Hình ảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trên một kênh tin tức của Hàn Quốc. (Nguồn: AP) |
Nâng cao vị thế
Tuy nhiên, theo hãng tin Yonhap, sau những lời lẽ gay gắt này sẽ không có khả năng xảy ra các hành động khiêu khích lớn như thử tên lửa tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân. Bởi vì, những hành động đó sẽ bị coi là vượt qua "lằn ranh đỏ", có thể dẫn tới nhiều biện pháp trừng phạt và thách thức hơn đối với nền kinh tế của Triều Tiên, vốn đã "ốm yếu" nhưng nay phải chịu thêm nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu.
Trước đó, sáng 2/5, Triều Tiên đã đưa ra tuyên bố, cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden là đã phạm phải "sai lầm lớn" khi gọi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng "ngày càng tồi tệ hơn ngoài tầm kiểm soát".
Tin liên quan |
Lo ngại tên lửa Triều Tiên, Hàn-Mỹ-Nhật cam kết tăng cường hợp tác quân sự |
Hãng tin AP trích dẫn phát biểu của ông Kwon Jong-gun, quan chức thuộc Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói: "Tuyên bố của ông Biden phản ánh rõ ràng ý định tiếp tục thực thi chính sách thù địch với CHDCND Triều Tiên, như cách mà Mỹ đã làm trong hơn nửa thế kỷ qua".
Quan chức này nói thêm: "Nguyên tắc chủ đạo trong chính sách mới của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên đã trở nên rõ ràng, chúng tôi sẽ buộc phải thúc đẩy các biện pháp tương ứng, và theo thời gian, Mỹ sẽ thấy họ đang ở vào một tình thế rất nghiêm trọng".
Trong một tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc Mỹ chỉ trích vấn đề nhân quyền ở nước này, cho rằng, điều đó xúc phạm "phẩm giá của nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên" và cho thấy, Mỹ đang "chuẩn bị cho một động thái thách thức toàn diện".
Bên cạnh đó, Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng đưa ra tuyên bố và chỉ trích mạnh mẽ Hàn Quốc là đã không ngăn chặn một nhóm người đào tẩu Triều Tiên rải các tờ rơi chống Bình Nhưỡng hôm 30/4, gọi đó là một "hành động khiêu khích không thể khoan nhượng" và cảnh báo về "hành động đáp trả".
Những lời chỉ trích ngày càng tăng của Triều Tiên được coi là nhằm gây thêm áp lực lên Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời làm rõ rằng, Triều Tiên là nước đưa ra quyết định về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh Washington có kế hoạch công bố chính sách mới đối với nước này và Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra vào ngày 21/5 tới.
Yang Moo-jin, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, bình luận: "Việc Triều Tiên đưa ra 3 tuyên bố cùng lúc nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc là điều gần như chưa từng có. Triều Tiên dường như đang báo hiệu rằng, không ai khác ngoài chính họ là người có quyền quyết định các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.
Hàng loạt tuyên bố ngày 2/5 cũng có thể được hiểu là một phần trong chiến thuật của Triều Tiên nhằm tăng cường lợi thế trước khi Washington công bố kết quả rà soát chính sách đối với Bình Nhưỡng và Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ".
Bước đi của ông Biden
Triều Tiên dường như đã duy trì cách tiếp cận "chờ xem" kể từ khi chính quyền Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1, cho đến khi quá trình xem xét chính sách đối với Triều Tiên của Washington được hoàn tất.
Theo hãng tin BBC, chính sách của Tổng thống Biden cố đạt được điểm trung gian giữa chính sách mà những người tiền nhiệm gần đây nhất của ông theo đuổi. Cựu Tổng thống Donald Trump, thành viên đảng Cộng hòa, đã tổ chức 3 cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un nhưng không đạt được bước đột phá nào, ngoài việc tạm dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hạt nhân kéo dài từ năm 2017.
Ngày 30/4, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, việc xem xét chính sách này đã hoàn tất và nói rộng hơn về kết quả khi thông báo mục tiêu của Washington vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Bà Psaki nói: “Trên cơ sở nhận thức rõ ràng về các nỗ lực bất thành trong vấn đề Triều Tiên của 4 chính quyền tiền nhiệm, chính sách của chúng tôi sẽ không tập trung vào một cuộc mặc cả lớn và cũng không dựa vào sự kiên nhẫn chiến lược. Chính sách của chúng tôi sẽ là một cách tiếp cận thực tế, linh hoạt, cởi mở và sẽ khám phá con đường ngoại giao với CHDCND Triều Tiên".
