📞

Tin thế giới 16/2: Nga nói 'cạn kiệt' một thứ, Thủ lĩnh đối lập Navalny tử vong; khai mạc Hội nghị an ninh Munich; Tổng thống Mỹ cảnh báo Israel

Hoàng Hà 20:45 | 16/02/2024
Giao tranh ác liệt ở Avdiivka giữa các lực lượng Nga và Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông từ Rafah đến Lebanon, khai mạc Hội nghị an ninh Munich... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny đã tử vong ở nhà tù Bắc Cực. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Đức ngày 16/2, theo thông báo trên kênh Telegram của ông.

Đăng tải hình ảnh ở một sân bay cùng với Đại sứ Ukraine tại Berlin và một quan chức Bộ Ngoại giao Đức, Tổng thống Zelensky cho hay, ông sẽ thảo luận về “cấu trúc an ninh mới cho Ukraine”, lưu ý rằng, Kiev đang nỗ lực chấm dứt xung đột "sớm nhất có thể trên cơ sở các điều khoản công bằng" cho quốc gia Đông Âu.

Tại Đức, Thủ tướng nước này Olaf Scholz và Tổng thống Zelensky đã ký thỏa thuận an ninh song phương.

Theo kế hoạch, ông Zelensky sẽ đến Paris cùng ngày để ký thỏa thuận tương tự với Pháp. (Reuters, AFP)

* Phương Tây thất bại trong nỗ lực gây ra "sự thất bại chiến lược" cho Nga ở Ukraine, theo lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev ngày 16/2.

Phát biểu tại Bishkek trong một cuộc họp của các thư ký Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Patrushev đánh giá, tình hình quốc tế đã xấu đi đến mức chưa từng có "vì phương Tây mong muốn duy trì vị thế thống trị trong các vấn đề thế giới bằng mọi giá”.

Quan chức Nga nhấn mạnh: “Ví dụ nổi bật nhất là tình hình xung quanh Ukraine; phương Tây muốn giáng đòn thất bại chiến lược cho Nga tại đây. Nhưng nỗ lực đó đã không thành công". (Sputnik)

* Nga đạt bước tiến ở Avdiivka: Ngày 16/2, các nguồn tin của Nga cho biết, quân đội nước này đã tiến lên ở sườn phía Nam thành phố Avdiivka, thiết lập quyền kiểm soát thêm 2 cứ điểm cố thủ là “Cheburashka” và “Vinogradniki-2”.

Tính đến sáng cùng ngày, các nhóm tấn công của quân đội Nga (VS RF) đã liên tiếp chiếm được 3 cứ điểm cố thủ ở sườn phía Nam.

Trong khi đó, phía Ukraine cho biết đã xảy ra giao tranh ác liệt ở Avdiivka và họ đang chuẩn bị các cứ điểm mới xung quanh trung tâm công nghiệp này khi Nga tăng cường tấn công.

AFP dẫn lời đánh giá của Lữ đoàn xung kích số 3 thuộc quân đội Ukraine đánh giá, tình hình ở Avdiivka của Ukraine hiện khó khăn hơn trận chiến kéo dài nhiều tháng tại Bakhmut, đã bị Nga kiểm soát hồi tháng 5.

Châu Âu

một số cử chỉ rất khác nhau". (TASS)

* Thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny tử vong trong nhà tù ở Bắc Cực, theo thông báo từ Cơ quan quản lý nhà tù liên bang Nga ngày 16/2.

Thông báo có đoạn: “Ông Navalny cảm thấy khó chịu sau khi đi dạo, gần như bất tỉnh ngay lập tức".

Các nhân viên y tế và đội xe cứu thương được huy động ngay lập tức nhưng các biện pháp hồi sức không mang lại kết quả tích cực. Nhân viên y tế xác nhận người bị kết án đã tử vong. Nga đang điều tra nguyên nhân tử vong.

