📞

Tin thế giới 29/12: Trung Quốc có Bộ trưởng Quốc phòng mới, Mỹ bí mật phóng tàu vũ trụ, đoàn xe của Liên hợp quốc bị tấn công ở Gaza

21:04 | 29/12/2023
Nga sẽ không chùn tay trong xung đột ở Ukraine, tàu Hy Lạp trúng thủy lôi ở Biển Đen, Hà Lan tuyên bố cần chuẩn bị chiến tranh với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ chặn đứng âm mưu khủng bố....là một số tin nổi bật trong 24 giờ qua.
Tướng Đổng Quân được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng mới của Trung Quốc. (Nguồn: SCMP)

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

*Nga hoàn thành mục tiêu không kích Ukraine: Quân đội Nga ngày 29/12 tuyên bố đã đánh trúng tất cả các mục tiêu trong hàng chục cuộc tấn công vào Ukraine suốt hơn một tuần qua, trong đó đợt tập kích mới nhất khiến ít nhất 16 người thiệt mạng.

Báo cáo cập nhật hàng ngày của quân đội Nga nêu rõ: "Trong khoảng thời gian từ ngày 23-29/12, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã thực hiện 50 cuộc tấn công theo nhóm và một cuộc tấn công quy mô lớn... Tất cả các mục tiêu đều bị tấn công". Theo báo cáo, quân đội Nga đang nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự. (TASS)

*Nga “sẽ không chùn tay” trong xung đột ở Ukraine: Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 29/12 nhận định đòn tập kích tên lửa mới nhất của Nga nhằm vào Ukraine cho thấy Tổng thống Vladimir Putin “sẽ không chùn tay hòng đạt được mục tiêu xóa bỏ tự do và dân chủ”.

Trên trang mạng xã hội X, ông Sunak viết: “Chúng tôi sẽ không để ông ta (Tổng thống Putin) thắng. Chúng tôi phải tiếp tục sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào còn có thể”. Vài giờ trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Nga vừa tiến hành một trong những đợt không kích dữ dội nhất vào lãnh thổ Ukraine với khoảng 110 tên lửa.

Theo quân đội Ukraine, đó là cuộc không kích có quy mô lớn nhất của Nga nhằm vào lãnh thổ Ukraine từ khi nổ ra xung đột giữa hai nước hồi tháng 2/2022. (DW)

*Nga lên danh sách trả đũa nếu bị tịch thu 300 tỷ USD: Điện Kremlin ngày 29/12 tuyên bố Moscow có danh sách những tài sản phương Tây có thể bị tịch thu để trả đũa nếu Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) xúc tiến thảo luận về đề xuất thu giữ 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Nga.

Theo Finacial Times, Đức, Pháp, Italy và Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra dè dặt trước ý tưởng tịch thu tài sản của Ngavà cho rằng trước tiên cần cân nhắc tính hợp pháp của biện pháp này. EU, Anh và Pháp nhấn mạnh số tiền nhận được thông qua hành động tịch thu sẽ không dễ dàng tiếp cận được và cũng sẽ không đủ để trang trải cho nhu cầu tái thiết của Ukraine. Ngoài ra, các bên liên quan cũng lưu ý hành động tịch thu tài sản của Nga không nên gây phương hại đến quá trình cung cấp hỗ trợ tài chính cho Kiev trong năm 2024. (Sputnik News)

*Nga có thêm 1.500 xe tăng, 22.000 UAV trong năm 2023: Theo tài liệu cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga, trong năm 2023, quân đội nước này đã tiếp nhận hơn 1.500 xe tăng và 22.000 máy bay không người lái (UAV). Tài liệu có đoạn: “Mức độ đầy đủ: trên 84%. Đã vận chuyển: hơn 1.500 xe tăng, hơn 2.200 xe chiến đấu bọc thép, hơn 1.400 xe rocket và pháo binh, hơn 22.000 UAV”. Ngoài ra, quân đội Nga cũng đã nhận được hơn 12.000 ô tô, trong đó, số lượng xe bọc thép chiếm hơn 10% (1.400 chiếc). (TASS)

Châu Á-Thái Bình Dương

*Trung Quốc có Bộ trưởng Quốc phòng mới: Tân Hoa xã ngày 29/12 đưa tin, Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Đổng Quân (Dong Jun) làm Bộ trưởng Quốc phòngmới. Quyết định trên đã được thông qua tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc Khóa XIV.

