Cơ quan điều tra Nga tiến hành điều tra vụ máy bay rơi được cho là có ông chủ tập đoàn Wagner. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Âu
*Ukraine tiến hành "chiến dịch đặc biệt" ở Crimea: Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 24/8 cho biết lực lượng tình báo quân sự và hải quân Ukraine đã thực hiện một "chiến dịch chung đặc biệt" trong đêm, trong đó các quân nhân đổ bộ lên Crimea và treo cờ Ukraine ở đó.
Cơ quan trên cho hay: "Các đơn vị đặc biệt trên tàu thủy đã đổ bộ vào bờ trong khu vực định cư Olenivka và Mayak", nói thêm rằng lực lượng Ukraine đã đạt được "tất cả các mục tiêu" và kẻ thù bị tổn thất về nhân sự cũng như thiết bị. Ngoài ra, cờ Ukraine cũng đã tung bay ở Crimea. Tuy nhiên, cơ quan trên không tiết lộ các mục tiêu cụ thể. Nguồn tin cho hay các binh sĩ Ukraine đã rời khỏi hiện trường sau khi hoàn thành nhiệm vụ. (Reuters)
*Nga điều tra vụ rơi máy bay có ông chủ Wagner, Pháp, Mỹ, Đức... ‘nghi ngờ” vụ việc: Ngày 24/8, bộ phận báo chí của Uỷ ban Điều tra Liên bang Nga đưa tin, các nhà điều tra đã mở một vụ án hình sự về vi phạm các quy tắc an toàn giao thông và hoạt động vận tải hàng không sau vụ tai nạn máy bay ở vùng Tver, trong đó Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang cho biết trên máy bay lúc đó có người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, ông Yevgeny Prigozhin.
Trước đó, vào lúc 18h20 giờ Moscow, một chiếc máy bay tư nhân Embraer Legacy được cho là thuộc sở hữu của ông Prigozhin đã rơi ở quận Bologovsky, tỉnh Tver. Theo Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga, trên máy bay có 10 người, bao gồm 3 thành viên phi hành đoàn và 7 hành khách. Danh sách hành khác có tên ông chủ tập đoàn WagnerYevgeny Prigozhin. Tới 22h cùng ngày theo giờ Moscow, đã có 8 thi thể được tìm thấy tại hiện trường.
Trong khi đó, nhiều nước, bao gồm Đức, Pháp, Mỹ...tuyên bố “nghi ngờ vụ ông chủ tập đoàn Wagner thiệt mạng”. (Reuters)
*Tổng thống Slovakia cách chức Giám đốc tình báo dân sự: Ngày 23/8, Văn phòng Tổng thống Slovakia thông báo Tổng thống nước này Zuzana Caputova đã cách chức Giám đốc Cơ quan Tình báo dân sự (SIS) Michal Alac.
Ông Alac cùng người tiền nhiệm của ông Vladimir Pcolinsky và 3 nhân vật khác bị cảnh sát Slovakia truy tố với cáo buộc cản trở cuộc điều tra tham nhũng và các tội phạm khác. Truyền thông Slovakia đưa tin cả 5 người này đã bị bắt giữ.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Slovakia sẽ tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 9 tới. Cựu Thủ tướng Robert Fico, lãnh đạo đảng Smer-SD vốn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước bầu cử, cáo buộc hành động của Cơ quan chống tội phạm quốc gia (NAKA) là “nỗ lực đảo chính của cảnh sát với sự hỗ trợ của Thủ tướng lâm thời, Tổng thống, cũng như phá hoại và tấn công vào nền tảng của nhà nước”. (Reuters)
*Ukraine tuyên bố phá hủy hệ thống tên lửa: Ukraine ngày 23/8 tuyên bố đã phá hủy hệ thống tên lửa phòng không uy lực S-400 của Nga trên bán đảo Crimea. Bộ này cũng cho công bố một đoạn video về một vụ nổ lớn với cột khói khổng lồ bốc lên và cho biết vụ việc xảy ra gần làng Olenivka trên bán đảo Tarkhanut với lời chú thích vụ nổ “đã phá hủy hệ thống, tên lửa và nhân sự của hệ thống này”.
Moscow hiện chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên, tuy nhiên các blogger quân sự Nga cho rằng vụ tấn công đã bộc lộ những thiếu sót trong năng lực phòng thủ của Nga.
