Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 5/5: EU quyết giảm phụ thuộc vào Trung Quốc; Thượng đỉnh G7 sôi động; Mỹ-Nhật-Hàn cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Thượng đỉnh G7 sôi động, Mỹ-Nhật-Hàn cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên, EU quyết giảm phụ thuộc vào Trung Quốc… là các tin thế giới nổi bật 24h qua.
Tin thế giới 5/5: EU quyết giảm phụ thuộc vào Trung Quốc; Thượng đỉnh G7 sôi động; Mỹ-Nhật-Hàn cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên
Tin thế giới 5/5: Thượng đỉnh G7 sôi động; Mỹ-Nhật-Hàn cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên; EU quyết giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh G7

Anh lấy làm tiếc vì Ấn Độ phải dự Thượng đỉnh G7 trực tuyến

Ngày 5/5, Anh đã “lấy làm tiếc” khi Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar bị nghi đã phơi nhiễm Covid-19, không thể trực tiếp tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Anh.

Trước đó cùng ngày, ông Jaishankar cho biết, sẽ tham dự các cuộc họp G7 theo hình thức trực tuyến, đồng thời khẳng định đây là một biện pháp thận trọng.

Trong khi đó, phóng viên kênh truyền hình Sky News (Anh) Joe Pike đăng tải trên Twitter cho biết, hai thành viên trong phái đoàn Ấn Độ tới London tham dự Hội nghị G7 xét nghiệm dương tính với Covid-19, nhưng khẳng định, Ngoại trưởng Jaishankar không nằm trong số này. (Reuters/AFP)

TIN LIÊN QUAN
Covid-19 ở Ấn Độ và hành động đẹp của các sao

Tự tin trước Covid-19, Mỹ khẳng định tham dự G7 theo đúng kế hoạch

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 5/5 cho biết, phái đoàn nước này tham dự Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) tại London (Anh) sẽ tiếp tục các hoạt động theo kế hoạch, sau khi 2 đại diện của Ấn Độ xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Phát biểu với nhóm báo chí tháp tùng phái đoàn Mỹ, ông Ned Price khẳng định: “Phái đoàn Mỹ đã được tư vấn, trong đó có cả các chuyên gia y tế Anh, rằng việc chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và quy trình xét nghiệm hàng ngày sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục các hoạt động G7 theo kế hoạch. Không có lý do để tin rằng, bất kỳ ai trong phái đoàn của chúng tôi gặp nguy cơ”. (Reuters)

Ngoại trưởng Nhật-Hàn lần đầu gặp nhau tại London

Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong ngày 5/5 đã gặp nhau tại thủ đô London (Anh) trong một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Cuộc gặp bên lề Hội nghị ngoại trưởng Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đánh dấu lần đầu tiên ngoại trưởng hai nước láng giềng Đông Bắc Á này gặp nhau kể từ tháng 2/2020.

Quan hệ giữa Tokyo và Seoul đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vì một loạt vấn đề như “phụ nữ mua vui” trong giai đoạn Thế chiến II và mới đây nhất là quyết định của Tokyo về việc xả thải nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển. (Kyodo)

TIN LIÊN QUAN
Nhật-Hàn căng thẳng, Mỹ ra tay làm hòa đồng minh

Ngoại trưởng Mỹ-Nhật-Hàn quyết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên

Ngày 5/5, ngoại trưởng các nước Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã khẳng định phối hợp chặt chẽ để nỗ lực đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên.

Trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại London, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong đã nhất trí thúc đẩy Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Đây là cuộc gặp gỡ 3 bên đầu tiên kể từ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nắm quyền điều hành nước Mỹ hồi tháng 1 vừa qua.