Ông Đổng Quân sinh năm 1961 tại tỉnh Sơn Đông, thay cho người tiền nhiệm là ông Lý Thượng Phúc bị miễn nhiệm hồi tháng 10. Ông phục vụ trong Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) từ cuối thập niên 1970 và từng là phó tham mưu trưởng Hạm đội Bắc Hải. Báo South China Morning Post cho rằng việc bổ nhiệm ông Đổng Quân làm bộ trưởng Quốc phòng mới có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho liên lạc quân sự cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc. (THX)

*Ấn Độ sắp phóng 50 vệ tinh giám sát biên giới: Người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) Sreedhara Somanath cho biết nước này có kế hoạch tạo ra một chòm sao vệ tinh đa quỹ đạo để giám sát biên giới bằng cách phóng 50 vệ tinh trong vòng 5 năm tới.

Theo ông Sreedhara Somanath, ISRO sẽ duy trì các vật thể trong không gian của mình được kết nối với nhau, có nghĩa là một vệ tinh ở quỹ đạo cao hơn, khi phát hiện một sự kiện hoặc hiện tượng nhất định, có thể truyền thông tin đến một vệ tinh ở quỹ đạo thấp hơn với vị trí tốt hơn để chụp bức ảnh lớn hơn và phân tích. (The Economic Times)

Châu Âu

*Latvia trục xuất hơn 1.000 công dân Nga: Cơ quan Công dân và Di trú Latvia cho biết họ đã quyết định trục xuất 1.213 công dân Nga không nộp giấy tờ xin giấy cư trú lâu dài theo thời hạn được xác định.

Hãng tin RIA Novosti ngày 28/12 dẫn lời cơ quan trên cho biết công dân phải nộp giấy tờ trước thời hạn được ấn định theo luật nhập cư sửa đổi – là ngày 30/11, và những người bị trục xuất đã không nộp giấy tờ, không xin được giấy cư trú và không rời khỏi đất nước. Cơ quan cũng lưu ý rằng con số cuối cùng những người bị trục xuất sẽ được cập nhật. (Reuters)

*Tấn công khủng bố bằng xe tải ở Đức: Ngày 29/12, một xe tải đã bất ngờ lao vào đám đông người đi bộ gần khu vực ga tàu ở trung tâm thành phố Passau, miền Nam nước Đức. Theo cảnh sát địa phương, vụ việc khiến 1 phụ nữ 37 tuổi tử vong tại chỗ do vết thương quá nặng, trong khi 4 người khác bị thương. Trong số các nạn nhân có một em nhỏ 11 tuổi là con của người phụ nữ xấu số nêu trên.

Tài xế xe tải (63 tuổi) cũng bị thương và được đưa đến bệnh viện điều trị. Nguyên nhân dẫn tới vụ việc này đang được điều tra làm rõ. Phía cảnh sát cho rằng "đây là tình huống tai nạn thông thường”. (DW)

*Hà Lan tuyên bố cần chuẩn bị chiến tranh với Nga: Báo De Telegraaf ngày 28/12 dẫn lời Tổng tư lệnh sắp mãn nhiệm của Các Lực lượng vũ trang Hà Lan Martin Wijnen nói rằng quân đội nước này cần tuyển từ 2000-3000 tình nguyện viên mỗi năm để chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh với Nga. Trung tướng Wijnen chia sẻ: “Hà Lan thực sự lo ngại chiến tranh và xã hội của chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó”.

Ông Wijnen chỉ ra rằng xã hội Hà Lan cũng nên chuẩn bị cho cuộc xung đột với Nga. Theo ông, cần có số lượng quân dự bị và tình nguyện viên lớn hơn nhiều để quân đội có thể tiếp tục hoạt động. Trước đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố nước này đã thông báo cho Kiev về việc chuẩn bị 18 chiến đấu cơ F-16 để chuyển giao cho Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU). (De Telegraaf)

*Tàu chở hàng Hy Lạp trúng thủy lôi ở Biển Đen: Ngày 28/12, đài truyền hình quốc gia ERT của Hy Lạp đưa tin một tàu chở hàng thuộc sở hữu của nước này đã bị hư hại do trúng thủy lôi ở Biển Đen, với 3 thành viên thủy thủ đoàn bị thương nhẹ.

