dựng ASEAN cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam"; "Vai trò của các tổ chức tài chính, mạch máu của giao thương nội khối ASEAN" và "Phát triển Cộng đồng mở"... đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng các doanh nghiệp tham dự.

Ý kiến từ các doanh nghiệp được gửi đến nhiều đại diện Bộ, Ban, ngành. (Ảnh: MH)

Các ý kiến phân tích sâu sắc từ nhiều chuyên gia hàng đầu về kinh tế như TS. Võ Trí Thành, TS. Nguyễn Sơn cũng như ý kiến của đại diện doanh nghiệp... đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn ra dư địa, tìm thấy cơ hội đầu tư kinh doanh trong môi trường khối ASEAN nói chung và từ thị trường Việt Nam nói riêng, thông qua các cam kết và thỏa thuận đã ký, cũng như những khó khăn cần tháo gỡ để ASEAN kết nối và chủ động nâng cao năng lực thích ứng, ứng phó với cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và người dân trong khối ASEAN nói chung, góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị của nhân dân các nước ASEAN.