Ngoại trưởng Đức trong một chuyến thăm tới Trung Đông. (Nguồn: DPA) |
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Bắc Kinh chỉ trích Mỹ về khả năng cấm UAV Trung Quốc: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 3/1 tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để đáp trả việc Mỹ thông báo đang xem xét hạn chế thiết bị bay không người lái (UAV) thương mại của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.
Trước đó một ngày, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đang xem xét các quy định mới để giải quyết nguy cơ từ UAV được sản xuất với công nghệ của các đối thủ nước ngoài như Trung Quốc và Nga. Những nỗ lực này có thể dẫn đến việc ban hành quy định hoặc lệnh cấm đối với UAV Trung Quốc, vốn đang thống trị thị trường toàn cầu. (THX)
*Philippines cải tổ Hội đồng an ninh quốc gia: Phó Tổng thống Philippines Sara Duterte sẽ không còn tham gia Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) sau khi Tổng thống nước này Ferdinand Marcos Jr. ký sắc lệnh loại bà khỏi cơ quan này, sau khi hai cựu đồng minh vướng phải rạn nứt trầm trọng hồi năm ngoái.
Tổng thống Marcos khẳng định việc tái cơ cấu NSC là cần thiết để "đảm bảo các thành viên hội đồng duy trì và bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia".
Sara Duterte, con gái cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, hiện đang đối mặt với các đơn kiến nghị luận tội cáo buộc bà tham nhũng, thiếu năng lực và tích lũy tài sản bất chính trong thời gian tại chức. Bà đã bác bỏ các cáo buộc này. (Reuters)
*Trung Quốc mô phỏng cuộc chiến bất ngờ với Mỹ ở Biển Đông: Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã có được các thông số chính của tên lửa chống hạm tàng hình mới nhất của quân đội Mỹ và áp dụng chúng vào mô phỏng chiến tranh.
Nhà nghiên cứu Vương Thiên Hiểu thuộc Viện Công nghệ Điện toán Bắc Trung Quốc cho biết ông và đồng nghiệp đã mô phỏng một trận hải chiến quy mô lớn giữa Trung Quốc và Mỹ và tiết lộ một số chi tiết chính trong một bài báo được công bố vào tháng trước.
Theo kịch bản, quân đội Mỹ bất ngờ tấn công quy mô lớn vào hạm đội Trung Quốc, với một đợt gồm 10 tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM) được phóng đồng thời từ các bệ phóng khác nhau, nhắm vào một trong những tàu khu trục lớn hộ tống tàu sân bay Trung Quốc. (SCMP)
*Ấn Độ quan ngại với Trung Quốc về đập thủy điện tại Tây Tạng: Ngày 3/1, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo New Delhi đã bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh về kế hoạch của Trung Quốc xây dựng đập thủy điện tại Tây Tạng trên sông Yarlung Zangbo, con sông chảy qua lãnh thổ Ấn Độ.
Các quan chức Trung Quốc cho hay, dự án thủy điện ở Tây Tạng sẽ không gây tác động lớn đến môi trường hay nguồn nước ở hạ nguồn. Tuy nhiên, Ấn Độ và Bangladesh vẫn bày tỏ quan ngại về con đập này.
Sông Yarlung Zangbo trở thành sông Brahmaputra khi chảy ra khỏi Tây Tạng và hướng về phía Nam vào các bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ, trước khi cuối cùng chảy vào Bangladesh. (Reuters)
*Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Hàn Quốc: Một nguồn thạo tin ngày 3/1 cho biết cơ quan ngoại giao của Mỹ và Hàn Quốc đang trao đổi lần cuối về phương án tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng song phương khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Seoul vào ngày 5/1 tới.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Blinken có kế hoạch công du Hàn Quốc trước khi đến Nhật Bản. Đây là chuyến thăm cuối cùng của ông Blinken trước khi chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump ra mắt.
Hai bên dự kiến sẽ đánh giá những thành quả trong việc củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn và tăng cường hợp tác ba bên Mỹ-Hàn-Nhật đạt được dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, vấn đề Triều Tiên và các điểm nóng khu vực và thế giới. (Yonhap)
*Trung Quốc tuyên bố tăng cường phối hợp chiến lược với Nga: Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy tuyên bố Trung Quốc có kế hoạch tăng cường phối hợp chiến lược với Nga vì lợi ích của cả hai nước và góp phần vào sự phục hưng của hai nước cũng như ổn định toàn cầu.
