Tin thế giới 15/10: Mỹ khiến Trung Quốc ‘giận tím mặt’, Hé lộ những cá nhân Nga bị EU trừng phạt, Sự thật về lính đánh thuê ở Nagorno-Karabakh? |
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ đưa tàu vào eo biển Đài Loan, Trung Quốc phản đối gay gắt
AFP đưa tin, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS Barry ngày 14/10 đã di chuyển qua eo biển Đài Loan. Theo phát ngôn viên Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Reann Mommsen, nhiệm vụ này được thực hiện tuân thủ theo luật lệ quốc tế.
Trung Quốc coi việc các tàu nước ngoài di chuyển qua khu vực eo biển Đài Loan là “vi phạm chủ quyền” của nước này. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều quốc gia khác cho rằng, đây là vùng biển quốc tế và họ có quyền tự do đi lại tại đây.
Phát biểu về động thái trên của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông Trung Quốc Zhang Chunhui cho biết, quân đội Trung Quốc đã theo dõi và giám sát tàu khu trục USS Barry.
Ông Zhang kêu gọi Mỹ chấm dứt các phát ngôn và hành động khiêu khích tại eo biển Đài Loan, đồng thời khẳng định, quân đội Trung Quốc kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và duy trì hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan xác nhận, tàu khu trục USS Barry đã di chuyển theo hướng Bắc qua eo biển và tình hình vẫn “bình thường”. Đài Loan cũng cử lực lượng theo dõi hoạt động của tàu chiến Mỹ. (AFP/Reuters)
Tổng thống Trump muốn Mỹ chấm dứt phụ thuộc vào Trung Quốc mãi mãi
Fox Business đưa tin, trong sự kiện trực tuyến của Câu lạc bộ kinh tế New York hôm 14/10, ông Trump cho biết, nếu tái đắc cử chức tổng thống Mỹ, ông có kế hoạch đưa Mỹ trở thành “siêu cường sản xuất của thế giới, nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi”.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho rằng: "Trung Quốc đã để virus lây lan ra toàn thế giới và chỉ có Chính quyền Tổng thống Trump mới khiến họ phải chịu trách nhiệm. Nếu tôi không đắc cử chỉ trong thời gian ngắn, khoảng 20 ngày thôi, Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ. Tôi có thể khẳng định với các bạn điều đó". (Fox)
Mỹ trừng phạt lãnh đạo Hong Kong
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/10 đã trình báo cáo đầu tiên lên Quốc hội theo Đạo luật Tự trị Hong Kong. Báo cáo “nhấn mạnh sự phản đối liên tục đối với các hành động có chủ ý của Bắc Kinh nhằm làm xói mòn quyền tự do của người dân Hong Kong và áp đặt các chính sách của Trung Quốc”.
Cùng với báo cáo của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính Mỹ bổ sung thêm 10 người vào danh sách trừng phạt với tên gọi “Những Công dân Được Chỉ định Đặc biệt”. Danh sách này có Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam, với cáo buộc bà gây tổn hại cho quyền tự trị của Hong Kong. (AFP)
Trung Quốc muốn hợp tác với Nga để chống lại sự thống trị của Mỹ
Đó là thông điệp mà Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Nga.
“Lịch sử và thực tế chứng minh rằng chủ nghĩa đa phương là con đường đúng đắn. Duy trì chủ nghĩa đa phương và dân chủ hóa các quan hệ quốc tế là lựa chọn duy nhất cho Trung Quốc và cũng là lựa chọn cho hầu hết quốc gia trên thế giới”, ông Zhang nói trong bài trả lời phỏng vấn được đăng trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc.
“Trung Quốc sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga, để duy trì hợp tác và chủ nghĩa đa phương, chống lại bá quyền và chính trị cường quyền, chung tay bảo vệ hệ thống quốc tế với Liên Hợp quốc đóng vai trò trung tâm và cùng giải quyết những thách thức chung do đại dịch Covid-19 gây ra, chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu”, Đại sứ Trung Quốc khẳng định. (SCMP)
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Azerbaijan tuyên bố phá hủy số vũ khí trị giá 1 tỷ USD của Armenia
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp France 24, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, các UAV mà nước này sử dụng trong xung đột ở Nagorno-Karabakh với Armenia rất hiện đại. Ông Aliyev cho biết, bằng các UAV mua từ Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan đã phá hủy lượng khí tài quân sự của Armenia trị giá 1 tỷ USD.
Về phần mình, trong bài phát biểu ngày 14/10, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, Nagorno-Karabakh đã chịu thiệt hại “khổng lồ” khi nhiều thành viên của lực lượng vũ trang tại khu vực này đã thiệt mạng.
Ông Pashinyan nói rằng, Azerbaijan cũng đã mất nhiều phương tiện quân sự và binh sĩ trong cuộc giao tranh 2 tuần qua. (Sputnik)
Liệu có lính đánh thuê Syria ở Nagorno-Karabakh?
Báo Washington Post ngày 15/10 cho biết, 52 lính đánh thuê Syria đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, báo này lưu ý cái chết của nhiều chiến binh Syria có nguy cơ lôi kéo các lực lượng bên ngoài, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, vào cuộc xung đột và có khả năng gây bất ổn cho các nước láng giềng như Iran và Georgia.
Theo bài viết, đầu tháng 10, thi thể những người lính đánh thuê thiệt mạng đã được bàn giao cho người thân tại cửa khẩu biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Họ được tuyển mộ bởi "các đơn vị do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Syria để chiến đấu với Armenia bên phía Azerbaijan”. Người thân 2 nạn nhân nói với tờ Washington Post rằng, những người lính đánh thuê đã đến Azerbaijan từ miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và đơn vị Thổ Nhĩ Kỳ hứa trả lương hàng tháng cho họ.
