Bà Liz Truss thay ông Boris Johnson làm lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng Anh. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật ngày 5/9:
Anh
* Ngoại trưởng Liz Truss sẽ trở thành Thủ tướng Anh: Kết quả bỏ phiếu trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền ngày 5/9 do Sir Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 công bố cho thấy bà Liz Truss, Ngoại trưởng Anh đã giành chiến thắng trước cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak để trở thành lãnh đạo đảng. Như vậy, bà sẽ thay ông Boris Johnson đảm nhiệm cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và trở thành nữ Thủ tướng thứ ba trong lịch sử nước Anh, sau bà Margaret Thatcher và bà Theresa May.
Trong bài phát biểu cảm ơn ngay sau đó, bà Truss đã đánh giá cao nhiệm kỳ của Thủ tướng Anh Boris Johnson khi đã “hoàn thành Brexit, đánh bại ông Jeremy Corbyn, triển khai tiêm vaccine toàn quốc và vững vàng trước Tổng thống Nga Vladimir Putin…trở thành người được hâm mộ từ Kiev đến Carlisle”.
Dự kiến, ông Boris Johnson sẽ có phát biểu chia tay và đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Anh trong ngày 6/9. Cùng ngày, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ chính thức bổ nhiệm bà Liz Truss vào vị trí Thủ tướng Anh. Bà Truss sẽ thành lập nội các mới, trong khi ông Johnson tiếp tục làm việc cho tới khi quá trình chuyển giao quyền lực hoàn tất. (AP/AFP/Washington Post)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Anh ưu tiên phục hồi kinh tế nếu trở thành Thủ tướng |
Nga-Ukraine
* Hai nhân viên IAEA hiện diện thường trực tại nhà máy Zaporizhzhia: Công ty năng lượng Energoatom của Ukraine ngày 5/9 cho biết 2 thành viên phái bộ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ lưu lại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trên “cơ sở thường trực”, trong khi 4 thành viên khác đã rời đi.
Hiện nhà máy này vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Nga từ tháng 3, song vẫn do các kỹ sư Ukraine vận hành và cung cấp điện cho lưới điện của Ukraine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhận định chuyến thăm của phái bộ IAEA tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã giúp giảm thiểu nguy cơ khiến tình hình diễn biến tiêu cực. Bà cho biết thêm: “Các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với những người đồng cấp Nga và Ukraine giúp đảm bảo sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo hai nước này đối với chuyến thăm của nhóm chuyên gia IAEA và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến công tác. Điều này đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn của Zaporizhzhia”.
Liên quan tới các biện pháp trừng phạt Nga, bà Colonna lưu ý không phải tất cả các quốc gia phương Tây đều ủng hộ hành động này, và cần phải ngăn chặn hành vi né tránh các lệnh trừng phạt. (Reuters/TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Lãnh đạo Mỹ, Ba Lan điện đàm về tình hình Ukraine, Warsaw nhận 'mưa lời khen' |
Châu Âu
* Thủ tướng Ukraine hối thúc EU tăng hỗ trợ, châu Âu gửi ngay 500 triệu Euro: Ngày 5/9, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Roberta Metsola cho biết Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 5/9 đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các cam kết viện trợ tài chính và quân sự cũng như duy trì sự ủng hộ của khối đối với Kiev trong xung đột với Moscow.
Theo đó, trong cuộc gặp ngày 5/9 với các nghị sĩ EU tại Brussel (Bỉ), Thủ tướng Ukraine Roberta Shmyhal nói: “(Phía Ukraine đề nghị) EU thực hiện các cam kết đã đưa ra về hỗ trợ tài chính cũng như về quân sự và hậu cần". Bà Metsola cho hay hai bên đã tập trung thảo luận về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Nga, khả năng mở rộng những biện pháp này sang lĩnh vực kinh tế số, việc cấm thị thực đối với công dân Nga và hoạt động của một số công ty EU tại Nga.
Theo bà, các nghị sĩ EU đã khẳng định sự ủng hộ thống nhất của họ đối với Ukraine, bao gồm cả vấn đề ứng cử viên gia nhập EU.
Bà Metsola đồng thời lưu ý có nguy cơ người châu Âu lãng quên xung đột tại Ukraine do phải đối mặt với tình trạng giá cả leo thang, đặc biệt là giá năng lượng.
Cùng ngày, EU đã ký thỏa thuận với Ukraine, theo đó giải ngân thêm 500 triệu Euro (497 triệu USD) trong gói viện trợ theo kế hoạch. Khoản tiền này dùng để hỗ trợ các lĩnh vực như nhà ở, giáo dục và nông nghiệp.
Trước đó, hôm 4/9, Thủ tướng Shmyhal cho biết Kiev sẽ nhận được viện trợ kinh tế vĩ mô trị giá 4,98 tỷ USD từ EU trong tuần này. (Reuters/AFP)
* Nga cảnh báo đáp trả đề xuất áp giá trần dầu mỏ của G7: Ngày 5/9, Điện Kremlin cảnh báo sẽ có “các biện pháp đáp trả” liên quan tới đề xuất của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về áp giá trần dầu mỏ Nga.
Bên cạnh đó, Điện Kremlin tái khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân dẫn tới quyết định đình chỉ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 giữa Nga và Đức. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt “gây hỗn loạn” trong công tác bảo trì đường ống, đồng thời bác bỏ cáo buộc rằng việc Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu mang động cơ chính trị.
