📞

Tin Covid-19 sáng 5/10: 1 triệu người có 8.269 ca mắc, nhiều tin vui ở TP. HCM, BV Việt Đức chuyển 1.000 bệnh nhân, người nhà để ‘giảm nhiệt’

Hải An 06:12 | 05/10/2021
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 813.961 ca nhiễm Covid-19, 5 địa phương có ca mắc cao nhất lần lượt là TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.
Hà Nội xét nghiệm sàng lọc Covid-19 diện rộng cho cư dân quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Nguồn: TTXVN)

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 813.961 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.269 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 809.375 ca, trong đó có 716.301 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 12/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Lào Cai.

Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. HCM (400.003), Bình Dương (216.853), Đồng Nai (51.364), Long An (32.857), Tiền Giang (14.172).

Tính từ 17h ngày 3/10 đến 17h ngày 4/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.383 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 5.382 ca ghi nhận trong nước (tăng 15 ca so với ngày trước đó) tại 37 tỉnh, thành phố (có 2.690 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (-123), Bình Dương (-73), Tây Ninh (-34).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (118), An Giang (75), Tiền Giang (39).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 6.835 ca/ngày.

Tình hình điều trị

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 4/10 là 27.683, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 721.480.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.144 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (4.061); thở ô xy dòng cao HFNC (1.042); thở máy không xâm lấn (163); thở máy xâm lấn (854); ECMO (24).

Trong ngày 4/10 ghi nhận 130 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (93), Bình Dương (20), Long An (5), Đồng Nai (5), An Giang (3), Cà Mau (1), Vĩnh Long (1), Đà Nẵng (1), Tiền Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 149 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.845 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

BV Việt Đức đề nghị chuyển 1.000 bệnh nhân, người nhà sang 3 bệnh viện khác

Ngày 4/10, Đoàn công tác của Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, CDC và quận Hoàn Kiếm đã làm việc với BV Hữu nghị Việt Đức về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Vấn đề các giải pháp về giải tỏa, giãn cách bệnh nhân, khoanh vùng và làm sạch bệnh viện được đặt ra tại buổi làm việc này.

Lãnh đạo BV Hữu nghị Việt Đức cho biết hiện còn 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế đang ở tại bệnh viện. Đến nay tất cả những trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.

BV đã liên hệ với BV ĐH Y Hà Nội để chuyển người bệnh đến điều trị tiếp tục, dự kiến khoảng 200 người (bệnh nhân và người nhà); chuyển BV Thanh Nhàn dự kiến 450 người; chuyển BV Đức Giang 350 người.

Đồng thời, bệnh viện này đề nghị quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ về thủ tục với những trường hợp là người ghép tạng đến khám lại để lấy thuốc trong ngày và bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang bị kẹt lại. Những trường hợp này đều tuân thủ phòng chống dịch và đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính.

Trong hôm nay (5/10), bệnh viện phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu xét nghiệm lần 3. Bệnh viện đề xuất có phương án riêng với những nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có 3 lần xét nghiệm âm tính trong 7 ngày. Riêng nhân viên y tế và người bệnh ở tầng 7, tầng 8 thực hiện nghiêm ngặt phong tỏa.

Theo CDC Hà Nội, đến trưa 4/10 liên quan đến BV Hữu nghị Việt Đức đã có 41 F0, trong đó Hà Nội ghi nhận 33 ca nhiễm. 8 trường hợp còn lại được phát hiện ở Nam Định (4), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (2) và Hải Dương (1).

Hà Nội thông tin "hỏa tốc" về các điều kiện tiếp nhận khách đi máy bay

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam góp ý kiến về việc mở lại đường bay nội địa đi/đến. Các chuyến bay đến Thủ đô phải được sự đồng ý bằng văn bản của UBND TP Hà Nội.

Văn bản được phát đi tối nay (4/10), do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký không nói rõ có đồng ý hay không với kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi/đến Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, để lấy ý kiến UBND TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

TP Hà Nội cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam làm rõ tiêu chí với hành khách đi máy bay, cụ thể là phải thuộc các vùng xanh. Hành khách thuộc các vùng có mức độ dịch ở cấp 3, cấp 4 cần được sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của chính quyền nơi đến.

Đối với người dân hiện đang ở tại TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, văn bản của UBND TP Hà Nội cho biết, tạm thời chưa di chuyển đến địa phương khác theo đúng tinh thần và nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1265 ngày 30/9/2021 về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Công văn số 3251 ngày 1/10/2021 của UBND TPHCM về việc phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông trong trường hợp cấp thiết.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đề nghị làm rõ phương án bố trí phương tiện đưa đón hành khách đi/đến sân bay quốc tế Nội Bài với các địa phương có khách đi và đến đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của các địa phương và để đảm bảo hành khách đi sân bay quốc tế Nội Bài được các địa phương tiếp nhận.

Cục Hàng không cần làm rõ cơ chế phối hợp với các cơ quan y tế các địa phương để đảm bảo những hành khách đi tàu bay theo dự thảo kế hoạch có thuộc nhóm đối tượng phải thực hiện cách ly và các biện pháp cách ly cụ thể để đảm bảo phối hợp được chặt chẽ.

