Xung đột Armenia-Azerbaijan
Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan bùng phát hôm 27/9 liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đã bước sang ngày thứ 2, trong đó, hai bên cáo buộc nhau sử dụng pháo hạng nặng khiến hàng trăm binh sĩ và dân thường các bên bị thương.
Ngày 28/9, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã ký sắc lệnh động viên một phần lực lượng dự bị quân đội trước bối cảnh sự thù địch gia tăng.
Trong khi đó, ông Khikmet Gadzhiev, Trợ lý Tổng thống Azerbaijan, phủ nhận thông tin Thổ Nhĩ Kỳ gửi các chiến binh từ Syria đến nước này giữa lúc nổ ra giao tranh tại khu vực ly khai Nagorny-Karabakh.
Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc và nhiều quốc gia cũng như tổ chức quốc tế đã lên tiếng quan ngại và kêu gọi hai bên đối địch giảm căng thẳng. (Reuters)
Mỹ-Trung Quốc
Ngày 28/9, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ cần được sự cho phép từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc nếu họ muốn gặp gỡ các quan chức chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong và các nhân viên trong ngành giáo dục.
Đây là một đòn "ăn miếng trả miếng" rõ ràng của Bắc Kinh với một động thái tương tự mà Washington đã đưa ra trước đó.
Theo tờ báo này, các biện pháp mới cũng có thể được áp dụng cho các cuộc họp của các nhân viên phái bộ ngoại giao Mỹ với đại diện của các chính đảng. (Sputnik)
Biển Đông
Ngày 27/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải thông điệp trên trang web chính thức với tiêu đề: “Những lời hứa suông của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Thông điệp nhắc lại mốc thời gian 5 năm trước, vào ngày 25/9/2015 tại Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Bắc Kinh “không có ý định quân sự hóa” quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và các tiền đồn của Trung Quốc “không nhằm mục tiêu hoặc tác động tới bất cứ quốc gia nào”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng, Trung Quốc đã có hành vi “quân sự hóa phi pháp" các tiền đồn làm nền tảng cho "hành vi cưỡng chế để kiểm soát các vùng biển mà Bắc Kinh không có tuyên bố chủ quyền hàng hải hợp pháp”.
Mỹ cho rằng Trung Quốc đã không tôn trọng phát ngôn và cam kết mà chính họ đã đưa ra, đồng thời chỉ ra, gần đây, có "nhiều chưa từng có các quốc gia thể hiện sự phản đối lên Liên hợp quốc nhằm chống lại yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”. Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối hành vi “nguy hiểm và không thể chấp nhận được” của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác trong Đông Nam Á trong việc chống lại các nỗ lực cưỡng ép của Trung Quốc nhằm thiết lập “sự thống trị trên Biển Đông”. (State.gov)
TikTok
Tối 27/9 (giờ Mỹ), thẩm phán Mỹ tại Washington Carl Nichols đã tạm thời chặn lệnh cấm của chính quyền Mỹ liên quan tới ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của Trung Quốc, ngay trước thời điểm lệnh cấm trên có hiệu lực vào 23h59 phút ngày 27/9 (giờ Mỹ). Theo lệnh cấm, Apple và Google sẽ phải gỡ bỏ ứng dụng trên khỏi kho trực tuyến tại Mỹ.
Theo phán quyết mới nhất, thẩm phán Nichols đã cho phép ứng dụng TikTok có mặt trên các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ, song từ chối ra lệnh chặn biện pháp hạn chế của Bộ Thương mại Mỹ dự kiến có hiệu lực vào ngày 12/11 tới, mà TikTok lo ngại rằng sẽ khiến ứng dụng này không thể sử dụng tại Mỹ.
Trong một tuyên bố, TikTok bày tỏ vui mừng với quyết định của thẩm phán Carl Nichols, đồng thời cho biết, ứng dụng này sẽ duy trì các cuộc đối thoại với Chính phủ Mỹ về thỏa thuận tiềm năng với Oracle và Walmart. (Reuters)
Bầu cử Mỹ 2020
Ngày 27/9, phát biểu trong cuộc họp báo, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden kêu gọi, Thượng viện Mỹ phải vì đạo đức và lương tâm mà hoãn thông qua vị trí thẩm phán Toà án tối cao của bà Amy Coney Barrett vừa được đương kim Tổng thống Donald Trump đề cử.