Đại sứ Trương Hán Huy khẳng định quan hệ Nga-Trung đã đạt đến đỉnh cao lịch sử dưới thời Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông hoan nghênh sự ủng hộ kiên định của Nga đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này coi trọng lập trường của Nga và ủng hộ các nỗ lực của Moscow trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. (Sputniknews)
*Quân đội Afghanistan và Pakistan đấu súng qua biên giới: Truyền thông dẫn lời giới chức địa phương tại Afghanistan cho biết, ngày 3/1, lực lượng vũ trang nước này và Pakistan đã đấu súng dọc khu vực biên giới chung.
Hãng TOLO News dẫn lời ông Mustaghfir Gurbaz, người phát ngôn cho tỉnh trưởng tỉnh Khost của Afghanistan, cáo buộc quân đội Pakistan bắn đạn cối vào 3 khu định cư. Theo ông, lực lượng Afghanistan đã đáp trả.
Căng thẳng tại khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan leo thang sau khi Pakistan thực hiện các cuộc không kích vào tỉnh Paktika ở miền Tây Afghanistan cuối tháng 12/2024, khiến hơn 50 người thiệt mạng và 40 người bị thương.
Lực lượng vũ trang Pakistan cáo buộc Taliban chứa chấp các thành viên của nhóm cực đoan Tehrik-e Taliban Pakistan tại các khu vực biên giới của Afghanistan. (TOLO News)
Châu Âu
*Đàm phán thành lập chính phủ tại Áo thất bại: Ngày 3/1, đàm phán thành lập chính phủ liên minh 3 đảng tại Áo đã đổ vỡ sau khi đảng nhỏ nhất trong liên minh rút khỏi cuộc thương lượng.
Các cuộc đàm phán kéo dài từ tháng 10/2024, khi Tổng thống Áo giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cho Thủ tướng Karl Nehammer thuộc phe bảo thủ. Quyết định này được đưa ra sau khi tất cả các đảng từ chối hợp tác với lãnh đạo đảng Tự do cánh hữu, đảng đã lần đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc hồi tháng 9/2024.
Đảng của ông Nehammer và đảng Dân chủ Xã hội từng cùng cầm quyền tại Áo, nhưng hiện chỉ có được thế đa số sít sao trong Quốc hội được bầu hồi tháng 9/2024, với tổng cộng 92/183 ghế. Con số này được coi là quá mong manh, khiến hai đảng tìm cách liên minh thêm với đảng Neos. (AP)
*Tình báo Nga: Phương Tây lo ngại về khả năng phòng thủ của Ukraine: Hãng thông tấn TASS ngày 3/1 dẫn tuyên bố của Văn phòng báo chí thuộc Tổng cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) cho biết phương Tây lưu ý rằng khả năng chống chọi của Ukraine trước quân đội Nga đã suy giảm và không loại trừ hệ thống phòng thủ của quân đội Ukraine sẽ sớm sụp đổ.
Văn phòng báo chí của SVR cho biết thêm chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách tránh kịch bản này bằng cách nhấn mạnh vào việc "cung cấp thêm các loại vũ khí phức tạp hơn, bao gồm tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Nhà Trắng thừa nhận rằng việc cung cấp trang thiết bị cho quân đội Ukraine là không đủ để ổn định tiền tuyến". (TASS)
*Nga trở thành nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ 2 sang EU: Căn cứ vào dữ liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Bruegel, Nga đã tăng lượng khí đốt xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) lên 54,45 tỷ m3 vào năm 2024, đưa nước này vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho EU.
EU đã nhập khẩu 297,9 tỷ m3 khí đốt vào năm 2024, trong đó 54,45 tỷ m3 được mua từ Nga, tăng 21% so với năm 2023. Do đó, thị phần của Nga trên thị trường EU đã tăng từ 14,2% lên 18,3%. Trong các nước xuất khẩu, chỉ Na Uy cung cấp nhiều khí đốt hơn cho EU vào năm ngoái - 93,3 tỷ m3 so với 90,3 tỷ m3 của năm trước. Mỹ, nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai sang EU vào năm 2023, đã giảm nguồn cung gần 18% vào năm 2024 xuống còn 51,3 tỷ m3 và trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba. Kết quả là thị phần của Mỹ đã giảm từ mức 19,7% xuống còn 17,2%. (Sputniknews)
*Thụy Điển tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine: Bộ Quốc phòng Thụy Điển ngày 3/1 tuyên bố nước này sẽ phân bổ 300 triệu kronor (26,8 triệu USD) cho Romania để cung cấp 1 tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine.
