Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps ngày 28/9 tại Kiev. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Ukraine) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận về Ukraine với điều kiện này: Ngày 28/9: trả lời phỏng vấn TASS (Nga), Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov đã nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi vẫn như cũ: Chúng tôi sẵn sàng nhất trí về các thỏa thuận, với điều kiện là tình hình hiện tại trên thực địa được tính đến. Điều này quan điểm mà mọi người đều nhận thức rõ và các lợi ích an ninh của chúng tôi, bao gồm cả nhu cầu ngăn chặn ý đồ tạo ra một chế độ thù địch gần biên giới Nga, vốn công khai tuyên bố mục tiêu là loại bỏ mọi thứ của Nga tại Crimea và Novorossiya - nơi người Nga đã khám phá và phát triển nhiều thế kỷ”. Trước đó, ông khẳng định càng trì hoãn đàm phán với Moscow, Kiev sẽ càng khó đạt được một thỏa thuận hơn. Theo ông, lệnh cấm đàm phán với Nga của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cần được dỡ bỏ để mở đường cho đối thoại.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga cáo buộc các nước phương Tây đã hủy hoại toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine khi thú nhận rằng họ không có kế hoạch thực hiện Thỏa thuận hòa bình Minsk. Ông chỉ rõ: “Khi những bên phát triển Thỏa thuận Minsk thừa nhận rằng trên thực tế họ đã lừa dối (Tổng thống) Putin vì họ không có kế hoạch thực hiện thỏa thuận này, họ đã hủy hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Ông nhấn mạnh rằng năm ngoái, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande và cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko đã khẳng định mục tiêu duy nhất của Thỏa thuận Minsk “là câu giờ để bổ sung vũ khí cho Ukraine chống Nga... Nếu họ thực hiện Thỏa thuận, họ sẽ bảo đảm được oàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bởi đây chính là nội dung hiệp định: sự toàn vẹn lãnh thổ đáng lẽ phải được khôi phục sau khi Donbass, gồm Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và Donetsk (DPR) tự xưng, nhận được quy chế đặc biệt”. (TASS)
* Tân Bộ trưởng Quốc phòng Anh thăm Ukraine: Ngày 28/9, ông Grant Shapps đã gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới thủ đô của quốc gia Đông Âu trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Anh, quốc gia đồng minh trung thành của Ukraine trong suốt xung đột tại đất nước này.
Trong một tuyên bố, ông Zelensky nói rằng: “Thay mặt cả nước, tôi cảm ơn vì tất cả những gì các bạn đang làm. Chúng tôi biết ơn sự giúp đỡ của các bạn về quân sự, tài chính, nhân đạo. Chúng tôi vô cùng cảm kích vì có thể dựa vào các bạn”. Nhà lãnh đạo này cũng nêu lên vấn đề hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Kiev và London, điều ông cho rằng đã cho phép Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) Ukraine tấn công tầm xa vào các mục tiêu trên lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Hai bên cũng thảo luận về năng lực phòng không ở Ukraine, trong bối cảnh Nga có thể dùng tên lửa tầm xa và máy bay không người lái (UAV) để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng Ukraine mùa Đông này.
Ông Shapps còn gặp người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov để nghe tóm tắt về thực địa cùng những nhu cầu cấp thiết của Kiev. Viết trên trang X, ông Umerov cho biết: “Tập trung vào hệ thống phòng không, pháo binh, phòng thủ UAV. Mùa Đông đang đến nhưng chúng tôi đã sẵn sàng. Sát cánh chiến đấu mạnh mẽ hơn”.
Đáng chú ý, chuyến thăm Ukraine của ông Shapps diễn ra trước thềm Diễn đàn công nghiệp quốc phòng đầu tiên của Kiev, nơi các quan chức Ukraine dự kiến gặp gỡ đại diện của hơn 160 công ty quốc phòng và 26 quốc gia. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu dự kiến tham gia diễn đàn này. (AFP/TTXVN)
Mỹ-Trung
* Đại sứ Trung Quốc hối thúc Mỹ có bước đi “thiết thực” hàn gắn quan hệ: Ngày 28/9 (theo giờ địa phương), phát biểu trong buổi chiêu đãi tại trụ sở Đại sứ quán ở Washington D.C. (Mỹ) mừng Quốc khánh Trung Quốc, Đại sứ Tạ Phong nhấn mạnh: “Chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ và bắt đầu bằng điều thiết thực có lợi cho nhân dân hai nước. Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Trung-Mỹ (STA) mang lại lợi ích cho cả hai bên. Vậy tại sao không điều chỉnh càng sớm càng tốt?”
