Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un thị sát vụ thử tên lửa ngày 14/2. (Nguồn: KCNA) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Nga dự kiến xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài: Thư ký báo chí của Tổng thống LB Nga, ông Dmitry Peskov ngày 14/2 cho biết “Chiến dịch quân sự đặc biệt được bắt đầu như một chiến dịch chống Ukraine, theo thời gian, nó mang hình thức một cuộc chiến chống lại tập thể phương Tây, một cuộc chiến khi các nước thuộc tập thể phương Tây, do Mỹ cầm đầu, trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này”, và vì điều đó nó “có thể kéo dài hơn một chút” nhưng “sẽ không thay đổi diễn biến của sự việc”.
Trước đó, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã gọi phương Tây là kẻ thù của Moscow, khi họ cố “giải quyết vấn đề của mình” thông qua Ukraine. (TASS)
*Quân đội Ukraine cạn kiệt đạn dược: Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 14/2 cho biết quân đội Ukraine bắt đầu cạn kiệt đạn dược trong bối cảnh gói viện trợ chiến tranh khổng lồ của Mỹ cho nước này theo đề nghị của Tổng thống Joe Biden vẫn bị phe Cộng hòa tại Hạ viện ngăn cản.
Những thông tin trên được ông Sullivan đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Biden có bài phát biểu trên truyền hình nhằm kêu gọi các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện thông qua dự luật về gói viện trợ cho Ukraine. Tân Tư lệnh quân đội Ukraine ngày 14/2 thừa nhận tình hình ở tiền tuyến "cực kỳ khó khăn" do tình trạng chậm trễ trong viện trợ quân sự của Mỹ phủ bóng đen lên những nỗ lực chiến đấu của Ukraine. (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
*Hai ngư dân Trung Quốc thiệt mạng sau cuộc rượt đuổi của cảnh sát biển Đài Loan: Ngày 14/2, Cảnh sát biển Đài Loan (Trung Quốc) thông báo 2 ngư dân Trung Quốc đại lục đã "chết đuối" sau khi bị lực lượng này truy đuổi ngoài khơi quần đảo Kim Môn do Đài Loan quản lý.
Cùng ngày, phía Trung Quốc đại lục đã lên án mạnh mẽ vụ việc. Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, bà Chu Phụng Liên cáo buộc chính quyền Đài Loan, do đảng Dân tiến nắm giữ, đã bắt giữ các tàu đánh cá của Trung Quốc đại lục với nhiều lý do khác nhau và đối xử thô bạo với ngư dân Trung Quốc, cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc vừa xảy ra. (Tân Hoa Xã)
*Triều Tiên kêu gọi dùng vũ lực với tàu Hàn Quốc: Ngày 15/2, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã kêu gọi sử dụng vũ lực đối với các tàu Hàn Quốc "xâm phạm lãnh hải".
Triều Tiên từ lâu đã cáo buộc Hàn Quốc vi phạm vùng biển của mình vì Bình Nhưỡng không công nhận đường biên giới trên biển hiện tại, được gọi là Đường Giới hạn phía Bắc (NLL), đồng thời tuyên bố có đường ranh giới tự vẽ ở phía Nam NLL.
Ông Kim cáo buộc Hàn Quốc đã đưa "nhiều loại thiết giáp hạm xâm nhập vào vùng biển của Triều Tiên và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước này", cho rằng NLL là đường "ma" không có căn cứ pháp lý nào. (Yonhap)
*Philippines cam kết với đàm phán COC ở Biển Đông: Ngày 15/2, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo khẳng định nước này cam kết theo đuổi đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhằm giảm đối đầu ở Biển Đông.
Ông Manalo cho biết căng thẳng ở Biển Đông không nên được coi là một khía cạnh của cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Philippines và các nước khác có những quyền và lợi ích hợp pháp cần được bảo vệ. Theo ông, quan điểm như vậy sẽ “không giúp ích gì trong việc hiểu đúng về tình hình ở Biển Đông”.
Ý tưởng về một bộ quy tắc ứng xử đã được ấp ủ từ hơn 2 thập kỷ trước nhưng các bên mới chỉ cam kết bắt đầu quá trình đàm phán từ năm 2017. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đạt được rất ít tiến bộ về nội dung. (Straits Times)
*Lãnh đạo Triều Tiên thị sát buổi phóng thử tên lửa mới: Ngày 15/2, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-Un đã thị sát vụ phóng thử tên lửa đất đối hải mới và ra lệnh bố trí phòng thủ chặt chẽ hơn gần biên giới biển phía Tây.
