Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng câp Israel Isaac Herzog trong cuộc gặp ngày 24/10 tại Jerusalem. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga phá hủy 3 xuồng không người lái tấn công Sevastopol: Ngày 24/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Hệ thống tên lửa và bom chống phá hoại của Hạm đội Biển Đen đã phá hủy 3 xuồng không người lái của Hải quân Ukraine ở phía bắc Biển Đen. Bên cạnh đó, cơ quan này cho biết các biện pháp chống phá hoại và chống thủy lôi đang được thực hiện trên tuyến đường bên ngoài Vịnh Sevastopol.
Trước đó trên kênh Telegram, Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm, ông Mikhail Razvozhaev thông báo đã đẩy lùi một cuộc tấn công trên biển. Ông nêu rõ: “Những âm thanh lớn vang lên ở khu vực bên ngoài. Hạm đội Biển Đen đang đẩy lùi cuộc tấn công, có thể là của lực lượng phá hoại dưới nước và phương tiện của đối thủ”. (TASS)
* Lữ đoàn tinh nhuệ Ukraine thiệt hại nặng nề ở Rabotino: Ngày 23/10, kênh Telegram “Biên niên sử quân sự” cho biết quân đội Nga đã dẫn dụ được Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) vào các “vùng tiêu diệt” đã được chuẩn bị sẵn.
Do VSU được chủ động tiến vào các khu vực có bãi mìn quy mô lớn, lực lượng này đã trở thành mục tiêu cho pháo binh. Theo kênh này, lữ đoàn 47 “Magura” tinh nhuệ của VSU đã mất hơn 3.000 binh sĩ ở Rabotino, tỉnh Zaporozhzhia.
Đơn vị Magura, gồm binh sĩ được Mỹ huấn luyện ở Đức, được coi là một trong các đơn vị tốt nhất của Ukraine. Tuy nhiên, từng có thông tin về bất đồng trong nội bộ đơn vị tinh nhuệ này khi lãnh đạo chỉ trích nhau về năng lực. (TTXVN)
* Tổng thống Ukraine họp bàn với tướng lĩnh cấp cao: Ngày 23/10, viết trên Telegram, ông Volodymyr Zelensky cho biết: “Một cuộc họp quan trọng với Bộ tổng tham mưu đã diễn ra với trọng tâm duy nhất là các chiến dịch tấn công và phòng thủ của chúng tôi ở tiền tuyến”. Theo ông, đã có thông tin tóm tắt về diễn biến hiện nay.
Ông khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục nỗ lực để giải phóng lãnh thổ”. (Ukrinform)
* Ukraine cần viện trợ 42 tỷ Euro năm 2024 để bù đắp thâm hụt: Ngày 14/10, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết nước này sẽ cần 42 tỷ Euro (44,62 tỷ USD) từ đối tác quốc tế để bù đắp thâm hụt ngân sách trong giai đoạn xung đột vào năm tới. Ông cho hay toàn bộ ngân sách thời bình của Ukraine được phân bổ để chống lại cuộc xung đột với Nga. Điều này có nghĩa là chính quyền Kiev cần sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế để trang trải chi tiêu xã hội và nhân đạo.
Thủ tướng Shmyhal nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng xung đột sẽ kết thúc nhanh nhất có thể....Trong trung hạn, sự hỗ trợ quốc tế dành cho nền kinh tế Ukraine sẽ giúp Kiev gánh một phần lớn hơn trong tổng chi tiêu của mình”. (Reuters)
Israel-Hamas
* Israel tấn công hơn 400 mục tiêu của Hamas: Ngày 24/10, thông báo trên Telegram, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nêu rõ: “Trong ngày qua, IDF đã tấn công hơn 400 mục tiêu khủng bố, tiêu diệt một số chỉ huy Hamas cũng như nhiều phần tử đang chuẩn bị tấn công”. Theo IDF, các phó chỉ huy tiểu đoàn Nuseirat, Shati và Furqan cùng “hàng chục” thành viên Hamas cũng đã bị vô hiệu hóa.
