. (Nguồn: Kyodo) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Ngoại trưởng Đức nói Nga phải trả giá cho những thiệt hại gây ra cho Ukraine: Ngày 3/1, Bloomberg dẫn nguồn tin cho hay, Đức sẽ sử dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga để tái thiết Ukraine nếu các đồng minh của Đức cũng làm như vậy.
Các nguồn tin nói rằng, Berlin "sẵn sàng sử dụng hàng tỷ Euro từ tài sản bị phong tỏa của Nga để khôi phục Ukraine nếu những khó khăn pháp lý có thể được loại bỏ và các đồng minh cũng làm như vậy”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Burbock khẳng định, "Nga phải trả giá cho những thiệt hại gây ra cho Ukraine" và cho rằng cần phải tịch thu ít nhất một phần tài sản của Nga bị phong tỏa.
Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz "ủng hộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của Ukraine, nhưng chưa đưa ra quan điểm chính thức về việc tịch thu tài sản của Nga”.
* Tình báo Ukraine dự đoán hướng tấn công mới của Nga: Người phát ngôn Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine Andrii Cherniak nói rằng, Nga không có kế hoạch chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine mà thay vào đó chuẩn bị thực hiện các hoạt động tấn công mới, tờ Kyiv Independent đưa tin.
Theo ông Cherniak, chiến lược của các lực lượng Nga là kiểm soát hành lang trên bộ dẫn đến Crimea và chiếm toàn bộ tỉnh Donetsk và do đó, "quân đội Nga có thể đồng thời tấn công từ phía Bắc hoặc phía Đông”.
* Thủ tướng Ukraine vạch ra 10 ưu tiên trong năm 2023, bao gồm việc hỗ trợ cho quân đội và lĩnh vực an ninh-quốc phòng.
Theo ông, Ukraine sẽ làm hết sức mình để năm 2023 "sẽ là năm chiến thắng", đồng thời lưu ý, hội nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng là mục tiêu hàng đầu.
Trong số các ưu tiên có tái thiết sau xung đột, an ninh năng lượng, ổn định tài chính vĩ mô và hỗ trợ các cựu chiến binh, tập trung cho phát triển giáo dục, thực hiện phân quyền, cải cách lương hưu và hành chính công. (TASS)
* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dự định điện đàm riêng rẽ với các lãnh đạo Nga, Ukraine trong ngày 4/1. Chủ đề chính của các cuộc thảo luận sẽ là giải quyết xung đột Nga-Ukraine.
Đây sẽ là cuộc thảo luận đầu tiên trong năm 2023 giữa các bên trong cuộc xung đột ở Ukraine. (Reuters)
Châu Á
* Tổng thống Philippines cam kết "tăng cường" quan hệ với Trung Quốc: Ngày 4/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã bắt đầu hội đàm tại Bắc Kinh.
Trước đó, cùng ngày, tại cuộc gặp với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư, ông Marcos Jr. nói rằng, Philippines coi chuyến thăm lần này đây là "cơ hội quan trọng để ... tăng cường quan hệ song phương.
Nhà lãnh đạo Philippines đồng thời nhấn mạnh rằng, ông hy vọng "mối quan hệ đối tác sẽ ổn định và củng cố tất cả các nền kinh tế của chúng ta".
Dự kiến, có tới 14 thỏa thuận song phương sẽ được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Marcos, kết thúc vào ngày 5/1.(AFP)
* Quân đội Myanmar ân xá 7.012 tù nhân trong dịp Quốc khánh, theo thông báo của chính quyền quân sự Myanmar ngày 4/1, nhằm đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh, song không nêu rõ liệu có ân xá cho các tù nhân bất đồng chính kiến hay không. (AFP)
* Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm một số nước phương Tây: Từ ngày 9-14/1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ bắt đầu một loạt chuyến thăm tới Pháp, Italy, Anh, Canada và Mỹ để thảo luận về an ninh và hợp tác đa phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, ông Kishida có kế hoạch thảo luận về Hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật Bản tổ chức từ ngày 19-21/5.
Ông cũng hy vọng khẳng định sự hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia có cùng chí hướng bằng việc tăng cường hợp tác an ninh với những nước này, vốn đang thúc đẩy các lợi ích và sự can dự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Kishida sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 13/1 để trao đổi "một loạt vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có việc Triều Tiên sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng", xung đột Nga-Ukraine và duy trì hòa bình, ổn định qua hai bờ eo biển Đài Loan. (Reuters, Sputnik)
* Nhà Trắng khẳng định Mỹ-Hàn lên kế hoạch phối hợp ứng phó Triều Tiên: Ngày 3/1, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã "giao nhiệm vụ cho đội ngũ của họ lập kế hoạch phản ứng phối hợp hiệu quả trước một loạt kịch bản, bao gồm cả việc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân". (AFP)
* Hàn Quốc thành lập đơn vị đặc nhiệm UAV, xem xét đình chỉ một thỏa thuận với Triều Tiên: Ngày 4/1, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng thành lập đơn vị đặc nhiệm máy bay không người lái (UAV) chung đa nhiệm.
