Hình ảnh mô phỏng hành tinh mới được phát hiện quay quanh ngôi sao "mẹ" của nó (Nguồn: CNN) |
Nhóm các nhà thiên văn học Anh, Mỹ và Australia đã phát hiện một hệ hành tinh mới, gồm có hành tinh được đặt tên là 2MASS J2126, chuyển động quay xung quanh một ngôi sao "mẹ" với quỹ đạo dài gấp 7.000 lần quỹ đạo trong đó Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời.
Phát hiện này vừa được công bố trong bản Thông báo hàng tháng của Hội Thiên văn học Hoàng gia Anh.
"Đây là hệ thống hành tinh lớn nhất được tìm thấy cho đến nay. Cả hành tinh và ngôi sao mà nó quay xung quanh đã được tìm ra từ lâu, nhưng chưa có ai nhận ra là hai thiên thể này có mối liên kết với nhau", đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Niall Deacon của trường Đại học Hertfordshire cho biết.
“Hành tinh này không 'cô đơn' như chúng tôi tưởng lúc đầu, nhưng nó cách ngôi sao 'mẹ' của nó rất, rất xa”, ông nhấn mạnh.
Trước đây người ta vẫn nghĩ rằng 2MASS J2126 là một hành tinh trôi nổi tự do, “lang thang” trong vũ trụ và không quay quanh bất kỳ ngôi sao nào. Tuy nhiên, quan sát hành tinh này và ngôi sao mà nó quay xung quanh, các nhà khoa học nhận thấy rằng cả hai đang di chuyển cùng nhau và rõ ràng có liên quan với nhau.
"Làm thế nào một hệ hành tinh rộng lớn như vậy tồn tại được vẫn còn là một câu hỏi mở", nhà nghiên cứu Simon Murphy của trường Đại học Quốc gia Australia cho biết.
Cách xa ngôi sao mẹ của nó 1 nghìn tỉ km, hành tinh 2MASS J2126 có quỹ đạo rộng lớn nhất so với bất cứ hành tinh nào từng được tìm thấy. Nó mất gần 900.000 năm để đi trọn một vòng quỹ đạo. Hành tinh 2MASS J2126 và ngôi sao của nó cách xa Trái Đất tới 104 năm ánh sáng.