Theo nguồn tin thuộc Bộ Hàng hải và chính sách biển đảo Hy Lạp, vụ việc xảy ra hôm 27/12 và số thủy thủ trên tàu treo cờ Panama này là 18 người. Những người bị thương bao gồm 2 công dân Hy Lạp - thuyền trưởng và thuyền phó - cũng như một đầu bếp người Ai Cập.

Tàu chở hàng nói trên gặp nạn khi đang trên đường tới một cảng ở Ukraine để chở ngũ cốc. Nhà chức trách đã điều tàu kéo để lai dắt tàu gặp nạn vào cảng này. (AFP)

*Đức hủy hầu hết các hình thức hợp tác với Nga: Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev ngày 29/12 cho biết hầu như tất cả các hình thức hợp tác song phương hiện đều bị bãi bỏ hoặc đóng băng theo sáng kiến của Berlin.

Đại sứ Nechaev khẳng định: “Đối với những mối liên hệ hiện tại, hầu hết tất cả các hình thức tương tác đã bị bãi bỏ hoặc đóng băng theo sáng kiến của Đức”, mà không phải là lựa chọn của Nga.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động mạnh mẽ đến quan hệ giữa Nga và Đức. Hồi tháng 5, Chính phủ Đức cho biết chỉ 1 trong 5 lãnh sự quán Nga tại Đức được phép hoạt động, cùng với Đại sứ quán Nga ở Berlin. Đức cũng đóng cửa các lãnh sự quán của nước này ở Kaliningrad, Yekaterinburg và Novosibirsk, chỉ còn Đại sứ quán tại Moscow và Lãnh sự quán ở St. Petersburg vẫn hoạt động. Biện pháp này được thực hiện nhằm đáp trả quyết định của Moscow cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao Đức tại Nga, vốn là động thái trả đũa sau khi Berlin trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga hồi tháng 4. (DW)

*NATO xuất kích hơn 300 lần ứng phó máy bay Nga năm 2023: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 29/12 cho biết lực lượng không quân của liên minh quân sự này đã phải xuất kích hơn 300 lần để ứng phó máy bay quân sự Nga trong năm 2023.

Người phát ngôn NATO Dylan White nhấn mạnh: “Các máy bay tiêm kích của NATO thực hiện nhiệm vụ suốt ngày đêm, sẵn sàng xuất kích trong trường hợp có những chuyến bay đáng ngờ hoặc không báo trước gần không phận các đồng minh”.

Sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, NATOđã tăng cường đáng kể hệ thống phòng không ở sườn phía Đông bằng nhiều máy bay tiêm kích, thực hiện các chuyến bay giám sát và lưới phòng không mặt đất. (Reuters)

*Pháp lên án “chiến lược khủng bố” của Nga ở Ukraine: Bộ Ngoại giao Pháp ngày 29/12 ra tuyên bố lên án “chiến lược khủng bố” của Nga ở Ukraine sau khi những đợt tấn công của quân đội Nga giết chết ít nhất 16 người ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ: “Nga đang tiếp tục chiến lược khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, làm suy yếu khả năng phục hồi của nhân dân Ukraine… Thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác, Pháp sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và cung cấp viện trợ cần thiết để nước này có thể thực hiện khả năng tự vệ”. (AFP)

Trung Đông – Châu Phi

*Đoàn xe của LHQ bị tấn công ở Gaza: Chương trình Cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 29/12 thông báo đoàn xe chở hàng viện trợ vào Dải Gaza đã bị quân đội Israel tấn công.

Giám đốc UNRWA Tom White viết trên mạng xã hội X: “Binh sĩ Israel đã bắn vào đoàn xe viện trợ khi đoàn xe này trở về từ miền Bắc Dải Gaza dọc theo tuyến đường do quân đội Israel chỉ định. Trưởng đoàn và đội ngũ nhân viên của ông không bị thương, nhưng một phương tiện bị hư hại”. Theo UNRWA, vụ việc diễn ra vào chiều 28/12.