Người phát ngôn nhận được báo cáo về vụ việc. (TASS)

* Khai mạc Hội nghị an ninh Munich (MSC) 2024 tại khách sạn Bayerischer Hof ở thành phố Munich, miền Nam nước Đức ngày 16/2. Hội nghị toàn cầu thường niên này sẽ kéo dài đến ngày 18/2, tập trung thảo luận chính sách quốc phòng và ngoại giao.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nằm trong số các quan chức hàng đầu thế giới tham dự MSC 2024. Tổng thống Israel Isaac Herzog và Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh dự kiến cũng tham dự sự kiện này.

Hội nghị bắt đầu với trọng tâm là các thách thức an ninh toàn cầu, trong đó có tương lai của quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương, khả năng phục hồi dân chủ, an ninh khí hậu, an ninh hạt nhân, di cư và tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI).

Hiện trạng trật tự quốc tế cũng như những cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực - từ Ukraine đến Sudan và Trung Đông - sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự diễn ra vào ngày 17/2.

Ngày cuối của hội nghị sẽ những các cuộc thảo luận về vai trò của châu Âu trên thế giới và mối quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với các đối tác.

* Biên giới Belarus-Ukraine căng thẳng: Ngày 16/2, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố, “một số phần tử phá hoại”, bao gồm các công dân Ukraine và Belarus, đã bị bắt giữ vào sáng cùng ngày tại khu vực biên giới giữa hai nước trong khuôn khổ "chiến dịch chống khủng bố".

Theo nhà lãnh đạo, các đối tượng bị bắt đã “bò qua biên giới và mang theo chất nổ nhằm phá hoại chủ yếu ở Nga và Belarus”.

Trước đó, ngày 15/2, Belarus đã áp dụng chế độ chống khủng bố tại huyện Lelchitsky, tỉnh Gomel giáp ranh với Ukraine. (Sputnik)

Châu Á

* Khả năng cải thiện quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên: Ngày 15/2, bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ với Nhật Bản, bao gồm cả chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio đến Bình Nhưỡng với một số điều kiện nhất định, như không nêu vấn đề công dân bị bắt cóc.

Về việc này, ngày 16/2, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, nước này "lưu tâm" tới phát ngôn của bà Kim Yo-jong, song Tokyo sẽ không chấp nhận tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng vấn đề người bắt cóc đã được giải quyết.

Mỹ khẳng định ủng hộ mọi hình thức ngoại giao và đối thoại của Nhật Bảnvới Triều Tiên. (Kyodo, Yonhap)

* Nhật Bản sẽ thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) MQ-9B Sea Guardian ở Biển Hoa Đông, tại căn cứ không quân Kanoya ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản, vào tháng 4/2024.

Thông tin do Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara công bố ngày 16/2, nhấn mạnh, mục tiêu là để kiểm tra xem liệu các UAV có thể đảm nhận một phần chức năng giám sát hay không. (Sputnik)

* Lính thủy quân lục chiến Mỹ-Hàn tập trận chung mùa Đông ở huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon, miền Hàn Quốc, trong khuôn khổ chương trình tập trận song phương thường kỳ.

Khoảng 110 lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Mỹ cùng nhiều thiết bị hỗ trợ tham gia tập trận, bắt đầu từ ngày 6/2 và dự kiến kết thúc vào ngày 20/2. Nội dung tập trận chủ yếu là tập huấn năng lực tác chiến, các kỹ năng sinh tồn và thao diễn trong điều kiện thời tiết có tuyết ở địa hình đồi núi. (Yonhap)

Trung Đông

* Tổng thống Mỹ cảnh báo Israel về chiến dịch Rafah: Trong cuộc điện đàm mới với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 15/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo về việc Israel tiến hành một chiến dịch nhằm vào thành phố Rafah của Dải Gaza.