Bên cạnh đó, lực lượng này đã tấn công một trục đường hầm của Hamas, nơi được sử dụng để giúp các binh sĩ người Palestine tiếp cận nhanh chóng bờ biển, đồng thời cho biết không quân IDF đã tấn công các trung tâm chỉ huy, cứ điểm tại các nhà thờ Hồi giáo được phong trào của Palestine sử dụng và cơ sở hạ tầng. (Sputnik)
* Israel có thể hủy kế hoạch tấn công trên bộ vào Dải Gaza: Ngày 24/10, tờ The Times of Israel (Israel) dẫn các nguồn tin cho biết giới lãnh đạo chính trị Israel có thể hủy kế hoạch tấn công trên bộ vào Dải Gaza hoặc dừng kế hoạch này ngay sau khi nó bắt đầu, nếu phong trào Hồi giáo Hamas tiếp tục thả con tin.
Theo tờ báo, sau 16 ngày không kích nhằm lực lượng Hamas, IDF báo đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza và tự tin vào khả năng đạt được mục tiêu, dù phải gánh chịu thương vong nặng nề và đối phó với các cuộc tấn công của nhóm Hezbollah của Lebanon. Chính quyền Israel đã thừa nhận xung đột với Hamas có thể kết thúc “không cần một phát súng nào” với điều kiện tất cả con tin được thả và các tay súng đầu hàng, mặc dù trước đó Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thề rằng mọi thành viên Hamas sẽ bị tiêu diệt.
Cùng ngày, người phát ngôn IDF, Chuẩn tướng Daniel Hagari cho biết lực lượng này đã “sẵn sàng và quyết tâm” cho giai đoạn tiếp theo và đang chờ chỉ thị chính trị. Ông cho hay Israel đang học hỏi kinh nghiệm của Mỹ ở Trung Đông, song “xung đột của chúng tôi diễn ra ở biên giới chúng tôi, chứ không phải cách Israel hàng nghìn dặm”, nói thêm rằng ông đang chờ đợi nhiều tuần đụng độ phía trước.
Quan chức này cũng lưu ý Ai Cập đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán giải phóng con tin khỏi Gaza, hiện đang là ưu tiên hàng đầu của Israel.
Trong một tin liên quan, phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Jerusalem, Tổng thống Israel Isaac Herzog nhấn mạnh: “Tôi muốn nói rõ, chúng tôi không mong muốn một cuộc đối đầu ở biên giới phía Bắc của chúng tôi hay với bất kỳ ai khác ... Nhưng nếu Hezbollah lôi chúng tôi vào một cuộc xung đột, rõ ràng là Lebanon sẽ phải trả giá”. (Reuters/Times of Israel)
* Hamas thả thêm 2 con tin Israel: Ngày 23/10, hãng thông tấn MENA (Ai Cập) cho biết phong trào Hồi giáo này đã thả thêm 2 con tin Israel là phụ nữ lớn tuổi. Hiện hai người nêu trên đã tới cửa khẩu Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập. Theo MENA, 2 phụ nữ Israel đã được trả tự do do nỗ lực hòa giải của Ai Cập.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) thông báo đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm đưa 2 con tin người Israel nói trên khỏi Dải Gaza. ICRC cũng nhấn mạnh “sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho bất kỳ đợt thả con tin nào trong tương lai” và bày tỏ hy vọng rằng những người được trả tự do sẽ sớm gặp lại gia đình của mình. Trước đó, tối 20/10, Hamas đã trả tự do cho 2 con tin quốc tịch Mỹ bị giam giữ.
Phía Israel cho biết sau cuộc tấn công của Hamas vào thành phố Israel ngày 7/10, lực lượng Hồi giáo này đang giam giữ hơn 200 con tin tại Dải Gaza. (MENA)
* Mỹ gửi cố vấn quân sự tới Israel: Ngày 23/10, Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby xác nhận sẽ có vài sĩ quan được điều tới Israel, nhưng không nêu rõ danh tính hoặc số lượng: “Có một số sĩ quan quân đội với những kinh nghiệm mà chúng tôi tin rằng phù hợp với hình thức tác chiến Israel triển khai và có thể tiếp tục trong tương lai”.
