Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bi quan về quan hệ với phương Tây. (Nguồn: TASS) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga phủ nhận thẩm quyền tòa án về “tội ác” ở Ukraine: Phát biểu với báo giới ngày 1/12, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng bất kỳ tòa án nào được lập ra để truy tố “tội ác của Nga” ở Ukraine không hợp pháp và Moscow sẽ không công nhận phán quyết của các tòa này. Ông nêu rõ: “Đối với những ý đồ thành lập một số loại tòa án, chúng sẽ không có tính hợp pháp, chúng tôi sẽ không chấp nhận và sẽ lên án động thái này”. (Reuters/Sputnik)
* Ngoại trưởng Nga: Mỹ và NATO đang trực tiếp tham gia xung đột tại Ukraine: Phát biểu ở Moscow ngày 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trực tiếp tham gia xung đột vì đã cung cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ Kiev trên lãnh thổ của mình.
Ngoài ra, ông Lavrov nhấn mạnh Mỹ đã gây ra mối đe dọa “hiện hữu” đối với Nga từ Ukraine. Quan chức này nêu rõ Moscow chưa bao giờ từ bỏ các mối liên hệ với Washington, song Nga không hề thấy Mỹ có “ý tưởng quan trọng nào”. Đồng thời, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẽ không cung cấp dầu cho những nước nào ủng hộ việc áp giá trần dầu từ xứ Bạch Dương.
Về NATO, ông Lavrov cho rằng tổ chức này đang quay trở lại các ưu tiên thời Chiến tranh Lạnh, đó là họ giữ người Nga bên ngoài châu Âu và người Mỹ ở châu Âu, trong khi toàn bộ EU ngày nay nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.
Ngoài ra, ông cáo buộc NATO cố lôi kéo Ấn Độ vào vấn đề mà ông xem là liên minh bài Nga và bài Trung Quốc, đúng vào thời điểm mà theo ông phương Tây đang cố loại trừ tầm ảnh hưởng của Nga. Ngoại trưởng Lavrov còn cho rằng Biển Đông đang trở thành khu vực mà NATO sẵn sàng gây leo thang căng thẳng, đồng thời cáo buộc Mỹ cố phá hoại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). (Reuters/Sputnik)
* EU muốn Nga phải “móc hầu bao” để tái thiết Ukraine: Ngày 1/12, phát biểu mở màn hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Lodz, miền Trung Ba Lan, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nêu rõ: “Chúng tôi sẽ xem xét mọi khả năng pháp lý để đảm bảo rằng Nga sẽ phải trả giá cho sự tàn phá ở Ukraine”.
Nhắc lại quyết định của EU đóng băng tài sản của Nga trị giá gần 20 tỷ Euro sau khi xung đột bùng phát, ông nhấn mạnh phương Tây cũng sẽ đóng băng 300 tỷ Euro dự trữ ngoại hối Ngân hàng Trung ương Nga khắp thế giới. (AFP)
Nga-Mỹ
* Mỹ muốn Nga nối lại hoạt động thanh sát vũ khí chiến lược: Phát biểu ngày 1/12, đề cử Đại sứ Mỹ tại Nga, nhà ngoại giao Lynn Tracy, cho biết Washington sẵn sàng thảo luận với phía Moscow về cơ chế kiểm soát vũ khí mới nhằm thay thế Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START), dự kiến sẽ hết hạn năm 2026.
Tuy nhiên, bà cho biết Mỹ cần sự cho phép của Nga để tiếp tục công tác thanh tra hiệp ước, trước khi hai bên có thể thảo luận về những bước đi tiếp theo. Trước đó, cuộc họp của ủy ban tư vấn song phương START giữa Nga và Mỹ, dự kiến diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 6/12, đã bị hoãn. (TTXVN)
Châu Âu
* Nga khó khôi phục quan hệ như trước với phương Tây: Họp báo trực tuyến về các vấn đề an ninh châu Âu ngày 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ không thể khôi phục quan hệ với phương Tây như trước, đồng thời cáo buộc chính phương Tây đã làm tê liệt Hội đồng châu Âu (EC).
Ngoài ra, nhà ngoại giao Nga khẳng định sẵn sàng lắng nghe nếu bất kỳ ai muốn đàm phán về vấn đề Ukraine. Theo ông, việc Kiev cáo buộc Moscow muốn đàm phán để có thời gian tập hợp lại lực lượng là vô lý. Ngoại trưởng Lavrov cũng tuyên bố nếu phương Tây chứng tỏ thiện chí chính trị, Nga sẵn sàng trở lại bàn đàm phán với phương Tây để thảo luận về các đảm bảo an ninh. (Reuters/Sputnik)
* Nga sẽ đáp trả nếu châu Âu tịch thu tài sản: Ngày 30/11, kênh truyền hình Moskva 24 (Nga) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova nêu rõ: “Chúng tôi một lần nữa cảnh báo: Nếu thực sự có việc tịch thu tài sản của công dân, doanh nghiệp, dự trữ nhà nước của đất nước chúng ta, Nga chắc chắn sẽ có biện pháp tích hợp”.
Dù chưa thể nói chính xác những biện pháp này là gì, song bà Zakharova khẳng định chúng sẽ phụ thuộc vào các hạn chế được phương Tây thực hiện đối với phía Nga. Khi đó, châu Âu sẽ phải chịu trách nhiệm thực sự.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất thành lập một cơ quan đặc biệt để kiểm soát tài sản của Nga bị đóng băng. (TTXVN)
* Thêm bưu phẩm nghi bom thư xuất hiện ở Tây Ban Nha: Ngày 1/12, Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết sau khi kiểm tra bằng tia X, lực lượng an ninh nước này đã phát hiện một vật nghi là thiết bị nổ trong một bưu phẩm được gửi đến trung tâm vệ tinh của căn cứ không quân tại Torrejon de Ardoz, cách Madrid 20 km về phía Đông. Hiện cảnh sát đang phân tích bưu phẩm gây nguy hiểm này.
