📞

Tin thế giới 31/1: Lý do Nga nói 'đừng đùa nữa'; Trung Quốc-Philippines 'lời qua tiếng lại' về Biển Đông; Mỹ chốt phương án trả đũa ở Trung Đông

Hoàng Hà 22:00 | 31/01/2024
Trung Quốc khẳng định ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine, Moscow lo ngại tình hình Trung Đông, Houthi tuyên bố tiếp tục tấn công trên biển, Bắc Kinh-Manila tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ông Boris Nadezhdin, ứng cử viên phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine, sẽ ra tranh cử Tổng thống Nga vào tháng 3. (Nguồn: Telegram)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Trung Quốc khẳng định sẽ ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine bất chấp áp lực của Mỹ và mối đe dọa đối với hợp tác quốc phòng Bắc Kinh-Liên minh châu Âu (EU), theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tại cuộc họp qua video với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu.

Lưu ý Bắc Kinh đang cố gắng hỗ trợ mạnh mẽ cho Moscow, ông Đổng Quân nói rõ: "Mỹ liên tục nhắm ‘mũi nhọn’ vào Trung Quốc và Nga... Họ không nên và sẽ không thể can thiệp vào sự hợp tác bình thường Moscow-Bắc Kinh”. (Sputnik)

* EU tuyên bố Ukraine cần thêm đạn dược, theo nhận định của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 31/1.

Nhấn mạnh việc EU phải chứng minh sẽ vẫn tiếp tục các cam kết rõ ràng với Ukraine, ông Borrell đồng thời khẳng định, điều quan trọng là phải làm rõ tình hình và “biết chúng ta hiện đang ở đâu, sẽ ở đâu vào tháng 3 và cuối năm nay”. (AFP)

* Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã đến Ukraine trong ngày 31/1 để hội đàm.

Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X: “Hôm nay, chúng tôi sẽ gặp các nhà lãnh đạo chính phủ, cựu chiến binh và xã hội dân sự để nhấn mạnh cam kết chung của chúng tôi trong việc đánh bại chiến dịch của Nga ở Ukraine”. (Reuters)

* 2024 là năm khó khăn trên tiền tuyến ở Ukraine, theo lời Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns ngày 30/1.

Trong một bài viết trên trang web của tạp chí Ngoại giao, ông Burns nhận định: "Việc Mỹ rút lui khỏi cuộc xung đột vào thời điểm quan trọng này và cắt đứt hỗ trợ cho Ukraine sẽ là pha phản lưới nhà với quy mô lịch sử".

Ông kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine để tạo cho Kiev một thế mạnh trên bàn đàm phán nếu có cơ hội cho hòa đàm. (Reuters)

* Kết quả giám định cho thấy Il-76 bị tên lửa phòng không phương Tây bắn hạ, theo lời một đại diện cơ quan khẩn cấp Nga ngày 31/1 cho hay.

Trong khi đó, người phát ngôn của cơ quan tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov nói rằng, Nga không tỏ ra sẵn sàng trao trả thi thể của 65 tù nhân người Ukraine mà Moscow nói rằng, đã tử vong trong vụ tai nạn máy bay IL-76 ở vùng Belgorod vào tuần trước. (Sputnik)

Trung Đông

* Houthi tuyên bố tiếp tục tấn công tàu chiến của Anh, Mỹ ở Biển Đỏ, theo một tuyên bố của người phát ngôn quân sự Houthi được kênh truyền hình Al-Massirah đăng tải.

Tuyên bố cho biết thêm, Houthi đã phóng "vài" quả tên lửa vào "tàu khu trục USS Graveley của Mỹ ở Biển Đỏ".

Trước đó, tối 30/1, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, Houthi đã phóng một tên lửa hành trình chống hạm từ Yemen về phía Biển Đỏ, song tàu USS Gravely đã bắn hạ tên lửa này. (Reuters)

* Sứ mệnh bảo vệ khu vực Biển Đỏ của EU cần có một quốc gia chỉ huy. Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell hy vọng khối này có thể đưa ra quyết định trong ngày 31/1.

Ông Borrell cho biết, sứ mệnh này có thể khởi động muộn nhất là giữa tháng 2 và "phải đưa ra quyết định quốc gia dẫn đầu, trụ sở chính sẽ ở đâu, trang thiết bị như thế nào và do quốc gia nào cung cấp".

Nhấn mạnh không phải tất cả các quốc gia thành viên đều sẵn sàng tham gia nhưng không quốc gia nào cản trở, ông Borrell hy vọng ngày 17/2 sẽ là thời điểm khởi động sứ mệnh có tên gọi Aspides (Người bảo vệ) này. (AFP)

* Mỹ chốt phương án đối phó vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở Jordan, theo lời Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố với các nhà báo ngày 30/1 trước khi rời Nhà Trắng tới bang Florida.

Điều phối viên về truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ sẽ đối phó phù hợp và đó có thể là một cách tiếp cận theo giai đoạn, không chỉ là một hành động đơn lẻ mà có thể gồm nhiều hành động khác nhau.