Đơn vị này có nhiệm vụ giám sát và trinh sát, xây dựng một hệ thống cho phép sản xuất hàng loạt UAV cỡ nhỏ, khó phát hiện trong năm nay và thúc đẩy phát triển UAV tàng hình trước cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, ông Yoon cũng đã chỉ thị cho các cố vấn xem xét về việc ngừng thỏa thuận giảm thiểu căng thẳng quân sự liên Triều năm 2018 trong trường hợp Triều Tiên tiến hành một vụ khiêu khích khác xâm phạm lãnh thổ. (Yonhap)
* Lãnh đạo Ấn Độ, Anh thảo luận nhiều vấn đề cùng quan tâm: Ngày 3/1, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã điện đàm với Vua Charles III của Vương quốc Anh về nhiều nội dung, trong đó có bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, Khối thịnh vượng chung, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ và phong trào Lối sống vì môi trường (LiFE) do ông phát động.
Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Modi đã đánh giá cao sự quan tâm và ủng hộ của Vua Charles III đối với những vấn đề mà hai nhà lãnh đạo đã thảo luận.
Cũng trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về Khối thịnh vượng chung và thảo luận về cách tăng cường hoạt động của khối, đồng thời đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Ấn Độ tại Anh trong vai trò là cầu nối giữa hai nước và làm phong phú thêm mối quan hệ song phương. (The Hindu)
Trung Đông
* Nga cảnh báo thất bại nếu đẩy Moscow khỏi Trung Đông, theo lời Đặc phái viên của Nga về Trung Đông Vladimir Safronkov trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik.
Ông Safronkov tỏ ra chắc rằng, bất kỳ nỗ lực nào như vậy để "gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của Moscow với các khu vực này, loại Nga khỏi quá trình giải quyết vấn đề Palestine-Israel hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác ở Trung Đông đều vô nghĩa về mặt chính trị và sẽ thất bại".
Quan chức ngoại giao Nga cũng lưu ý, Mỹ đang tự cô lập trong hoạt động của Bộ tứ gồm EU, Nga, Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ) liên quan việc giải quyết vấn đề ở Trung Đông và qua đó, đang tìm cách "tư nhân hóa" hoàn toàn xung đôt Arab-Israel.
Theo Đặc phái viên Safronkov, mọi nỗ lực nhằm tự tháo gỡ "những nút thắt xung đột phức tạp như vậy được coi là một nhiệm vụ bất khả thi". (Sputnik)
* Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố trả thù cho Tướng Soleimani, Chỉ huy trưởng đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bị ám sát hồi tháng 1/2020.
Theo tờ Times of Israel, phát biểu nhân dịp tưởng niệm 3 năm ngày Tướng Soleimani bị sát hại tại Iraq, Tổng thống Raisi cho hay, những kẻ đứng sau vụ việc "nên biết rằng sự trả thù là rõ ràng", đồng thời nhấn mạnh "sẽ không có khoan hồng đối với những kẻ sát nhân và đồng lõa".
* Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoãn thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), theo thông tin từ Kênh truyền hình 12 đưa ra hôm 3/1.
Thông tin chuyến thăm bị hoãn được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben Gvir tới khu vực Núi Đền/Al-Aqsa, dẫn tới phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, Palestine và các nước Arab Hồi giáo trong khu vực, trong đó có UAE.
* Palestien tìm kiếm lập trường quốc tế liên quan vụ đền thờ Al-Aqsa: Liên quan vụ việc của Bộ trưởng An ninh Israel, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 3/1 cho biết, ông đã giao nhiệm vụ cho phái đoàn Palestine tại LHQ tìm kiếm ngay một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm lên án các vụ xâm nhập đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem của các quan chức Israel và những tín đồ Do Thái cực đoan.
Ông Abbas nhấn mạnh sự cần thiết phải có lập trường quốc tế để chấm dứt những vi phạm của Israel đối với các địa điểm tôn giáo linh thiêng.
Cùng ngày, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Haq đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hiện trạng tại các thánh địa đồng thời kêu gọi tất cả kiềm chế hành động có thể làm leo thang căng thẳng trong và xung quanh khu vực thánh địa.
