Một phụ nữ da màu bị xịt hơi cay khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở thủ đô Washington ngày 22/6. (Nguồn: Getty Images) |
Mỹ
Người biểu tình tìm cách lập 'Vùng tự trị', Tổng thống Trump đe dọa dùng vũ lực
Ngày 23/6, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với người biểu tình tại thủ đô Washington với tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực nếu người biểu tình tìm cách thiết lập "Vùng tự trị" không cảnh sát ở thành phố này. 2 tuần trước, người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc đã thiết lập "Vùng tự trị" không cảnh sát đồi Capitol ở Seattle.
Khẳng định chừng nào mình còn là Tổng thống Mỹ, sẽ không có "Vùng tự trị" tại thủ đô Washington, ông Trump dọa sẽ phạt tù tối đa 10 năm các đối tượng hành xử theo chủ nghĩa vô chính phủ - những người gây hư hại các công trình kiến trúc là tài sản quốc gia trong làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc.
Phong trào chống phân biệt chủng tộc đã lan sang ngành điện ảnh Mỹ. Hơn 300 nghệ sĩ, nhà làm phim da màu, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Idris Elba, Queen Latifah và Billy Porter ngày 23/6 đã ký tên vào bức thư ngỏ kêu gọi Hollywood ngừng khai thác các chủ đề về cảnh sát mà thay vào đó tăng cường đầu tư vào các sản phẩm điện ảnh có nội dung chống phân biệt chủng tộc. (ABC News)
Bạn có thể quan tâm:
Trung Quốc-Ấn Độ
Ngày 24/6, trên tài khoản truyền thông xã hội riêng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, vụ đụng độ biên giới giữa Bắc Kinh và New Delhi là do phía Ấn Độ gây ra, những hành động của Ấn Độ vi phạm đồng thuận chung giữa hai nước và là hành động khiêu khích đơn phương.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh sẽ không gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề sự kiện mừng Ngày Chiến thắng của Nga tại Moscow như một số trang truyền thông của Trung Quốc đưa tin. (Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
Bán đảo Triều Tiên
Triều Tiên 'nghỉ xả hơi', giảm căng thẳng hai miền
Sáng ngày 24/6, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra quyết định gây bất ngờ là hoãn các kế hoạch hành động quân sự. Sau quyết định này, Triều Tiên đã dỡ bỏ hàng loạt loa phóng thanh được lắp đặt trước đó dọc biên giới hai miền, đồng thời, các trang báo của nước này cũng dỡ bỏ loạt bài chỉ trích Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia, nguyên do của động thái này là Triều Tiên đã xác định, những mục đích đặt ra đã đạt được và "nghỉ xả hơi" để tránh những hành động khiêu khích có thể kéo căng hơn nữa nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của nước này. (Yonhap)
Bạn có thể quan tâm:
Vùng Vịnh
Iran tiến quân vào Ấn Độ Dương, ra điều kiện đàm phán với Mỹ
Ngày 22/6, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thông báo kế hoạch sẽ thiết lập một căn cứ quân sự thường trực tại Ấn Độ Dương vào tháng 3/2021 theo chỉ đạo của nhà lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei về tính cấp thiết của sự hiện diện thường trực của lực lượng này tại vùng biển cách xa Iran. Đến nay, Hải quân IRGC đã triển khai hai hạm đội nhỏ tới khu vực Ấn Độ Dương.
Liên quan quan hệ Mỹ-Iran, ngày 24/6, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố, nước Cộng hòa Hồi giáo sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington xin lỗi vì đã rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đền bù cho Tehran. Tuy nhiên, ông Rouhano nói rằng: "Những lời kêu gọi đàm phán với Tehran chỉ là lời nói và sự lừa dối".
Về chương trình hạt nhân Iran, Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại thuộc Quốc hội nước này cho biết, nghị quyết gần đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) liên quan chương trình hạt nhân của Iran mang động cơ "chính trị và không chuyên nghiệp" dưới áp lực của Mỹ và các đồng minh".
Tuyên bố cáo buộc IAEA đã thông qua nghị quyết dựa trên các cáo buộc của cơ quan tình báo Israel. Cũng theo tuyên bố, Iran sẽ không cho phép các tổ chức quốc tế được sử dụng như công cụ của Mỹ và các đồng minh để đe dọa chủ quyền của Iran.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Hội đồng thống đốc gồm 35 thành viên của IAEA ngày 19/6 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Tehran cho phép các thanh sát viên của tổ chức này tiếp cận hai cơ sở hạt nhân của Iran, đồng thời thúc giục Iran hợp tác đầy đủ và đáp ứng các yêu cầu của cơ quan này mà không được chậm trễ, kể cả việc cho phép các thanh sát viên nhanh chóng tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này theo chỉ định của IAEA. (Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
Trung Đông
Liên hợp quốc lên tiếng về 'tham vọng' của Israel
Ngày 23/6, trước thềm cuộc họp định kỳ mỗi năm 2 lần về vấn đề Israel- Palestine dự kiến diễn ra ngày 24/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Israel từ bỏ kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây bị chiếm đóng, nhấn mạnh đây sẽ là động thái “vi phạm nghiêm trọng nhất luật pháp quốc tế”.
Ông cũng cảnh báo việc Israel cố tình sáp nhập Bờ Tây đe dọa những nỗ lực để tiến tới hòa bình cho toàn bộ khu vực Trung Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye khẳng định cộng đồng quốc tế nhất trí bác bỏ kế hoạch của Israel sáp nhập các vùng lãnh thổ thuộc Bờ Tây, đồng thời kêu gọi "cộng đồng quốc tế công nhận một Nhà nước Palestine, coi đó như một bước đi ưu tiên và áp đặt các biện pháp trừng phạt Israel nếu họ vẫn quyết tâm xúc tiến kế hoạch sáp nhập". (AFP)
Bạn có thể quan tâm: