Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và người đồng cấp chủ nhà Olaf Scholz đã chủ trì tham vấn liên chính phủ song phương ngày 20/6 tại Berlin, Đức. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga phá hủy tám kho đạn dược của Ukraine: Ngày 20/6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng nước này đã tấn công và phá hủy 8 kho đạn được trên khắp Ukraine trong 24 giờ qua, cũng như đẩy lùi ba mũi tấn công của Ukraine. Các hãng tin Nga dẫn tuyên bố trên cho biết các lực lượng của Kiev đã cố gắng tấn công theo hướng Donetsk, phía Nam Donetsk và khu vực Zaporizhzhia. Cùng ngày, chính quyền địa phương thân Nga cho biết phía Ukraine đã dùng UAV tấn công thị trấn Nova Kakhovka ở Nam Kherson, khiến ba dân thường bị thương.
Đáng chú ý, TASS (Nga) dẫn tuyên bố cùng ngày của Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sergei Shoigu cho rằng, Ukraine đang lên kế hoạch tấn công Crimea do Moscow kiểm soát bằng Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) của Mỹ và tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp. Tuy nhiên, ông khẳng định nếu kịch bản này diễn ra, Nga sẽ đáp trả thích đáng.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, việc tấn công các vùng nằm ngoài khu vực “chiến dịch quân sự đặc biệt” bằng các loại vũ khí trên đồng nghĩa rằng Mỹ và Anh sẽ tham gia toàn diện vào xung đột. (Reuters)
* Ukraine: Nga phát động không kích diện rộng: Ngày 20/6, các quan chức Ukraine cho biết rạng sáng cùng ngày, Nga đã phát động đợt không kích trên diện rộng nhắm vào các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng ở Kiev và các thành phố khác. Tuy nhiên, họ cho biết các lực lượng phòng đã bắn hạ 32/35 máy bay không người lái (UAV) Shahed của Iran, phóng từ khu vực Bryansk của Nga và Biển Azov.
Quan chức Kiev cho biết Moscow cũng tấn công thành phố Zaporizhzhia bằng Iskander và S-300. Ông Yuriy Malashko, người đứng đầu chính quyền quân sự tại đây cho biết tên lửa Nga đã nhắm vào cơ sở hạ tầng viễn thông và nông nghiệp. (Reuters)
* EU sớm công bố gói viện trợ 50 tỷ Euro cho Ukraine: Ngày 20/6, hai quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết trong ngày, khối này sẽ công bố gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) cho Ukraine. Gói viện trợ, dự kiến do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố, được đưa ra sau khi xem xét ngân sách 2021-2027 của khối và trước thềm hội nghị quốc tế ở London (Anh) từ ngày 21-22/6 về gây quỹ tái thiết Ukraine.
Ngoài ra, theo một trong hai quan chức cấp cao nêu trên, gói viện trợ này sẽ bao gồm 33 tỷ Euro hỗ trợ tài chính vĩ mô để giúp bổ sung ngân sách nhà nước của Ukraine. (Reuters)
* Thủ tướng Czech: Xung đột Ukraine có thể bị đóng băng: Ngày 20/6, phát biểu tại Hội nghị an ninh ở Prague (Czech), ông Petr Fiala đánh giá thông tin về những bước tiến của Ukraine trên thực địa là “lạc quan”, song ông không nghĩ rằng xung đột sẽ sớm kết thúc. Nhà lãnh đạo Czech cho rằng điều này đồng nghĩa với nguy cơ lực lượng Ukraine, khả năng hỗ trợ nước này, cũng như sự chú ý của các quốc gia phương Tây sẽ suy giảm. Theo Thủ tướng Petr Fiala, cần phải ngăn chặn kịch bản này, coi đây là nhiệm vụ cơ bản của các chính phủ phương Tây.
Cũng trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo này đánh giá cao việc Chính phủ nhất trí tăng cường đầu tư cho an ninh, thể hiện qua nghĩa vụ pháp lý dành 2% GDP cho quốc phòng. Thủ tướng Fiala nhận định Thoả thuận hợp tác quốc phòng (DCA) với Mỹ là một “thành công”.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thoả thuận này không “mặc nhiên” cho phép binh lĩnh Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Czech. Nhà lãnh đạo này nói: “Nếu chúng ta muốn tiếp tục là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới, chúng ta phải can đảm làm điều gì đó. An ninh của chúng ta phụ thuộc trực tiếp vào việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên các thỏa thuận được tôn trọng.” (TTXVN)
* Quan chức quốc phòng Mỹ: Ukraine có thể “trả giá đắt” trong chiến dịch phản công: Ngày 19/6, New York Times và CBS News (Mỹ) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, thừa nhận rằng các lực lượng của Ukraine đang gặp phải sự kháng cự quyết liệt và chịu nhiều tổn thất, cả thương vong về người lẫn xe tăng và các phương tiện khác.