Theo Axios (Mỹ), Thủy quân Lục chiến Mỹ đã cử Thiếu tướng James Glynn tới làm cố vấn cho quân đội Israel. Quyết định điều sĩ quan Mỹ đến Israel báo hiệu nước này vẫn chuẩn bị đổ bộ vào Gaza sau khi tuyên bố đáp trả Hamas. (Axios)
* Pháp sẽ “đoàn kết” với Israel: Ngày 24/10, gặp người đồng cấp Israel Isaac Herzog ở Jerusalem ngày 24/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Những gì đã xảy ra sẽ không bao giờ bị lãng quên. Tôi ở đây để bày tỏ tình đoàn kết của Pháp”, đề cập tới cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
Trong chuyến thăm, ông Macron cũng kêu gọi việc thả con tin bị phong trào Hồi giáo Hamas bắt giữ phải là “mục tiêu đầu tiên” của xung đột ở Dải Gaza. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Mục tiêu đầu tiên nên có hôm nay là thả tất cả con tin, không có bất kỳ sự phân biệt nào, bởi vì đây là một tội ác khủng khiếp, đùa giỡn với mạng sống của trẻ em, người lớn, người già, dân thường và binh linh”.
Đề cập tới chiến dịch trên bộ của Israel, Tổng thống Pháp nói thêm rằng chiến dịch phải được tiến hành, song không “mở rộng xung đột này”. (AFP/Reuters)
Mỹ-Trung
* Ngoại trưởng Trung Quốc sắp thăm Mỹ: Ngày 23/10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tiếp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị tại Washington D.C ngày 26-28/10.
Theo thông cáo, hai bên sẽ thảo luận một loạt vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, như một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm quản lý “có trách nhiệm” mối quan hệ Mỹ-Trung và duy trì các kênh liên lạc mở. Washington sẽ tiếp tục sử dụng ngoại giao để thúc đẩy các lợi ích và giá trị của mình, giải quyết các lĩnh vực khác biệt và đạt tiến bộ về giải quyết thách thức xuyên quốc gia chung.
Reuters cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng sẽ gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. (Reuters)
* Mỹ cử phái đoàn tham dự diễn đàn Hương Sơn: Ngày 24/10, kênh China Daily (Trung Quốc) đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cử một đoàn đại biểu tham dự diễn đàn đối thoại an ninh khu vực của Trung Quốc.
Thành phần của đoàn Mỹ sẽ bao gồm Giám đốc Quốc gia về Trung Quốc Xanthi Carras thuộc Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về Chính sách của Bộ Quốc phòng, và ông Chad Sbragia, người từng dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự diễn đàn Hương Sơn vào năm 2019.
Cùng ngày, Đài Truyền hình Trung ương CCTV (Trung Quốc) đưa tin dự kiến, hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế đã xác nhận sẽ cử phái đoàn tới diễn đàn sẽ diễn ra tại Bắc Kinh ngày 29-31/10. (China Daily/Reuters)
* Trung Quốc, Mỹ lần đầu họp nhóm công tác mới về kinh tế: Ngày 23/10, Bộ Tài chính Mỹ cho biết cùng ngày, quan chức hai nước đã tiến hành cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác mới về vấn đề kinh tế. Các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ và Trung Quốc đã chủ trì cuộc họp.
Phía Mỹ nêu rõ: “Các phái đoàn đã họp trực tuyến trong 2 giờ và có cuộc thảo luận hiệu quả và thực chất về các chủ đề bao gồm diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và toàn cầu. Các quan chức Mỹ đã thẳng thắn đề cập các vấn đề quan tâm”. Một nhóm công tác tài chính riêng sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 25/10.