Theo KCNA, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa mới với tên gọi là Padasuri-6 vào ngày 14/2. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu sau khi bay qua vùng biển ở phía Đông Bán đảo Triều Tiên trong khoảng 1.400 giây. Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc ngày 14/2 cho biết sáng cùng ngày, Triều Tiên đã phóng một số tên lửa hành trình ra ngoài khơi bờ biển phía Đông.
Đây là lần thứ 5 Triều Tiên phóng tên lửa hành trình kể từ đầu năm tới nay. Bình Nhưỡng đã tiến hành các vụ thử vũ khí bao gồm phóng tên lửa hành trình từ biển và đất liền, cũng như bắn pháo vào vùng biển gần hải giới liên Triều ở phía Tây. (Yonhap)
Trung Đông – Châu Phi
*Palestine nói Thủ tướng Israel muốn chiến tranh vì mục tiêu cá nhân: Theo Reuters ngày 14/2, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki đã cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ quan tâm đến sinh mạng chính trị cá nhân. Ông Maliki nhấn mạnh: “Ông Netanyahu quyết tâm tiếp tục cuộc chiến vì sự nghiệp cá nhân, vì tương lai cá nhân và rõ ràng là ông ấy không quan tâm đến số phận, mạng sống của những người dân vô tội, cả ởIsrael và Palestine”.
Cho đến nay, hơn 28.000 người đã thiệt mạng và 68.000 người bị thương ở Gaza trong chiến dịch quân sự trả đũa của Israel. Cộng đồng quốc tế đang ngày càng quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc tấn công trên bộ của Israel nhằm vào thị trấn Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của hơn một triệu người Palestine. (AFP)
*Israel cảnh báo sẽ tấn công thành phố lớn nhất ở Gaza: Ngày 14/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tấn công Hamas ở Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở miền Nam Gaza, sau khi cho phép dân thường rời khỏi khu vực này.
Trên tài khoản Telegram cá nhân, ông Netanyahu khẳng định: “Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng hoàn toàn và điều này bao gồm cả hành động mạnh mẽ ở Rafah, sau khi chúng tôi cho phép dân thường rời khỏi khu vực chiến sự”.
Liên quan vụ việc, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng, một cuộc tấn công vào thành phố Rafah, nơi 1,3 triệu người đang tìm nơi ẩn náu sẽ là một thảm họa nhân đạo. (Reuters)
*Mỹ công bố gói trừng phạt mới đối với Iran: Ngày 14/2, Mỹ thông báo nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một công ty con của Ngân hàng Trung ương Iran (CBI), 2 công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một công ty có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ và 3 cá nhân vì buôn lậu công nghệ Mỹ.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính Brian Nelson giải thích: “Ngân hàng Trung ương Iran đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho (Lực lượng Quds- Vệ binh Cách mạng Hồi giáo) và Hezbollah, hai nhân tố chủ chốt có ý định gây bất ổn hơn nữa ở Trung Đông”. (Reuters)
Châu Âu
*Tổng thống Ukraine sắp thăm Đức và Pháp: Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/2 cho biết ông Zelensky sẽ thăm Đức và Pháp vào ngày 16/2 và dự định phát biểu tại hội nghị an ninh Munich vào ngày 17/2.
Theo nguồn tin trên, ông Zelensky đã lên kế hoạch tổ chức nhiều cuộc gặp song phương khác nhau trong những chuyến đi này. (Sputnik News)
*Latvia và Anh là nhà cung cấp UAV hàng đầu cho Ukraine: Bộ Quốc phòng Latvia ngày 15/2 cho biết nước này sẽ dẫn đầu một liên minh cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Ukraine. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds nhấn mạnh công nghệ UAV đã thay đổi đáng kể chiến lược và chiến thuật chiến tranh.
