Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp ở Tel Aviv, ngày 12/10. (Nguồn: the Global and Mail) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Nga nêu giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine: Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng Washington có thể dễ dàng và nhanh chóng đạt được giải pháp cho cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine bằng cách ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev.
Nhà ngoại giao Nga đã đưa ra bình luận trên khi đề cập đến gói viện trợ tiếp theo trị giá khoảng 200 triệu USD mà Mỹ phân bổ cho nhu cầu quốc phòng của Ukraine.
Trên trang Telegram, Đại sứ Antonov viết: “Mỹ có thể giải quyết cuộc xung đột một cách dễ dàng và nhanh chóng bằng cách chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine”. Theo ông, Mỹ tiếp tục hy vọng vào một giải pháp mạnh mẽ cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như âm mưu “khiến nước Nga suy yếu và kiệt quệ”. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh gói viện trợ mới dành cho Kiev sẽ không giải quyết được những nhiệm vụ mà Washington đặt ra.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố cung cấp thêm gói viện trợ quân sự trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa AIM-9M dành cho hệ thống phòng không mới sắp được cung cấp cho Kiev, đạn pháo, vũ khí chống tăng và thiết bị chống máy bay không người lái. (TASS)
Trung Đông-Châu Phi
*Israel mở rộng tấn công sang Syria: Đài truyền hình nhà nước Syria cho biết Israel đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào 2 sân bay chính ở thủ đô Damascus và thành phố Aleppo ở miền Bắc Syria trong ngày 12/10. Nguồn tin trên khẳng định: "Israel tấn công nhằm vào các sân bay Damascus và Aleppo".
Kênh truyền thông địa phương Sham FM cho biết Syria đã triển khai lực lượng phòng không để đáp trả cuộc tấn công. Trong khi đó, theo Nournews, hãng thông tấn có liên quan tới cơ quan an ninh hàng đầu của Iran, ngày 12/10 đưa tin lãnh đạo Iran và Syria đã hối thúc các quốc gia Hồi giáo thể hiện sự nhất quán trong lập trường ủng hộ người Palestine.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Syria Basha Al-Assad, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nêu rõ: “Các quốc gia Hồi giáo và Arab cũng như những công dân tự do trên toàn thế giới phải có lập trường nhất quán nhằm ngăn chặn tội ác của chế độ Do Thái đối với người dân Palestine bị áp bức”. (Al Jazeera)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Israel - Hamas: Lá bài mặc cả và kịch bản nào cho xung đột? |
*Tổng thống UAE hoãn thăm Hàn Quốc: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 12/10 thông báo Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA) Mohamed bin Zayed Al Nahyan đã hoãn chuyến thăm quốc gia Đông Bắc Á, dự kiến được thực hiện trong tháng này, do “tình hình khu vực diễn biến khó lường”.
Một quan chức Hàn Quốc chia sẻ: “Do tình hình khu vực diễn biến khó lường, chúng tôi quyết định hoãn chuyến thăm thông qua các cuộc thảo luận song phương”, song không cung cấp thêm chi tiết. Quyết định này dường như liên quan tới căng thẳng khu vực bắt nguồn từ cuộc tấn công bất ngờ của phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel hồi tuần trước.
Nếu không bị hoãn lại, chuyến công du của Tổng thống Mohamed diễn ra 9 tháng sau khi người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới UAE và nhận được cam kết từ phía Abu Dhabi về việc đầu tư 30 tỷ USD vào các lĩnh vực năng lượng, vũ khí và năng lượng hạt nhân của Hàn Quốc. (Yonhap)
*Ngoại trưởng Mỹ tới Israel: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12/10 đã tới Tel Aviv trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông mở rộng nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết của Mỹ với Israel sau vụ tấn công bất ngờ của phong trào Hồi giáo Hamas, đồng thời tìm cách chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken cũng nỗ lực góp phần đạt được thỏa thuận trả tự do cho các con tin đang bị Hamas bắt giữ - một vài người trong số đó là công dân Mỹ - và thiết lập hành lang an toàn để dân thường Gaza di chuyển ra khỏi khu vực đông dân cư trước cuộc xâm lược tiềm tàng của Israel.
