Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 14/11: Malaysia phản đối luật biển mới của Philippines, Quân đội Israel tổn thất lớn ở Lebanon, ông Trump ‘chốt’ vị trí Ngoại trưởng

Ukraine, Na Uy ký thỏa thuận quốc phòng, Trung Quốc bác cáo buộc xâm nhập điện thoại của ông Trump, Thủ tướng Đức cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine, Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tổng thống đắc cử Donald Trump chào Thượng nghị sĩ Marco Rubio trong một cuộc vận động tranh cử tại Raleigh, Bắc Carolina, vào ngày 4 tháng 11 năm 2024. © Evan Vucci, AP
Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio vào ghế Ngoại trưởng sau khi nhậm chức. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Malaysia phản đối luật biển mới của Philippines: Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Mohamad Alamin ngày 14/11 tuyên bố nước này sẽ gửi công hàm phản đối tới Philippines về các đạo luật hàng hải mới của Manila liên quan đến tuyên bố chồng lấn ở Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Alamin cho biết chính phủ Malaysia đã xem xét các tài liệu tham chiếu liên quan đến luật của Philippines và nhận thấy văn kiện này đề cập đến yêu sách đối với bang Sabah của Malaysia trên đảo Borneo. Bộ Ngoại giao Philippines chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên.

Philippines đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với phần phía Đông của Sabah từ thời thuộc địa, nhưng hiếm khi có tuyên bố chính thức về vấn đề này. Tòa án Tối cao Philippines năm 2011 phán quyết rằng yêu sách chưa bao giờ bị từ bỏ. (Reuters)

Tin liên quan
Trung Quốc phản đối gay gắt Luật Vùng biển Philippines, nói Trung Quốc phản đối gay gắt Luật Vùng biển Philippines, nói 'xâm phạm nghiêm trọng' chủ quyền lãnh thổ

*Tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra quanh bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông: Ngày 14/11, Hải cảnh Trung Quốc đã tiến hành tuần tra quanh bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông, một ngày sau khi quân đội nước này triển khai cuộc tuần tra chung trên không và trên biển trong khu vực.

Cục Hải cảnh Trung Quốc xác nhận: "Hải cảnh Trung Quốc đã tiến hành tuần tra thực thi pháp luật trong vùng lãnh hải của đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) và khu vực xung quanh. Đây là hoạt động thực thi pháp luật được cảnh sát biển Trung Quốc tiến hành theo quy định của pháp luật".

Cuộc tuần tra diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ký Đạo luật Vùng Biển và Đạo luật Tuyến đường Biển Quần đảo, đưa yêu sách của Manila đối với Biển Đông vào luật nội địa. Mỹ đã bày tỏ ủng hộ đối với đạo luật của Philippines, cho rằng các quốc gia khác cũng đã thông qua những đạo luật tương tự. (SCMP)

*Chính phủ Nhật Bản tuyên bố không có kế hoạch bãi bỏ án tử hình: Theo trang tin Sputnik, ngày 14/11, Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi cho biết Chính phủ Nhật Bản không có kế hoạch mở cuộc thảo luận về việc sửa đổi vấn đề án tử hình và có thể bãi bỏ án tử hình.

Phát biểu họp báo, ông Hayashi nêu rõ: "Phần lớn công chúng tin rằng án tử hình là điều không thể tránh khỏi đối với những tội ác cực kỳ tàn bạo. Giết nhiều người, giết người để cướp của - những tội ác tàn bạo này vẫn chưa phải là chuyện của quá khứ, án tử hình là điều không thể tránh khỏi đối với những kẻ đã phạm những tội ác tàn bạo như vậy. Do đó, chính phủ không coi việc bãi bỏ hệ thống án tử hình vào thời điểm này là phù hợp và sẽ không mở cuộc tranh luận về việc bãi bỏ án tử hình".

Trong thực tiễn tư pháp của Nhật Bản, án tử hình thường được áp dụng trong các trường hợp giết người nhiều lần và có khoảng 10 bản án như vậy mỗi năm. Người bị kết án có thể phải chờ nhiều năm để bị treo cổ, chỉ được thông báo vào sáng ngày hành quyết. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đang kêu gọi Nhật Bản bãi bỏ hình thức trừng phạt này vì cho rằng nó vô nhân đạo. (Sputniknews)

*Trung Quốc cảnh bảo hậu quả của việc Mỹ chi phối lĩnh vực chất bán dẫn: Ngày 14/11, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích việc Mỹ kiềm chế gã khổng lồ châu Á trong lĩnh vực chất bán dẫn, cho rằng đây là "hành vi phi thị trường điển hình".

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yongqian đã đưa ra tuyên bố trên khi được đề nghị phản hồi thông tin Mỹ yêu cầu Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) hạn chế vận chuyển chip tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc.

