Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) có cuộc gặp và hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 9/4. (Nguồn: TASS) |
Nga-Ukraine
* Mỹ gửi vũ khí Iran tới Ukraine: Ngày 9/4, quân đội Mỹ tuyên bố, nước này đã chuyển cho Ukraine những vũ khí nhỏ và đạn dược bị thu giữ trong quá trình lực lượng Iran chuyển giao cho phong trào Houthi ở Yemen.
Trên mạng xã hội, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ nêu rõ: "Chính phủ Mỹ đã chuyển hơn 5.000 khẩu AK-47, súng máy, súng bắn tỉa, RPG-7 và hơn 500.000 viên đạn 7,62 mm cho lực lượng vũ trang Ukraine" vào tuần trước. (AFP)
* Hà Lan sẽ cung cấp cho Kiev máy bay chiến đấu F-16 nhằm tăng cường năng lực trên không của Ukraine, theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren ngày 9/4.
Tuy nhiên, lịch trình chuyển giao các chiến đấu cơ này phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các phi công và kỹ thuật viên Ukraine, cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết để chứa máy bay. (National Interest)
Nga-Trung Quốc
* Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thăm Trung Quốc từ ngày 8/4 và đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị vào ngày 9/4 tại Bắc Kinh.
Trong cuộc hội đàm, ông Lavrov nhấn mạnh: “Nhờ nỗ lực của hai nhà lãnh đạo, mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Nga và Trung Quốc đã đạt đến mức độ chưa từng có trong lịch sử”.
Hai bên đều cam kết ủng hộ mối quan hệ song phương cũng như ủng hộ nhau, đồng thời sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ ổn định giữa hai nước.
Nga và Trung Quốc nhất trí tăng cường hợp tác chống khủng bố, trong đó có hợp tác thông qua các cơ chế đa phương, sau vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall ở Moscow vào ngày 22/3 khiến gần 150 người thiệt mạng.
Cả Bắc Kinh và Moscow đều mạnh mẽ phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương trong quan hệ quốc tế cũng như nhất trí khởi động đối thoại về "nhiệm vụ kiến tạo an ninh Á-Âu".
Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp Vương Nghị cũng đang thúc đẩy việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa nguyên thủ hai nước Nga, Trung Quốc vào những tháng tới đây. (TASS)
* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Ngoại trưởng Lavrov, nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh và Moscow đã bắt tay vào con đường mới cùng tồn tại hài hòa và hợp tác cùng có lợi giữa các nước lớn và nước láng giềng.
Theo nhà lãnh đạo, điều này mang lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp trí tuệ và sức mạnh cho sự công bằng và công lý quốc tế.
Ông Tập khẳng định, Bắc Kinh luôn coi trọng việc phát triển quan hệ với Moscow và sẵn sàng đẩy mạnh liên lạc song phương cũng như tăng cường phối hợp chiến lược đa phương trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Chủ tịch Trung Quốc nêu rõ, nước này cùng Nga sẽ thể hiện trách nhiệm nhiều hơn, đoàn kết các nước ở Nam Bán cầu trên tinh thần bình đẳng, cởi mở, minh bạch và bao trùm, thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu và tích cực lãnh đạo xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh. (THX)
Châu Âu
* Lithuania mở cuộc điều tra việc Đại sứ quán Nga bị phá hoại hai đêm liền, theo thông báo của cảnh sát quốc gia Baltic ngày 8/4.
Theo cảnh sát Lithuania, hai chai chứa chất lỏng được cho là dễ cháy đã được ném vào Đại sứ quán Nga trong khoảng thời gian từ 2-3 giờ sáng trong hai đêm vừa qua. Mặc dù không có hỏa hoạn xảy ra nhưng một bức tường của tòa nhà đã bị chai lọ làm hư hại. (The Moscow Times)
* Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dọa tấn công 4 sân vận động Emirates (Anh), Parc des Princes (Pháp), Metropolitano và Santiago Bernabeu (Tây Ban Nha), nơi sẽ diễn ra các trận đấu tứ kết giải Ngoại hạng Anh (Champions League) trong tuần này.
Sau khi nhận được cảnh báo, chính phủ Anh, Pháp và Tây Ban Nha khẳng định tình hình "đang trong tầm kiểm soát". (Euronews)
* 6 nước châu Âu ký Tuyên bố chung bảo vệ cơ sở hạ tầng ở Biển Bắc trong ngày 8/4, gồm Bỉ, Anh, Đan Mạch, Đức, Na Uy và Hà Lan.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ cơ sở này trong hiện tại và tương lai, Thứ trưởng An ninh Năng lượng Anh Andrew Bowie tuyên bố: "Biển Bắc là động lực thúc đẩy tham vọng năng lượng tái tạo và lượng phát thải bằng không của châu Âu, giúp tăng cường an ninh năng lượng của lục địa này". (Reuters)
* Ukraine nhất trí mở trạm kiểm soát biên giới mới với Hungary: Ngày 8/4, chính phủ Ukraine và Hungary đã nhất trí sửa đổi thỏa thuận về kiểm soát giao thông biên giới, qua đó cho phép mở một trạm kiểm soát mới cho người đi xe đạp tại Velyka Palad-Nagyhodos.