Mỹ và Trung Quốc ký STA khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Thỏa thuận này sẽ được điều chỉnh 5 năm/lần và mà minh chứng cho thấy hai quốc gia đối đầu có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực về khoa học và công nghệ. Song lo ngại về sức mạnh quân sự cùng chiến lược khoa học, công nghệ của Trung Quốc khiến Mỹ quan ngại về an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của mình.
Ngoài ra, Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong còn đề xuất tăng cường số chuyến bay thẳng giữa hai nước, và giải quyết các vấn đề liên quan thị thực và “khó khăn” khi nhập cảnh mà du khách nước này đang vấp phải khi muốn tới Mỹ. (Reuters)
Đông Nam Á
* Campuchia và Thái Lan tăng cường hợp tác kinh tế: Ngày 28/9, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Campuchia, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã có cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp chủ nhà Hun Manet tại Cung Hòa bình ở thủ đô Phnom Penh.
Tuyên bố sau cuộc hội đàm cho biết lãnh đạo hai nước đã thảo luận một cách chân thành và thận trọng về quan hệ hợp tác song phương toàn diện giữa Campuchia và Thái Lan. Hai bên đã tập trung vào nhiều lĩnh vực quan trọng bao gồm thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, đào tạo nghề, ngoại giao, quan hệ kinh doanh, giao lưu nhân dân, kết nối qua đường hàng không, đường sắt và đường bộ, kinh tế số và kinh tế xanh, các vấn đề liên quan tới nhập cư, an ninh xuyên biên giới và an ninh mạng. Thủ tướng hai quốc gia láng giềng cũng chỉ thị các bộ, ban, ngành tiếp tục thảo luận và hợp tác để phối hợp hiệu quả, cùng có lợi.
Về phần mình, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhiệt liệt hoan nghênh người đồng cấp Srettha Thavisin cùng phái đoàn cấp cao Thái Lan, đồng thời đánh giá cao quyết định của ông khi chọn xứ sở Chùa Tháp là quốc gia đầu tiên để thăm chính thức, ít lâu sau khi nhậm chức Thủ tướng Thái Lan vào ngày 22/8 vừa qua.
Đáp lại, Thủ tướng Srettha Thavisin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự đón tiếp nồng hậu từ người đồng cấp chủ nhà và gửi lời chúc mừng ông Hun Manet đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng trong nhiệm kỳ Quốc hội Campuchia khóa VII.
Kết thúc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã cùng bày tỏ sự tin tưởng rằng quan hệ hợp tác Campuchia-Thái Lan ngày càng vững chắc và phát triển hơn. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc và Saudi Arabia sẽ tập trận hải quân chung: Ngày 28/9 tại họp báo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm thông báo cuộc tập trận hải quân chung lần thứ hai giữa nước này và Saudi Arabia, tên “Blue Sword 2023”, sẽ diễn ra ở tỉnh Quảng Đông tháng 10 tới. Ông nêu rõ: “Cuộc tập trận chung lần này tập trung vào các hoạt động chống khủng bố trên biển, thực hành chiến thuật bắn tỉa, vận hành thuyền nhẹ, hạ cánh trực thăng và cứu hộ chung… để tăng cường hợp tác hữu nghị và thực tế giữa quân đội hai nước”.
Trong khi đó, hãng thông tấn SPA (Saudi Arabia) cho biết cuộc tập trận hải quân chung lần thứ nhất giữa nước này và Trung Quốc đã diễn ra năm 2019. (Reuters)
* Trung Quốc, Đức nối lại đàm phán tài chính cấp cao: Ngày 28/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh xác nhận nước này và Đức sẽ đồng chủ trì đối thoại tài chính lần thứ III tại Đức ngày 1/10 tới, qua đó nối lại đối thoại cấp cao vốn bị đình trệ do đại dịch Covid-19. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong sẽ đồng chủ trì đối thoại cùng Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner.
Trong vòng đàm phán gần nhất tháng 1/2019, Trung Quốc và Đức đã ký các thỏa thuận tăng cường phối hợp về ngân hàng, thị trường tài chính và thị trường vốn, cam kết đẩy mạnh tiếp cận thị trường mở, củng cố hợp tác về quan hệ kinh tế.
Kể từ đó, Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức, đã bày tỏ lo ngại về tình trạng phụ thuộc Trung Quốc quá nhiều về mặt kinh tế. Tuần trước, Đức đã cho biết về kế hoạch buộc các công ty khai thác viễn thông cắt giảm sử dụng thiết bị từ tập đoàn Huawei và ZTE liên quan tới mạng 5G, sau khi có kết quả đánh giá tình trạng lệ thuộc quá mức vào các tập đoàn từ Trung Quốc này. (Reuters)
* Nhật Bản thông báo đợt xả thải lần hai từ nhà máy Fukushima: Ngày 28/9, TEPCO, đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thông báo đợt xả nước thải đã qua xử lý lần thứ hai từ nhà máy này ra biển sẽ được triển khai vào ngày 5/10 tới. Hiện công ty này đã xả khoảng 7.800 tấn nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển trong đợt đầu tiên, bắt đầu vào ngày 24/8 và hoàn tất vào ngày 11/9.