Tuy nhiên, cả hai quan chức này đều cho rằng những khó khăn như vậy đã được lường trước và chiến dịch phản công “có thể sẽ mất khoảng thời gian đáng kể, với một cái giá rất cao”, song sẽ thu được kết quả trong dài hạn. Trong khi đó, họ nhận định Nga đang gặp vấn đề về sự thống nhất trong ban lãnh đạo và tinh thần của quân đội. Hai quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng thành công của Ukraine sẽ đòi hỏi cam kết liên tục và sự thống nhất của liên minh quốc tế.
Trong khi đó, tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia quân sự khác cho rằng, nỗ lực ban đầu của Ukraine là nhằm lôi kéo lực lượng dự bị của Nga tới các khu vực chịu áp lực, từ đó để lộ ra các điểm yếu trong phòng tuyến của Nga. (CBS News/New York Times)
Mỹ-Trung
* Mỹ muốn “khép lại” vụ khinh khí cầu Trung Quốc: Ngày 20/6, trả lời phỏng vấn kênh MSNBC (Mỹ) sau chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Antony Blinken nói: “Chúng tôi đã làm những gì cần làm để bảo vệ lợi ích của mình. Chúng tôi đã nói những gì cần nói, làm rõ những gì cần làm rõ để sự cố này không tái diễn. Vì vậy, chừng nào nó không xảy ra, chương đó nên được khép lại”.
Về phần mình, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink cho biết, việc quản lý thành công và có trách nhiệm mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu đó là “con đường hai chiều”. Theo ông, việc khẳng định rằng mọi vấn đề trong quan hệ song phương đều do một bên gây ra “đơn giản là không phản ánh thực tế”. (Reuters)
Nga-Trung
* Nga tin tưởng vào quan hệ với Trung Quốc: Ngày 20/6, trả lời câu hỏi về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tới Bắc Kinh, nơi ông có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Mối quan hệ đối tác chiến lược của chúng tôi với Trung Quốc khiến chúng tôi tin tưởng rằng việc (Bắc Kinh) phát triển quan hệ với nước khác sẽ không bao giờ nhằm chống lại đất nước chúng tôi”. (Reuters)
Đông Nam Á
* Philippines phối hợp với Trung Quốc về lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông: Ngày 20/6, trao đổi với báo giới sau khi tham dự một sự kiện tại Bộ Nông nghiệp Philippines, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết Manila và Bắc Kinh đang “đạt được tiến triển trong vấn đề đó”.
Trước đó, hồi tháng Năm, nhà lãnh đạo này thông báo Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines ở Biển Đông, khi ông thúc đẩy thiết lập một “đường dây liên lạc trực tiếp” giữa Manila với Bắc Kinh về các bất đồng trên biển. (Reuters)
Nam Á
* Thủ tướng Ấn Độ nhận định về quan hệ với Mỹ: Ngày 19/6, trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal (Mỹ) trước thềm chuyến thăm Washington, ông Narendra Modi nhận định quan hệ song phương đang mạnh mẽ và sâu sắc hơn bao giờ hết. Nhà lãnh đạo này nêu rõ: “Ấn Độ xứng đáng có một vai trò cao hơn, sâu hơn và rộng hơn”. Quan chức hai bên đánh giá chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Ấn Độ sẽ là bước ngoặt với quan hệ song phương hiện nay. (Reuters)
* Pakistan-Trung Quốc hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Ngày 20/6, Cơ quan hợp tác hạt nhân Quốc gia Trung Quốc và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pakistan đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về một thỏa thuận hợp tác trị giá 4,8 tỷ USD. Theo đó, hai nước sẽ hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Chashma 5 với công suất 1.200 megawatt tại tỉnh Punjab, miền Trung Pakistan.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nêu rõ: “Khoản đầu tư từ Trung Quốc vào dự án trị giá 4,8 tỷ USD này gửi đi một thông điệp ý nghĩa và rõ ràng rằng Pakistan là nơi mà các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục thể hiện niềm tin và sự tín nhiệm của họ”. Ông nhận định sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ giúp Pakistan thực hiện quá trình chuyển đổi khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. (Reuters)
Nam Thái Bình Dương
* Australia tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Sudan: Ngày 19/6, Văn phòng của Ngoại trưởng Australia cho biết tại Văn phòng Liên hợp quốc về Điều phối các vấn đề nhân đạo, bà Penny Wong nói rằng nước này sẽ cung cấp thêm 4,45 triệu AUD (3 triệu USD) cho Sudan. Số tiền này sẽ được sử dụng để cung cấp thực phẩm, nước và vật tư y tế khẩn cấp cho người dân Sudan thông qua Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế.
Trước đó, Australia đã cam kết góp 1 triệu AUD (680.000 USD) cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và 5 triệu AUD (3.38 triệu USD) cho Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn để cung cấp hỗ trợ nhân đạo trong khu vực nhằm giúp đỡ những người chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng ở Sudan. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc phóng vệ tinh thí nghiệm mới: Ngày 20/6, Trung Quốc đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 6 để đưa vệ tinh thử nghiệm mới vào không gian. Tên lửa mang theo vệ tinh thử nghiệm Thập Yển-25 được phóng lúc 11h18 sáng (giờ Bắc Kinh) từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây phía Bắc.