Thỏa thuận sửa đổi cũng cho phép các phương tiện hạng nặng rỗng có tải trọng trên 7,5 tấn được đi qua trạm kiểm soát Luzhanka-Beregsurany.
Ukraine cũng đang xem xét xây dựng một trạm kiểm soát hàng hóa mới tại Dyida-Beregradoc nhằm tăng năng lực của biên giới với Hungary. (The Kyiv Independent)
* Ngoại trưởng Anh David Cameron tới Mỹ và dự kiến sẽ hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Antony Blinken về tình hình xung đột ở Trung Đông và Ukraine.
Ông Cameron dự kiến hối thúc Hạ viện Mỹ sớm thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine, vốn đã bị trì hoãn trong nhiều tháng.
Ngoại trưởng Anh cũng sẽ kêu gọi điều tra minh bạch về cuộc không kích của Israel ở Dải Gaza hồi tuần trước khiến cho 7 nhân viên cứu trợ nhân đạo, trong đó có 3 công dân Anh thiệt mạng.
Sau vụ việc trên, chính phủ Anh đã phải đối mặt với những lời kêu gọi đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Israel. Theo nguồn tin từ chính phủ, hai ngoại trưởng dự kiến cũng sẽ thảo luận về vấn đề này, tuy nhiên sẽ không công bố các thay đổi về chính sách.
Tuyên bố cho biết thêm, các cuộc hội đàm giữa hai quan chức ngoại giao hàng đầu cũng sẽ tập trung vào "lộ trình đưa đến lệnh ngừng bắn bền vững và cung cấp số lượng viện trợ nhân đạo lớn hơn ở Dải Gaza". (Reuters)
* Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm thảo luận về việc tăng cường cung cấp đạn dược, máy bay không người lái và các hệ thống phòng không cho Ukraine, cũng như bàn về xung đột ở Dải Gaza.
Hai lãnh đạo bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza và nhất trí về tầm quan trọng của việc chấm dứt ngay lập tức hành động thù địch trong khu vực. (Sputnik)
* Tổ chức Hệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tập trận hải quân Sea Shield 24 ở Romania từ ngày 8-21/4, tập trung vào huấn luyện tất cả khía cạnh của các hoạt động quân sự, nhằm tăng mức độ hợp tác tác chiến giữa các bên tham gia.
Cuộc tập trận có sự tham gia của 2.200 quân nhân, 135 tàu, máy bay và phương tiện từ 13 quốc gia trong NATO gồm Bulgaria, Pháp, Gruzia, Hy Lạp, Italy, Anh, Moldova, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Romania. (Romania Insider)
Trung Đông-châu Phi
* Israel thông báo tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của quân đội Syria tại Mahajjah, cách khu phi quân sự ngăn cách hai bên khoảng 30 km, trong đêm 8/4.
Phía Israel cho biết, trước đó, quân đội nước này đã xác định một tên lửa phóng đi từ lãnh thổ Syria ngày 8/4 vào Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng nhưng không gây thương vong, và cuộc tấn công trên là nhằm đáp trả vào nơi bắn tên lửa.
Vụ việc diễn ra vài ngày sau một cuộc không kích phá hủy tòa nhà lãnh sự thuộc Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria, làm một số chỉ huy quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng. Iran cáo buộc Israel gây ra vụ tấn công. (Hurriyet Dail News)
* Iran mở văn phòng lãnh sự mới ở Syria vào ngày 8/4, một tuần sau vụ tấn công vào tòa nhà lãnh sự cũ của nước này ở Damascus, Syria.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Syria Faisal Mekdad đã dự lễ khánh thành văn phòng này, ở không xa tòa nhà cũ.
* Thổ Nhĩ Kỳ siết nhập khẩu, Israel phản pháo: Ngày 9/4, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, Ankara áp đặt những hạn chế xuất khẩu ngay lập tức với 54 loại sản phẩm khác nhau sang Israel, gồm sắt thép, thiết bị và sản phẩm xây dựng, máy móc,... cho đến khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố ở Gaza.
Động thái nhằm đáp trả việc Israel ngăn chặn nỗ lực của Ankara thả viện trợ cho người dân Palestine ở Dải Gaza.
Phản pháo động thái này, ông Israel Katz, Ngoại trưởng Israel, cáo buộc Ankara đã "đơn phương vi phạm" các hiệp định thương mại, một lần nữa "hy sinh lợi ích kinh tế của người dân Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ Hamas".
