📞

Tin thế giới 10/11: Nga phản đối Latvia dỡ tượng thời Liên Xô, Armenia nêu đề xuất mới, Mỹ sắp đón bão Nicole

Minh Vương 20:07 | 10/11/2022
Trung Quốc muốn ‘chung sống hòa bình’ với Mỹ, Anh đóng băng 20 tỷ USD tài sản Nga, Lithuania ‘chốt’ mua HIMARS Mỹ… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Người dân bang Florida (Mỹ) đang nhanh chóng chuẩn bị trước cơn bão Nicole ngày 9/11. (Nguồn: USA Today)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Mỹ-Trung

* Trung Quốc muốn chung sống hòa bình với Mỹ: Trả lời họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh về khả năng diễn ra thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này cam kết chung sống hòa bình với Mỹ, nhưng vấn đề Đài Loan vẫn là lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh.

Đồng thời, quan chức này kêu gọi Washington dừng việc “vũ khí hóa” các vấn đề thương mại và hành động thực chất để bảo vệ vai trò của nền kinh tế thị trường.

Trong một tin liên quan, cũng tại buổi họp báo trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có “phản ứng gay gắt” với Ottawa sau khi Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly mô tả Bắc Kinh là “cường quốc toàn cầu đang gây thêm nhiều rắc rối”.

Ông Triệu Lập Kiên nêu rõ: “Những bình luận có liên quan của Canada là sai sự thật, đầy thành kiến và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Trước đó, bà Joly cũng từng cảnh báo giới doanh nghiệp Canada không nên hợp tác sâu với Trung Quốc bởi các mối quan hệ này tiềm ẩn “rủi ro địa chính trị”.

Châu Âu

* Nga phản đối Latvia phá dỡ các tượng đài thời Liên Xô: Ngày 10/11, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu Đại sứ Latvia tới để phản đối hành động Moscow cho là phá dỡ các đài tưởng niệm thời Liên Xô: “Công hàm phản đối mạnh mẽ đã được trao cho người đứng đầu phái bộ ngoại giao Latvia liên quan tới chính sách phá hoại nhà nước ở Latvia để phá dỡ các đài tưởng niệm Liên Xô trước đây”.

Hồi tháng 5, Quốc hội Latvia từng thông qua đạo luật quy định phá dỡ tất cả các tượng đài tôn vinh Liên Xô, với Tòa thị chính Riga quyết san bằng Tượng đài Chiến thắng từ ngày 22/8. (Reuters)

* Anh đóng băng 20,5 tỷ USD của Nga: Ngày 10/11, Chính phủ Anh thông báo đã đóng băng số tài sản trị giá 20,5 tỷ USD của các tài phiệt, cá nhân và thực thể Nga nằm trong danh sách bị trừng phạt liên quan tới xung đột Nga-Ukraine. Số tài sản bị đóng băng của Nga nhiều hơn 7 tỷ USD so với tổng số tiền được báo cáo liên quan tới tất cả các biện pháp trừng phạt khác của Anh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các dịch vụ tài chính và ngân hàng của Anh Andrew Griffith xác nhận: “Chúng tôi đã áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Nga và nó đang làm tê liệt họ. Chúng tôi sẽ không cho phép ông Putin chiến thắng trong xung đột này”. (Reuters)

* Lithuania “chốt” mua HIMARS từ Mỹ: Quan chức Lithuania ngày 10/11 thông báo nước này sẽ mua 8 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) từ Mỹ trị giá 495 triệu USD. Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas cho hay, các hệ thống trên sẽ được chuyển giao trong năm 2025-2026 để “bổ sung năng lực hoàn toàn mới và mạnh mẽ mà Lithuania chưa từng có”. Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố hệ thống HIMARS “sẽ tăng cường an ninh cho Lithuania và toàn bộ khu vực”.

Trong khi đó, tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ nêu rõ: “Thương vụ này sẽ góp phần giúp Lithuania đạt được các mục tiêu quân sự, tăng cường năng lực và củng cố khả năng tương tác với Mỹ và các đồng minh khác”. (AFP)

* Mỹ và Czech nhất trí về dự thảo thỏa thuận hợp tác quốc phòng: Bộ Quốc phòng Czech ngày 10/11 thông báo nước này và Mỹ đã đạt đồng thuận cấp nhóm công tác về thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương (DCA). Hai bên sẽ tiếp tục điều chỉnh chi tiết trước khi trình thỏa thuận lên hai chính phủ, quốc hội lưỡng viện thông qua. Dự kiến, quá trình phê duyệt sẽ hoàn tất vào nửa đầu năm 2023.

