TIN LIÊN QUAN | |
Đặc sắc tiết mục múa ô, khèn Việt Nam tại giao lưu nghệ thuật châu Á 2016 | |
“Duyên dáng Việt Nam”: Bữa tiệc âm nhạc đẳng cấp |
Cuộc thi do Hội nghệ sĩ múa Việt Nam và Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số phối hợp tổ chức.
Tham dự buổi họp báo, về phía Hội nghệ sĩ múa Việt Nam có NSND Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội, NSND Ứng Duy Thịnh và NSND Trần Kim Quy - Phó Chủ tịch Hội, Nhà giáo ưu tú Trịnh Út Nghiêm; Về phía Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số có đại diện lãnh đạo Hội.
Phát biểu tại buổi họp báo, NSND Ứng Duy Thịnh cho biết, trong 3 ngày (27-28 và 29/11) sẽ diễn ra 2 sự kiện: Sự kiện thứ nhất là Cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam và sự kiện thứ hai là hội thảo với chủ đề “Từ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đến tác phẩm múa chuyên nghiệp”.
Điệu xòe quạt của người Thái vùng Tây Bắc. (Nguồn: Dân trí) |
Theo ông Ứng Duy Thịnh, Cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam nhằm xây dựng và tôn vinh những giá trị nghệ thuật trong lĩnh vực sáng tác múa về đề tài các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Được biết, Cuộc thi sẽ có sự tham dự của hơn 30 tác phẩm múa của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp các tỉnh phía Bắc tham dự, mang đậm màu sắc văn hóa, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong số đó có những tác phẩm như “Vũ điệu Khơ Mú” (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình); “Khau cút thương nhớ” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên); “Lễ Tẩu Slai” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên)… Đây đều là các tác phẩm mới được các đoàn nghệ thuật sưu tầm và do đích thân các biên đạo, diễn viên đang công tác tại đoàn dàn dựng, biểu diễn.
Trao đổi với TG&VN, NSƯT Lâm Bích Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội múa Nghệ An cho biết: Đến với cuộc thi lần này, Chi hội múa Nghệ An sẽ biểu diễn tác phẩm múa “Lằm tửng” (có nghĩa là Ngủ ngồi). Tác phẩm là một câu chuyện độc đáo về tập tục của tộc người Đan Lai - một dân tộc có số dân rất ít ở Nghệ An, nhưng phong tục của họ rất độc đáo.
Theo bà Lâm Bích Nguyên, trong bối cảnh nghệ thuật múa - đặc biệt là múa hiện đại – phát triển vô cùng mạnh mẽ như hiện nay thì việc Hội nghệ sĩ múa Việt Nam và Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số phối hợp tổ chức cuộc thi này là điều vô cùng tuyệt vời.
“Nếu chúng ta không kịp thời gìn giữ và tôn vinh múa dân gian của các dân tộc thiểu số thì nó sẽ bị mai một đi. Chính vì thế, dù miền Trung đang phải nỗ lực khắc phục những hậu quả của bão lũ thì chúng tôi vẫn quyết tâm mang tiếng nói của nghệ thuật múa Việt Nam đến với Cuộc thi” – bà Lâm Bích Nguyên chia sẻ.
Về Hội thảo “Từ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đến tác phẩm múa chuyên nghiệp”, ông Ứng Duy Thịnh cho biết, trên cơ sở những hoạt động biểu diễn và sáng tác thực tế, các nhà lý luận khoa học của ngành múa chuyên nghiệp trong cả nước sẽ bàn thảo và đúc rút ra những bài học kinh nghiệm. Hội thảo cũng nhằm góp phần định hướng tư duy sáng tác mảng đề tài này trong đời sống nghệ thuật đương đại.
Theo Ban Tổ chức, Cuộc thi tác phẩm múa sẽ diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), trong hai ngày 27-28/11 và Hội thảo sẽ diễn ra tại Khách sạn La Thành ngày 29/11.
Chương trình giao lưu học sinh, sinh viên, vận động viên tiêu biểu dân tộc thiểu số Chiều 21/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức họp báo giới thiệu về Chương trình ... |
Hơn 54 tỉ Đồng để phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt Dự án “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn ... |
Trao giải cuộc thi ảnh "Những sắc màu dân tộc Việt Nam" Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số vừa tổ chức khai mạc và trao giải cho ... |