Tin bất động sản mới nhất: Đà Nẵng dừng cưỡng chế công trình vi phạm của tổ hợp Mường Thanh. (Nguồn: Vietnamnet) |
Hà Nội kiến nghị thu hồi 29 dự án chậm triển khai
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3ha, chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Ba Vì.
Đáng chú ý, trong danh sách này có những dự án rất lớn như: Khu đô thị Tiến Xuân nằm trên địa bàn các xã Đông Xuân, Tiến Xuân (huyện Quốc Oai, Hà Nội) rộng hơn 1.200 ha - là một trong những dự án khu đô thị có diện tích lớn nhất ở khu vực phía Bắc. Dù được khởi công cách đây cả chục năm (từ năm 2007) nhưng đến nay dự án vẫn chưa có động tĩnh.
Dự án khai thác chợ Kim Liên số 23 Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa của Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest. Ngày 30/11/2020, Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest đã bàn giao lại dự án cho quận Đống Đa.
Chính phủ duyệt dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung thuộc dự án nhóm A.
Dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus.
Tổng mức đầu tư dự kiến của Bến cảng Liên Chiểu là khoảng 3.426,3 tỷ đồng. Ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ dự án là 2.994,59 tỷ đồng.
Dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu nằm trong Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cảng Tiên Sa sẽ được chuyển dần thành cảng du lịch sau khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động.
Cả nước sốt đất nền là điều bất thường
Trong bối cảnh thị trường bất động sản, nhất là phân khúc đất nền đang sốt lan rộng khắp cả nước, trao đổi với báo giới, ông Mai Đức Toàn, Giám đốc khối kinh doanh và đầu tư CNT Group cho biết, trong lịch sử, đây là lần đầu tiên sốt đất lan rộng cả ba miền Bắc - Trung - Nam với hàng chục tỉnh thành và là điều bất thường.
Có hai lần nước ta chứng kiến sốt đất trên diện rộng ở hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vào năm 2000 và 2007. Hệ lụy của hai lần này là xuất hiện bong bóng bất động sản và phải mất gần một thập niên mới có thể khôi phục lại.
Sốt đất lần này lại mang tính vĩ mô hơn tất cả những lần trước. Hiện nay, đa số những địa phương đang sốt đất, giá đẩy lên 50%-100% trong vòng vài tuần, thậm chí tăng hàng chục lần. Tuy nhiên chu kỳ sốt đất cục bộ thường diễn ra chỉ vài tuần hoặc cao điểm là vài tháng.
Ông Mai Đức Toàn nhấn mạnh, trong 1 năm nếu mức tăng dao động trên 10%, hoặc nhỉnh hơn đôi chút, thị trường sẽ bền vững. Nếu giá đất trong vòng 1 năm lên đến 50% là bắt đầu cẩn thận, lên tới 70-100%/năm thì có thể xuất hiện rủi ro. Bắt đầu từ 100%/năm trở lên thì bong bóng có thể xảy ra.
Thời điểm này vẫn chưa diễn ra bong bóng nhưng nếu tiếp tục diễn ra và không có sự can thiệp, ngăn chặn kịp thời thì không thể lường trước được điều gì
Sau 5 lần sốt đất, Nhơn Trạch trở thành thành phố hoang
Với diện tích lên tới hàng ngàn hecta, thành phố mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) được kỳ vọng sẽ là khu đô thị đáng sống, sầm uất với hàng chục dự án quy mô. Thế nhưng, trải qua 5 lần sốt đất, thành phố mới lớn nhất khu vực phía Nam đang bị lãng quên, trong cảnh đìu hiu vắng vẻ.
Cụ thể, năm 1996, khi huyện này được phê duyệt quy hoạch lên thành phố, là đô thị loại II với dân số dự kiến đến năm 2020 khoảng 500.000 người cho diện tích 8.000ha. Ngay lập tức, hàng chục doanh nghiệp đổ dồn về đây làm khu đô thị, khu dân cư.