Cùng ngày, phát biểu với các nghị sĩ Đức, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố Berlin sẽ đình chỉ mọi chương trình viện trợ phát triển cho vùng lãnh thổ Palestine trong lúc chờ hoàn thành quá trình xem xét nhằm đảm bảo chính sách viện trợ phục vụ tốt nhất cho hòa bình khu vực và an ninh của Israel.(Reuters)
*Công dân Trung Quốc thiệt mạng ở Israel: Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/10 xác nhận 3 công dân nước này đã thiệt mạng, 2 người khác mất tích và một số người bị thương trong vụ tấn công bất ngờ của phong trào Hamas nhằm vào Israel hồi cuối tuần qua.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố: "Trung Quốc sẽ phối hợp các nỗ lực nhằm chữa trị cho người bị thương và hối thúc các cơ quan chức năng tìm kiếm người mất tích". (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
*Nga-Ấn Độ chuẩn bị gặp thượng đỉnh: Hãng thông tấn RIA dẫn lời Đại sứ Ấn Độ tại Moskva - Pavan Kapoor - cho biết Nga và Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Narendra Modi trong năm nay. Ông Kapoor khẳng định: "Hai bên đang thảo luận vấn đề này. Có những cuộc thảo luận cấp cao đang diễn ra". (Reuters)
*Đại diện cấp cao EU thăm Trung Quốc: Ngày 12/10, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh đối ngoại Josep Borrell đã tới Trung Quốc nhằm tìm cách quản lý chiến lược “giảm thiểu rủi ro” của khối với đối tác thương mại lớn nhất, trong khi đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức trong năm nay.
Chuyến đi diễn ra vài ngày sau khi nổ ra xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, khiến ông Borrell phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các ngoại trưởng châu Âu. Liên quan đến cuộc xung đột Hamas-Israel, Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên “ngừng bắn”.
Chuyến đi của ông Borrell, đã bị hoãn 2 lần trong năm nay và dự kiến kéo dài đến ngày 14/10, sẽ bao gồm cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và sẽ giải quyết các vấn đề bao gồm quan hệ song phương, thách thức toàn cầu và thương mại.
Mối quan hệ EU-Trung Quốc diễn biến căng thẳng kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Đức: Sẽ không có Hamas của ngày hôm nay nếu không có sự giúp đỡ của Iran |
*Chủ tịch đảng cầm quyền Campuchia có kế hoạch thăm Myanmar: Trang tin điện tử ThmeyThmey của Campuchia đưa tin, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cố vấn tối cao của Quốc vương Campuchia - ông Hun Sen và Chủ tịch Quỹ Nippon (Nhật Bản) Yohei Sasakawa đã nhất trí thăm Myanmar trong tương lai gần.
Chủ tịch CPP, cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tiếp ông Yohei Sasakawa tại trụ sở CPP vào ngày 11/10. Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Myanmar, bao gồm các nỗ lực của ông Hun Sen, người mong muốn cải thiện tình hình tại Myanmar, dù cho ông không còn là Thủ tướng Campuchia.
Thủ tướng Hun Manet cũng ủng hộ ý định thăm Myanmar của cha mình.
Ông Hun Sen, với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2022, đã gặp người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing trong chuyến thăm chính thức hai ngày tới Myanmar vào tháng 1 năm ngoái. Cựu Thủ tướng Campuchia là lãnh đạo quốc gia ASEAN duy nhất làm như vậy. (ThemeyThmey)
*Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh trở lại hoạt động: Truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đang tân trang Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của hải quân nước này (PLAN) - bằng các hệ thống vũ khí và radar mới, và con tàu dự kiến sẽ quay trở lại hoạt động trong năm nay.
Tờ Global Times dẫn lời một chuyên gia cho hay tàu sân bay cũ của Liên Xô, mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 1998, dự kiến sẽ luân phiên cùng tàu sân bay thứ hai là Sơn Đông trong hoạt động tập trận và các nhiệm vụ khác.
Trung Quốc đang củng cố sức mạnh quân sự và xây dựng năng lực hoạt động biển xa của PLAN. Trung Quốc cũng dự kiến sẽ khởi động tiến trình thử nghiệm trên biển đối với tàu sân bay được thiết kế và chế tạo trong nước đầu tiên, mang tên Phúc Kiến, trong năm nay.