Sau đó, vệ tinh này đã đi vào quỹ đạo định sẵn thành công. Dự kiến, vệ tinh Thập Yển-25 sẽ được sử dụng để thực hiện các thí nghiệm công nghệ mới quan sát Trái đất. Đây là lần phóng thứ 477 của loạt tên lửa Trường Chinh. (Tân Hoa xã)
* Ngoại trưởng Nhật Bản bắt đầu công du Anh, Pháp: Ngày 20/6, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã bắt đầu chuyến công du 5 ngày đến Anh và Pháp. Tại Anh, ông Hayashi sẽ dự Hội nghị Quốc tế về tái thiết Ukraine và dự kiến đưa ra thông điệp về việc Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực cho công cuộc phục hồi Ukraine, như thúc đẩy đầu tư tư nhân, liên kết công - tư, tranh thủ các lĩnh vực được coi là thế mạnh của Nhật Bản như rà phá mìn, tái thiết cơ sở hạ tầng.
Tại Pháp, nhà ngoại giao này sẽ tham dự Hội nghị thảo luận về việc thành lập Quỹ phát triển quốc tế mới dành cho các quốc gia đang phát triển. Dự kiến, ông Hayashi sẽ trình bày nỗ lực của chính quyền Tokyo trong vấn đề năng lượng và biến đổi khí hậu, đồng thời, đưa ra thông điệp về việc Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. (TTXVN)
Châu Âu
* Đức, Trung thảo luận về biến đổi khí hậu và Ukraine: Ngày 20/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường đã chủ trì cuộc tham vấn liên chính phủ Trung Quốc - Đức.
Theo ông Richard Walker, Trưởng ban biên tập quốc tế của trang DW (Đức), chống biến đổi khí hậu sẽ là trọng tâm chính của đàm phán, trong khi quan hệ thương mại và xung đột Nga-Ukraine cũng sẽ xuất hiện trong nội dung thảo luận.
Trước đó, ông Olaf Scholz hy vọng sẽ có một “cuộc gặp làm việc quan trọng” trong khuôn khổ tham vấn. Về phần mình, ông Lý Cường cũng kỳ vọng rằng hợp tác song phương sẽ ngày sâu rộng và mang lại “tín hiệu tích cực cho chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc tế ổn định cũng như sự thịnh vượng hòa bình thế giới”. (DW)
* Ông Petteri Orpo được bầu làm Thủ tướng Phần Lan: Ngày 20/6, Quốc hội mới của Phần Lan đã bỏ phiếu ủng hộ lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia (NCP) Petteri Orpo trở thành thủ tướng, Phát biểu ngay sau cuộc bỏ phiếu, chính trị gia này nói: “Tôi nhiệt liệt cảm ơn các bạn vì sự tin tưởng các bạn đã cho tôi thấy”.
Đây là kết quả đã được nhiều người dự đoán. Như vậy, ông Orpo sẽ lãnh đạo liên minh gồm đảng NCP chủ trương bảo thủ, đảng Phần Lan (FP) cánh hữu, đảng Nhân dân Thụy Điển và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo. Những đảng này đã cùng nhau giành đa số ghế trong Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử hôm 2/4 vừa qua.
Dự kiến, Bộ trưởng Tài chính mới sẽ là bà Rikka Purra, người đứng đầu đảng Người Phần Lan có khuynh hướng hoài nghi châu Âu. Trong khi đó, Phó Chủ tịch NCP Elina Valtonen sẽ trở thành Ngoại trưởng Phần Lan. Dự kiến, chính phủ của ông Orpo sẽ chính thức nhậm chức tối ngày 20/6 (giờ địa phương). (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Qatar ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc: Ngày 20/6, phát biểu tại lễ ký hợp đồng diễn ra ở thủ đô Doha (Qatar), Bộ trưởng Năng lượng nước này Saad al-Kaabi, người đồng thời giữ chức Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng quốc gia Qatar Energy, nêu rõ: “Mỗi năm Doha sẽ cung cấp 4 triệu tấn khí đốt tự nhiên từ Dự án mỏ North Field East mở rộng cho đối tác Trung Quốc trong vòng 27 năm… Đây sẽ là thỏa thuận mua bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thứ 2 với Trung Quốc trong khuôn khổ Dự án mỏ North Field East mở rộng”.
Qua việc mở rộng khai thác mỏ North Field, nơi có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và có phần chồng lấn vào lãnh hải của Iran ở Vịnh Ba Tư, Qatar sẽ tăng sản lượng xuất khẩu LNG thêm 60%, tương đương 126 triệu tấn vào năm 2027. Hai thương vụ với Trung Quốc được coi là hợp đồng có thời gian dài nhất trong ngành công nghiệp khí hóa lỏng của Doha. Hiện Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là các thị trường tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Qatar. (TTXVN)