Theo ông Biden, việc bà Barrett trở thành thẩm phán tối cao mới sẽ mở ra một thời kỳ đen tối cho nước Mỹ khi những chính sách thiết yếu như chương trình bảo hiểm y tế Obamacare sẽ bị khai tử. "Thậm chí, nếu cứ để ông Trump thực hiện thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ mất luôn quyền bầu cử, quyền được hưởng môi trường trong lành và quyền được trả lương công bằng" ông Biden cảnh báo.
Hiện cả Tổng thống Trump lẫn bà Barrett đều chưa đưa ra phản hồi chính thức nào về các phát ngôn của ông Biden. (Sputnik)
Nghi vấn thuế thu nhập cá nhân Tổng thống Trump
Ngày 27/9, tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Trump đóng rất ít thuế thu nhập cá nhân trong những năm gần đây và nhiều năm khai báo hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Trích dẫn dữ liệu khai thuế trong hơn 20 năm qua, New York Times cho biết, trong hai năm 2016-2017 Tổng thống Trump chỉ nộp 750 USD tiền thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, trong 15 năm qua, có 10 năm ông Trump không nộp thuế thu nhập, mặc dù năm 2018 ông thu lời 427,4 triệu USD từ chương trình truyền hình thực tế ăn khách và các thương vụ được chứng thực và cấp phép khác.
Theo báo trên, trong năm 2018, ông Trump đã báo lỗ 47,4 triệu USD, mặc dù trong cùng năm ông công bố thu nhập ít nhất 434,9 triệu USD.
Cũng theo New York Times, hiện Tổng thống Trump đang là mục tiêu kiểm toán của Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) trong 10 năm qua liên quan đến khoản hoàn thuế 72,9 triệu USD mà ông nhận được sau khi khai báo các khoản lỗ nặng. Nếu IRS xác định các khoản hoàn thuế này là sai, ông Trump có thể phải trả hơn 100 triệu USD.
Tuy nhiên, phát biểu họp báo tại Nhà Trắng cùng ngày, Tổng thống Trump đã lập tức bác bỏ, cho đây là "tin hoàn toàn giả mạo". Trong khi đó, tuyên bố của ông Alan Garten - luật sư của Tổ chức Trump, cho biết ông Trump đã đóng hàng chục triệu tiền thuế thu nhập cá nhân trong một thập kỷ qua. (The Guardian)
Mỹ-Iraq
Ngày 27/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo với Tổng thống và Thủ tướng Iraq rằng, Mỹ sẽ đóng cửa Đại sứ quán tại Baghdad nếu Chính phủ nước này không ngăn chặn được các cuộc tấn công của các tay súng Shiite nhằm vào các lợi ích của Mỹ tại Iraq.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Iraq Matthew Tueller được cho là đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fuad Hussein rằng, việc đóng cửa đại sứ quán sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán nước này tại Iraq từ chối đưa ra bình luận về các cuộc thảo luận ngoại giao. Tuy nhiên, hai quan chức Iraq nói rằng, Mỹ đã thông báo với giới chức Iraq, nước này bắt đầu các bước đi đầu tiên để có thể đóng cửa Đại sứ quán trong 2 đến 3 tháng tới trong khi vẫn duy trì lãnh sự quán tại Erbil, thủ đô của khu vực tự trị người Kurd tại Iraq.
Bên cạnh đó, hai nguồn tin này nói rằng, việc đóng cửa Đại sứ quán có thể đi cùng với việc rút quân Mỹ khỏi Iraq. Việc rút quân từ từ sẽ cho Washington có thời gian để đảo ngược quyết định nếu giới chức Iraq có các hành động kiên quyết để bảo vệ các cơ sở của Mỹ tại nước này. (The New Arab)
Tình hình Belarus
Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei đã cảnh báo trước Liên hợp quốc rằng, những biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống và làn sóng biểu tình của người dân chỉ là những nỗ lực gieo rắc hỗn loạn và tình trạng vô chính phủ nhằm xóa sổ thành quả phát triển nhiều năm của Belarus.
Đề cập các kế hoạch trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Anh, Ngoại trưởng Makei nêu rõ: "Việc can thiệp vào công việc nội bộ, các biện pháp trừng phạt và hạn chế khác nhằm vào Belarus sẽ phản tác dụng và gây tổn hại cho tất cả mọi người", đồng thời kêu gọi các đối tác thể hiện trí tuệ, sự kiềm chế và khách quan trong vấn đề này.
Trong khi đó, ngày 28/9, lãnh đạo đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya đã kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quê hương của bà, bày tỏ hy vọng rằng ông Macron có thể kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia mở một cuộc đối thoại. (AFP, AP)