Trong khi đó, Azerbaijan liên tiếp phủ nhận việc sử dụng lính đánh thuê. Tổng thống nước này, ông Ilham Aliyev nói, Azerbaijan không cần họ, vì quân đội của ông có hơn 100.000 binh sĩ. “Chúng tôi không có lính đánh thuê. Đây là tuyên bố chính thức của chúng tôi”, ông nói và lưu ý rằng, không quốc gia nào có thể cung cấp bằng chứng về việc Azerbaijan sử dụng lính đánh thuê các quốc gia khác. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ cáo buộc chuyển chiến binh từ Syria đến Nagorno-Karabakh. (Washington Post)
Brexit
EU và Anh nỗ lực tiến đến một thỏa thuận hậu Brexit
Trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 14/10, các quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) đã nói với Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng, châu Âu sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), nhưng sẽ không cố gắng đạt được một thỏa thuận bằng mọi giá.
Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, ông và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen một lần nữa nỗ lực hết sức để đàm phán đạt tiến bộ. Ông Michel nói: "Chúng tôi đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận, nhưng không phải bằng mọi giá". Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen cho rằng: "Các điều kiện liên quan đến vấn đề đánh bắt cá và cạnh tranh công bằng phải hợp lý". Hiện vẫn còn rất nhiều việc cần phải giải quyết ở phía trước.
Trong khi đó, về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ông cảm thấy thất vọng vì không đạt được thêm tiến bộ nào sau cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit kéo dài suốt hai tuần qua với EU. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ vẫn chờ đợi thông tin từ Hội nghị thượng đỉnh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng liệu có rút khỏi các cuộc đàm phán hay không. (Reuters)
Vụ đầu độc Navalny
EU trừng phạt các quan chức thân cận với Tổng thống Nga
Một nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ, Nga phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của EU liên quan đến vụ đầu độc Alexei Navalny, trong đó có người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa của Nga và phó chánh văn phòng thứ nhất trong chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Danh sách này cũng bao gồm người đứng đầu ban giám đốc chính sách đối nội của Moscow, 2 thứ trưởng quốc phòng và đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Đặc khu Liên bang Siberia.
Doanh nhân người Nga Yevgeny Prigozhin cũng bị liệt vào danh sách theo cơ chế trừng phạt của EU. (AFP)
Biểu tình ở Kyrgyzstan
Tổng thống Kyrgyzstan tuyên bố từ chức
Ngày 15/10, theo thông báo Từ Văn phòng báo chí của nguyên thủ quốc gia Kyrgyzstan, Tổng thống nước này Sooronbai Jeenbekov đã tuyên bố từ chức.
Tuyên bố đăng trên trang web của tổng thống viết: “Tôi không nắm giữ quyền lực. Tôi không muốn lưu lại lịch sử của Kyrgyzstan với tư cách là tổng thống đã gây đổ máu và bắn vào chính công dân của mình. Vì vậy, tôi quyết định từ chức". (TASS)
Iran
Iran tuyên bố sẽ được tự do mua bán vũ khí
Ngày 14/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này sẽ được tự do mua bán vũ khí bắt đầu từ ngày 18/10, vì lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ chấm dứt theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp nội các, ông Rouhani nêu rõ: “Lệnh cấm vận kéo dài 10 năm này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 18/10 nhờ sự phản kháng của nhân dân và nỗ lực của các nhà ngoại giao Iran". Tổng thống Rouhani khẳng định, đây là một trong những thành quả của thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó, từ ngày 18/10 Iran có thể mua và bán vũ khí. (Sputnik)
Châu Âu
Lãnh đạo tình báo Anh cảnh báo về các mối đe dọa gián điệp Nga, Trung Quốc
Ngày 14/10, Giám đốc Cơ quan An ninh Nội địa Anh (MI5) Ken McCallum cho biết, các mối đe dọa gián điệp do Trung Quốc và Nga gây ra cho Anh đang “ngày càng nghiêm trọng và phức tạp”, giữa lúc IS vẫn là mối đe dọa.
Ông McCallum nói: "Nếu câu hỏi đặt ra là lực lượng tình báo nước nào gây nguy hiểm lớn nhất cho Anh vào tháng 10/2020, câu trả lời là Nga. Nếu câu hỏi khác là nước nào sẽ định hình thế giới của chúng ta trong thập niên tới, đặt ra những cơ hội và thách thức lớn cho Anh, câu trả lời là Trung Quốc".
Ông McCallum "cẩn trọng" đặt ưu tiên các nguồn lực của MI5 để đối phó với "các hoạt động ngầm" của Trung Quốc. Ông McCallum muốn Anh có thể can thiệp sớm hơn ngay từ khi phát hiện các nguy cơ nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này, trước khi chính phủ buộc phải sử dụng biện pháp mạnh để xử lý khủng hoảng. (Bloomberg)
Biểu tình ở Thái Lan
Biểu tình leo thang, Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tuyên bố thực thi sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok có hiệu lực từ 4 giờ sáng 15/10.
Động thái được đưa ra nhằm kiểm soát cuộc biểu tình đang leo thang của những người biểu tình tự xưng là Nhóm Nhân dân (Khana Ratsadon) trước Tòa nhà Chính phủ từ ngày 14/10.
Sau khi có tuyên bố này, cảnh sát đã tiến đến gần Tòa nhà chính phủ để buộc những người biểu tình rời khỏi khu vực. Truyền thông sở tại đưa tin, những người biểu tình được cho là đã ném các vật nhỏ vào cảnh sát, nhưng cuối cùng đã chịu giải tán khỏi các khu vực. (Reuters)