Tin bất động sản mới nhất: Đất ven Hà Nội lại dậy sóng; tranh cãi về bong bóng địa ốc. (Nguồn: KTCK) |
Đất ngoại thành tăng giá bất thường
Những ngày đầu tháng 3, thị trường đất thổ cư khu vực Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) bỗng nóng lên trông thấy. Băng rôn quảng cáo nhận chuyển nhượng giăng vào tận các ngõ xóm. Dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), biển nhận ký gửi nhà đất mọc lên san sát.
Đất thổ cư trong làng được rao bán từ 54-66 triệu đồng/m². Lô đất mặt đường liên thôn được chủ nhà báo 105 triệu đồng/m². Những lô đất xen kẹt nằm sâu trong con ngõ nhỏ, chỉ một xe máy đi lọt cũng có giá 40 triệu đồng/m².
Giá nhà đất trong các khu đô thị cũng tăng lên trông thấy: 1 lô shophouse mặt đường 40m tại khu đô thị Nam An Khánh, năm 2019 giao dịch khoảng 39 - 40 triệu đồng/m² nhưng sang năm 2020 giá tăng lên 44 - 45 triệu đồng/m² và hiện giờ lên 70-73 triệu đồng/m², chưa tính tiền xây dựng (tăng 80% sau 2 năm).
Giới kinh doanh cho rằng, nguyên nhân giá đất tăng do chi phí đầu tư lập dự án, chi phí GPMB, tiền sử dụng đất... tăng nhiều so với trước. Bên cạnh đó, giá đất cũng có tác động của yếu tố cung cầu như lãi suất gửi ngân hàng thấp, không có nhiều kênh đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh nên nhiều người quyết định đổ vào đất.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản (VARS) khẳng định, giá đất ngoại thành tăng là một kịch bản đã được đưa ra từ cuối năm trước. Tuy nhiên, với tốc độ và biên độ cao như hiện nay thì chỉ có "thổi" giá và sóng ảo.
Theo ông Đính, giá đất tăng tỷ lệ thuận với gia tăng cơ sở hạ tầng, tức là đầu tư hạ tầng đến đâu thì giá đất tăng đến đó, tăng từng bước một. Nhưng ở các huyện ngoại thành hiện nay, hạ tầng chưa tăng nhiều, trong khi đó giá đất đã tăng gấp nhiều lần, qua đó cho thấy sự mất cân đối, trái quy luật.
So sánh trực quan, giá đất ngoại thành Hà Nội hiện nay đang bằng, thậm chí cao hơn so với các quận nội thành đã hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng cơ sở như quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... Điều này là bất bình thường.
"Nóng" tranh cãi về bong bóng bất động sản
Đã có những lo ngại giá tăng sẽ gây nguy cơ bong bóng bất động sản trong năm 2021. Tuy nhiên cũng có những chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam có thể giữ được nhịp tăng ổn định.
Lãnh đạo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam từng bày tỏ lo ngại về "bong bóng" bất động sản xuất hiện ở TP.HCM khi giá chung cư bị đẩy lên ngưỡng trần. Tương tự tại Hà Nội, giá đất nhiều nơi tăng mạnh, giá nhà tại nhiều dự án xuất hiện mức kỷ lục.
Tuy nhiên một số ý kiến khác lại cho rằng chưa cần lo ngại bong bóng bất động sản hiện nay. Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - cho biết, trái ngược với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành bất động sản tiếp tục ghi nhận những tăng trưởng nhất định, đặc biệt trong số lượng người mua.
"Chúng tôi không tin vào giả thuyết về bong bóng bất động sản. Chúng tôi tự tin rằng thị trường bất động sản Việt Nam có thể giữ được nhịp tăng ổn định. Bong bóng bất động sản được tạo ra bởi các hoạt động cho vay và đầu cơ không kiểm soát.
Hiện nay, các ngân hàng không cho vay nếu thiếu cơ sở và thiếu lý do hợp lý. Giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhu cầu, và nhu cầu đang tăng. Chúng tôi cho rằng sự tăng trưởng này không ở mức nguy hiểm hay mất kiểm soát mà hoàn toàn trong vùng an toàn" - ông Matthew Powell khẳng định.
Bỏ chục tỷ đồng mua căn hộ cho thuê, đại gia "mắc cạn", đua bán tháo
Qua giai đoạn hoàng kim, các căn hộ có diện tích lớn, penthouse đang rơi vào tình cảnh ế ẩm. Nhiều nhà đầu tư rót vốn vào phân khúc này trước đó đang "mắc cạn".
Cách đây 5 năm, một nhà đầu tư bất động sản bỏ ra gần 7 tỷ đồng để mua một căn hộ penthouse có diện tích khoảng 200 m2 tại một dự án khu đô thị cao cấp ở ngoại thành Hà Nội.
