Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Seoul ngày 30/1/2023. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Điện Kremlin cảnh báo phương Tây: Ngày 30/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang can dự sâu hơn vào xung đột, song việc họ cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không làm thay đổi tình hình. Tuần trước, Đức và Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine, qua đó lần đầu tiên đưa ra cam kết rõ ràng về cung cấp vũ khí tấn công nhằm giúp Kiev chống lại Moscow. (Reuters)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc hy vọng đối thoại với Mỹ về hai vấn đề này: Ngày 30/1, bình luận về chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc không ngừng nỗ lực giải quyết về mặt chính trị cuộc khủng hoảng ở Ukraine và các vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, luôn ủng hộ tổ chức các cuộc hòa đàm và phản đối những phát ngôn cũng như hành động đổ thêm dầu vào lửa và làm gia tăng mâu thuẫn”.
Bà cũng nhấn mạnh Bắc Kinh lấy thực tế và kinh nghiệm lịch sử làm căn cứ cho lập trường và chính sách: “Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ xích lại gần Trung Quốc và cũng sẽ tuân thủ đối thoại, không đối đầu, đôi bên cùng có lợi, không tham gia trò chơi được-mất”.
Giữa tháng 1, tờ Politico (Mỹ) đưa tin Ngoại trưởng Blinken có kế hoạch thăm Trung Quốc từ ngày 5-6/2, gặp người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương. Chuyến thăm sẽ tiếp nối cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia tháng 11/2022. (Sputnik)
Đông Nam Á
* Indonesia tăng cường an ninh mạng trước thềm bầu cử: Ngày 30/1, người đứng đầu Cơ quan giám sát bầu cử Indonesia (Bawaslu) Rahmat Bagja cho biết lực lượng chức năng sẽ bám sát các nhóm hoạt động mạng và kịp thời ngăn chặn, gỡ những nội dung không phù hợp trên mạng theo luật pháp Indonesia. Cơ quan thực thi pháp luật cũng sẽ xử lý vi phạm theo Luật giao dịch và thông tin điện tử (Luật ITE). Theo ông Bagja, đây là một vấn đề cấp bách trong bối cảnh Indonesia đang bước vào “năm chính trị” quan trọng trước thềm Tổng tuyển cử năm 2024.
Các biện pháp phòng ngừa bao gồm hợp tác với các nền tảng truyền thông xã hội, các ban ngành, tổ chức nhà nước, các nhóm hoặc cộng đồng... để ngăn chặn hoạt động tuyên truyền kích động, phá hoại chính trị trong Tổng tuyển cử năm 2024. (TTXVN)
Nam Á
* Thương vong tiếp tục tăng sau vụ nổ đền thờ ở Pakistan: Ngày 30/1, giới chức địa phương cho biết đã tìm thấy thi thể của 28 người, trong khi hơn 150 người khác bị thương đã được đưa tới bệnh viện sau vụ nổ tại đền thờ ở thành phố Peshawar, miền Tây Bắc Pakistan.
Reuters dẫn lời Cảnh sát trưởng thành phố Peshawar, ông Ijaz Kha, cho biết đền thờ trên nằm bên trong khu tổ hợp có trụ sở cảnh sát tỉnh và một phòng cảnh sát chống khủng bố thành phố. Khi vụ nổ xảy ra, có khoảng 260 người tham gia cầu nguyện tại đền thờ, trong đó có nhiều nhân viên cảnh sát. Phó Cảnh sát trưởng thành phố Shafiullah Khan cho biết các đội khẩn cấp vẫn đang đưa thêm các thi thể nạn nhân ra ngoai, với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn cho người còn mắc kẹt.
Theo giới chức Pakistan, không loại trừ khả năng đây là một vụ đánh bom liều chết. Cảnh sát đã tìm thấy dấu vết chất nổ bên trong đền thờ, song chưa có tổ chức nào nhận thực hiện vụ việc. Tân Hoa xã (Trung Quốc) dẫn lời nhân chứng tại hiện trường cho rằng đây là một vụ tấn công liều chết, theo đó đối tượng đánh bom đã đứng cùng nhóm người cầu nguyện ở phía trên. (Reuters/Tân Hoa xã)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc và NATO thảo luận hợp tác an ninh khu vực: Ngày 30/1, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tiếp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đang có chuyến thăm Seoul trong hai ngày. Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tại cuộc gặp, ông Yoon bày tỏ hy vọng Seoul và NATO sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa thông qua phái bộ mới thành lập của nước này tại NATO. Nhà lãnh đạo này cũng giải thích chi tiết chiến lược của Hàn Quốc đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, công bố tháng 12/2022, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác với NATO trong thực thi chiến lược này.
Về vấn đề Triều Tiên, ông cũng kêu gọi ông Stoltenberg và NATO đóng góp tích cực trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc phụ trách báo chí Kim Eun Hye cho biết ông Stoltenberg đã mời ông Yoon tới dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới tại Lithuania.
