Một ngôi nhà hứng chịu tên lửa đáp trả của Israel tại Qulaylah, ngoại ô Tyre, Lebanon ngày 7/4. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga nêu yếu tố chủ chốt trong hòa đàm Ukraine: Ngày 7/4, phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên việc tính đến lợi ích và các mối quan tâm của Nga... Nó (cuộc đàm phán này) nên đề cập đến các nguyên tắc mà trật tự thế giới mới sẽ dựa vào”. Theo ông, Nga phản đối “trật tự thế giới đơn cực do ‘một bá chủ’ lãnh đạo”. (AFP)
* Ukraine không từ bỏ Crimea, quyết giữ Bakhmut: Ngày 7/4, Ukraine đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ngày 6/4 về từ bỏ Crimea để chấm dứt xung đột với Nga. Trên Facebook, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nhấn mạnh: “Không có lý do pháp lý, chính trị hay đạo đức nào có thể biện minh cho việc chúng tôi phải nhượng lại dù chỉ một tấc đất của Ukraine... Bất kỳ nỗ lực hòa giải nào nhằm khôi phục hòa bình đều phải tôn trọng chủ quyền và khôi phục đầy đủ sự toàn toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Chỉ huy quân sự miền Đông Ukraine Serhiy Cherevatyi cho hay: “Tình hình khó khăn, Nga đang tập trung nỗ lực tối đa để đánh chiếm Bakhmut. Tuy nhiên, lực lượng này đang chịu tổn thất nghiêm trọng và không đạt được thành công chiến lược… Tất cả các quyết định được đưa ra với mục đích không cho phép họ xuyên thủng hàng phòng thủ của chúng tôi, đồng thời gây thiệt hại tối đa cho kẻ thù và bảo toàn nhân lực”. (AFP/Reuters)
* Rò rỉ tài liệu mật của Mỹ và NATO về Ukraine, Kiev lập tức phản ứng: Ngày 6/4, New York Times (Mỹ) đưa tin các tài liệu dường như là “kế hoạch bí mật của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, mô tả chi tiết về năng lực sẵn sàng chiến đấu của phía Ukraine và công tác chuẩn bị cho chiến dịch phản công sắp tới, đã bị rò rỉ hoặc đánh cắp và hiện đang lưu hành trên mạng xã hội Twitter cùng Telegram.
Một văn bản đã nêu chi tiết tỷ lệ chi tiêu của các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, thông tin được giữ bí mật chặt chẽ. Tài liệu khác mô tả tình trạng của hàng chục lữ đoàn chiến đấu Ukraine, bao gồm cả thiết bị và thời điểm mà những đơn vị này có thể sẵn sàng đối đầu với các lực lượng Nga.
Phát biểu trước thông tin trên, một người phát ngôn của Lầu Năm Góc nói: “Chúng tôi đã nắm được thông tin này và đang đánh giá vấn đề”. Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo rằng các tài liệu trên, mặc dù có vẻ xác thực, có thể đã bị thay đổi như một phần trong chiến dịch tung tin sai lệch của Moscow. Cụ thể, một tài liệu đã thổi phồng thương vong của Ukraine và giảm thiểu tổn thất của Nga.
Ngay sau khi vụ việc diễn ra, Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo, cơ quan chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang nước này ngày 7/4 đã tổ chức cuộc họp để thảo luận về các biện pháp ngăn chặn rò rỉ thông tin quân sự. Tuy nhiên, tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Ukraine lại không đề cập đến việc rò rỉ đã xảy ra. (AFP/SCMP/Reuters)
* Mỹ: Trung Quốc “hai mặt” về Ukraine: Ngày 7/4, trả lời phỏng vấn Euronews (Pháp) liên quan lập trường 12 điểm của Trung Quốc về Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời: “Tôi cho rằng Trung Quốc đang cố gắng đạt được mục đích ở cả hai chiều. Họ muốn được nhìn nhận là đang nỗ lực thúc đẩy hòa bình, đồng thời tiếp tục hỗ trợ Nga theo những cách khác nhau - phát biểu hùng hồn, đưa ra lập luận trước các tổ chức quốc tế... và, như chúng tôi nói vài tuần trước, thậm chí (Trung Quốc) còn cân nhắc hỗ trợ vũ khí cho Nga”.
Thừa nhận rằng có “nội dung mang tính tích cực” trong đề nghị của Bắc Kinh, ông cho rằng Trung Quốc nên tập trung thuyết phục Nga “thực sự tôn trọng chủ quyền của Ukraine”. Theo ông, Moscow cũng cần trao trả Kiev những vùng lãnh thổ đã bỏ phiếu tán thành đề xuất sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu ý dân.