Trước đó, ngày 2/9, các bộ trưởng tài chính thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của chính quyền Moscow nhằm hạn chế nguồn tài chính phục vụ xung đột Nga-Ukraine, trong khi duy trì nguồn dầu để tránh tình trạng giá tăng đột biến. Tuy nhiên, Nga đã tuyên bố ngừng bán dầu cho các nước áp giá trần đối với dầu mỏ của mình. (Reuters)
* Nga nêu nguyên nhân của làn sóng biểu tình ở châu Âu: Ngày 5/9, Nga cho rằng sự bất bình gia tăng trong EU liên quan tới giá năng lượng leo thang bắt nguồn từ những quyết định "tai hại" của các chính phủ, trong bối cảnh tâm lý lo ngại về nguồn cung khí đốt của Nga đang đẩy giá tăng cao.
Tại Prague, ngày 3/9, 70.000 người đã biểu tình phản đối chính phủ, kêu gọi liên minh cầm quyền nỗ lực hơn nữa để kiểm soát giá năng lượng tăng cao và lên tiếng phản đối EU và NATO. Hiện một loạt nước châu Âu, trong đó có Đức, Thụy Điển và Phần Lan, đã công bố các gói tài chính khẩn cấp để hỗ trợ người tiêu dùng và các công ty năng lượng khắc phục tình trạng tăng giá.
Liên quan tới người sẽ làm Thủ tướng Anh, Moscow cho rằng khó hy vọng về bất cứ điều gì tích cực từ các vị thủ tướng tiếp theo của London, nhấn mạnh cuộc chạy đua vào vị trí này bị chi phối bởi những luận điệu chống Nga. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Giá khí đốt tăng gần 400%, bộ trưởng năng lượng EU họp mặt, châu Âu chọn biện pháp gì? |
Đông Nam Á
* Tòa án Hiến pháp Thái Lan sớm ra phán quyết về nhiệm kỳ của Thủ tướng: Tòa án Hiến pháp Thái Lan dự kiến triệu tập một cuộc họp đặc biệt để đưa ra phán quyết về nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Prayut Chan-o-cha vào ngày 8/9 tới.
Quyết định trên được được đưa ra sau khi Tòa án Hiến pháp nhận được các bản phúc đáp từ ông Prayut Chan-o-cha, ông Meechai Ruchupan - chủ trì Ủy ban soạn thảo Hiến pháp và Pakorn Nilprapunt, Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước Thái Lan.
Trước đó, ngày 1/9, đội ngũ pháp lý của ông Prayut Chan-o-cha đã kháng nghị lên Tòa án Hiến pháp, khẳng định ngày đầu tiên Đại tướng Prayut Chan-o-cha nắm giữ cương vị Thủ tướng Thái Lan không phải là ngày 24/8/2014, song không đề cập mốc thời gian cụ thể ông Prayut bắt đầu đảm nhận cương vị Thủ tướng. Trong khi đó, ông Meechai và ông Pakorn cũng đưa ra ý kiến riêng một ngày sau đó với nội dung chưa được tiết lộ.
Các phương tiện truyền thông Thái Lan đưa tin Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét các bản phúc đáp trên và những bằng chứng khác trước khi đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể yêu cầu các bên liên quan cung cấp thêm bằng chứng và chưa đưa ra kết luận cuối cùng trong cuộc họp sắp tới.
Trước đó, hôm 24/8, Đại tướng Prayut Chan-o-cha đã bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng lập tức để chờ Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cuối cùng liên quan đến kiến nghị của phe đối lập, cho rằng ông Prayut đã kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng kéo dài 8 năm theo quy định của Mục 158, Hiến pháp Thái Lan năm 2017. (Bangkok Post)
* Tổng thống Philippines thăm Indonesia, nêu vai trò của ASEAN: Ngày 5/9, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Joko Widodo. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng, thương mại và các lĩnh vực khác giữa hai láng giềng.
Tuyên bố sau cuộc gặp, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh, kế hoạch hành động ngoại giao 5 năm, cũng như nhất trí đẩy nhanh và rà soát các thỏa thuận biên giới trên biển. Nhấn mạnh thương mại giữa hai nước đã tăng thêm gần 50% so với năm ngoái, ông cũng kêu gọi phát triển hoạt động giao thương ở khu vực biên giới và khôi phục các tuyến giao thông.
Về phần mình, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố cả hai nước đều cam kết duy trì ổn định khu vực thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông nêu rõ: “Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về vai trò của ASEAN trong giai đoạn chúng tôi đối mặt khó khăn, đặc biệt là vào thời điểm mà tình hình địa chính trị vô cùng biến động như hiện nay, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Chúng tôi nhất trí ASEAN nên là nhân tố dẫn đầu mang lại những thay đổi nhằm đem tới hòa bình cho đất nước chúng tôi”. (Reuters)
| Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ về ổn định chiến lược, lên tiếng cảnh báo châu Âu Nga cho biết sẵn sàng thảo luận mang tính xây dựng với Mỹ về đối thoại chiến lược, song sẵn sàng đáp trả châu Âu ... |
| Mỹ khẳng định không cần thiết cấm vận thị thực công dân Nga Liên quan vấn đề cấm vận thị thực công dân Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, cần phân biệt giữa hành động của chính ... |
| Thái Lan: Ông Prayut tuyên bố tiếp tục là Bộ trưởng Quốc phòng Đăng tải trên mạng xã hội tối ngày 25/8, nhà lãnh đạo bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng Thái Lan, Đại tướng Prayut Chan-pcha, ... |
| Chuyên gia: Đông Nam Á trước nguy cơ trở thành Nam Mỹ thứ hai Đông Nam Á có nguy cơ trở thành một Nam Mỹ thứ hai, khi chật vật để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. |
| Cuộc đua chức Thủ tướng Anh: Ngoại trưởng Liz Truss giành lợi thế Kết quả khảo sát ý kiến của 450 thành viên đảng Bảo thủ được hãng Opinium công bố ngày 13/8 cho thấy, tỷ lệ ủng ... |