Nhà Trắng cho hay: "Tổng thống... nhắc lại quan điểm rằng không nên tiến hành một chiến dịch quân sự nếu không có kế hoạch đáng tin cậy và khả thi để đảm bảo an toàn và hỗ trợ cho dân thường ở Rafah". (AFP)

* Israel bác bỏ sự công nhận quốc tế về một nhà nước Palestine, cho rằng "sự công nhận như vậy, sau vụ thảm sát ngày 7/10/2023, sẽ mang lại một phần thưởng to lớn cho chủ nghĩa khủng bố và sẽ ngăn cản bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Israel kiên quyết bác bỏ các mệnh lệnh quốc tế liên quan một giải pháp lâu dài với người Palestine”, đồng thời nêu rõ một thỏa thuận hòa bình chỉ có thể là kết quả của “các cuộc đàm phán trực tiếp mà không cần điều kiện tiên quyết”. (AFP)

* Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kỳ vọng vào một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza, cũng như việc trả tự do cho các con tin.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Albania Edi Rama ở thủ đô Tirana ngày 15/2, ông Blinken cho biết, hiện tại Mỹ và các đối tác gồm Qatar, Ai Cập và Israel “đang làm việc rất rất tích cực” về vấn đề này với mục tiêu “cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận”.

Nhấn mạnh có “những vấn đề rất khó khăn cần được giải quyết”, song ông Blinken cho hay, nước này “quyết tâm làm mọi thứ có thể để tiến về phía trước và xem liệu các bên có thể đạt được thỏa thuận hay không”. (Reuters)

* Lebanon nộp đơn tố cáo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về việc Israel tiến hành loạt vụ tấn công nhằm vào dân thường ở Lebanon, cho rằng đây "là hành vi bạo lực và đẫm máu nhất kể từ tháng 10 năm ngoái”.

Trước đó, Thủ tướng Lebanon đã lên án vụ sát hại 7 người trong một gia đình ở thành phố Nabatieh thuộc miền Nam nước này, trong các cuộc tấn công của Israel diễn ra hôm 14/2. (AFP)

Châu Mỹ

* Venezuela đình chỉ hoạt động của Văn phòng Nhân quyền LHQ và ra lệnh cho 13 nhân viên của cơ quan này rời khỏi quốc gia Nam Mỹ trong vòng 72 giờ.

Ngày 15/2, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yván Gil tuyên bố, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã có thái độ “lạm dụng” khi can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia vùng Caribbean này.

Phát biểu trước báo giới, ông Gil cho biết, Venezuela sẽ xem xét tất cả các điều khoản hợp tác kỹ thuật theo biên bản ghi nhớ ký với cơ quan nêu trên năm 2019 trong vòng 30 ngày. (AP)

* Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva thăm Ai Cập, khẳng định Brasília sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Cairo lên “Đối tác chiến lược”.

Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh, Brazil và Ai Cập có nhiều điểm tương đồng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, quốc phòng, khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, ông Lula da Silva cho rằng việc Ai Cập chính thức gia nhập nhóm Các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS - Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ là cơ hội để hai nước cùng nhau chung tay xây dựng hòa bình trên thế giới. (Al Monitor)

Châu Phi

* Ai Cập bắt đầu xây tường gần Rafah: Tờ New York Times (NYT) dẫn nguồn từ hình ảnh vệ tinh và những người tham gia xây dựng cho biết, Ai Cập đã bắt đầu xây một bức tường ở biên giới phía Nam Dải Gaza, gần thành phố Rafah, nơi quân đội Israel đang chuẩn bị một chiến dịch quân sự.

Một nhà thầu và một kỹ sư nói với tờ báo rằng, quân đội Ai Cập đã giao nhiệm vụ cho họ xây một bức tường bê tông cao 5 mét để bao phủ một khu đất rộng 5 km². Tuy nhiên, không rõ liệu cơ sở này có nhằm mục đích ngăn người Gaza vượt biên hay không.

Một người phát ngôn của chính phủ Ai Cập từ chối bình luận về việc này.

* Ethiopia kêu gọi Liên minh châu Phi (AU) tích cực tham gia trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Ngoại trưởng Ethiopia Taye Atske Selassie nhấn mạnh: “Sự tham gia đầy đủ của AU trong G20 mang lại cho châu Phi một nền tảng độc đáo để đóng góp vào việc quản trị và ra quyết định trên toàn cầu. Do đó, chúng ta phải đảm bảo rằng tiếng nói của châu Phi được lắng nghe và sự tham gia của chúng ta có ý nghĩa".

AU đã được cấp tư cách thành viên chính thức tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ vào tháng 9/2023. Trước khi AU gia nhập khối, Nam Phi là quốc gia châu Phi duy nhất có ghế trong G20.