Tình hình Myanmar: Quân đội đòi thanh lọc chính phủ của bà Aung San Suu Kyi
Ngày 1/2, chính quyền quân sự của Myanmar thông báo "thanh lọc" chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, loại bỏ 24 bộ trưởng và thứ trưởng, đồng thời bổ nhiệm 11 quan chức thay thế sau vụ đảo chính giành quyền lực.
Thông báo được đưa ra trên kênh truyền hình Myawadday do quân đội kiểm soát, trong đó công bố danh sách lãnh đạo các bộ được bổ nhiệm gồm bộ tài chính, y tế, thông tin, ngoại giao, quốc phòng, biên giới và nội vụ.
Quân đội nước này cũng đã cải tổ Ủy ban Đàm phán hòa bình, được thành lập vào tháng 12/2020 với 5 thành viên, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm nhằm tiếp tục đàm phán với các nhóm sắc tộc vũ trang tham gia ký Thỏa thuận Ngừng bắn quốc gia (NCA) với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa tiến trình hòa bình.
Cùng ngày, trang tin Irrawaddy dẫn lời một thành viên đảng NLD cho biết, sau khi bắt giữ các lãnh đạo của NLD, quân đội nước này đã lục soát trụ sở đảng và thu giữ máy tính cùng các tài liệu.
Ngày 2/2, một quan chức cấp cao quân đội Myanmar cho biết, đa số các thủ hiến vùng và bang của nước này bị quân đội bắt giữ một ngày trước đó đã được trả tự do. (Myawadday/ Irrawaddy)
Mỹ-Trung Quốc: Trung Quốc kêu gọi hàn gắn quan hệ song phương
Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa kêu gọi xây dựng các mối quan hệ gắn bó hơn với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden và yêu cầu Washington tôn trọng quan điểm của Bắc Kinh.
Ông Dương Khiết Trì khẳng định, Trung Quốc và Mỹ sẽ có những bất đồng nhưng không nên để cho những bất đồng đó làm chệch hướng quan hệ. "Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia lớn có lịch sử, văn hóa và chế độ khác nhau, do đó có những khác biệt về một số vấn đề. Điều quan trọng là phải kiểm soát chúng đúng cách và không để chúng can thiệp vào sự phát triển chung của các mối quan hệ song phương", ông Dương nhấn mạnh.
Theo hãng tin AP, những ngôn từ tích cực trong phát biểu của ông Dương Khiết Trì làm tăng thêm nhận thức rằng các lãnh đạo Trung Quốc đang hy vọng có một sự khởi đầu mới trong quan hệ với Washington, ngay cả khi hai bên vẫn còn nhiều chia rẽ sâu sắc. (AP)
Ngoại trưởng Mỹ nêu trọng tâm chính sách đối ngoại
Ngày 1/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu bật những mối quan tâm chính về chính sách đối ngoại trong chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden.
Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ sẽ theo đuổi gia hạn thêm 5 năm đối với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), đồng thời cân nhắc các biện pháp đáp trả một số hành động của Nga được cho chống lại nước Mỹ. Ông nêu rõ Tổng thống Biden đã nêu ra tất cả những lo ngại này trong cuộc điện đàm tuần trước với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Về vấn đề Iran, ông Blinken kêu gọi Iran quay trở lại tuân thủ các điều khoản của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015, cảnh báo rằng vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu Iran tiếp tục dỡ bỏ một số hạn chế được áp đặt trong thỏa thuận. Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận nếu Iran đảo ngược lộ trình làm giàu urani và quay trở lại tuân thủ JCPOA.
Liên quan đến Trung Quốc, tân Ngoại trưởng Blinken nhận định Bắc Kinh đang đặt ra "thách thức quan trọng nhất" đối với Mỹ hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Bên cạnh đó, ông hối thúc Trung Quốc tạo điều kiện cho cuộc điều tra minh bạch về xác định nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. (NBC News)
Iran kêu gọi EU cứu vãn thỏa thuận hạt nhân
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua (1/2) kêu gọi Liên minh châu Âu làm trung gian giữa Iran và Mỹ để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đã ký kết.
Ông Zarif tuyên bố có thể có một cơ chế để Mỹ và Iran đồng thời quay lại thỏa thuận hạt nhân hoặc phối hợp những gì có thể được thực hiện. Ông Zarif gợi ý rằng EU cần xác định các biện pháp mà Mỹ nên thực hiện và những biện pháp mà Iran nên thực hiện.