Trước đó một ngày, giới chức Tây Ban Nha đã phát hiện 2 bom thư gửi đến Đại sứ quán Ukraine ở Madrid và một nhà máy sản xuất vũ khí ở Zaragoza. Bom thư thứ nhất phát nổ làm một nhân viên an ninh của Đại sứ quán bị thương nhẹ. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Mỹ sẽ tăng cường năng lực răn đe ở Đông Bắc Á: Ngày 30/11, phát biểu trực tuyến trong một diễn đàn ở Seoul do tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan xác nhận đang làm việc với Hàn Quốc và Nhật Bản, để phát triển một gói hiệu quả các biện pháp hữu hình…để củng cố cam kết răn đe mở rộng”.
Ông cho biết chúng bao gồm “sự thể hiện rõ ràng hơn năng lực chiến lược của Mỹ”, và việc nối lại Nhóm tư vấn và chiến lược răn đe mở rộng Seoul-Washington (EDSCG), được tổ chức lần đầu tiên sau 5 năm tại Washington vào tháng 9.
Quan chức này cũng cho biết lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đã “dành nhiều thời gian để thảo luận về răn đe mở rộng” tại thượng đỉnh song phương bên lề Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hội nghị liên quan tại Campuchia hồi tháng 11. Tuy nhiên, ông không cung cấp thông tin chi tiết. (Yonhap)
* Phó Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi điều chỉnh biện pháp chống dịch Covid-19: Ngày 1/12, truyền thông Trung Quốc dẫn lời Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan nêu rõ: “Đất nước đứng trước tình hình mới, nhiệm vụ mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh do tính chất gây bệnh của biến thể Omicron suy yếu, nhiều người được tiêm phòng hơn và kinh nghiệm ngăn chặn virus được tích lũy”.
Bà lưu ý rằng chính phủ “luôn đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên hàng đầu, đồng thời xử lý hiệu quả những bất ổn của tình hình Covid-19 bằng một chiến lược nhất quán và các biện pháp linh hoạt để chống lại virus”. (Reuters)
Đông Nam Á
* Indonesia có thể bán đấu giá mỏ khí đốt ở Biển Đông: Ngày 1/12, hãng thông tấn Dunia Energi (Indonesia) dẫn lời Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản nước này Arifin Tasrif cho biết Jakarta đang xem xét kế hoạch đấu giá lại lần thứ 2 lô mỏ khí đốt khổng lồ Đông Natuna.
Mỏ này có hàm lượng khí đốt kỷ lục 6.300 tỷ m3 và là mỏ khí đốt chưa được phát triển lớn nhất Đông Nam Á. Trước đó, việc khai thác mỏ này tương đối phức tạp do hàm lượng CO2 cao (hơn 70%). Tuy nhiên, theo ông Tasrif, ngày nay nhiều công ty đã có công nghệ để tận dụng những lợi thế của hàm lượng CO2 cao tại đây.
Ông nói: “Chúng tôi đang thảo luận lại việc đưa Lô này ra bán đấu giá, bởi vì tất cả lượng carbon này, vốn từng là trở ngại, hiện có thể được sử dụng”. Theo ông, nếu lô Đông Natuna được phát triển, quy mô của các nguồn tài nguyên sẽ có tác động đáng kể không chỉ đối với Indonesia, mà còn toàn bộ thị trường khí đốt khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Sputnik)
Nam Á-Nam Thái Bình Dương
* Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi chấm dứt xung đột và chiến tranh: Ngày 1/12, trong bài báo đăng tải trên tờ Telegraph (Anh) nhân dịp Ấn Độ khởi động nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định: “Ngày nay, chúng ta không cần phải chiến đấu để sinh tồn - thời đại của chúng ta không cần phải là thời đại của chiến tranh”.
Đồng thời, nhà lãnh đạo này cũng khẳng định New Delhi sẽ “tìm cách phi chính trị hóa nguồn cung toàn cầu đối với thực phẩm, phân bón và các sản phẩm y tế để căng thẳng địa chính trị không dẫn đến khủng hoảng nhân đạo”. Trước đó, ông Modi cũng kêu gọi tương tự khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Uzbekistan tháng 9 vừa qua. (TTXVN)
Trung Đông-châu Phi
* Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Cao nguyên Golan: Ngày 30/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết với 92 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 65 phiếu trắng.
Cụ thể, nghị quyết nhắc lại rằng quyết định của Israel vào ngày 14/12/1981, sáp nhập Cao nguyên Golan của Syria là vô hiệu và vô giá trị, như đã được xác nhận bởi HĐBA trong Nghị quyết 497, đồng thời kêu gọi Israel hủy bỏ quyết định này.
Nghị quyết một lần nữa xác định việc tiếp tục chiếm đóng và sáp nhập trên thực tế Cao nguyên Golan cản trở mục tiêu đạt được một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài trong khu vực. Qua đó, nghị quyết yêu cầu Israel rút khỏi toàn bộ vùng lãnh thổ này nhằm thực hiện các nghị quyết có liên quan của HĐBA. Nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan và toàn thể cộng đồng quốc tế thực hiện nỗ lực cần thiết để nối lại và thúc đẩy tiến trình hòa bình thành công.
Trước đó, Israel đã nắm quyền kiểm soát các phần của Golan từ Syria trong Chiến tranh 6 ngày hồi năm 1967 và sáp nhập lãnh thổ bị chiếm đóng vào năm 1981. Ngay sau khi sáp nhập, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 497. (Tân Hoa xã)