Sau tuyên bố của Mỹ, đặc phái viên Iran tại Liên hợp quốc Amir Saeid Iravani cảnh báo, nước này sẽ đáp trả tất cả các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ. (Reuters, Shafaq News)

* Có nguy cơ bất ổn ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn ở Trung Đông với tình hình hiện nay, theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavro.

Theo ông Lavrov, việc Israel từ chối thực hiện quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về giải pháp hai nhà nước đang bị phớt lờ, trong khi đó chính là chìa khóa cho sự ổn định lâu dài ở Trung Đông và xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. (TASS)

* Phái đoàn Hamas đến Ai Cập thảo luận về đề xuất ngừng bắn với người đứng đầu Cơ quan tình báo Ai Cập Abbas Kamel tại thủ đô Cairo.

Đề xuất là kết quả của cuộc thảo luận tại Paris ngày 28/1 vừa qua với sự tham gia của các quan chức hàng đầu của Israel, Mỹ, Qatar và Ai Cập.

Trước đó, người đứng đầu cánh chính trị của Phong trào Hamas Ismail Haniyeh cho biết đã nhận được đề xuất ngừng bắn và đang xem xét khuôn khổ của thỏa thuận nói trên. (Reuters)

Châu Âu

* Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hối thúc "đừng đùa nữa" với các nhà sản xuất quân sự và hối thúc họ tăng cường hoạt động sản xuất các hệ thống pháo tự hành.

Khiển trách công tác quản lý một nhà máy vì không sản xuất đủ pháo tự hành, ông Shoigu yêu cầu: "Trong vòng một tuần tới, tôi muốn nhận được một đề xuất cụ thể về cách thức chúng ta có thể đạt được các chỉ tiêu do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra".

Quan chức Nga nhấn mạnh, tất cả những mệnh lệnh này "đều liên quan việc thực hiện nhiệm vụ rất cụ thể trên chiến trường". (Reuters)

* Thêm một ứng viên Tổng thống Nga thu thập đủ số chữ ký để tranh cử: Ngày 31/1, Ủy ban bầu cử trung ương Nga (SIK) cho biết đã nhận được 105 nghìn chữ ký ủng hộ ông Boris Nadezhdin ra tranh cử tổng thống Nga nhiệm kỳ 2026-2032.

Con số chữ ký trên vượt trên quy định 100 nghìn chữ ký để đăng ký ứng cử viên do ông Nadezhdin muốn “trừ hao” số chữ ký bị loại khi SIK kiểm tra tính xác thực của các chữ ký.

Ông Nadezhdin được xem là ứng cử viên có khả năng cạnh tranh với Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin. Nhà vật lý học, cựu nghị sĩ Hạ viện Nga Nadezhdin định vị mình là người phản đối chính sách của Tổng thống Putin, đặc biệt là phản đối chiến dịch quân sự mà Nga phát động tại Ukraine.

Ông Nadezhdin tham gia tranh cử với chương trình ủng hộ hòa bình, hợp tác, bầu cử trung thực, bảo đảm tự do ngôn luận và các quyền tự do khác của con người.

Nếu được SIK chấp thuận, ông Nadezhdin sẽ trở thành ứng cử viên thứ 5 tranh cử chức vụ người đứng đầu LB Nga. (Reuters)

* Thủ tướng Hungary coi Ukraine là “vấn đề nghiêm trọng” đối với châu Âu nếu hội nhập, ngay cả khi Kiev không có xung đột.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi “phải hết sức cẩn thận vì Ukraine là một quốc gia rộng lớn”, đồng thời cho rằng, mối quan hệ chặt chẽ hơn “sẽ có tác động to lớn và tai hại đối với các nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Ông kêu gọi Ủy ban châu Âu "bảo vệ lợi ích của châu Âu chống lại người Ukraine, chứ không phải lợi ích của Ukraine chống lại nông dân châu Âu". (Reuters)

* Bulgaria ra lệnh bắt 6 công dân Nga liên quan đến các vụ nổ năm 2021: Ngày 30/1, Văn phòng công tố thành phố Sofia ban bố lệnh bắt giữ ở châu Âu đối với 6 công dân Nga bị cáo buộc liên quan hàng loạt vụ nổ xảy ra tại các nhà máy, kho quân dụng ở Bulgaria năm 2021.

Văn phòng công tố nhấn mạnh trong quá trình điều tra và thu thập bằng chứng sâu hơn đã xác định rằng, các công dân Nga bị buộc tội đã ở Bulgaria vào thời điểm xảy ra vụ việc, sử dụng tài liệu giả. (The Kyiv Independent)

Châu Á

* Tranh cãi Trung Quốc-Philippines về chủ quyền Bãi cạn Scarborough: Tối 30/1, người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).

Thông cáo của CCG tuyên bố "Hải cảnh Trung Quốc sẽ luôn bảo vệ và thực thi" luật pháp tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này.

Phản ứng lại, ngày 31/1, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Philippines Jonathan Malaya cho rằng, những tuyên bố lặp lại nhiều lần của Trung Quốc về chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.