Trong khi đó, CCTV đưa tin: “Hai bên đã trao đổi sâu sắc, thẳng thắn và mang tính xây dựng về các vấn đề như tình hình và chính sách kinh tế vĩ mô toàn cầu, quan hệ kinh tế song phương và hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu. Trung Quốc đã bày tỏ các mối quan ngại. Cả hai bên sẽ tiếp tục duy trì liên lạc”.
Nhóm công tác kinh tế được thành lập sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 7, nơi bà gặp quan chức cấp cao chủ nhà, trong đó có Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. (AFP)
Nam Á
* Cựu Thủ tướng Pakistan được bảo lãnh: Ngày 24/10, kênh truyền hình Geo TV (Pakistan) cho biết một tòa án nước này đã cho phép bảo lãnh tại ngoại đối với cựu Thủ tướng Nawaz Sharif trong các vụ án tham nhũng cho đến ngày 26/10.
Trước đó, ông Nawaz Sharif đã bị kết án về tội tham nhũng trong hai vụ án sau khi ông bị phế truất khỏi chức vụ Thủ tướng vào năm 2017. Chính trị gia này phủ nhận mọi tội danh, cho rằng các cáo buộc chống lại ông mang động cơ chính trị.
Ông Nawaz Sharif, 69 tuổi, từng 3 lần giữ chức Thủ tướng Pakistan. Sau 4 năm sống lưu vong ở London (Anh), ông đã trở về quốc gia Nam Á này vào tuần trước. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bị bãi nhiệm: Ngày 24/10, CCTV đưa tin nước này đã cách chức ông Lý Thượng Phúc khỏi vị trí bộ trưởng quốc phòng và ủy viên Quốc vụ. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, cũng đã bãi nhiệm cựu Ngoại trưởng Tần Cương khỏi vị trí ủy viên Quốc vụ. Ủy ban đã bổ nhiệm ông Âm Hòa Tuấn làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và ông Lam Phật An làm Bộ trưởng Tài chính. (CCTV)
* Trung Quốc, Bhutan thúc đẩy phân định biên giới và thiết lập quan hệ: Ngày 24/10, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đã gặp Ngoại trưởng Bhutan Tandi Dorji ở Bắc Kinh. Ông cho biết mặc dù hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, song từ lâu Trung Quốc và Bhutan đã duy trì trao đổi hữu nghị. Quan chức này cho biết những năm gần đây, hai nước đã thúc đẩy những tiến triển tích cực trong quan hệ song phương, sau khi nối lại các cuộc đàm phán về biên giới.
Ông cũng nhấn mạnh Bắc Kinh luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Thimphu, sẵn sàng tăng cường trao đổi ở mọi cấp độ, trên mọi lĩnh vực, mở rộng hợp tác thiết thực về kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch.
Về phần mình, ông Dorji cho biết Bhutan coi trọng việc phát triển quan hệ với Trung Quốc và tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc một Trung Quốc, khẳng định mong muốn sớm phân định ranh giới và thiết lập quan hệ ngoại giao. (Tân hoa xã)
Châu Âu
* Các đảng phái tại Ba Lan cạnh tranh để lập chính phủ mới: Ngày 24/10, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền và phe đối lập ở Ba Lan đều tuyên bố muốn đứng ra thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử giữa tháng 10 vừa qua. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã bắt đầu tiến hành các cuộc tham vấn với lãnh đạo các đảng và liên minh có đại diện tại Hạ viện.
Phát biểu trên truyền thông, Bộ trưởng Giáo dục Przemyslaw Czarnek thuộc PiS cho biết đảng này đang đàm phán với “một nhân vật cấp cao” của đảng Nhân dân Ba Lan (SL) về khả năng thành lập chính phủ mới. Quan chức này nói: “Tôi chưa bao giờ che giấu sự thật rằng tôi đã nói chuyện nhiều lần với các đảng viên SL trong 3 năm qua... Sự hợp tác của chúng tôi đã rất tốt và sẽ còn tốt hơn nữa, nhưng điều gì sẽ xảy ra thì tôi không biết... Chắc chắn có khả năng Tổng thống sẽ chỉ định Mateusz Morawiecki, Thủ tướng hiện tại, làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng... Bốn tuần đàm phán căng thẳng sẽ quyết định điều gì xảy ra tiếp theo”.