Trước đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths đã mô tả sự cố mà ông gọi là “một tình huống bất khả thi đối với người dân ở Dải Gaza và những người đang cố gắng giúp đỡ họ”. Ông Griffiths xác nhận đoàn xe viện trợ đã bị bắn nhưng không nêu rõ chi tiết. (Reuters)

*Thổ Nhĩ Kỳ chặn âm mưu khủng bố: Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya ngày 29/12 cho biết trong Chiến dịch Heroes-37 được triển khai tại 9 tỉnh thành, các cơ quan chức năng của nước này đã bắt giữ 29 người bị tình nghi có quan hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trên nền tảng truyền thông xã hội X, Bộ trưởng Yerlikaya nêu rõ những nghi phạm bị bắt trong Chiến dịch Heroes-37 vào ngày 29/12 đang lên kế hoạch tấn công các nhà thờ và giáo đường Do Thái ở thành phố Istanbul.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường hoạt động chống IS và phiến quân người Kurd trong thời gian gần đây, sau vụ phiến quân người Kurd kích nổ một quả bom gần các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Ankara hôm 1/10. (the Express Tribune)

Châu Mỹ

*Mỹ bắn hạ UAV và tên lửa của phiến quân Houthi: Bộ Chỉ huy trung tâm (CENTCOM) của Mỹ thông báo một tàu chiến nước này đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) và một tên lửa đạn đạo chống hạm do phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn phóng từ Yemen.

Lực lượng Houthi đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào tàu thuyền trên tuyến đường vận chuyển quan trọng ở Biển Đỏ bằng các cuộc tấn công mà họ cho là nhằm hỗ trợ người Palestine ở Gaza, nơi Israel đang chiến đấu với phong trào Hamas.

Thông cáo của CENTCOM xác nhận: "Tàu USS Mason (DDG 87) đã bắn hạ một UAV và tên lửa đạn đạo chống hạm ở phía Nam Biển Đỏ do Houthi phóng. Không có thiệt hại đối với 18 tàu trong khu vực và cũng không xảy ra thương vong".

Các cuộc tấn công đang gây nguy hiểm cho tuyến đường vận chuyển tới 12% thương mại toàn cầu, khiến Mỹ phải lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân đa quốc gia vào đầu tháng 12 để bảo vệ hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ. (Reuters)

*Venezuela tập trận, Anh phản đối kịch liệt: Chính phủ Anh ngày 29/12 đã lên án hành động “không chính đáng” của Venezuela sau khi Caracas huy động hơn 5.600 binh sĩ tham gia cuộc tập trận quân sự gần biên giới với Guyana để đáp trả động thái London điều tàu chiến đến khu vực.

Tranh chấp biên giới giữa Venezuela và Guyana đã được giải quyết vào năm 1899 thông qua trọng tài quốc tế và “Anh tiếp tục ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Guyana”.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 28/12 cho biết ông đang triển khai “chiến dịch chung mang tính chất phòng thủ nhằm đáp trả hành động khiêu khích và đe dọa của Vương quốc Anh đối với hòa bình và chủ quyền của đất nước”.

Vài ngày trước đó, London tuyên bố sẽ chuyển hướng tàu tuần tra HMS Trent đến Guyana, thuộc địa cũ của Anh, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với nước láng giềng Venezuela liên quan khu vực Essequibo giàu tài nguyên dầu mỏ nhằm “hỗ trợ về quân sự và ngoại giao” cho Georgetown. (AFP)

*Mỹ bí mật phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo: Theo trang web SpaceX, tên lửa hạng nặng Falcon Heavy đã phóng tàu vũ trụ không người lái X-37B của Lực lượng Không gian Mỹ lên quỹ đạo. Vụ phóng diễn ra từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào lúc 20h07 (giờ miền Đông nước Mỹ, 8h07 sáng 29/12 theo giờ Hà Nội).

X-37B là một trong những dự án quân sự bí mật nhất của Mỹ và mục tiêu của sứ mệnh này được bảo mật nghiêm ngặt. Lực lượng Không gian Mỹ chỉ tiết lộ rằng tàu vũ trụ sẽ trải qua "một loạt các cuộc thử nghiệm và thí nghiệm". Đây là chuyến bay thứ bảy của con tàu vũ trụ này, nhưng là chuyến bay đầu tiên được phóng bằng loại tên lửa nói trên. Trước đây con tàu này được phóng bằng các tên lửa đẩy Falcon 9 và Atlas V của công ty SpaceX.

Trước đó, người đứng đầu Học viện Vũ trụ Quân sự Mozhaysky, Thiếu tướng Anatoly Nestechuk từng thông báo rằng các thiết bị loại X-37B tạo ra mối đe dọa và có thể tấn công các tàu vũ trụ cực kỳ quan trọng của Nga trong không gian vũ trụ. (Sputnik News)