Liên quan tới tới mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu và Mỹ, ông Blinken lưu ý: “Tất cả chúng ta đều có các mối quan hệ chính thức và không chính thức mang tính phức tạp và nhiều hệ quả với Trung Quốc”. (TASS)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc trừng phạt hai thực thể Mỹ vì vấn đề Đài Loan: Ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố các biện pháp trừng phạt có hiệu lực ngay lập tức đối với Viện nghiên cứu Hudson và Thư viện Reagan (tên đầy đủ là “Thư viện Tổng thống Ronald Reagan”) của Mỹ cùng những người đứng đầu hai tổ chức này. Bắc Kinh cáo buộc 2 tổ chức nêu trên đã cung cấp nền tảng và phương tiện cho hoạt động ly khai của người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn. (AFP)
Nam Thái Bình Dương
* Trung Quốc phản đối Australia áp hạn chế với TikTok: Ngày 7/4, Bộ Thương mại nước này nêu rõ: “Australia đối xử với TikTok khác với các nền tảng truyền thông xã hội khác và áp dụng những biện pháp hạn chế mang tính phân biệt đối xử, không có lợi cho công cuộc duy trì an ninh quốc gia của Australia”. Bắc Kinh cũng kêu gọi Canberra tạo dựng môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại song phương.
Trước đó, Australia đã cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị của chính phủ liên bang, do lo ngại nguy cơ rò rỉ dữ liệu người dùng và rủi ro với an ninh quốc gia. Quyết định trên được đưa ra theo khuyến cáo của cơ quan tình báo trong nước. (Reuters)
Nam Á
* Bộ trưởng Tài chính Pakistan hủy chuyến công du Mỹ: Nguồn tin chính phủ Pakistan ngày 7/4 cho hay Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Ishaq Dar, đã hủy chuyến thăm Washington (Mỹ) để dự các cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, với lý do bất ổn chính trị trong nước.
Trước đó, ông Ishaq Dar dự kiến tham gia các cuộc họp từ ngày 10/4, gặp các quan chức hàng đầu của IMF và các chủ nợ đa phương nhằm bảo đảm nguồn tài trợ cần thiết để Pakistan ngăn chặn một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Từ đầu tháng Hai, Islamabad đã đàm phán với IMF để bảo đảm khoản tài trợ 1,1 tỷ USD, một phần của chương trình viện trợ trị giá 6,5 tỷ USD đã được thống nhất vào năm 2019.
Hiện Bộ Tài chính Pakistan chưa đưa ra bình luận về thông tin nêu trên. (AFP)
Đông Bắc Á
* Hàn-Nhật tham vấn tiếp nối thượng đỉnh: Ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này và Nhật Bản đã tổ chức tham vấn ngoại giao cấp chuyên viên sau hội nghị thượng đỉnh tháng trước giữa lãnh đạo song phương.
Tham dự cuộc họp có Vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Seo Min Jung và người đồng cấp Nhật Bản Funakoshi Takehiro. Tại hội đàm, hai bên được cho là đã thảo luận về các bước tiếp theo đối với kế hoạch bồi thường, cũng như nối lại tham vấn an ninh đã bị đình chỉ từ lâu với sự tham gia của các quan chức cấp cao đến từ Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao hai nước. Thông cáo báo chí nêu rõ: “Hai bên đã trao đổi quan điểm về hướng phát triển quan hệ song phương và lĩnh vực cùng quan tâm dựa trên kết quả hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Nhật Bản tháng trước”. (Yonhap)
* Nhật Bản gia hạn lệnh cấm giao thương với Triều Tiên thêm 2 năm: Ngày 7/4, Nội các của Thủ tướng Kishida Fumio đã quyết định gia hạn lệnh cấm giao thương với Triều Tiên, trước khi các biện pháp trừng phạt kết thúc ngày 13/4 tới.
Biện pháp này sẽ cấm các hoạt động buôn bán và cấm cập cảng Nhật Bản đối với bất kỳ tàu thuyền nào từng ghé qua cảng của Triều Tiên. Quyết định trên cũng tính đến khả năng Bình Nhưỡng không thay đổi thái độ với chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, cũng như vấn đề các công dân Nhật Bản nghi bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong quá khứ.
Phát biểu tại họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno chia sẻ: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết toàn diện những vấn đề liên quan bao gồm các vụ bắt cóc, cũng như các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, với sự phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế”. (Kyodo)
* Hàn Quốc đình chỉ đường dây liên lạc với Triều Tiên: Ngày 7/4, chính phủ Hàn Quốc cho biết việc liên lạc hàng ngày giữa hai miền Triều Tiên đã bị đình chỉ do Triều Tiên không trả lời các cuộc gọi thường xuyên thông qua đường dây liên lạc xuyên biên giới và đường dây nóng quân sự.