Trước đó, TEPCO và Tokyo khẳng định việc xả nước thải đã qua xử lý là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu ngừng hoạt động nhà máy hạt nhân, vốn bị hư hại nghiêm trọng sau trận động đất và sóng thần thảm khốc năm 2011. (Kyodo)
* Trung Quốc: Triều Tiên, Mỹ đề nghị hỗ trợ trong vụ lính Mỹ bị trục xuất: Ngày 28/9, Bộ Ngoại giao nước này cho biết đã nhận được đề nghị từ Bình Nhưỡng và Washington để cung cấp hỗ trợ cần thiết, với tinh thần nhân đạo, trong vụ lính Mỹ bị Triều Tiên trục xuất. Trước đó, hồi tháng 7, binh sĩ Travis King đã xâm nhập trái phép Triều Tiên. Hiện đối tượng này đang bị giới chức Mỹ giam giữ sau khi bị Triều Tiên trục xuất sang Trung Quốc ngày 27/9 vừa qua. (Reuters)
Trung Á
* Cộng hòa Karabakh sẽ dừng tồn tại từ tháng 1/2024: Ngày 28/9, nhà lãnh đạo của Cộng hòa Karabakh tự xưng, ông Samvel Shahramanian đã kí sắc lệnh bãi bỏ tất cả các thể chế nhà nước kể từ ngày 1/1/2024. Động thái nêu trên sẽ chấm dứt sự tồn tại của thực thể nhà nước không được quốc tế công nhận này.
Về phần mình, phát biểu tại cuộc họp nội các vào sáng cùng ngày Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhấn mạnh cuộc di tản của người Armenia khỏi Nagorno-Karabakh đang tiếp diễn và những ngày sắp tới người Armenia sẽ không còn ở khu vực này. Theo nhà lãnh đạo này, đây là hành động “thanh lọc sắc tộc” lâu nay chính quyền của Yerevan vẫn cảnh báo với cộng đồng quốc tế.
Ông thúc giục quốc tế hành động để chỉ trích các hành động nêu trên, đồng thời khẳng định sự im lặng của thế giới có thể bị xem là đồng lõa với Azerbaijan.
Nagorno-Karabakh là một phần của Azerbaijan được quốc tế công nhận, song dân số chủ yếu là người Armenia thiểu số. Tuy nhiên, sau cuộc chiến năm 1994. với sự hỗ trợ của Yerevan, người Armenia ly khai đã kiểm soát khu vực này.
Trong cuộc giao tranh kéo dài 6 tuần hồi năm 2020, Azerbaijan đã chiếm lại các khu vực lân cận và một phần Karabakh. Cuộc chiến này đã kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian. Đồng thời Moscow đã triển khai khoảng 2.000 binh sĩ Nga để gìn giữ hòa bình tại Nagorno-Karabakh kể từ thời điểm đó.
Mới đây, ngày 19/9 vừa qua, Baku đã phát động một chiến dịch quân sự để giành quyền kiểm soát khu vực. Quân Azerbaijan đã nhanh chóng chọc thủng các vị trí phòng thủ của lực lượng ly khai và chính quyền Karabakh buộc phải đầu hàng. Baku đã yêu cầu binh sĩ Karabakh hạ vũ khí và chính phủ ly khai phải giải tán.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, Baku sẽ cho phép người dân khu vực Nagorno-Karabakh “đi lại tự do, tự nguyện và không bị cản trở”. Hôm 24/9, Azerbaijan đã mở lại Hành lang Lachin, tuyến đường bộ duy nhất nối Karabakh với Armenia. Trong những ngày qua, hàng chục nghìn người đã rời khỏi Karabakh do lo sợ bị trấn áp và “thanh lọc sắc tộc”. Theo Yerevan, hiện hơn 65.000 người, chiếm hơn một nửa dân số khu vực này, đã lên đường tới Armenia. (AFP/Reuters/TTXVN)
Châu Âu
* Ukraine: Tranh chấp với Ba Lan “gây bất lợi” cho cả hai bên: Ngày 28/9, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ba Lan đã gia hạn lệnh cấm vận ngũ cốc Ukraine, qua đó đi ngược lại quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) về chấm dứt các biện pháp hạn chế và gây tranh cãi ngoại giao giữa các đồng minh.