Bà He Yongqian nhấn mạnh: "Thời gian qua, Mỹ liên tục lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, thực thi quyền tài phán ngoài lãnh thổ và không ngừng tăng cường đàn áp, kiềm chế Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn, làm gián đoạn thị trường chất bán dẫn toàn cầu… Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, can thiệp thô bạo vào thương mại tự do". (THX)

Châu Âu

*Ukraine tuyên bố đẩy lùi bước tiến của Nga ở Kupiansk: Quân đội Ukraine ngày 14/11 xác nhận đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Kupiansk ở Đông Bắc Ukraine và lực lượng Ukraine đã ngăn chặn một cuộc tiến công của Nga về phía trung tâm đường sắt này.

Một quan chức do Nga bổ nhiệm trước đó cho biết lực lượng Nga đang thiết lập vị trí ở ngoại ô thành phố Kupiansk, hơn 2 năm rưỡi kể từ khi Nga phát động cuộc chiến toàn diện. Kupiansk đã bị lực lượng Nga chiếm đóng trong những ngày đầu của cuộc chiến, và được quân đội Ukraine tái chiếm trong một cuộc phản công nhanh chóng vài tháng sau đó. Trong những tháng gần đây, khu vực này chứng kiến sự gia tăng hoạt động của lực lượng Nga.

Đăng trên Telegram, Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine khẳng định: "Thông tin về sự hiện diện của quân đội Nga tại thành phố Kupiansk là không đúng sự thật". (Reuters)

*Nga nêu quan điểm về bầu cử tổng thống ở Ukraine: Bình luận về thông tin từ tạp chí Anh The Economist cho rằng cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 5/2025, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 14/11 khẳng định bầu cử có thể được tiến hành theo nhiều cách khác nhau và điều quan trọng là phải tiến hành đúng quy trình.

Khi được hỏi liệu các cuộc bầu cử tiềm năng ở Ukraine có giải quyết được vấn đề về tính hợp pháp của chính quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận với giới lãnh đạo LB Nga hay không, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh đến nhu cầu về một quy trình phù hợp được tổ chức tốt.

Ông Lavrov nêu rõ: "Các cuộc bầu cử có thể được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau; hãy xem cách các cuộc bầu cử được tiến hành ở Moldova. Chúng ta chỉ có thể đánh giá tính hợp pháp của một quy trình bầu cử sau khi nó đã diễn ra và chúng ta quan sát cách nó được tổ chức". (TASS)

*Thủ tướng Đức cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine: Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Trong cuộc điện đàm về tình hình quân sự và nhân đạo, ông Scholz cam kết Đức sẽ duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine, phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu và quốc tế.

Tổng thống Zelensky đã cảm ơn Đức về sự hỗ trợ, đặc biệt về phòng không. Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì đối thoại để tìm kiếm giải pháp hòa bình công bằng cho Ukraine.

Trước đó, Nga đã gửi công hàm phản đối việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố mọi lô hàng vũ khí chuyển tới Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp của Nga. (Sputniknews)

TIN LIÊN QUAN
Ông Trump chính thức đề cử Ngoại trưởng Mỹ, sắp có cuộc 'thay máu' lịch sử ở Lầu Năm Góc?

*Nga tuyên bố chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây tuyên bố nước này chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine. Theo ông, mặc dù Moscow cho rằng quyết định giải quyết vấn đề sẽ không do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra, nhưng để bắt đầu đối thoại, Kiev phải hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán với Moscow.

Trước đó, Tổng thống Putin đã đưa ra các đề xuất hòa bình mới để giải quyết xung đột ở Ukraine, công nhận bán đảo Crimea, CHND Donetsk và Luhansk tự xưng và Zaporizhzhia là các khu vực của Nga, củng cố tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi quốc xã hóa đất nước này, cũng như bãi bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị phía Kiev từ chối. Ông Putin cũng lưu ý rằng nhiệm kỳ của (Tổng thống) Zelensky đã kết thúc và tính hợp pháp của vị trí này không còn. (Sputnik)

*Ukraine, Na Uy ký thỏa thuận quốc phòng: Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết Trên mạng truyền thông xã hội ngày 13/11, ông Umerov chia sẻ: “Chúng tôi đang mở rộng hợp tác giữa Ukraine và Na Uy – một thỏa thuận quan trọng đã được ký kết giữa Cơ quan mua sắm vũ khí của Bộ Quốc phòng Ukraine và Cơ quan vật tư quốc phòng Na Uy (NDMA). Thỏa thuận này mở ra những cơ hội mới để chia sẻ thông tin về thị trường vũ khí, tiến hành nghiên cứu chung và phát triển các công nghệ quân sự tiên tiến".