UBND TP Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ tổ chức khai thác các đường bay nội địa đi/đến sân bay quốc tế Nội Bài khi đã báo cáo Bộ GTVT, Bộ Y tế và được sự thống nhất bằng văn bản với UBND TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Thủ đô.

Các chuyến bay đến Thủ đô phải được sự đồng ý bằng văn bản của UBND TP Hà Nội. (Ảnh: Hữu Nghị)

Số người xuất viện nhiều gấp 2,5 lần F0 nhập viện

Theo VNE, Sở Y tế TP. HCM cho biết, khoảng cách giữa số người mắc bệnh nhập viện và số người khỏi bệnh ngày càng lớn dần.

Trong 14 ngày qua, tình hình dịch có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nhất là những ngày bắt đầu nới lỏng giãn cách kể từ hôm 1/10.

Qua 7 ngày liên tục, số ca thu dung điều trị mỗi ngày có xu hướng giảm ở tất cả tầng điều trị, số ca mắc mới tiếp tục giảm, số ca tử vong theo tuần xu hướng giảm rõ rệt.

Bệnh viện dã chiến số 12 hôm 3/10 chỉ tiếp nhận 33 bệnh nhân, thấp nhất kể từ khi bệnh viện thành lập khẩn trên cơ sở chuyển công năng khu chung cư tái định cư Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, ngày 21/7 đến nay.

Trong khi đó, số xuất viện trong ngày là 253 người, gấp gần 8 lần người nhập viện. Đến nay, bệnh viện tiếp nhận tổng cộng hơn 12.500 F0, trong đó khoảng 10.800 người xuất viện.

Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường (Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12) cho biết hiện bệnh viện còn điều trị hơn 1.500 bệnh nhân, giảm gần 800 ca so với ngày cao nhất (14/9). Những ngày gần đây, khu cấp cứu bệnh nhân nặng tiếp nhận khoảng 15-20 trường hợp mỗi ngày, giảm khoảng 4-5 lần so với cao điểm hồi cuối tháng 8.

Việc số xuất viện cao hơn số nhập viện, trống giường điều trị cũng ghi nhận rõ rệt tại các bệnh viện dã chiến khác.

Bệnh viện dã chiến số 10 ngày 3/10 cho xuất viện gần 300 trường hợp trong khi chỉ tiếp nhận 8 F0. Nơi này đang điều trị 841 F0 trên tổng số giường thực kê 2.500. Toàn bệnh viện hiện chỉ 9 trường hợp cần thở oxy, giảm 70% so với khi cao điểm.

Bệnh viện dã chiến quận 7 số 1 đang điều trị khoảng 250 bệnh nhân trên tổng công suất 600 giường bệnh.

Bệnh viện dã chiến Covid-19 quận Tân Bình theo mô hình đa tầng đang điều trị 560 F0 trên tổng quy mô 1.000 giường. Khoảng nửa tháng nay, khu vực điều trị bệnh nhân trung bình và nặng do Bệnh viện Thống Nhất phụ trách cũng "giảm nhiệt".

Các khu điều trị Covid-19 theo mô hình "bệnh viện tách đôi" cũng dần vắng bệnh nhân. Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn gần đây điều trị 50-70 trường hợp, trong khi cao điểm nơi đây từng tiếp nhận 220 F0.

Khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM đang điều trị 65 bệnh nhân trên tổng số 92 giường. Bệnh viện không còn trường hợp nặng cần hỗ trợ hô hấp.

Số ca bệnh nặng (người bệnh cần thở oxy và thở máy) ở các tầng điều trị vẫn còn cao nhưng đang giảm dần. Các bệnh viện, trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tuyến cuối bắt đầu giảm rõ rệt số nhập viện.

Bệnh viện Chợ Rẫy hôm 4/10 chỉ tiếp nhận 5 ca nhập viện và cho xuất viện 7 trường hợp. Bệnh viện đang điều trị khoảng 140 F0, trong đó 18 ca nặng và 36 nguy kịch.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ngày 4/10 cho xuất viện 32 người trong khi chỉ nhập viện 23 người. Nơi này đang điều trị khoảng 500 trường hợp, trên công suất 800 giường bệnh, trong đó 80 bệnh nhân nặng, 175 nguy kịch.

Cơ sở tuyến cuối khác như Bệnh viện Quân y 175, các trung tâm hồi sức do bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Trung ương Huế, Đại học Y dược TP HCM, Việt Đức phụ trách, cũng ghi nhận số bệnh nhân nặng nhập viện và số tử vong giảm nhiều, số xuất viện cao.

Lãnh đạo các bệnh viện này nhìn nhận tỷ lệ F0 chuyển nặng đang giảm nhờ nhiều bệnh nhân đã được tiêm vaccine, y bác sĩ ngày càng nhiều kinh nghiệm, phối hợp tốt nhiều chuyên khoa, chú trọng dinh dưỡng, tâm lý, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, bên cạnh hiệu quả của điều trị sớm các thuốc kháng virus.

Sở Y tế TP. HCM nhận định số ca bệnh nặng ở tuyến cuối vẫn còn cao nên tỷ lệ tử vong dù giảm nhưng vẫn sẽ còn dao động ở mức cao.

(tổng hợp)