Đảng SL giành 19 ghế tại Hạ viện sau bầu cử ngày 15/10, là đảng nằm trong liên minh “Con đường thứ ba”. Trước đó, SL tuyên bố sẽ không liên minh với PiS.
Trong khi đó, liên minh đối lập gồm Liên minh Dân sự, Cánh tả Mới, Con đường thứ ba tuyên bố sẵn sàng thành lập chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Donald Tusk.
Trong cuộc bầu cử hôm 15/10, liên minh cánh hữu của PiS về nhất khi giành được 194/460 ghế tại Hạ viện. Kết quả này không đủ để PiS tự đứng ra thành lập chính phủ mới, vốn yêu cầu quá bán. Trong khi đó, phe gồm Liên minh Dân sự, Cánh tả Mới, Con đường thứ ba do ông Tusk lãnh đạo đã giành được tổng cộng 248 ghế. Về phần mình, Liên minh cực hữu Liên đoàn (Konfederacja) giành được 18 ghế.
Theo Văn phòng Tổng thống Ba Lan, Tổng thống Andrzej Duda sẽ lần lượt gặp lãnh đạo các đảng và liên minh tại Hạ viện theo thứ tự kết quả bầu cử. Đồng thời cho biết Tổng thống có thể giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới cho bất kỳ nhân vật nào. Dự kiến, các cuộc tham vấn sẽ kéo dài đến ngày 25/10. (TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Ngoại trưởng Trung Quốc gặp Cố vấn Tổng thống Senegal: Ngày 23/10, ông Vương Nghị đã hội đàm với ông Oumar Demba Ba, Trưởng Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Senegal, và trao đổi quan điểm về tăng cường hợp tác Trung Quốc-châu Phi và chuẩn bị cho Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC).
Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết FOCAC đã trở thành nền tảng quan trọng nhất cho sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa nước này và châu Phi, đồng thời là tấm gương tốt cho hợp tác Nam-Nam. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Senegal với tư cách là đồng chủ tịch FOCAC để tạo động lực mới và mạnh mẽ cho hợp tác Trung Quốc-châu Phi. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh hai quốc gia đã xây dựng được niềm tin vững chắc và làm sâu sắc thêm hợp tác cùng có lợi, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện song phương lên tầm cao mới.
Về phần mình, ông Demba Ba, người đang tham dự Hội nghị các quan chức cấp cao của FOCAC tại Bắc Kinh, cho biết hợp tác hiệu quả giữa Senegal và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực đã giúp Senegal đạt nhiều bước tiến trong công cuộc xây dựng đất nước. Đại diện của chính phủ Senegal cũng khẳng định sẽ luôn tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc một Trung Quốc, hỗ trợ Bắc Kinh bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác châu Phi-Trung Quốc. (TTXVN)
* Mỹ dừng phần lớn viện trợ cho Gabon: Ngày 24/10, Washington thông báo đã quyết định dừng phần lớn viện trợ cho Gabon sau khi kết luận rằng đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia châu Phi này. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller nêu rõ: “Mỹ kết luận rằng đảo chính quân sự đã xảy ra ở Gabon. Theo mục 7008 của đạo luật về phân bổ ngân sách hàng năm của Bộ Ngoại giao, Mỹ đang đình chỉ hầu hết viện trợ cho Chính phủ Gabon. Khoản viện trợ nước ngoài này đã được Mỹ tạm dừng kể từ ngày 26/9”.
Đồng thời, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Hoạt động hỗ trợ nhân đạo, y tế và giáo dục của chúng tôi sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho người Gabon”. Tuyên bố cho biết thêm Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Gabon “cùng với các hành động cụ thể của chính phủ chuyển tiếp nhằm thiết lập chế độ dân chủ”. (Sputnik)