Phần Lan cho rằng máy bay MiG-31 của Nga đã xâm phạm không phận nước này. (Nguồn: Top War) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin thế giới đáng chú ý ngày 18/8.
Nga-Ukraine
* Khả năng Nga đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia: Ngày 18/8, Bộ Quốc phòng Nga cho hay có khả năng đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nếu lực lượng Ukraine tiếp tục pháo kích vào cơ sở này - hành động phía Kiev bác bỏ.
Trả lời họp báo, Trung tướng Igor Kirillov, người đứng đầu Đơn vị phòng thủ phóng xạ, hóa học và sinh học của Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, nhấn mạnh các hệ thống hỗ trợ dự phòng của nhà máy đã bị hư hại do hậu quả của các đợt pháo kích. Theo ông Kirillov, trong trường hợp nhà máy xảy ra sự cố, chất phóng xạ sẽ lan sang Đức, Ba Lan, Slovakia và cả vùng Scandinavia. Ông cho rằng, mục đích của Ukraine khi “tấn công” nhà máy Zaporizhzhia là để thiết lập một vùng cấm lên tới 30 km, lôi kéo lực lượng quốc tế và các quan sát viên nước ngoài vào cuộc để lên án Nga khủng bố hạt nhân.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrsky khẳng định nước này cần “chuẩn bị mọi kịch bản” liên quan tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia chừng nào cơ sở này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Ông nói: “Không ai có thể lường trước việc lực lượng Nga sẽ sử dụng xe tăng để tấn công các lò phản ứng hạt hạt nhân. Điều này thật sự bàng hoang”.
Trong khi đó, ông Petro Kotin - Chủ tịch Energoatom, công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân của Ukraine - cho hay có khoảng 500 lính Nga và 50 xe bọc thép có mặt tại nhà máy. (AFP/Reuters/Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
'Nồi áp suất' hạt nhân Zaporizhzhia: Nỗi lo thảm họa và sự cấp thiết của hợp tác thiện chí |
Vấn đề Đài Loan
* Đài Loan (Trung Quốc) phô diễn năng lực chống ngầm: Ngày 18/8, lực lượng không quân Đài Loan (Trung Quốc) đã phô diễn các năng lực chống ngầm, nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng cho hành động 24 tiếng/ngày, trong bối cảnh hòn đảo tự trị vấp phải sức ép liên tục từ các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc Đại lục.
Trong chuyến đi do nhà cầm quyền Đài Bắc tổ chức cho giới truyền thông tới căn cứ không quân quan trọng ven biển phía Đông ở Hoa Liên, lực lượng không quân Đài Loan (Trung Quốc) đã phô diễn hệ thống phòng không, trong đó có tên lửa đất đối không Sky Bow III và súng phòng không 35 mm Oerlikon GDF-006.
Lực lượng này cũng khẳng định các cuộc tập trận gần đây không khiến họ hoang mang. Sĩ quan phòng không Chen Te-huan nói: “Chúng tôi không lo lắng chút nào vào thời điểm này, hoạt động huấn luyện thường lệ của chúng tôi chuẩn bị cho các chiến dịch tên lửa cả ngày lẫn đêm. Khi quân đội Trung Quốc hành động, chúng tôi đã sẵn sàng.”
Mặc dù lực lượng này luôn ở tuyến đầu trong chiến dịch ứng phó với các cuộc tập trận của Trung Quốc, gồm cả việc thường xuất kích máy bay để xua đuổi máy bay chiến đấu của Trung Quốc đến gần, chính quyền Đài Bắc vẫn nhấn mạnh “phản ứng bình tĩnh” và đến nay chưa xảy ra đụng độ. (Reuters)
* Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng liên lạc chính thức với Đài Loan: Ngày 18/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố nước này yêu cầu Mỹ ngừng mọi liên lạc chính thức với Đài Loan (Trung Quốc) và chấm dứt đàm phán về thỏa thuận kinh tế và thương mại chính thức giữa hai bên. Ông nhấn mạnh, Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp quyết đoán để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Quan chức này khẳng định: “Chỉ có một nước Trung Quốc trên thế giới, Đài Loan là phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ quốc gia. Việc tuân thủ nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ là điều kiện tiên quyết để Đài Loan tham gia hợp tác kinh tế đối ngoại”. Quan chức ngoại giao này cảnh báo, Mỹ không nên gửi tín hiệu sai lệch cho lực lượng ly khai ở Đài Loan với lý do phát triển hoạt động thương mại.
Trong một diễn biến liên quan, cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo đã phát hiện 51 máy bay và 6 tàu Trung Quốc hoạt động xung quanh hòn đảo tự trị này trong ngày 18/8. Trong đó 25 máy bay trong số đó vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan và bay vào “vùng nhận dạng phòng không” của Đài Bắc. (Reuters/Sputnik)
* Litva cân nhắc lợi ích quốc gia trong quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc): Ngày 18/8, Cố vấn của Tổng thống Litva, bà Aiste Skaisgirytetuyên bố nước này cần tính đến lợi ích an ninh quốc gia trong tiếp xúc song phương giữa các cơ quan chính thức của Litva và Đài Loan (Trung Quốc).
Phát biểu trên đài phát thanh LRT, cố vấn Tổng thống Litva nhấn mạnh: “Mối quan tâm hàng đầu của Litva hiện nay là tăng cường an ninh quốc gia. Các cuộc tiếp xúc đã lên kế hoạch với Đài Loan nên được nhìn nhận qua lăng kính này”.