Theo các nguồn tin ngoại giao, cuộc hội đàm 3 bên này do Mỹ đề xuất, sau khi Anh mời Hàn Quốc tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 với tư cách khách mời, cùng đại diện các nước Ấn Độ, Australia, Nam Phi và Brunei - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). (Kyodo)

TIN LIÊN QUAN
Chuyên gia: Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân để 'đổi lấy lợi ích phù hợp'

EU-Trung Quốc

EU công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và các nước khác

Ngày 5/5, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc và nước ngoài khác trong 6 lĩnh vực chiến lược, trong đó có nguyên liệu thô, nguyên liệu dược phẩm và chất bán dẫn, sau đợt suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Kế hoạch chiến lược công nghiệp này được đưa ra sau khi dịch Covid-19 làm bộc lộ những “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng và cơ quan điều hành của EU là Ủy ban châu Âu (EC) dự định thực hiện các đánh giá sâu về các chuỗi cung ứng đối với nguyên liệu thô, pin, hoạt chất dược phẩm, khí hydro, chất bán dẫn, các công nghệ điện toán đám mây và điện toán biên.

Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết, Chiến lược Công nghiệp cập nhật này nhằm bảo đảm cho mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế của khối theo hướng xanh và kỹ thuật số.

Các biện pháp của EU có thể bao gồm “đa dạng hóa cung cầu dựa trên các đối tác thương mại khác nhau bất kỳ lúc nào có thể, nhưng cũng tích trữ và hành động độc lập khi cần thiết”.

Tổ chức với 27 nước thành viên này nhấn mạnh tính cấp bách của kế hoạch trên, khi viện dẫn EU đang phụ thuộc vào Trung Quốc tới khoảng 50% trong số 137 sản phẩm được sử dụng trong các lĩnh vực nhạy cảm. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Sau đòn trừng phạt 'ăn miếng trả miếng', EU hoãn phê chuẩn thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc

Tình hình Myanmar

Myanmar: Các nghị sĩ bị lật đổ thành lập lực lượng vũ trang mới

Chính quyền tự xưng của các nghị sĩ Myanmar bị lật đổ ngày 5/5 thông báo đã thành lập một “lực lượng phòng vệ của nhân dân” để bảo vệ dân thường, trong bối cảnh cảnh sát và quân đội triển khai những vũ khí sát thương chống những người biểu tình phản đối chính biến.

Một nhóm nghị sĩ bị lật đổ tự xưng là “Chính phủ Đoàn kết Dân tộc” (NUG) đang hoạt động bí mật để phản đối nhóm tướng lĩnh quân sự đã công bố việc thành lập “lực lượng phòng vệ của nhân dân” để “ngăn chặn việc sử dụng bạo lực với người dân”.

Trong một tuyên bố, NUG cho biết, lực lượng này dự kiến sẽ là tiền thân của “Quân đội Liên bang” - ý tưởng được đưa ra từ lâu, nhằm tập hợp những người bất đồng chính kiến chống chính biến và các chiến binh dân tộc thiểu số của Myanmar. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Tình hình Myanmar: Australia ra thông báo mới

Chống biến đổi khí hậu

Đức lên kế hoạch siết chặt luật bảo vệ khí hậu

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 4/5 cho biết, chính phủ liên bang sẽ nhanh chóng siết chặt luật bảo vệ khí hậu của nước này sau khi Tòa án Hiến pháp liên bang cuối tuần trước yêu cầu cần đặt mục tiêu cụ thể về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2030.

Tại các cuộc thảo luận nội bộ của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, không thể trì hoãn việc cải cách đạo luật bảo vệ khí hậu sau phán quyết của Tòa án tối cao liên bang. Trong tuần tới, Chính phủ Đức sẽ thảo luận về khả năng siết chặt đạo luật này, sau đó luật sửa đổi sẽ nhanh chóng được đưa ra Quốc hội phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ lập pháp hiện nay.

Theo nhà lãnh đạo Đức, liên minh cầm quyền gồm CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cần đi tới quan điểm chung trong vấn đề bảo vệ khí hậu để có phản ứng kịp thời với phán quyết của tòa án tối cao ngay trong nhiệm kỳ này. Ứng cử viên thủ tướng của liên đảng CDU/CSU, Chủ tịch CDU Armin Laschet lên tiếng ủng hộ các cơ chế dựa trên thị trường nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ khí hậu.