Trong một tuyên bố, ông Malaya nhấn mạnh: "Vì Philippines thực hiện các quyền chủ quyền đối với Bajo de Masinloc (Bãi cạn Scarborough) và các vùng biển xung quanh theo luật pháp quốc tế nên chỉ Manila mới có thẩm quyền thực hiện các chức năng thực thi pháp luật hàng hải, chứ không phải các quốc gia khác". (Reuters)

* Triều Tiên phóng tên lửa hành trình chiến lược: Ngày 31/1, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay, nước này đã phóng tên lửa hành trình chiến lược Hwasal-2 (Mũi tên) vào ngày 30/1, hai ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa hành trình Pulhwasal-3-31 (Hỏa tiễn) từ tàu ngầm.

Phái bộ Mỹ tại Liên hợp quốc bày tỏ "hết sức quan ngại" trước các vụ phóng, đồng thời cam kết hợp tác với tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an để giải quyết các mối đe dọa này.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tuyên bố, Triều Tiên "có lẽ đang theo đuổi mục tiêu có được khả năng tấn công bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân trên tên lửa hành trình". (Yonhap)

* Hàn Quốc bắt đầu đóng tàu ngầm hải quân thứ ba và cũng là tàu cuối cùng thuộc lớp 3.600 tấn.

Tháng trước, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) đã ký một thỏa thuận trị giá 1,1 nghìn tỷ Won (829 triệu USD) với công ty đóng tàu Hanwha Ocean để chế tạo tàu ngầm lớp Changbogo-III Batch-II vào năm 2031.

DAPA cho biết họ đã tiến hành đàm phán với các quan chức Hanwha vào ngày 31/1 để hoàn tất lịch trình sản xuất tàu nhằm hoàn thành đóng tàu vào năm 2029 và giao cho Hải quân vào năm 2031 sau khi chạy thử. (Yonhap)

* Trung Quốc phản ứng về vấn đề khinh khí cầu bay qua eo biển Đài Loan: Ngày 31/1, Chính phủ Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc xung quanh việc khinh khí cầu của nước này bay qua hoặc gần đảo Đài Loan.

Người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Đại lục Trần Bân Hoa khẳng định, hầu hết các khinh khí cầu do các công ty tư nhân sử dụng và hàng trăm nghìn quả khinh khí cầu như vậy bay vòng quanh thế giới mỗi ngày.

Ông Trần Bân Hoa nói thêm: "Những quả khinh khí cầu chủ yếu được sử dụng cho mục đích sinh kế của người dân như theo dõi khí tượng. Chúng có lịch sử lâu đời và không có gì mới. Không nên thổi phồng về mặt chính trị những vấn đề như vậy và kích động sự đối kháng và đối đầu xuyên hai bờ eo biển". (Reuters)

* Malaysia có Quốc vương mới: Ngày 31/1, Tiểu vương Sultan Ibrahim của bang Johor đã đăng quang, trở thành Quốc vương thứ 17 của Malaysia.

Quốc vương Sultan Ibrahim bày tỏ cam kết mạnh mẽ đối với cuộc chiến chống tham nhũng cũng như vai trò tích cực trong công cuộc phát triển đất nước.

Châu Phi

* AU lấy làm tiếc khi 3 nước Tây Phi rời khỏi ECOWAS: Ngày 30/1, Liên minh châu Phi (AU) bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc” về quyết định của các chính quyền quân sự ở Burkina Faso, Mali và Niger rút khỏi Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS).

Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo ECOWAS và ba quốc gia nói trên.

* EU “tiến thoái lưỡng nan” ở khu vực Sahel: Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết, quyết định rút khỏi ECOWAS của chính quyền quân sự Mali, Burkina Faso và Niger đã làm phức tạp thêm sự hiện diện của Liên minh châu Âu trong khu vực.

Lưu ý việc 3 quốc gia Sahel quyết định rời khỏi tổ chức khu vực ở cùng một thời điểm trong khi sự ảnh hưởng của Nga ngày càng gia tăng, ông Borrell đánh giá, sự hiện diện của Moscow có quy mô rất lớn ở Mali và có thể sẽ sớm có mặt ở Niger và Burkina Faso.

Theo ông, EU sẽ có thời hạn đến ngày 24/5 để quyết định có nên duy trì hiện diện ở Mali hay không, song khố này "không muốn hợp tác" với Quân đoàn châu Phi - lực lượng hiện diện quân sự của Nga ở Mali. (AFP)

Châu Đại Dương

* New Zealand và Australia lần đầu tiên tổ chức đối thoại "2+2" về quốc phòng và ngoại giao để thảo luận về các vấn đề toàn cầu quan trọng.

Theo các bộ trưởng New Zealand, cuộc gặp là cơ hội quan trọng để thảo luận về cam kết chung và xác định các con đường để làm sâu sắc thêm sự hợp tác song phương cũng như điều chỉnh và tăng cường các phản ứng của nước này trước những diễn biến quốc tế, đặc biệt là những diễn biến ở khu vực Thái Bình Dương.