Châu Mỹ
* Hạ viện Mỹ bế tắc trong việc lựa chọn lãnh đạo mới: Ngày 3/1, lần đầu tiên trong vòng 100 năm qua, các thành viên đảng Cộng hòa bị chia rẽ tại Hạ viện Mỹ đã không bầu được Chủ tịch Hạ viện trong hai vòng bỏ phiếu và sẽ phải bước vào vòng bỏ phiếu thứ 3.
Theo đó, những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa, đại diện chưa đầy 1/10 số Hạ nghị sĩ của đảng này, đã phản kháng chống lại ông Kevin McCarthy, thủ lĩnh phe thiểu số của đảng Cộng hòa, qua đó đẩy phe đa số mới tại Hạ viện Mỹ vào tình trạng hỗn loạn.
Trong cả hai lần bỏ phiếu, ông McCarthy đều không giành được đủ 218 phiếu cần thiết, khi có tới 19 nghị sĩ đảng Cộng hòa lựa chọn bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác.
Hạ viện Mỹ đã quyết định dừng phiên họp đến trưa 4/1 theo giờ địa phương. (AFP)
* Mỹ phạt tù một người gốc Hoa làm gián điệp thương mại: Ngày 3/1, trang web của Bộ Tư pháp Mỹ công bố thông tin cho hay, ông Xiaoqing Zheng, 59 tuổi, người Mỹ gốc Hoa ở thị trấn Niskayuna, bang New York, bị kết tội âm mưu tiến hành hoạt động gián điệp kinh tế sau phiên tòa xét xử kéo dài 4 tuần.
Người này sẽ phải chịu 2 năm tù, nộp phạt 7.500 USD và chịu 1 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
* Tân Tổng thống Brazil sẽ ưu tiên thăm Mỹ, Trung Quốc: Một quan chức thạo tin ngày 3/1 cho biết, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva sẽ có chuyến công du chính thức đầu tiên tới Argentina vào cuối tháng 1, trước khi thăm Mỹ, Bồ Đào Nha và Trung Quốc.
Một nguồn tin trong Văn phòng Tổng thống Brazil cho hay, nhà lãnh đạo cánh tả sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Washington, trong một chuyến đi vẫn "chưa xác định thời điểm".
Trong khi đó, chuyến thăm Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Brazil - sẽ diễn ra sau tháng 3. (AFP)
* Mỹ nối lại dịch vụ cấp thị thực nhập cảnh cho người dân Cuba tại Lãnh sự quán Mỹ ở Havana, 5 năm sau khi cơ quan này đóng cửa do "các cuộc tấn công sóng âm" bí ẩn nhằm vào các nhân viên ngoại giao.
Trong một tuyên bố hồi tuần trước, cơ quan này cho biết: "Mỹ đang nỗ lực đảm bảo di cư an toàn, hợp pháp và trật tự cho người dân Cuba bằng cách mở rộng hoạt động lãnh sự tại La Habana và khởi động lại Chương trình đoàn tụ gia đình Cuba (CFRP)". (AFP)
* Mỹ không coi ông Nicolas Maduro là Tổng thống hợp pháp của Venezuela và sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt sau khi phe đối lập giải tán "chính phủ lâm thời" ở Venezuela, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, tài sản của chính phủ Venezuela tại Mỹ, bao gồm tài sản của Công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela, sẽ vẫn thuộc thẩm quyền của Quốc hội Venezuela do phe đối lập lãnh đạo, được bầu vào năm 2015. (AFP)
Châu Phi
* Sudan đóng cửa biên giới với CH Trung Phi với lý do nhằm ngăn ngừa tình hình “nổi loạn” và những thách thức an ninh chưa xác định từ phía bên kia biên giới.
Phó Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp của Sudan, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, cũng cáo buộc một số phe phái giấu tên đã lên kế hoạch thay đổi chế độ ở CH Trung Phi từ bên trong biên giới Sudan. (The National News)
* Chính phủ quân sự của Burkina Faso trục xuất Đại sứ Pháp Luc Hallade. Một số nguồn tin cho biết, lý do mà Burkina Faso đưa ra quyết định trên là do công hàm ông Hallade gửi hồi đầu tháng 12 yêu cầu công dân Pháp rời khỏi thành phố Kodagu vì lý do an ninh.
Việc trục xuất ông Hallade diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Bộ Ngoại giao Burkina Faso tuyên bố Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) Barbara Manzi là nhân vật không được hoan nghênh và yêu cầu bà rời khỏi quốc gia này ngay lập tức, mà không đưa ra bất kỳ lý do chính thức nào.