Cho đến nay, Triều Tiên đã từ chối các yêu cầu ngoại giao từ chính quyền Tổng thống Biden. Bình Nhưỡng muốn Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các chương trình vũ khí của họ.
Bà Psaki không cung cấp chi tiết về bước tiếp theo của chính quyền Mỹ ngoài các cuộc thảo luận với các đồng minh. Ông Biden đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hai tuần trước và sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 21/5 tại Nhà Trắng.
Ngày 15/4, chuyên mục các vấn đề ngoại giao trên tờ Washington Post của nhà báo David Ignatius đã dẫn lời một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ cho biết khả năng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay bây giờ là “gần bằng 0”. Và chính quyền Mỹ đang tìm kiếm “các biện pháp tạm thời”, chẳng hạn như, ngừng phổ biến vũ khí và kiểm tra việc Triều Tiên phát triển các hệ thống phân phối mới, như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk - Kim Yong-hyun, cho rằng, những lời lẽ mạnh mẽ của Triều Tiên nên được hiểu là nhằm thể hiện lập trường của họ về các vấn đề khác nhau, bao gồm phi hạt nhân hóa và nhân quyền, trước khi Washington công bố kết quả đầy đủ quá trình xem xét chính sách đối với Triều Tiên.
Tin liên quan |
Triều Tiên đe dọa Mỹ đã ‘phạm phải một sai lầm’ sau phát biểu của Tổng thống Joe Biden |
Ông nói: “Triều Tiên có thể nghĩ rằng, cần phải thể hiện lập trường của mình theo kiểu đánh đòn phủ đầu, song hạn chế để không ảnh hưởng đến kết cục. Triều Tiên cũng được cho là đang cố gắng thúc giục Washington tôn trọng lập trường của nước này và tạo ra một tình thế để đổ trách nhiệm cho Washington nếu mọi thứ không diễn ra như họ muốn".
Tuy nhiên, ông bày tỏ sự hoài nghi việc Triều Tiên sẽ thực sự biến những lời lẽ và cảnh báo gay gắt ngày 2/5 thành hành động vào một thời điểm nào sớm, bởi nó sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế vốn đã mỏng manh của Triều Tiên, nay lại bị bao vây bởi đại dịch Covid-19.
Triều Tiên sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ"?
Tuy nhiên, khác với các chuyên gia khác, ông Cheong Seong-chang - một học giả lâu năm của Viện nghiên cứu Sejong - cho rằng, những tuyên bố mới nhất của Triều Tiên thể hiện sự phản ứng với những gì đã được định hình trong chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng, làm dấy lên lo ngại rằng, nước này có thể có hành động khiêu khích trong tương lai gần.
Ông Cheong nói: “Triều Tiên có thể đang cố biện minh cho các hành động khiêu khích sắp tới của mình bằng cách kiếm cớ với ông Biden”.
Chuyên gia này vẫn lưu ý, Triều Tiên sẽ không tiến xa bằng việc nối lại các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân tầm xa, vì việc đó sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ", có thể dẫn đến áp lực nhiều hơn không chỉ từ Mỹ mà còn từ Trung Quốc - nước có thể đang chịu áp lực ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế yêu cầu ngừng cung cấp những sự hỗ trợ cần thiết, trong đó có cả dầu mỏ, cho Bình Nhưỡng.
Về việc Triều Tiên đe dọa thực hiện hành động "đáp lại" chống Hàn Quốc sau vụ thả tờ rơi, các chuyên gia cho rằng, tuyên bố này nhằm gây áp lực để Seoul phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn hoạt động đó, chứ không có khả năng dẫn đến hành động quân sự hoặc bất kỳ hành động trả đũa nào ở các khu vực biên giới như nhiều người lo sợ.
Một số chuyên gia không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể sử dụng vấn đề rải tờ rơi như một cách để gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nhằm thu hút sự chú ý của Mỹ.