Lãnh thổ do Nga kiểm soát đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của các UAV trong những tuần gần đây. Rạng sáng 23/8, Moscow đã bị UAV tấn công trong đêm thứ 6 liên tiếp. Sau đó, Thống đốc vùng Kaluga ở phía Nam Moscow, ông Vladislav Shapsha cho biết hệ thống phòng không tại khu vực này cũng đã bắn hạ 2 chiếc UAV khác. (AFP)
*Ba Lan chi 12 tỷ USD mua trực thăng Apache của Mỹ: Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/8 đã nhất trí về việc bán cho không quân Ba Lan 96 trực thăng Apache AH-64E với tổng trị giá 12 tỷ USD.
Cách đây 1 năm, Chính phủ Ba Lan đã gửi cho phía Mỹ đề nghị mua trực thăng Apache do Boeing sản xuất. Theo kế hoạch, những chiếc đầu tiên trong số này sẽ được phiên chế cho Sư đoàn 18 của Lục quân Ba Lan, là đơn vị cũng đã được trang bị các xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams của Mỹ.
Cuộc chiến Nga-Ukraine đóng vai trò là động thức thúc đẩy hoạt động mua sắm vũ khí của Ba Lan. Ngoài hợp đồng nêu trên, Ba Lan cũng đã đặt mua 250 xe tăng Abrams, tên lửa chống tăng Spike do công ty Rafael của Israel sản xuất, cũng như nâng cấp các hệ thống phòng không của Ba Lan, với tổng trị giá 15 tỷ USD.
Ngoài ra, Ba Lan cũng sẽ mua 1.884 tên lửa Hellfire trang bị cho trực thăng, cùng 460 tên lửa không đối đất, 580 tên lửa vác vai Stinger và các hệ thống vũ khí khác. (Politico)
*Ukraine cáo buộc Nga phá hủy 13.000 tấn ngũ cốc dành cho Ai Cập và Romania: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cộng đồng, Vùng lãnh thổ và Phát triển Cơ sở hạ tầng Ukraine, ông Oleksandr Kubrakov, ngày 23/8 cho biết quân đội Nga đã tiếp tục tấn công các cảng trên sông Danube vào đêm 22 và ngày 23/8, phá hủy 13.000 tấn ngũ cốc và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng các cảng và kho chứa ngũ cốc.
Ông Kubrakov nói thêm: "Nga đã nhắm mục tiêu một cách có hệ thống vào các kho chứa ngũ cốc để ngăn chặn hoạt động xuất khẩu nông sản Ukraine. Đây là cuộc tấn công thứ 8 kể từ khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen". Theo ông Kubrakov, 270.000 tấn ngũ cốc đã bị phá hủy trong một tháng qua do các cuộc tấn công của quân đội Nga nhằm vào các cảng.
Ông Kubrakov nhấn mạnh: "Thế giới cần hiểu rằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng ngũ cốc là tấn công vào các quốc gia ở châu Phi và châu Á vốn đang cạn kiệt lương thực. Đây là những cuộc tấn công vào thị trường lương thực toàn cầu, nơi giá lúa mì đã tăng vọt do thiếu hụt lương thực từ Ukraina sau khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ và các cảng trên sông Danube bị tấn công". (Reuters)
Châu Á – Thái Bình Dương
*Trung Quốc ngừng nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản: Trong tuyên bố ngày 24/8, hải quan Trung Quốc quyết định đình chỉ hoạt động nhập khẩu toàn bộ mặt hàng thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản sau khi chính quyền Tokyo bắt đầu cho xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Tuyên bố nêu rõ: "Nhằm mục đích ngăn chặn toàn diện các nguy cơ an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ hoạt động xả nước thải hạt nhân từ Fukushima ra biển, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn của thực phẩm nhập khẩu, Tổng cục Hải quan (Trung Quốc) đã quyết định đình chỉ hoàn toàn việc nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản từ ngày 24/8/2023, bao gồm cả thủy sản ăn được".
Cùng ngày, phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Kishida nói: "Chúng tôi đã khiếu nại qua đường ngoại giao tới Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh ngay lập tức hủy bỏ lệnh cấm này. (AFP)
*Triều Tiên lại phóng "tên lửa đạn đạo": Chính phủ Nhật Bản cho biết, sáng sớm 24/8, Triều Tiên đã phóng một vật thể được cho là tên lửa đạn đạo, trong ngày đầu tiên của lịch trình phóng "vệ tinh" mà Bình Nhưỡng từng thông báo trước đó.
Theo cảnh báo khẩn cấp được ban bố trên hệ thống "J-alert", Chính phủ Nhật Bản cho biết Triều Tiên dường như đã phóng một tên lửa, đồng thời yêu cầu người dân tỉnh Okinawa trú ẩn trong nhà.
Trước đó, vào ngày 12/7, Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa từ khu vực thủ đô Bình Nhưỡng ra vùng biển phía Đông nước này. Đây là vụ bắn thử tên lửa lần thứ 12 của Triều Tiên kể từ đầu năm nay. Trong số đó có một số vụ phóng thử đáng chú ý bao gồm vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn (ICBM) đầu tiên và phóng thử tên lửa đẩy mang vệ tinh do thám nhưng thất bại.
Lần gần nhất Triều Tiên phóng tên lửa là vào ngày 15/6, diễn ra sau khi Triều Tiên phóng thất bại vệ tinh trinh sát quân sự vào cuối tháng 5.
Tuy nhiên, theo Chính phủ Nhật Bản, tên lửa mà Triều Tiên phóng vào sáng sớm 24/8 dường như đã bay qua vùng trời Nhật Bản và không gây thiệt hại cho nước này cũng như khu vực xung quanh. (Kyodo)
*Campuchia bắt giữ trùm ma túy người Trung Quốc đào thoát: Trang tin sbm.news ngày 23/8 đưa tin, lực lượng cảnh sát hình sự thuộc Bộ Nội vụ Campuchia đã bắt giữ đối tượng Chen Hsin Han, phạm nhân và là một trùm ma túy đào thoát trong vụ tấn công quản giáo ở tỉnh Siem Reap ngày 17/8.
Trước đó, vào khoảng 8h00 ngày 17/8, một nhóm đối tượng bịt mặt có vũ trang đã xông vào phòng khám nha khoa Chum Chenda tại thành phố Siem Reap thuộc tỉnh Siem Reap để giúp tù nhân Chen Hsin Han, một tội phạm ma túy 45 tuổi người Trung Quốc, đào thoát. Theo Phó cảnh sát trưởng thành phố Siem Reap Mom Sarin, 4 quản giáo đưa phạm nhân tới phòng khám để chữa răng, trong lúc chờ nha sĩ thì bị các đối tượng trên tấn công.
Phó Giám đốc Trại giam tỉnh Siem Reap - Chuẩn tướng Seng Samooeun cho biết phạm nhân Chen Hsin Han đã bị kết án tù 52 năm với tội danh “vận chuyển và buôn bán ma túy”. Sau gần 2 ngày truy bắt, đến sáng 19/8, lực lượng chức năng Campuchia đã bắt giữ 7 đối tượng. Trong đó, 6 đối tượng được xác định là người Mỹ gốc Campuchia, đối tượng còn lại là người Trung Quốc mang hộ chiếu Mỹ. (sbm.news)
*Máy bay Mỹ xuất hiện khi tàu Trung Quốc chặn tàu Philippines: Theo AP, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi Cỏ Mây tiếp tục căng thẳng trong những ngày gần đây với sự hiện diện của máy bay Mỹ.
Theo tường trình, tối 21/8, Philippines đã cử 2 tàu cảnh sát biển hộ tống tàu tiếp tế tới khu vực Bãi Cỏ Mây, nơi lực lượng lính thủy đánh bộ nước này đang đồn trú trên một chiến hạm cũ mắc cạn. Ngay sau đó, Trung Quốc đã điều 4 tàu hải cảnh và 4 tàu dân quân biển thực hiện các biện pháp bám đuôi và có hành vi ngăn chặn trong vòng 5 tiếng đối với các tàu tiếp tế của Philippines.
Trong cùng thời điểm diễn ra vụ việc, lực lượng của Hải quân Mỹ tại khu vực đã điều 2 máy bay sẵn sàng hỗ trợ 2 tàu cảnh sát biển Philippines. Ngay sau vụ việc, cảnh sát biển Philippines đã lên án Trung Quốc có hành vi phong tỏa các lực lượng trên biển của Phillippines tại Bãi Cỏ Mây, vi phạm luật pháp quốc tế. (AP)
Trung Đông – Châu Phi
*Ấn Độ, Iran đẩy nhanh phát triển cảng Chabahar: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Iran Seyyed Ebrahim Raisi mới đây đã nhất trí về việc đẩy nhanh phát triển cảng Chabahar nhằm tăng cường hợp tác song phương. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tiềm năng của cảng Chabahar như một cửa ngõ thương mại quan trọng, có vai trò kết nối Ấn Độ với Afghanistan và Trung Á cũng như đi qua Pakistan.
Cảng Chabahar nằm ở phía Đông Nam Iran, là tâm điểm quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường kết nối và giao thương với khu vực. Hai quốc gia đặt mục tiêu tận dụng khả năng của cảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định ở Afghanistan và hơn thế nữa. Điều này càng phù hợp với mục tiêu rộng lớn hơn của Ấn Độ về Hành lang Vận tải Bắc-Nam Quốc tế (INSTC), nhằm thiết lập các tuyến thương mại hiệu quả nối Ấn Độ Dương với Biển Caspi.
Việc hai nước đẩy mạnh phát triển nhanh cảng Chabahar cũng được các nhà quan sát cho rằng để cạnh tranh với cảng nước sâu Gwadar của Pakistan nằm ở cửa của vịnh Ba Tư, gần eo biển Hormuz, gần nơi có các tuyến tàu chính ra vào vịnh Ba Tư. Cảng Gwadar là một dự án quan trọng của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) được tập đoàn của Trung Quốc thuê lại trong 99 năm. (TNA)
*Israel sẽ tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập: Bộ trưởng Năng lượng Israel ông Israel Katz ngày 23/8 cho biết, quốc gia Do Thái sẽ tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Ai Cập từ mỏ Tamar ngoài khơi Haifa.
Trên mạng xã hội X, trước kia là Twitter, ông Katz nêu rõ: "Bước đi này sẽ tăng doanh thu cho nhà nước và tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Israel và Ai Cập". Nhà lãnh đạo cũng cho biết thêm rằng sau khi đảm bảo đủ nguồn cung khí đốt cho nhu cầu nội địa thì ông mới ký quyết định xuất khẩu thêm mặt hàng năng lượng này sang quốc gia láng giềng Ai Cập.
Ai Cập hiện đang đối mặt với nhu cầu khí đốt ngày càng tăng trong bối cảnh quốc gia này đang vật lộn với tình trạng thiếu điện do làn sóng nhiệt tấn công khu vực trong 2 tháng qua. Trong khi đó, sản lượng khí đốt nội địa đã giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, các doanh nghiệp Israel đã sản xuất 21,29 tỷ m3 khí đốt trong năm 2022 và xuất khẩu 9,21 tỷ m3 sang Ai Cập và Jordan. (The Times of Israel)
Châu Mỹ
* Nam Phi khẳng định BRICS đồng ý mở rộng khối, Chủ tịch Trung Quốc vắng mặt phiên khai mạc: Ngày 24/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nhóm BRICS đã quyết định mời 6 quốc gia gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) - trở thành thành viên mới của khối. Các nước nêu trên sẽ được tiếp nhận làm thành viên BRICS từ ngày 1/1/2024.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tại hội nghị thượng đỉnh này cho biết việc mở rộng khối sẽ “tổng hợp sức mạnh và tập hợp trí tuệ của chúng ta cho việc quản trị toàn cầu trở nên công bằng và bình đẳng hơn.
Tuy nhiên, theo Kênh truyền hình CNN ngày 23/8 cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bất ngờ không tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh và Diễn đàn Kinh doanh nhóm BRICS được tổ chức tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), trong khi cả Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Brazil và Tổng thống Nam Phi đều tham dự. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào được chỉ định tham dự các chương trình của hội nghị trong thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình vắng mặt. (AFP)
*Cựu Tổng thống Trump chấp nhận ra hầu tòa, nộp tiền tại ngoại: Kênh truyền hình CNN ngày 23/8 cho biết, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận ra hầu tòa và đồng ý trả 200.000 USD cho việc được tại ngoại ở bang Georgia.
Theo cáo trạng, ông Trump phạm tội hình sự vì cầm đầu một nhóm gồm 18 người nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 tại bang này. Như vậy, cho đến nay ông Trump đang phải đối mặt với 4 bản cáo trạng, trong khi đang đẩy nhanh chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.
Cùng ngày, ông Rudy Giuliani và bà Sidney Powell, các luật sư đại diện cựu Tổng thống Trump trong các vụ kiện thất bại trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử, đã trình diện giới chức tư pháp Georgia tại nhà tù hạt Fulton. Theo đài NBC, đây là hai khuôn mặt nổi trội trong việc phụ họa câu chuyện vô căn cứ “gian lận bầu cử" của Trump.
Trước đó, một vài người trong số 18 cá nhân bị truy tố cùng với ông Trump như Scott Hall, John Eastman, David Shafer, Cathy Latham, Ray Smith, Kenneth Chesebro... đã ra trình diện tòa. (CNN)