Tuần trước, các thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp liên bang ở Karlsruhe đã yêu cầu cơ quan lập pháp cho tới cuối năm 2022 phải điều chỉnh cụ thể hơn mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho giai đoạn sau năm 2030. Sau phán quyết của tòa, các nghị sĩ CDU và CSU muốn tăng mạnh giá CO2 so với kế hoạch, trong khi giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, lãnh đạo CSU kêu gọi bỏ qua kế hoạch tăng giá CO2 trong năm 2022 và 2023 tương ứng lên 30 và 35 Euro/tấn, thay vào đó sẽ tăng luôn giá CO2 trong năm tới lên mức 45 Euro/tấn - mức theo kế hoạch ban đầu là vào năm 2024.

Tuy nhiên, đã có những ý kiến không đồng nhất từ phía SPD về kế hoạch cải cách luật bảo vệ khí hậu của liên đảng bảo thủ, cho rằng kế hoạch này hoàn toàn bỏ qua khía cạnh xã hội, đồng thời cảnh báo về tình trạng mất cân bằng xã hội lớn hơn khi tăng giá CO2. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz kêu gọi mở rộng mạnh mẽ hơn nguồn năng lượng tái tạo ở Đức.

Cho tới nay, Luật Bảo vệ khí hậu mới chỉ quy định lượng khí thải hằng năm cho các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, giao thông và nông nghiệp cho đến năm 2030 và chưa đưa ra quy định cụ thể cho tới năm 2050.

Theo tòa án tối cao, Chính phủ Đức chưa đặt ra được biện pháp cụ thể để giảm lượng khí phát thải sau năm 2030 và xuống mức 0 vào năm 2050. Điều đó là không công bằng với các thế hệ tương lai.

Năm 2019, Chính phủ Đức đã thông qua Luật Bảo vệ khí hậu, cam kết giảm lượng khí phát thải CO2 ít nhất 55% vào năm 2030 so với năm 1990, đồng thời đặt mục tiêu về lượng khí phát thải gần bằng 0 năm 2050. Hiện có ý kiến kêu gọi đặt mục tiêu tham vọng hơn nữa khi giảm lượng phát thải ít nhất 65% năm 2030 và trở thành nền kinh tế trung hòa carbon trước năm 2050. (DW)

TIN LIÊN QUAN
Việt Nam góp phần thúc đẩy cam kết toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Hạ viện Pháp thông qua dự luật về khí hậu

Sau 3 tuần tranh luận, dự luật “Khí hậu và khả năng phục hồi” đã được Hạ viện Pháp thông qua vào ngày 4/5 với tỉ lệ ủng hộ áp đảo, 332 phiếu ủng hộ và 77 phiếu phản đối.

Trái ngược với dự đoán là có khả năng chia rẽ phe đa số, văn bản luật này cuối cùng đã nhận được một sự đồng thuận rộng rãi. Dự luật sẽ được trình lên Thượng viện vào tháng 6 tới.

Dự luật nhằm vào 6 mục tiêu chính là thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi phương thức sản xuất và làm việc, thay đổi phương thức di chuyển, thay đổi hành xử trong ăn uống và tăng cường tư pháp bảo vệ môi trường.

Dự luật đề ra những biện pháp mới để bảo vệ môi trường, như tăng cường quyền tự quyết về môi trường cho các thị trưởng; tạo các khu phát thải thấp ở các thành phố lớn của Pháp; phát bữa ăn chay miễn phí hàng ngày cho các cộng đồng tình nguyện; thêm nhãn hiệu “điểm CO2” trên hàng hóa tiêu dùng.

Ngoài ra, văn kiện này cũng đề ra nhiều lệnh cấm, như cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch, xóa bỏ các đường bay nội địa có khoảng cách dưới 2h30 và có thể thay thể bằng tàu cao tốc, cấm bán các loại xe gây ô nhiễm cao vào năm 2030, cấm cho thuê bộ lọc khí. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Ngoại trưởng Mỹ: Nhóm G7 tái khẳng định cam kết chấm dứt xung đột ở Syria bằng giải pháp chính trị
Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo sẽ 'đáp trả tương xứng' vì hành động rải truyền đơn
Tình hình Myanmar. Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ rơi vào bế tắc
Biến đổi khí hậu có thể làm kinh tế toàn cầu thiệt hại 23.000 tỷ USD vào năm 2050
Biển Đông: Không chỉ lời nói, các nước châu Âu đã có hành động cụ thể!