Bộ Thống nhất của Hàn Quốc cho hay: “Triều Tiên đã không phản hồi cuộc gọi qua đường dây nóng liên lạc chung lúc 5 giờ chiều, sau khi không trả lời cuộc gọi lúc 9 giờ sáng”. Bộ trên khẳng định không có vấn đề gì với đường dây liên lạc ở Hàn Quốc và sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, bao gồm cả khả năng sự cố kỹ thuật ở Triều Tiên. (Yonhap)
Châu Âu
* Quan hệ Nga-Belarus giúp đối phó với trừng phạt của phương Tây: Ngày 6/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về mối quan hệ giữa Moscow và Minsk ở giai đoạn hiện nay, đặc biệt trước trừng phạt từ phương Tây, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin giải thích Nga và Belarus đang hợp tác “trên mọi lĩnh vực, (trong đó có) chủ quyền tài chính, chủ quyền kinh tế, chủ quyền công nghiệp”.
Theo ông, các hoạt động hợp tác đã giúp ích đáng kể cho 2 nước đối phó với những quy định hạn chế của phương Tây. Thủ tướng Nga cho biết giới chức nước này cũng thường xuyên gặp gỡ và liên lạc với những người đồng cấp Belarus. (TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Israel huy động lực lượng dự bị phòng không, không quân: Ngày 7/4, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Israel (IDF) Herzi Halevi đã ra lệnh huy động binh sĩ dự bị là phi công, nhân viên điều khiển máy bay không người lái (UAV) và lính phòng không, đồng thời chỉ thị cho Bộ Tư lệnh trung tâm tăng cường phòng thủ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng ra lệnh cho các đơn vị huy động mọi nguồn lực cần thiết để truy lùng thủ phạm, được cho là một người Palestine ở Bờ Tây gây ra vụ bắn súng khủng bố ở phía Bắc Thung lũng Jordan, khiến hai người Israel thiệt mạng và một người trọng thương. (TTXVN)
* Nhiều nước lên tiếng về căng thẳng Israel-Palestine: Ngày 6/4, một loạt đạn pháo từ dải Gaza và biên giói Lebanon, được cho là do Hamas thực hiện đã dẫn tới các cuộc tấn công đáp trả từ phía Israel, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Phát biểu ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nêu rõ: “Cam kết của chúng tôi với an ninh của Israel là chắc chắn. Chúng tôi công nhận Israel có quyền hợp pháp trong việc tự vệ trước mọi hình thức tấn công. Chúng tôi lên án việc phóng tên lửa từ Lebanon và Dải Gaza… Chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định mạnh mẽ rằng bất cứ hành động đơn phương nào gây tổn hại đến hiện trạng là không thể chấp nhận được.”
Bộ Ngoại giao Nga đã nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột không thực hiện các bước đối đầu, hãy hành động vì lợi ích ngăn chặn leo thang gia tăng, chấm dứt bạo lực và khôi phục lệnh ngừng bắn bền vững”.
Vè phần mình, ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn phát biểu của Đặc phái viên về các vấn đề Trung Đông của nước này Zhai Jun cho biết Bắc Kinh quan ngại sâu sắc về xung đột leo thang giữa Israel với Palestine và Lebanon, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và bình tĩnh tối đa, đặc biệt là Israel.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Francois Delmas cho biết Paris kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế tối đa và tránh mọi hành động có thể dẫn đến leo thang… sự lên án mạnh mẽ của Pháp đối với vụ nã tên lửa bừa bãi từ Dải Gaza và miền Nam Lebanon vào lãnh thổ Israel”.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly tuyên bố: “Anh lên án các vụ tấn công rocket từ miền Nam Lebanon và Dải Gaza và công nhận quyền tự vệ của Israel. Bây giờ là thời điểm tất cả các bên trong khu vực giảm căng thẳng”. Ông kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận về nguyên trạng lịch sử tại thánh địa của Jerusalem và ngừng khiêu khích trong thời điểm giao hòa giữa Lễ Quá hải của người Do Thái, tháng Ramadan của người Hồi giáo và Lễ Phục sinh của người Thiên Chúa giáo.
Cùng ngày, kênh truyền hình Al-Arabiya (Saudi Arabia) đưa tin Ai Cập “đang tham gia những cuộc tham vấn mở rộng với phía với Israel, Mỹ và phe phái khác nhau của Palestine nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Dải Gaza sớm nhất có thể”.
Trước đó, Ai Cập đã yêu cầu Israel kiềm chế các hoạt động tấn công khu vực dân cư và dân thường tại Dải Gaza. Theo Al Arabiya, lực lượng an ninh Ai Cập đã liên hệ với Israel ngay sau khi không quân Israel tấn công khu vực lãnh thổ này hôm 31/3. Israel đổ lỗi cho các nhóm Palestine về tình hình leo thang.
Ai Cập từng là trung gian hòa giải trong khủng hoảng liên quan đến Dải Gaza, thời điểm các bên trong cuộc xung đột Palestine-Israrel đối đầu quân sự trực tiếp. (AFP/Reuters/TTXVN)