Ông Umerov cũng cho hay các nhóm làm việc đã được thành lập tại Kiev và Oslo để giúp đào tạo các chuyên gia Ukraine trong nhiều lĩnh vực khác nhau. (Sputniknews)

Trung Đông – châu Phi

*Iran cảnh báo sẽ phản ứng mạnh nếu bị áp lực về vấn đề hạt nhân: Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami ngày 14/11 tuyên bố Iran sẽ có phản ứng nhanh chóng và thích đáng đối với mọi sáng kiến chống lại chương trình hạt nhân của nước này.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tại Tehran, ông Eslami nhấn mạnh: "Bất kỳ quyết định hay nghị quyết nào của IAEA về vấn đề hạt nhân Iran sẽ phải đối mặt với phản ứng tức thời từ Iran, và cơ quan này đã nhiều lần nhận thấy Iran sẽ không khuất phục trước áp lực và sẽ thúc đẩy chương trình hạt nhân trong phạm vi lợi ích quốc gia... Iran bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp đối phó".

Trong chuyến thăm Tehran, ông Grossi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được "kết quả" trong các cuộc đàm phán với Iran để tránh chiến tranh. (Sputniknews/AFP)

*Quân đội Israel tổn thất lớn ở Lebanon: Ngày 13/11, Israel đã hứng chịu một trong những ngày đẫm máu nhất trong chiến dịch tấn công trên bộ chống lại Hezbollah ở Liban khi 6 binh sĩ thiệt mạng trong giao tranh gần biên giới.

Theo thông báo của quân đội Israel, các binh sĩ "đã ngã xuống trong giao tranh ở Nam Lebanon". Thiệt hại này nâng tổng số binh sĩ Israel thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với Hezbollah lên 47 người kể từ ngày 30/9, khi Israel đưa lực lượng mặt đất vào Lebanon.

Thông báo của quân đội được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel mới nhậm chức Israel Katz tuyên bố sẽ không có sự nới lỏng nào trong cuộc chiến chống lại Hezbollah. (AFP)

*Israel kiên quyết không ngừng bắn nếu Hezbollah không bị giải giáp: Tân Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Israel Katz - ngày 13/11 tuyên bố không tán thành bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào ở Lebanon nếu không có điều khoản đảm bảo phong trào Hồi giáo Hezbollah bị giải giáp rút lui về phía Bắc sông Litani của Lebanon hoặc tạo điều kiện cho cư dân miền Bắc Israel trở về nhà.

Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên tới Bộ Tư lệnh miền Bắc cùng Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi, Bộ trưởng Katz nêu rõ: “Chúng ta sẽ không thực thi bất kỳ lệnh ngừng bắn nào, chúng ta sẽ không rời khỏi bàn đạp và chúng ta sẽ không cho phép bất kỳ thỏa thuận nào không bao gồm việc đạt được các mục tiêu của cuộc chiến - và trên hết là quyền của Israel được thực thi và hành động theo ý mình nhằm chống lại mọi hoạt động khủng bố”.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Israel nhấn mạnh: “Cơ sở hạ tầng khủng bố đang sụp đổ ở Beirut. Chúng ta sẽ tiếp tục khiến Hezbollah gánh chịu tổn thất ở mọi nơi”. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Trung Quốc bác cáo buộc xâm nhập điện thoại của ông Trump và người thân: Ngày 14/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định Bắc Kinh không có ý định lợi dụng internet để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, đồng thời phản bác cáo buộc xâm nhập vào điện thoại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và gia đình.

Tuyên bố trên được ông Lâm Kiếm đưa ra khi phản bác cáo buộc cho rằng các tin tặc được Trung Quốc hậu thuẫn đã xâm nhập vào điện thoại của ông Trump và người thân cũng như của Phó Tổng thống đắc cử JD Vance và các thành viên trong ban vận động tranh cử của bà Kamala Harris.

Tuần trước, CNN dẫn nguồn tin cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã thông báo với một trong những luật sư của ông Trump rằng điện thoại di động của ông đã bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập.(Sputniknews)

*Nga sẵn sàng tiếp xúc với chính quyền mới của Mỹ: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 14/11 tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp xúc với Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump, và trách nhiệm đang thuộc về phía Washington.

Trả lời phỏng vấn, ông Lavrov nêu rõ: "Tổng thống (Nga Vladimir) Putin đã khẳng định tại một cuộc họp của Câu lạc bộ quốc tế Valdai rằng ông ấy luôn sẵn sàng liên lạc. Không phải chúng tôi đã làm gián đoạn giao tiếp: trách nhiệm hiện thuộc về Mỹ".

Đồng thời, ông Lavrov nhấn mạnh Nga không có kỳ vọng nào đối với chính quyền mới của Mỹ, nhưng sẽ đánh giá các bước đi cụ thể của chính quyền này. (TASS)

*Bầu cử Mỹ 2024: Đảng Cộng hòa chính thức giành quyền kiểm soát Hạ viện: Hãng tin AP ngày 13/11 cho biết đảng Cộng hòa đã giành đủ số ghế để chính thức kiểm soát Hạ viện, hoàn tất quá trình thâu tóm quyền lực của đảng này và đảm bảo quyền kiểm soát cả Nhà Trắng và hai viện của Quốc hội Mỹ khóa 119.