Cũng trong ngày 30/1, ông Stoltenberg đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong Sup, thảo luận an ninh khu vực và hợp tác song phương. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ông Lee đánh giá cao việc NATO ủng hộ nỗ lực của Seoul vì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng nhất trí hợp tác về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới, chẳng hạn như khoa học và công nghệ quốc phòng.
Trong khi đó, Triều Tiên đã ra tuyên bố phản đối chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cho rằng động thái này có thể mang đến “Chiến tranh Lạnh mới” cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dự kiến, cuối ngày 30/1, ông Jens Stoltenberg sẽ rời Hàn Quốc tới Nhật Bản. (Yonhap)
Châu Âu
* Nga chỉ trích cựu Thủ tướng Anh: Ngày 30/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhấn mạnh tuyên bố mới đây của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson là không đúng sự thật, hay “chính xác hơn là sự dối trá”. Trước đó, trong cuộc trao đổi với đài BBC (Anh) về một bộ phim tài liệu về cuộc đối đầu giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và phương Tây, ông Johnson tiết lộ nhà lãnh đạo Nga từng đe dọa tấn công ông “chớp nhoáng” bằng tên lửa. Ông nói: “Có lúc ông (Putin) đã đe dọa tôi và ông ấy nói, ‘Boris, tôi không muốn làm ông bị thương, nhưng với một quả tên lửa - sẽ chỉ mất một phút thôi’ hoặc đại loại như thế”. (Sputnik)
* Nga chưa sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản về đánh bắt cá ở Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc: Ngày 30/1, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Trong bối cảnh các biện pháp chống Nga của chính phủ Nhật Bản rõ ràng đi ngược lại tinh thần và nội dung của thỏa thuận năm 1998 về củng cố và phát triển quan hệ láng giềng tốt, Moscow đã thông báo với Tokyo rằng họ không thể đồng ý tổ chức tham vấn liên chính phủ về thực hiện hiệp định này”.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, mối quan hệ song phương đã xấu đi đáng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và Tokyo áp đặt trừng phạt Moscow: “Để quay lại đối thoại bình thường, người láng giềng Nhật Bản nên có sự tôn trọng cơ bản đối với đất nước chúng tôi, mong muốn mang tới điều chỉnh quan hệ song phương”. (Sputnik)
Châu Mỹ
* Tổng thống Peru cảnh báo sẽ thúc đẩy cải cách Hiến pháp: Ngày 29/1, Tổng thống Peru Dina Boluarte một lần nữa khẳng định tổng tuyển cử sớm là giải pháp để chấm dứt làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tuần qua, gây thương vong ở quốc gia Nam Mỹ này. Tổng thống Boluarte cũng nhấn mạnh rằng nếu các nhà lập pháp tại Quốc hội tiếp tục bác bỏ việc này, bà sẽ đề xuất cải cách hiến pháp để có thể tổ chức tổng tuyển cử vòng một vào tháng 10 và vòng hai vào tháng 12/2023.
Trước đó, ngày 28/1, Quốc hội Peru đã bỏ phiếu phản đối đề xuất của Tổng thống Boluarte về tổ chức tổng tuyển cử sớm vào tháng 12/2023. Cơ quan lập pháp Peru dự kiến sẽ họp trong ngày 30/1 để thảo luận về thời gian biểu của tổng tuyển cử. Tháng trước, các nghị sĩ đã nhất trí tổ chức bầu cử tháng 4/2024, sớm hơn 2 năm so với luật định. Song trong bối cảnh làn sóng biểu tình chưa lắng dịu, Tổng thống Boluarte đề xuất bầu cử sớm hơn nữa “để lấy lại lòng tin của người dân”. (TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Mỹ, Ai Cập thảo luận về căng thẳng Israel-Palestine: Ngày 30/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết cùng ngày Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tại Cairo để thảo luận về nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Palestine. Trong cuộc gặp, ông Blinken cũng “ghi nhận tầm quan trọng của sự ủng hộ thống nhất của cộng đồng quốc tế đối với tổ chức bầu cử ở Libya, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận chính trị khung với nguyện vọng dân chủ của người dân Sudan”. (Reuters)
* Iran triệu Đại biện Ukraine vì bình luận của phụ tá ông Zelensky: Theo Tasnim (Iran), ngày 30/1, nước này đã triệu Đại biện lâm thời của Ukraine tại Tehran về những bình luận của Kiev, sau khi máy bay không người lái (UAV) tấn công nhà máy quân sự ở tỉnh Isfahan, miền Trung Iran. Trước đó, một phụ tá cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng vụ tấn công nói trên liên quan trực tiếp tới xung đột ở Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết cuộc tấn công nêu trên là hành động “hèn nhát” nhằm tạo ra “sự bất an” ở Iran. Bộ Quốc phòng Iran cho biết vụ nổ chỉ gây thiệt hại nhỏ và không có thương vong.
Trong một diễn biến khác, ngày 30/1, Điện Kremlin cũng lên án vụ máy bay không người lái (UAV) tấn công nhà máy quân sự miền Trung Iran này. (Reuters)