Nếu được phê chuẩn và có hiệu lực, DCA sẽ đảm bảo về mặt pháp lý cho sự hiện diện của binh lính Mỹ trên lãnh thổ Czech trong trường hợp cần thiết. Hiện 24 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký kết thỏa thuận tương tự với Mỹ. Czech là quốc gia thành viên NATO duy nhất ở Trung và Đông Âu chưa có thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương với Mỹ.

Trong thông báo, Bộ Quốc phòng Czech nhấn mạnh thỏa thuận DCA sẽ giúp tăng cường hợp tác sâu rộng hơn giữa lực lượng vũ trang Czech và Mỹ nhằm “đảm bảo phòng thủ sườn phía Đông của NATO, hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động quân sự của đồng minh, tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự, tăng khả năng tương tác của các lực lượng vũ trang hai nước, các hoạt động huấn luyện và tập trận chung”. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc thông qua nghị quyết phản đối các hành động của Triều Tiên: Ngày 10/11, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Hàn Quốc, các nghị sĩ đã thông qua nghị quyết về Triều Tiên với 190 phiếu thuận và 4 phiếu trắng. Nghị quyết chỉ trích các động thái quân sự gần đây của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng dừng các hoạt động chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.

Theo Hạ nghị sĩ Han Ki-ho của đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP), nghị quyết mới được Quốc hội Hàn Quốc thông qua yêu cầu Triều Tiên chịu trách nhiệm cho mọi hậu quả từ các hành động mới đây của nước này, đồng thời kêu gọi Seoul tiếp tục củng cố liên minh với Washington và tăng cường năng lực phòng thủ để phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng. (Yonhap)

Trung Á

* Armenia đề xuất lập vùng phi quân sự ở biên giới với Azerbaijan: Ngày 10/11, phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói: "Tôi đã đưa ra sáng kiến về việc lập vùng phi quân sự quanh Nagorno-Karabakh. Chúng tôi cũng đang theo đuổi một sáng kiến thiết lập một vùng phi quân sự phạm vi 3 km dọc biên giới Armenian-Azerbaijan.”

Đề xuất của Thủ tướng Pashinyan được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhắc lại yêu cầu quân đội Armenia rút khỏi Karabakh. (AFP)

Châu Mỹ

* Mỹ khẩn trương ứng phó bão Nicole: Ngày 10/11, Cơ quan khí tượng Mỹ cho biết bão Nicole đã đổ bộ vào Bahamas ngày 9/11 và đang tiến đến bang Florida, khiến chính quyền bang yêu cầu người dân sơ tán.

Theo Trung tâm bão quốc gia, bão Nicole, với sức gió tối đa lên đến 120 km/h, có thể đổ bộ vào bờ biển phía Đông bang Florida. Hiện người dân tại 4 hạt của bang đã phải sơ tán bắt buộc. Đồng thời, nhiều người quan ngại rằng Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có thể tiếp tục trì hoãn sứ mệnh Artemis 1. Hiện bão Nicole đang hướng về Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA, gần thành phố Orlando, phía Đông bang Florida.

Tính tới thời điểm này, việc triển khai sứ mệnh Artemis 1 đã bị trì hoãn 4 lần do các sự cố kỹ thuật và thời tiết. Trong tuyên bố ngày 8/11, NASA nêu rõ trong bối cảnh cơn bão Nicole đang mạnh lên: “NASA đã quyết định điều chỉnh thời điểm mục tiêu của Artemis 1, theo đó tiến hành vào thứ Tư, ngày 16/11, để nhân viên có thể trở lại làm việc trong điều kiện an toàn và hoàn tất rà soát tình hình sau khi bão tan”. Ngày phóng dự phòng tiếp theo được lên kế hoạch là 19/11 tới. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Ngoại trưởng Italy-Iran điện đàm, bàn về JCPOA: Ngày 9/11, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian. Hai bên đã bàn về quan hệ song phương, thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay.

Ngoại trưởng Tajani cho biết, Italy và Iran sẽ ngày càng thúc đẩy và phát triển mối quan hệ sâu rộng. Đồng thời, ông khẳng định, với vai trò lãnh đạo, Iran đã có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Tây Á.

Đề cập đến cuộc đàm phán dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran, vị quan chức Italy cho biết Rome sẽ nỗ lực để đạt được một thỏa thuận, trong đó đảm bảo lợi ích của tất cả các bên trong JCPOA. (PressTV)