Ông khẳng định Israel sẽ đáp trả bằng các hạn chế thương mại của riêng mình đối với các sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ. (Reuters)
* Israel ấn định ngày tấn công Rafah ở phía Nam Dải Gaza, theo lời Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu, đồng thời khẳng định, chiến dịch nà là cần thiết để giành chiến thắng trước Hamas.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nhà đàm phán Israel đang ở Cairo thảo luận những nỗ lực quốc tế nhằm xúc tiến một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.
Theo Mỹ, đồng minh hàng đầu của Israel, việc tấn công Rafah sẽ là một sai lầm và nước này phải có một kế hoạch đáng tin cậy để bảo vệ dân thường. (THX)
* Hội đồng Bảo an (HĐBA) xem xét việc kết nạp Palestine làm thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc (LHQ) và quyết định chuyển thủ tục này tới Ủy ban Kết nạp thành viên mới.
Tại HĐBA, thành viên xin gia nhập cần nhận được ít nhất 9/15 phiếu ủng hộ của các thành viên và không có Ủy viên thường trực nào phủ quyết. Đại hội đồng LHQ sẽ quyết định việc kết nạp thành viên mới căn cứ theo khuyến nghị của HĐBA. (Reuters)
* Ông Ousmane Sonko chính thức nhậm chức Thủ tướng Senegal vào ngày 8/4, sau khi nhận chuyển giao quyền lực từ người tiền nhiệm Sidiki Kaba.
Ông Ousmane Sonko, được Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Diakhar Faye bổ nhiệm ngày 2/4, tuyên bố: “Cuộc chuyển giao diễn ra trong những điều kiện rất tốt, cho phép chúng tôi từ thời điểm này bắt đầu thực hiện trách nhiệm được giao phó”. (THX)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Trung Quốc nói NATO không nên “vươn vòi” vào châu Á-Thái Bình Dương: Ngày 9/4, trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh phản đối sự đối đầu giữa các khối, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông khuyến cáo: "Cần phải tuân thủ chủ nghĩa đa phương thực sự và chống lại bất kỳ 'nhóm hẹp' nào tham gia cuộc đối đầu giữa các khối, điều này đặc biệt đúng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi chúng ta tọa lạc. NATO không được 'vươn vòi' vào ngôi nhà chung của chúng ta".
Ông nhấn mạnh rằng mọi tuyên bố và hành động thiên về đối đầu đều không được ưa chuộng và không có tương lai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Sputnik)
* Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bắt đầu thăm Mỹ từ tối 8/4 (theo giờ Nhật Bản), kéo dài 5 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ với tư cách là khách mời cấp nhà nước kể từ chuyến thăm của cố Thủ tướng Abe Shinzo vào năm 2015.
Trước khi lên máy bay, ông Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật-Mỹ trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp và đa dạng, cũng như môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. (Kyodo)
* Khả năng Nhật Bản tham gia AUKUS: Ngày 8/4, ba nước tham gia Hiệp ước an ninh Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) tuyên bố đang xem xét khả năng hợp tác với Nhật Bản trong các dự án công nghệ tiên tiến ở Trụ cột II trong Hiệp ước này.
Trụ cột II tập trung vào công nghệ tiên tiến, từ trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử đến năng lực dưới biển và vũ khí siêu thanh.
Cùng ngày, Phó Thư ký Báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh cũng cho biết, AUKUS đang xem xét hợp tác với Nhật Bản trong các dự án năng lực tiên tiến vì Tokyo có sức mạnh và mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ với cả ba nước thành viên AUKUS.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anthony Albanese lại hạ thấp khả năng Nhật Bản có thể sớm tham gia AUKUS, lưu ý rằng bất kỳ sự hợp tác nào sẽ được thực hiện trên cơ sở từng dự án khi có sự thay đổi trong hiệp ước về việc thêm thành viên mới.(Reuters, Financial Times)
Châu Mỹ
* Tổng thống Ecuador Daniel Noboa bảo vệ quyết định đột kích Đại sứ quán Mexico ở Quito hôm 5/4 để bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas.
Phát biểu ngày 8/4, ông Noboa nêu rõ: "Tôi đã đưa ra những quyết định đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, pháp quyền và phẩm giá của người dân. Nhiệm vụ của tôi là thực hiện các quyết định của công lý và chúng tôi không thể cho phép những tội phạm bị kết án có hành vi nghiêm trọng xin tị nạn".
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Ecuador Gabriela Sommerfeld cho biết, nước này để ngỏ khả năng khôi phục quan hệ với Mexico, sau khi quốc gia Bắc Mỹ đình chỉ quan hệ với Quito về vụ việc trên và đưa tất cả nhân viên ngoại giao về nước. (Sputnik)