Vào năm 2014 đã có 86 dự án bất động sản được thỏa thuận địa điểm, đến nay chỉ có 18 dự án đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh, 6 dự án đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, 9 dự án đã bồi thường và giao xong đất, 15 dự án đang bồi thường và giao đất một phần, 38 dự án đang lập thủ tục đầu tư, quy hoạch, bồi thường.
Những dự án đình đám ở Nhơn Trạch là: Khu đô thị Đông Sài Gòn do Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch (NIC) với tổng mức đầu tư dự kiến là 6 tỷ USD, quy mô hơn 940ha cũng đang dang dở. Hay tại những dự án của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tập đoàn Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD), Công ty Đệ Tam... đã hình thành gần 20 năm nay, nhưng chỉ lô nhô vài nóc biệt thự xây dở, trở thành bãi chăn thả gia súc. Khu dân cư Phước An-Long Thọ của HUD với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng đã được phân lô, hoàn thiện về điện nước cũng chịu chung số phận bị bỏ hoang…
Có nghĩa, gần 20 năm kêu gọi đầu tư thì tại Nhơn Trạch chỉ có 18 dự án bất động sản đủ điều kiện kinh doanh, bán sản phẩm ra thị trường. Còn lại đều được liệt vào diện dự án "chết" hoặc vượt quá thời hạn đầu tư.
Nhơn Trạch giờ được giới đầu tư mệnh danh là "thành phố ma" nằm trong lòng khu công nghiệp.
Vinhomes dừng nghiên cứu khu đô thị Bắc Sông Cấm ở Hải Phòng
UBND TP. Hải Phòng vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần Vinhomes về việc dừng khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị mới tại khu vực Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên.
Theo đó, ngày 31/12/2019, UBND thành phố đã có Văn bản đồng ý chủ trương Công ty Cổ phần Vinhomes khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị mới tại khu vực Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Theo đề nghị của Công ty Cổ phần Vinhomes gửi UBND thành phố ngày 15/3/2021, UBND thành phố đã có ý kiến dừng việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án của Công ty tại khu vực trên.
Theo đó, hạng mục khảo sát, nghiên cứu đầu tư là một cấu phần của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, TP Hải Phòng.
Tổng thể, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm của TP Hải Phòng gồm các thành phần: cầu Hoàng Văn Thụ, đê, kè sông Cấm, hệ thống giao thông chính và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ thuộc các xã Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan (huyện Thủy Nguyên); phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền).
Đà Nẵng dừng cưỡng chế công trình vi phạm của tổ hợp Mường Thanh
Này 24/3, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa (TP Đà Nẵng) cho hay, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã có công văn gửi UBND quận và UBND TP về việc xin khắc phục, tự tháo dỡ phần sai phạm tại dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà.
Theo ông Hòa, UBND TP Đà Nẵng đang chỉ đạo Sở Xây dựng mời chủ đầu tư họp theo nội dung công văn của đơn vị này để lập các thủ tục tiếp theo. Chính vì vậy, kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ tại công trình này bắt đầu từ ngày 6/4 mà quận đã ban hành trước đó sẽ tạm dừng lại.
"Phía chủ đầu tư có cam kết thời gian thực hiện tháo dỡ, nếu không làm như cam kết thì mình sẽ cưỡng chế", ông Hòa nói.
Trước đó, ngày 10/3, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã ban hành kế hoạch về việc cưỡng chế tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại công trình Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà.
Theo kế hoạch, công tác tổ chức tháo dỡ được chia làm 2 giai đoạn và kéo dài trong 180 ngày, bắt đầu từ 6/4.
Dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà nằm ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng tầng 2 đến tầng 5 khối chung cư vốn là không gian công cộng, bãi giữ xe thành 104 căn hộ.
Tháng 8/2018, các cơ quan chức năng quận Ngũ Hành Sơn phát hiện thêm doanh nghiệp này xây dựng trái phép nhiều hạng mục ở tầng 25, 35, 41, 42. Tất cả đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng.