Hàn Quốc-Triều Tiên nối lại đường dây nóng sau 13 tháng Bình Nhưỡng đơn phương cắt đứt liên lạc. (Ảnh minh họa: Raynold trên Gulf Times) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Mỹ: Nga hy vọng hiểu được sự nghiêm túc của Mỹ
Ngày 27/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho hay, nước này hy vọng cuộc tham vấn ổn định chiến lược vào ngày 28/7 tại Geneva, Thụy Sỹ, sẽ giúp Moscow hiểu được mức độ nghiêm túc trong ý định duy trì đối thoại của Washington.
Ông Ryabkov nêu rõ: "Đây là cuộc gặp khởi động. Chúng tôi sẽ hiểu được thái độ của các đồng nghiệp Mỹ nghiêm túc đến đâu trong việc duy trì đối thoại tập trung và mạnh mẽ về sự ổn định chiến lược, như đã được lãnh đạo hai nước nhất trí".
Bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán song phương sau cuộc tham vấn vào ngày mai, song, quan chức ngoại giao Nga cho biết, ông không muốn đặt tiêu chuẩn quá cao vào cuộc tham vấn này.
Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov nói rằng, cuộc tham vấn không nhằm chia sẻ phương pháp tiếp cận mọi thứ mà để khởi động quy trình, phân tích sự khác biệt của hai bên và cố gắng tìm ra các lĩnh vực hợp tác". (TASS)
Mỹ-Trung Quốc:
Trung Quốc lấn lướt Mỹ, ra 2 danh sách, 3 yêu cầu vạch lằn ranh đỏ
Ngày 26/7, tại cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc là Ngoại trưởng Vương Nghị và Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều yêu cầu với Mỹ.
Ông Tạ Phong cho biết, đã đưa hai danh sách cho phía Washington gồm những hành động Mỹ cần chấm dứt và các vụ việc mà Trung Quốc quan ngại.
Trong khi đó, ông Vương Nghị đưa ra 3 yêu cầu về những hành động mà Trung Quốc lo ngại và cho là Mỹ cần chấm dứt.
Mỹ không đưa nhiều bình luận về hai cuộc gặp này. Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo cho hay các cuộc gặp diễn ra thẳng thắn và cởi mở.
Quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về mối quan hệ với Trung Quốc
Ngày 27/7, khi nêu rõ tầm nhìn về mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố quyết tâm đạt được mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Theo trích đoạn bài phát biểu của nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ tại Singapore, ông Austin nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không chùn bước khi lợi ích của chúng tôi bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu".
Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định: "Tôi quyết tâm theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc, bao gồm cả việc liên lạc chống khủng hoảng mạnh mẽ hơn với quân đội nước này". (Sputnik)
Trung Quốc hối thúc Mỹ mời WHO điều tra phòng thí nghiệm Fort Detrick
Ngày 26/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hối thúc Mỹ có thái độ minh bạch và có trách nhiệm trong việc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Ông Triệu kêu gọi Mỹ mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới phòng thí nghiệm Fort Detrick ở Maryland để điều tra càng sớm càng tốt. (THX)
Trung Quốc rào đón Anh trước thông tin bị loại khỏi các dự án điện hạt nhân
Ngày 27/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho rằng, hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân mang lại lợi ích chung và bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính London.
Bắc Kinh cũng đang xác minh thông tin chính phủ Anh cân nhắc loại bỏ các công ty điện hạt nhân của Trung Quốc ra khỏi các dự án năng lượng của Anh trong tương lai. (THX)
Hàn Quốc-Triều Tiên nối lại đường dây nóng, các chính đảng ở Hàn Quốc ủng hộ
Ngày 27/7, Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận đã nối lại đường dây liên lạc khẩn cấp ở biên giới liên Triều sau 13 tháng Bình Nhưỡng đơn phương cắt liên lạc.
Cùng ngày, các chính đảng ở Hàn Quốc đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ động thái trên.
Nghị sĩ Song Young-gil, Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) cho rằng, "tin tức này như một cơn mưa rào sau một đợt hạn hán", ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hy vọng về một thỏa thuận khả thi để bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và Mỹ.
Trong khi đó, người phát ngôn của DP, Nghị sĩ Lee So-young cũng nhấn mạnh, DP kỳ vọng việc tái kết nối sẽ đóng vai trò là bước ngoặt cho những nỗ lực xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) - đảng đối lập chính ở Hàn Quốc - cũng hoan nghênh việc hai miền Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc ở biên giới, bày tỏ hy vọng về một bước đột phá mới trong quan hệ liên Triều. (Yonhap)
Mỹ-Iraq: Mỹ 'thay đổi nội dung sứ mệnh', Nga theo sát các diễn biến
Ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã đạt được thỏa thuận chính thức kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq vào cuối năm 2021.
Theo cựu cố vấn của Lầu Năm Góc Douglas Macgregor, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều khả năng sẽ thực hiện thông báo về việc rút toàn bộ lực lượng chiến đấu của nước này khỏi Iraq vào cuối năm nay nhằm tránh đụng độ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, Mỹ đang thay đổi vai trò ở Iraq "từ chiến đấu chuyển sang nhiệm vụ tham vấn, huấn luyện" và sẽ để lại số lượng binh sĩ nhất định ở quốc gia Trung Đông này.
Bình luận về những diễn biến mới nhất này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Moscow không muốn chứng kiến thêm một lãnh thổ nữa trong khu vực có nguy cơ rơi vào bất ổn và cam kết theo sát tình hình ở Iraq.
Mặc dù vậy, ông Peskov nhận định, tình hình ở Iraq và Afghanistan có khác biệt, do Mỹ vẫn để lại "khá nhiều người được gọi là cố vấn quân sự và sẽ tiếp tục công việc của họ ở đó". (Sputnik)
Myanmar hủy kết quả bầu cử năm 2020
Ngày 26/7, chính quyền quân sự của Myanmar đã hủy kết quả chiến thắng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử năm 2020, đồng thời tuyên bố những cuộc bầu cử này không "tự do và công bằng". (AFP)
Afghanistan:
Taliban tuyên bố bắn hạ một máy bay trực thăng quân sự
Ngày 27/7, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid thông báo, tổ chức Hồi giáo này đã bắn hạ một máy bay trực thăng quân sự của Afghanistan ở tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan.
Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn này đăng tải thông điệp: "Chúng tôi cũng chiếm được trung tâm huyện Nad-e-Ali và bắt giữ cảnh sát trưởng huyện này". Nhiều người Afghanistan đã thiệt mạng và bị thương trong cuộc tấn công, vũ khí và đạn dược cũng bị thu giữ.
Tuy nhiên, báo Pajhwok Afghan viện dẫn các nguồn tin quân sự cho hay, máy bay trực thăng trên đã hạ cánh khẩn cấp ở tỉnh Helmand vì lí do kỹ thuật sau một chiến dịch chống lại Taliban.
Theo quân đội Afghanistan, chưa ghi nhận thương vong, tuy nhiên, phi hành đoàn đã được sơ tán an toàn và máy bay đã bị phá hủy. (Sputnik)
NATO tuyên bố tiếp tục hỗ trợ Afghanistan
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thông báo, ông đã thảo luận với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nhằm tái khẳng định rằng, liên minh quân sự này sẽ tiếp tục hỗ trợ Kabul trong chiến dịch với Taliban.
Theo đó, NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Afghanistan, bao gồm cả tài chính, sự hiện diện dân sự và đào tạo ở nước ngoài. (Reuters)
Mỹ-Singapore: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Singapore
Trong hai ngày 26-27/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đã tới Singapore và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Ng Eng Hen. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Austin tới Singapore trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Thông báo chung cho hay trong cuộc gặp, 2 bộ trưởng quốc phòng đã tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng song phương tốt đẹp và lâu đời giữa Singapore và Mỹ, bày tỏ sự hài lòng đối với quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng tiếp tục bền chặt, bất chấp đại dịch Covid-19.
Ông Ng Eng Hen và ông Austin cũng đã trao đổi quan điểm về các diễn biến địa chính trị và vấn đề an ninh khu vực, đồng thời nhất trí việc duy trì trật tự theo luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của việc Mỹ tiếp tục các hoạt động can dự trong khu vực.