Ông nhấn mạnh Kiev đã truyền tải tín hiệu rõ ràng tới Warsaw về cam kết của Kiev đối với một giải pháp mang tính xây dựng cho tình trạng hiện nay. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: “Ukraine không cần cuộc chiến ngũ cốc này và Ba Lan cũng vậy”. Đồng thời, ông cảnh báo tranh chấp có thể tồi tệ hơn “khi cảm xúc dâng cao”, trong bối cảnh bầu cử tại Ba Lan dự kiến diễn ra ngày 15/10 tới. Chính phủ cánh hữu theo đường lối dân túy đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại các vùng nông nghiệp và đã có lệnh cấm để bảo vệ nông dân nước này.
Theo Ngoại trưởng Ukraine, vấn đề ngũ cốc rồi cũng sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, ông cảnh báo hậu quả lâu dài của căng thẳng leo thang. Đồng thời, ông cho rằng “câu chuyện về sự vô ơn của đất nước và người dân Ukraine được gieo vào đầu người Ba Lan có thể gây ra hệ lụy an ninh vô cùng tiêu cực. Ông chỉ trích những cáo buộc về sự vô ơn đó là “lời nói dối trắng trợn” và nhấn mạnh: “Ukraine biết ơn chân thành và sâu sắc tới người dân và Chính phủ Ba Lan”. (TTXVN)
* Pháp muốn Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary phê chuẩn để Thụy Điển vào NATO: Ngày 28/9, phát biểu với báo giới tại Helsinki (Phần Lan), Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thấy Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chúng tôi muốn thấy Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hiện thực hóa những gì họ đã đồng ý”.
Tuần này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển không phải vấn đề “khẩn cấp”, đồng thời chỉ trích quốc gia Bắc Âu nghi ngờ “bản chất dân chủ” của Budapest. Về phần mình, hồi tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố Quốc hội nước này có thể xem xét đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển vào tháng 10 tới. (AFP)
* Xả súng tại thủ đô Slovakia, 5 người thương vong: Sáng ngày 28/9, một vụ xả súng nghiêm trọng tại khu vực quận Dubrovka, thủ đô Bratislava của Slovakia đã khiến 1 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương, trong đó có 1 cảnh sát.
Theo các nhân chứng, vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng tại một khu nhà chung cư. Ban đầu, kẻ tấn công, được xác định là một người đàn ông 32 tuổi, đã nổ súng từ cửa sổ tại căn hộ của mình vào một người đàn ông đi đường. Sau đó, hắn ra ngoài và tiếp tục xả súng vào người đi đường, trước khi cố thủ trong căn hộ ban đầu và đấu súng với cảnh sát, trước khi bị bắn hạ tại hiện trường. (TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Tân Đại sứ Ai Cập trình quốc thư lên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: ngày 27/9, Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tân Đại sứ Ai Cập Amr Soliman El-Hamami đã trình thư ủy nhiệm lên Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Ankara. Trước đó, hồi tháng 7, nhà ngoại giao kỳ cựu này đã được Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi đã bổ nhiệm làm Đại sứ Ai Cập tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi hai bên nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp Đại sứ, chấm dứt sự rạn nứt kéo dài 10 năm
Đầu tháng 9, Tổng thống Ai Cập El-Sisi đã lần đầu gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại buổi tiếp xúc mở rộng bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại New Delhi (Ấn Độ). Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác song phương, trên cơ sở diễn biến thời gian qua.
Cụ thể, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã thăm khu vực động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 2, còn ông El-Sisi đã chia buồn với người đồng cấp Erdogan. Ít lâu sau, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó, ông Mevlut Cavusoglu đã tới Cairo. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ sau 10 năm. Tháng 4 năm nay, ông Shoukry đã tới Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa. (Ahram Online)
* Israel mở lại cửa khẩu với Dải Gaza: Ngày 28/9, sau hai tuần đóng cửa do lo ngại an ninh, nhà chức trách Israel đã mở lại cửa khẩu Erez duy nhất thông với Dải Gaza, cho phép khoảng 17.000 lao động Palestine qua lại làm việc mỗi ngày.
Thông báo của COGAT, cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Israel điều phối các vấn đề dân sự tại các vùng lãnh thổ của Palestine, cho biết nước này sẽ tiếp tục “đánh giá tình hình và ổn định an ninh: để quyết định có duy trì mở cửa hay không. Tuy nhiên, nhiều khả năng cửa khẩu sẽ tạm đóng trở lại ngày 29/9 và 30/9, như chính quyền Israel vẫn làm như hàng năm trong dịp lễ Sukkot của người Do Thái.
Trước đó, Nhà nước Do Thái đã đóng cửa khẩu Erez sau các cuộc tuần hành kèm bạo lực của người dân Dải Gaza trước lễ Năm mới và Yom Kippur của người Do Thái. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nhấn mạnh Israel sẽ tăng cường biện pháp phòng chống bạo lực tại biên giới với Dải Gaza. (Jerusalem Post)