UAV cũng có vai trò quan trọng trong kho vũ khí của Ukrainevà hoạt động hiệu quả trong việc trinh sát và tiêu diệt lực lượng đối phương. Bộ Quốc phòng Latvia cho biết nước này muốn đầu tư ít nhất 10 triệu euro trong vòng một năm để thúc đẩy liên minh về UAV nhằm cung cấp loại vũ khí này cho Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày, Anh cũng tuyên bố sẽ cung cấp thêm hàng nghìn máy bay không người lái (UAV) cho Ukraine như một phần trong gói viện trợ UAV trị giá 200 triệu bảng Anh. Phát biểu trước thềm các cuộc gặp với các đồng minh ở Brussels và Munich trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nhấn mạnh: "Anh và Latvia sẽ cung cấp cho Ukraine những khả năng cần thiết để tự vệ và giành chiến thắng. (Reuters)
*Moscow bác cảnh báo của Mỹ về triển khai vũ khí hạt nhân: Ngày 15/2, Nga đã bác bỏ cảnh báo của Mỹ về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trong vũ trụ, gọi đó là "sự bịa đặt ác ý" và một mánh khóe của Nhà Trắng nhằm mục đích khiến các nhà lập pháp Mỹ phê duyệt chi nhiều tiền hơn để chống lại Moscow.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Rõ ràng là Nhà Trắng đang cố gắng, bằng cách móc túi hoặc lừa gạt, để khuyến khích Quốc hội bỏ phiếu về dự luật phân bổ tiền, điều này là hiển nhiên. Chúng ta sẽ xem Nhà Trắng sẽ sử dụng những chiêu trò gì".
Ông Peskov cho biết ông sẽ không bình luận về nội dung của các báo cáo cho đến khi Nhà Trắng công bố chi tiết. Nhưng ông cho rằng cảnh báo của Washington rõ ràng là một nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua thêm nhiều tiền để chống Nga.(TASS)
*Tổng thống Putin nói NATO chỉ là công cụ của Washington, bình luận về ứng viên Tổng thống Mỹ: Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-1 ngày 14/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng hiện NATO chỉ là một công cụ trong chính sách đối ngoại của Washington.
Tổng thống Putin nói: “Tôi nghĩ NATOchẳng có tác dụng gì, chẳng ích gì. Chỉ có một ý nghĩa duy nhất - đó là công cụ trong chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Trả lời câu hỏi chính trị gia nào với tư cách là nhà lãnh đạo nước Mỹ - Joe Biden hay Donald Trump - sẽ tốt hơn cho Nga, Tổng thống Putin giải thích: “Biden. Ông ấy là người giàu kinh nghiệm hơn, dễ đoán hơn, ông ấy là một chính trị gia thuộc thế hệ cũ”. Ông Putin cũng khẳng định Moscow sẵn sàng hợp tác với bất kỳ tổng thống Mỹ nào được người dân tin tưởng. (Sputnik News)
*Nga tăng cường quan hệ với các nước Nam Bán cầu: Phát biểu tại Duma Quốc gia Nga ngày 14/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố những nỗ lực nhằm cô lập Moscow sau khi nổ ra chiến sự ở Ukraine đã thất bại và rằng “chính sách thiển cận” của phương Tây, ngoài việc tạo ra những mối đe dọa mới, đã giúp Nga tăng cường quan hệ với các quốc gia ở phía Nam bán cầu.
Ngoại trưởng Nga tố cáo rằng phương Tây, do Mỹ lãnh đạo, đã sử dụng “chế độ Kiev” để đạt mục tiêu, bên cạnh việc sử dụng “một kho vũ khí rộng lớn gồm các công cụ chiến tranh hỗn hợp” như trừng phạt kinh tế, ngoại giao và thậm chí cả trong các không gian như truyền thông, văn hóa, thể thao.
Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng “sự thù địch tập thể” của phương Tây cũng đã mở ra “những cơ hội mới” để hướng mối quan hệ của Nga theo “các hướng địa lý đa dạng”. (TASS)
*Đa số người Đức không muốn Ukraine gia nhập EU: Kết quả khảo sát dư luận do Quỹ Bertelsmann Stiftung thực hiện cho thấy 52% số người Đức không ủng hộ sáng kiến kết nạp Ukraine vàoLiên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, 69% số người được hỏi cũng cho rằng việc tái thiết Ukraine sẽ trở thành gánh nặng kinh tế, 47% phản đối việc hỗ trợ vũ khí cho Kiev. Ngoài ra, 64% số người tham gia khảo sát ủng hộ ý tưởng Đức cần tiếp tục chấp nhận người tị nạn Ukraine.