Chiến thắng của đảng Cộng hòa tại bang Arizona, cùng với chiến thắng của đảng này tại California vào đầu giờ sáng cùng ngày sau quá trình kiểm phiếu kéo dài đã mang lại cho đảng Cộng hòa 218 ghế tại Hạ viện, qua đó tạo nên thế đa số cần thiết để giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp gồm 435 ghế này. Trong khi đó, đảng Dân chủ mới nắm giữ 208 ghế, trong khi còn 9 ghế đang trong quá trình kiểm đếm tại các bang để tìm ra người chiến thắng.

Trước đó cùng ngày, Thượng nghị sĩ Mike Johnson đã giành được đề cử của phe Cộng hòa với sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump để tiếp tục làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào năm tới. (AFP)

*Brazil loại trừ khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Venezuela: Ngày 13/11, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, Mauro Vieira, cho biết mặc dù quan hệ với chính quyền Venezuela đã giảm sút đáng kể trong thời gian gần đây, nhưng nước này không có ý định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Caracas, đồng thời khẳng định quan hệ giữa hai nước là quan hệ nhà nước, không phải quan hệ với các chính phủ.

Ngoại trưởng Vieira tuyên bố: “Ngược lại, đối thoại và đàm phán chứ không phải cô lập là chìa khóa cho bất kỳ giải pháp hòa bình nào ở Venezuela”. Ông cũng xác nhận rằng chính phủ hai nước tiếp tục duy trì liên lạc, và trong tuần này, ông Vieira đã đối thoại với người đồng cấp Venezuela, Yván Gil.

Quan hệ giữa Brazil và Venezuela đã trở nên xấu đi nhanh chóng sau cuộc bầu cử tháng 7 ở Venezuela, khi Tổng thống Lula da Silva từ chối công nhận tuyên bố chiến thắng của Tổng thống Maduro, và gần đây nhất là việc Brazil phủ quyết Venezuela khi nước này mong muốn gia nhập BRICS. (AFP)

*Ông Trump chính thức đề cử Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Ngoại trưởng: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 13/11 đã chính thức tuyên bố đề cử Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa, đại diện cho bang Florida, đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng trong chính quyền mới của ông.

Ông Marco Rubio, 53 tuổi, con trai của những người nhập cư gốc Cuba, là thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ông từng ganh đua với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nhưng sau khi ông Trump nhậm chức, ông Rubio đã trở thành đồng minh chủ chốt của Nhà Trắng về chính sách với khu vực Mỹ Latinh.Ông Marco Rubio là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, Iran và ủng hộ ông Trump về vấn đề cuộc chiến Nga-Ukraine. (Reuters)

Chuyên gia Nga lý giải vì sao Moscow không mặn mà với chiến thắng của ông Trump

Chuyên gia Nga lý giải vì sao Moscow không mặn mà với chiến thắng của ông Trump

Tiến sĩ Andrey Evseenko thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga dự báo về tương lai quan hệ Nga-Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald ...

Đôi điều suy nghĩ sau cuộc bầu cử đặc biệt của nước Mỹ

Đôi điều suy nghĩ sau cuộc bầu cử đặc biệt của nước Mỹ

Chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ như một bộ phim truyền hình nhiều tập, đầy kịch tính kéo dài suốt hơn một năm qua ...

Ông Donald Trump 'chọn mặt gửi vàng', bước chuẩn bị cho quan hệ với Trung Quốc, NATO có nên lo?

Ông Donald Trump 'chọn mặt gửi vàng', bước chuẩn bị cho quan hệ với Trung Quốc, NATO có nên lo?

Mới đây, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt cái tên mới mà ông sẽ bổ nhiệm vào đội ...

Nga-Trung ca ngợi 'mối tình' bền chặt, Moscow chỉ điểm nhiệm vụ quan trọng nhất với Bắc Kinh, Mỹ bị gọi tên

Nga-Trung ca ngợi 'mối tình' bền chặt, Moscow chỉ điểm nhiệm vụ quan trọng nhất với Bắc Kinh, Mỹ bị gọi tên

Ngày 12/11, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu, đang ở thăm Bắc Kinh tham gia cuộc họp tham vấn về các vấn ...

Mỹ tố Trung Quốc tấn công các công ty viễn thông, xác nhận sẽ gặp thượng đỉnh tại Peru

Mỹ tố Trung Quốc tấn công các công ty viễn thông, xác nhận sẽ gặp thượng đỉnh tại Peru

Ngày 13/11, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Cơ sở Hạ tầng (CISA) đã ra tuyên ...