Chủ tịch Seimas (Quốc hội) Litva Viktorija Cmilyte-Nielsen đang cân nhắc khả năng thực hiện chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc). Bà Cmilyte-Nielsen cho rằng một nhóm các lãnh đạo và thành viên nghị viện của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể tham gia chuyến đi này. Tuy nhiên, cố vấn Tổng thống Litva cho biết: “Nếu là một phần trong chính sách của EU thì chuyến thăm sẽ được chào đón. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đây mới chỉ là dự định”.
Hồi tháng 7, một phái đoàn Đài Loan (Trung Quốc) do Viện trưởng Viện Lập pháp Du Tích Khôn dẫn đầu đã đến thăm Litva. Ông Du đã có gặp bà Cmilyte-Nielsen và mời Chủ tịch Quốc hội Litva thăm Đài Bắc.
Sau chuyến thăm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, bà Cmilyte-Nielsen cho biết bà có thể tiếp bước với tư cách thành viên của một đoàn đại biểu EU.
Ngày 7/8, cơ quan đối ngoại Đài Loan thông báo một phái đoàn Litva do Thứ trưởng Giao thông và Truyền thông Agne Vaiciukeviciute dẫn đầu đã đến Đài Loan (Trung Quốc) trong khuôn khổ chuyến thăm 5 ngày.
Quan hệ giữa Litva và Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi văn phòng đại diện chính thức của nhà cầm quyền Đài Loan được mở tại Vilnius. Bắc Kinh đã phản đối, đồng thời đơn phương hạ cấp quan hệ ngoại giao với Vilnius xuống đại biện. (LRT)
TIN LIÊN QUAN | |
Cuộc hội đàm 7 giờ hạ nhiệt căng thẳng Trung-Nhật |
Châu Âu
* Phần Lan cáo buộc MiG-31 Nga vi phạm không phận: Bộ Quốc phòng Phần Lan thông báo, ngày 18/8, các máy bay chiến đấu của Nga được cho là đã vi phạm không phận của Phần Lan.
Theo thông báo, vụ việc xảy ra vào 9h40 ngày 18/8 theo giờ địa phương (13h40 ngày 18/8 theo giờ Việt Nam) và “hành động xâm phạm” kéo dài khoảng 2 phút. Bộ trên nêu rõ: “Hai máy bay chiến đấu MiG-31 của Nga bị nghi ngờ xâm phạm không phận của Phần Lan tại Vịnh Phần Lan, ngoài khơi thị trấn Porvoo”. Ngay sau đó, không quân Phần Lan đã triển khai “một đội bay” tới khu vực trên để nhận diện loại máy bay, còn lực lượng biên phòng Phần Lan bắt đầu công tác “điều tra sơ bộ”.
Hồi tháng 5, Cơ quan Tình báo và An ninh Phần Lan (SUPO) cảnh báo Nga có ý định tác động tới quá trình xét duyệt đơn xin gia nhập NATO của nước này. (AFP)
* Thổ Nhĩ Kỳ chưa thỏa mãn về quá trình dẫn độ của Thụy Điển: Ngày 18/8, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc Thụy Điển tuyên bố cho phép dẫn độ công dân nước này bị kết án còn khoảng cách rất xa so với cam kết của Stockholm trong một thỏa thuận song phương để nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trả lời phỏng vấn trang Milliyet (Thổ Nhĩ Kỳ), Bộ trưởng Tư pháp nước này, ông Bekir Bozdag cho rằng Thụy Điển cần phải làm nhiều hơn nữa. Ông nói: “Nếu họ (Thụy Điển) nghĩ rằng bằng cách dẫn độ tội phạm thông thường sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến chúng tôi tin rằng họ đã thực hiện cam kết của mình, thì họ đã nhầm”.
Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa đóng băng nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển trừ khi Stockholm dẫn độ hàng chục người Ankara cáo buộc là “khủng bố”. Trước đó, Thụy Điển thông báo nước này sẽ dẫn độ Okan Kale - một người đàn ông bị kết tội gian lận thẻ tín dụng, vốn nằm trong danh sách truy nã của Ankara được công bố trên truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Không chỉ châu Âu, giá khí đốt tự nhiên cũng đang tăng đột biến tại Mỹ |
Vấn đề Myanmar
* Ấn Độ nêu rõ quan điểm về vấn đề Myanmar: Ngày 18/8, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã bảo vệ mối quan hệ giữa nước này với chính quyền Myanmar. Ông Jaishankar tuyên bố quan điểm của New Delhi về Myanmar là nhất quán trong nhiều thập niên.
Diễn thuyết tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), ông cũng nêu rõ là một nước láng giềng trực tiếp, Ấn Độ không thể né tránh quan hệ với chính quyền quân sự Myanmar do các vấn đề biên giới như tội phạm có tổ chức, Covid-19 và những phần tử nổi dậy của Ấn Độ ở Myanmar. Ông nói: “Chúng tôi cũng phải quản lý mối quan hệ biên giới của chúng tôi và sự phức tạp của việc là nước láng giềng”. (AFP)
| Các nước NATO ở Đông Âu hối Mỹ cấp thêm vũ khí Các nước sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang yêu cầu Mỹ xúc tiến cung cấp vũ khí ... |
| Nhật Bản hứa giúp ASEAN cải thiện tình hình Myanmar Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã cam kết với Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng Tokyo sẽ hỗ trợ các nỗ lực ... |