Thời điểm đầu, người này có ý định cải tạo thành căn hộ dịch vụ để cho thuê ngắn ngày, cho thuê nghỉ dưỡng. Trong giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ lấp phòng luôn ở ngưỡng trên 70-80%/tháng. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, do đại dịch, rất ít khách thuê căn hộ này nghỉ ngơi. Trong khi đó, mỗi tháng, chủ đầu tư vẫn phải chi 3-5 triệu đồng để thuê nhân viên dọn phòng và trả phí bảo trì căn hộ.
Theo giới chuyên gia bất động sản, từ trước đến nay, dòng sản phẩm căn hộ diện tích lớn vốn đã kén người mua. (Nguồn: VH) |
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, chủ đầu tư có ý định rao bán căn hộ này với mức cắt lỗ khoảng 300 triệu đồng nhưng sau nửa năm rao bán vẫn không có khách mua.
Tương tự, một số nhà đầu tư khác rót vốn vào phân khúc căn hộ có diện tích lớn, trên 100 m2 hiện cũng đang gặp khó, khi tính thanh khoản thấp.
Theo giới chuyên gia bất động sản, từ trước đến nay, dòng sản phẩm căn hộ diện tích lớn vốn đã kén người mua.
Một chuyên gia phân tích, phân khúc này có những đặc điểm như: Giá trị đầu tư lớn (3-15 tỷ đồng); phí bảo trì lớn (thường cao gấp 3-4 lần so với căn hộ nhỏ hơn); nên sức thanh khoản thấp; chỉ phù hợp với mục đích cho thuê nghỉ ngưỡng.
Do đó, từ giữa năm 2020 tới nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, loại căn hộ này không sinh lời nên xuất hiện làn sóng "bán tháo". Theo giới chuyên gia, thời điểm này, nhà đầu tư muốn "dứt áo ra đi" phải chấp nhận chịu thiệt, với mức cắt lỗ tối thiểu 15 - 20%.
Thiếu hụt căn hộ dưới 2 tỷ
Nhu cầu căn hộ có giá từ 800 triệu đến 2 tỷ đồng vẫn gia tăng, trong khi nguồn cung được dự báo tiếp tục giảm.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết, năm qua, nguồn cung phân khúc căn hộ hạng C tại TP. HCM chiếm khoảng 65% thị phần, tương đương hơn 16.500 căn; tại Hà Nội là 29%, khoảng 12.300 căn. Trong bức tranh chung về cơ cấu phân khúc, nguồn cung phân khúc bình dân, trung cấp có vùng giá 800 triệu đến 2,2 tỷ ở TP HCM khá hạn chế.
Savills dự báo, từ nay đến cuối năm, nguồn cung chào bán mới căn hộ hạng C tại TP. HCM và Hà Nội tiếp tục giảm với tỷ lệ tương ứng 50% và 15%. Đi ngược với nguồn cung thì tỷ lệ tiêu thụ dòng sản phẩm này trên thị trường có chiều hướng tăng. Theo ghi nhận, năm 2020, tác động bởi dịch Covid-19 song tiêu thụ nhà ở vừa túi tiền tại TP HCM đạt mức 93% và tại Hà Nội là 61%.
Số liệu từ Vhome (VnExpress) cho thấy tiềm năng lớn của phân khúc nhà bình dân và trung cấp. Theo đó, thống kê từ cuối tháng 12/2020 đến đến giữa tháng 2/2021, căn hộ giá 2,08 tỷ đứng đầu về thu hút lượng khách hàng quan tâm. Top 3 thu hút sự quan tâm thuộc về những căn hộ có giá 2,2 tỷ đồng và top 4 là những căn hộ có giá 1,9 tỷ đồng.
Tập đoàn FLC muốn đầu tư thêm 6 dự án quy mô lớn tại Đắk Lắk
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để nghe báo cáo về tình hình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đắk Lắk, Tập đoàn FLC quan tâm đến các dự án: Tổ hợp du lịch sinh thái vui chơi giải trí và sân golf hồ Ea Nhái (huyện Cư M’gar); Khu đô thị sinh thái hồ Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột); Khu đô thị mới Tây Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột); Khu đô thị mới đường Đông Tây; Khu đô thị phía Nam đường Đông Tây và Khu đô thị phía Bắc đường Đông Tây.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương để đơn vị có thể sớm triển khai các dự án đầu tư tại Đắk Lắk.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cho biết, tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng cả về khí hậu, thổ nhưỡng và con người, rất phù hợp với các lĩnh vực mà Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đang quan tâm. Hiện nay, tỉnh đã và đang có các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội xúc tiến đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đề nghị công ty xem xét các yếu tố để sớm thực hiện những dự án đã quan tâm, dự kiến triển khai trên địa bàn tỉnh.