Ngoại trưởng Iran khẳng định nước này đã làm việc hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận hạt nhân và tất cả các bước mà Iran thực hiện đều được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác nhận, giám sát đồng thời cho rằng chính quyền Mỹ đã không thực hiện lời hứa của mình, áp đặt một cuộc chiến kinh tế toàn diện chống lại Iran. Iran tuyên bố nếu Mỹ dừng lại ngay các lệnh cấm, phong tỏa, Iran sẽ quay lại thực hiện đầy đủ thỏa thuận. (CNN)
Sau 3 năm, Palestine nối lại đàm phán với Mỹ
Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Dân sự Palestine, ông Hussein al-Sheikh cho biết ông đã có một cuộc điện đàm với ông Hadya Amr, quan chức phụ trách các vấn đề Palestine và Israel của Bộ Ngoại giao Mỹ trong ngày 1/2. Ông al-Sheikh nhấn mạnh đây là tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa một quan chức Palestine và một quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông Biden nhậm chức ngày 20/1 vừa qua, đồng thời cũng là tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Chính quyền Palestine và Chính phủ Mỹ trong hơn 3 năm qua.
Theo ông al-Sheikh, tại cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về mối quan hệ song phương, những diễn biến mới nhất cũng như tình hình chính trị mỗi bên. Cuộc điện đàm đã diễn ra tích cực và kết thúc điện đàm hai bên đã nhất trí duy trì liên lạc với nhau.
Chính quyền Palestine đã cắt đứt quan hệ với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông Trump cuối năm 2017 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. (THX)
Nga nêu bằng chứng phương Tây can thiệp công việc nội bộ nước này
Ngày 2/2, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng sự hiện diện của các nhà ngoại giao nước ngoài trong phiên xét xử để xem liệu nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny sẽ đối mặt với án tù lâu hơn hay không là bằng chứng cho thấy phương Tây âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của Moscow.
Ông Navalny bị cáo buộc liên tục vi phạm cam kết tù nhân sau khi được thả trong vụ việc làm bùng phát hoạt động biểu tình trên cả nước và khiến phương Tây thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Trên trang Facebook, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng sự hiện diện của các nhà ngoại giao là bằng chứng cho những gì bà gọi là nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế Moscow.
Cùng ngày, Điện Kremlin bày tỏ hy vọng số phận của ông Navalny sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ của Nga với châu Âu. Phát biểu với các nhà báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chúng tôi hy vọng rằng điều vô nghĩa như gắn triển vọng quan hệ Nga-Liên minh châu Âu (EU) với người bị giam này sẽ không xảy ra". (Reuters/AFP)
Armenia kiện Azerbaijan lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu
Đại diện của Armenia tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) thông báo, Chính phủ Armenia đã đệ đơn kiện Azerbaijan lên tòa này, cáo buộc Baku vi phạm một số công ước trong quá trình leo thang xung đột ở Nagorno-Karabakh vào mùa Thu năm 2020.
Trên trang Facebook, đại diện Armenia viết: "Ngày 1/2, Chính phủ Armenia đã đệ đơn khiếu nại Azerbaijan lên ECHR do vi phạm quy ước trong cuộc xung đột kéo dài 44 ngày và trong giai đoạn tiếp theo... Đây là đơn khiếu nại giữa các tiểu bang đầu tiên mà Armenia đệ trình với ECHR". Đặc biệt, như đại diện nêu rõ, Chính phủ Armenia khẳng định, Azerbaijan đã vi phạm quyền của người dân Karabakh và Armenia được sống, bảo vệ khỏi tra tấn và đối xử vô nhân đạo, quyền bất khả xâm phạm, tài sản, cuộc sống riêng tư và gia đình, giáo dục và một số quyền khác.
Ngoài ra, đơn khiếu nại còn nêu các vấn đề về bảo vệ quyền của tù nhân chiến tranh và dân thường, người dân tái định cư của Artsakh (cách gọi khác của Karabakh), các công dân bị thương và thân nhân của nạn nhân, những người bị mất tài sản, đại diện của các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế. (Sputnik)
Sách Trắng quốc phòng Hàn Quốc 'hạ cấp' quan hệ với Nhật Bản
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã bỏ việc mô tả Nhật Bản là 'một nước láng giềng' trong Sách Trắng Quốc phòng mới nhất được công bố ngày 2/2. Động thái này được truyền thông địa phương coi là "sự hạ cấp", phản ánh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước.
Trong Sách Trắng trước đó xuất bản cách đây 2 năm, Hàn Quốc và Nhật Bản được mô tả là "các nước láng giềng thân thiết về địa lý và văn hóa, cũng như các đối tác hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng toàn cầu". (Kyodo)