Hồi tháng 4, truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu Liêu Ninh trong năm nay đã tiến hành hoạt động huấn luyện phòng không và chống ngầm ở Tây Thái Bình Dương.(Reuters)
Châu Âu
*Czech triệu Đại sứ Nga để phản đối vụ tấn công vào Kharkov: Hãng tin CTK ngày 12/10 cho biết Bộ Ngoại giao Czech sẽ triệu Đại sứ Nga tại Praha tới để phản đối các cuộc tấn công của quân đội Nga vào làng Hroza của Ukraine trước đó trong tháng này.
Cuộc không kích vào làng Hroza ở Kharkov, miền Đông Bắc Ukraine hồi đầu tháng đã làm hơn 50 người thiệt mạng. Sau cuộc không kích, Điện Kremlin ngày 6/10 khẳng định quân đội Nga không tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine. (Reuters)
*Đức cam kết gửi 35.000 binh sĩ tham gia kế hoạch mới của NATO: Phát biểu ngày 12/10 bên lề cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết nước này cam kết sẽ cung cấp 35.000 binh sĩ phục vụ chiến lược phòng thủ và răn đe mới của liên minh.
Cùng với số lượng binh sỹ trên, Bộ trưởng Pistorius cũng tiết lộ Đức sẽ cung cấp hàng trăm máy bay, tàu khu trục, tàu hộ tống và các vũ khí, phương tiện quân sự khác phục vụ hoạt động chung của NATO. Tổng tư lệnh Lực lượng NATO ở châu Âu có thể yêu cầu Đức triển khai các lực lượng trên từ năm 2025.
Ông Pistorius khẳng định đó là cam kết của Đức trong việc hỗ trợ các kế hoạch phòng thủ khu vực bằng lực lượng cụ thể. Nước Đức "thực sự đang nỗ lực hết mình" cho các hoạt động chung của liên minh.
Cam kết của Đức là một phần trong kế hoạch của NATO về mô hình chiến lược mới, trong đó duy trì 300.000 binh sĩ trong tình trạng cảnh giác cao, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ của NATO trong tương lai. (DW)
Châu Mỹ
*Mỹ triển khai tàu sân bay thứ hai tới Địa Trung Hải: Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby thông báo USS Dwight D. Eisenhower - tàu sân bay thứ hai của Hải quân Mỹ sẽ được triển khai tới Địa Trung Hải.
Ông Kirby nói: “Như các bạn đã biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford đang hiện diện ở phía Đông Địa Trung Hải. Nhóm tàu này đã tới đây hôm qua. Họ ở đó nhằm mục đích răn đe để làm rõ với bất kỳ ai - tác nhân, tổ chức, nhóm, mạng lưới khủng bố, quốc gia có ý đồ thù địch nhằm vào Israel…” Quan chức Nhà Trắng tuyên bố: “Chúng tôi đang phát đi thông điệp rõ ràng: nước Mỹ sẵn sàng hành động nếu bất kỳ bên nào thù địch với Israel cân nhắc lựa chọn cố gắng leo thang hoặc khơi sâu cuộc chiến này".
Trước đó, hôm 10/10, nhật báo Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ Mỹ đang cân nhắc điều tàu sân bay Dwight Eisenhower tới bờ biển Israel. (TASS)
| Những bài học từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel Vụ tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 khiến hàng trăm người thiệt mạng cho thấy chính sách mà Tel Aviv theo ... |
| Đại sứ Nguyễn Quang Khai 'bật mí' nguyên nhân Hamas ồ ạt tấn công Israel Cuộc tấn công 'bất ngờ với quy mô chưa từng có' của Hamas vào Israel có thể sẽ leo thang và lan rộng ra toàn ... |
| Xung đột Israel-Hamas: Chấn động khi ‘ngày đen tối’ đến Chiến dịch tấn công bất ngờ, với quy mô chưa từng có của Hamas từ dải Gaza, cùng sự đáp trả quyết liệt của Israel ... |
| Những nước nào dừng viện trợ cho Palestine sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel? Ủy ban Châu Âu ngày 9/10 cho biết họ đang xem xét lại toàn bộ viện trợ phát triển cho người Palestine, trị giá 691 ... |
| Xung đột Israel - Hamas: Lá bài mặc cả và kịch bản nào cho xung đột? Cuộc tấn công của Phong trào Hamas vào Israel đã tạo ra một chấn động lớn, liệu Hamas đang cố tình 'lấy trứng chọi đá' ... |