Hơn một nửa số người được hỏi (59%) cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga là không hiệu quả, 22% có quan điểm ngược lại. Tại EU, khoảng 60% số người ủng hộ Ukraine gia nhập khối này. (DW)
*Cháy lớn ở trung tâm Moscow: Tại trung tâm thủ đô Moscow của Nga đã xảy ra cháy lớn tại tòa nhà Izvestia Hall trên Quảng trường Pushkin. Diện tích bị hỏa hoạn là 1.500m2. Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp, ba tòa nhà kim loại ở khu vực sân đang bốc cháy. Mái vòm kim loại của một trong số chúng đã đổ sụp. Vụ cháy được xếp vào cấp độ phức tạp thứ 3 trong 5 cấp độ.
Tin cho biết đám cháy đã lan sang các tòa nhà lân cận, ngọn lửa nhấn chìm quán bar Residence và hộp đêm Lookin Rooms. Các cơ quan khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường. Tòa nhà có phòng hòa nhạc Izvestia Hall được xây dựng vào năm 1925-1927 theo phong cách Avangar với một dãy cửa sổ tròn lớn ở tầng trên cùng. (TASS)
Châu Mỹ- Mỹ Latinh
*Xả súng ở Mỹ, 3 cảnh sát bị thương: Ba cảnh sát đã bị bắn bị thương nhưng không nguy hại đến tính mạng khi một nghi phạm tiếp tục nổ súng trong một khu dân cư ở Đông Nam thủ đô Washington D.C. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết sĩ quan thứ 4 bị thương nhẹ. Nghi phạm sau khi nổ súng đã cố thủ trong nhà và tiếp tục nổ súng sau khi cảnh sát phong tỏa một vài khu phố, buộc một số trường học phải đóng cửa.
Vụ việc xảy ra khi Washington D.C đang phải vật lộn với tình trạng tội phạm bạo lực gia tăng với số vụ giết người và cướp xe tăng 35% trong năm 2023. Mỹ hiện có tới 50% người trưởng thành sở hữu súng, là quốc gia có số người sử dụng súng thuộc top đầu của thế giới. (AP)
*Ngoại trưởng Nga công du Mỹ Latinh: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thăm 3 nước Mỹ Latinh từ ngày 19/2. Điểm dừng chân đầu tiên của ông Lavrov là Cuba, sau đó là Venezuela và Brazil.
Tại Cuba, ông Lavrov sẽ gặp Chủ tịch Miguel Díaz-Canel và Ngoại trưởng Bruno Rodríguez để thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề toàn cầu và khu vực. Trong khi đó, tại Venezuela, Ngoại trưởng Nga sẽ hội kiến Tổng thống Nicolás Maduro và người đồng cấp Yván Gil sau đó thăm Brazil từ ngày 21-22/2 để tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao G20.
Trước đó, ông Lavrov đã có chuyến công du đến Brazil, Cuba, Nicaragua và Venezuela hồi tháng 4/2023. (Reuters)
*Mỹ cân nhắc trừng phạt Venezuela từ tháng 4: Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ sẽ đợi đến tháng 4, khi giấy phép khai thác dầu khí hết hạn, để đưa ra quyết định về việc có nên áp dụng lại các lệnh trừng phạt đối với Venezuela hay không.
Phát biểu trước báo giới ngày 14/2, ông Sullivan nhấn mạnh quyết định của Washington sẽ phụ thuộc vào những gì Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro làm từ nay cho đến tháng 4 để thực hiện cam kết tổ chức “các cuộc bầu cử tự do và công bằng” trong năm nay.
Trong khi đó, Venezuela vừa bắt giữ nhà hoạt động đối lập Rocío San Miguel hôm 9/2 khi chuyên gia quân sự này đang di chuyển từ Caracas tới Miami. Nhà Trắng đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ bắt giữ nêu trên. (Reuters)
*Mỹ cam kết duy trì hỗ trợ cho Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 14/2 cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cạn nguồn viện trợ cho Kiev và đề nghị cấp ngân sách bổ sung cho hoạt động này đang gặp khó khăn tại Hạ viện Mỹ, vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ông Austin nhấn mạnh: “Mỹ sẽ tiếp tục tìm mọi cách để hỗ trợ cho Ukraine cả trong ngắn hạn và dài hạn”, song không đề cập đến gói viện trợ quân sự trị giá 95,34 tỷ USD cho Ukraine và các đồng minh khác, vốn vẫn chưa được Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thông qua. (AFP)