Trong tuyên bố, Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho biết: “Chính phủ đã quyết định phân bổ 300 triệu kronor Thụy Điển để hỗ trợ gián tiếp cho hệ thống phòng không của Ukraine. Nguồn tiền này sẽ được chuyển tới Romania để thay thế hệ thống Patriot đã chuyển giao cho Ukraine”.
Theo tuyên bố, 300 triệu kronor được trích từ các gói viện trợ cho Kiev đã được Stockholm công bố trước đó.
Hồi tháng 9, Thượng viện và Hạ viện Romania đã thông qua các nội dung sửa đổi, trong đó cho phép nước này cung cấp 1 tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine. Romania hiện vận hành 2 hệ thống Patriot, và 2 tổ hợp khác đang trong quá trình đưa vào hoạt động. (Sputnik)
*Ukraine bỏ tù công dân chỉ điểm cho tên lửa Nga: Tòa án Ukraine ngày 2/1 đã tuyên phạt một người đàn ông 15 năm tù giam vì hành vi chuyển thông tin có thể giúp quân đội Nga nhắm mục tiêu trong những cuộc tấn công bằng tên lửa.
Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) cho biết bị cáo - 36 tuổi, sống ở vùng Chernivtsi, phía Tây Nam Ukraine - “đã cố gắng chuyển cho quân xâm lược tọa độ của các nhà kho địa phương chứa nhiên liệu và chất bôi trơn” để các cơ sở này nằm trong mục tiêu có thể bị nhắm bắn trong những cuộc không kích.
Theo SBU, đối tượng đã “trốn ở nhà” trong 2 năm để tránh bị quân đội Ukraine gọi nhập ngũ. Sau khi được các nhân viên tình báo Nga liên lạc trực tuyến, ông ta đã đề nghị làm việc với họ. SBU nhấn mạnh vụ bắt giữ người đàn ông này đã ngăn chặn được “một loạt” cuộc không kích nhắm vào “cơ sở hạ tầng trọng yếu”. (AFP)
*Nga công bố thương vong của quân đội Ukraine trong chiến sự năm 2024: Bộ Quốc phòng Nga công bố số liệu ghi nhận trong cả năm 2024, quân đội Ukraine đã mất 593.410 binh sĩ trong chiến đấu, con số thương vong lớn nhất tập trung vào giai đoạn từ cuối tháng 10 đến ngày 1/11.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong tuần đầu năm 2024, Ukraine tổn thất gần 4.000 binh sĩ; đến tháng 3, con số này tăng lên hơn 7.000 người, liên quan đến việc quân đội Ukraine tấn công sang lãnh thổ Nga ở 2 tỉnh Kursk và Belgorod. Kể từ cuối tháng 5, con số thương vong của phía Ukraine đã vượt quá 10.000 người mỗi tuần. Đặc biệt, trong tuần từ 26/10 đến 1/11, Ukraine đã mất tới gần 17.000 binh sĩ.
Cũng trong năm 2024, quân đội Nga đã thực hiện hơn 1.500 cuộc tập kích bằng vũ khí chính xác cao vào các điểm đóng quân và cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine, trong đó có 5 đợt tấn công ồ ạt sử dụng vũ khí chính xác cao và thiết bị bay không người lái. (TASS)
*Chuyên gia Pháp dự báo NATO có thể tan rã trong 5 năm tới: Đại tá Không quân Regis Chamagne - Tư lệnh Binh đoàn Danh dự của quân đội Pháp - nhận định mặc dù Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không tan rã sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng số phận đó vẫn đang chờ đợi liên minh quân sự này trong những năm tới do thiếu tiềm lực địa chính trị.
Trả lời phỏng vấn mạng tin tức Strapol, ông Chamagne chia sẻ: “Theo tôi, NATO sẽ sớm biến mất. NATO lẽ ra phải biến mất sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng kết cục này đã không xảy ra vì những lý do sinh tồn. NATO đã tìm kiếm những sứ mệnh mới… Dự báo của tôi là trong vòng 5 năm tới có thể sẽ không còn cả NATO lẫn EU. (TASS)
Trung Đông – châu Phi
*Israel đánh chặn tên lửa và UAV phóng từ Yemen: Ngày 3/1, quân đội Israel tuyên bố bắn hạ một tên lửa và một máy bay không người lái (UAV) phóng từ Yemen.
Theo thông báo, các mảnh đạn của vụ đánh chặn tên lửa rơi xuống khu vực Modi'in ở miền Trung Israel. Trong khi đó, UAV từ Yemen đã bị bắn hạ trước khi vào lãnh thổ Israel.
Phong trào Houthi tại Yemen đã tăng cường các cuộc tấn công vào Israel kể từ khi lệnh ngừng bắn giữa Tel Aviv và phong trào Hezbollah tại Liban có hiệu lực vào tháng 11/2024. Để đáp trả, Israel cũng đã đẩy mạnh tấn công Yemen, bao gồm cả việc nhắm vào sân bay quốc tế Sanaa vào cuối tháng 12/2024. (Arab News)
*Ngoại trưởng Đức, Pháp thăm Syria: Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Pháp Jean-Noel Barrot ngày 3/1 đã đến Damascus trong chuyến thăm chính thức đầu tiên kể từ khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.
Trong tuyên bố trước chuyến thăm, bà Baerbock còn nói rằng bà muốn giúp Syria trở lại thành “một nhà nước hoạt động với quyền kiểm soát hoàn toàn đối với lãnh thổ của mình”.
Trong khi đó, trên trang mạng X, Ngoại trưởng Barrot cho biết Pháp và Đức luôn sát cánh cùng người dân Syria. Ông khẳng định: “Tại Syria, chúng tôi muốn thúc đẩy quá trình chuyển giao hòa bình cho người dân Syria và vì sự ổn định của khu vực”. (AFP)
*Israel nhận định Hamas đang trở lại mạnh mẽ ở Dải Gaza: Truyền thông Israel ngày 2/1 đánh giá lực lượng Hamas ở Dải Gaza đang có sự trở lại mạnh mẽ bằng cách tuyển dụng thêm các chiến binh mới.
Theo các phân tích từ kênh tin tức Channel 12 của Israel, Hamas và phong trào Jihad Hồi giáo Palestine hiện có tổng cộng khoảng 20.000 - 23.000 chiến binh.
Nếu những thông tin nêu trên là chính xác, thì Hamas đang tăng cường lực lượng một cách đáng kể, với phần lớn chiến binh tập trung ở miền Nam Dải Gaza. Tuy nhiên, các số liệu do truyền thông và cơ quan chức năng Israel đưa ra về số lượng chiến binh Hamas tại Gaza đều không thể kiểm chứng.
Trong hơn 1 năm qua, hơn 2,3 triệu người dân ở Gaza đã phải liên tục di chuyển khắp dải đất nhỏ hẹp này nhằm tránh các đòn tấn công của Israel, do đó, khó có thể phân biệt một cách rõ ràng giữa người dân và chiến binh Hamas. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Tòa án Mỹ xét xử trùm tiền ảo Kwon Do-hyung: Tòa án khu vực phía Nam New York đã mở phiên tòa đầu tiên xét xử "ông trùm tiền ảo" Kwon Do-hyung, người bị Tòa án Montenegro quyết định dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc gây ra vụ sụt giá thê thảm của 2 đồng tiền điện tử Luna và TerraUSD (UST), khiến các nhà đầu tư trên toàn thế giới bị thiệt hại lên tới 40 tỷ USD vào năm 2022.
Tại tòa, luật sư của ông Kwon khẳng định thân chủ của mình vô tội, không hề lừa đảo các nhà đầu tư. Ông Kwon từng bị xử thua kiện trong vụ kiện của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ và thỏa thuận mức bồi thường ở mức khoảng 4,5 tỷ USD. Phiên tòa tiếp theo dành cho ông này dự kiến diễn ra vào ngày 8/1 tới. (AFP)
*Venezuela bác khiếu nại của Argentina trước Tòa hình sự quốc tế: Chính phủ Venezuela tuyên bố lập trường bác bỏ việc Argentina đệ đơn lên Tòa hình sự quốc tế (ICC) về việc bắt giữ hiến binh Argentina Nahuel Gallo, người bị cáo buộc thực hiện các hành động gây bất ổn cho chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Venezuela Yván Gil đưa ra sau khi Argentina thông báo đã đệ đơn khiếu nại lên ICC về việc bắt giữ hiến binh Gallo vào ngày 8/12/2024 tại Venezuela.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Argentina tuyên bố việc giam giữ Gallo là hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng mọi nguồn lực pháp lý và ngoại giao để đảm bảo quyền của người này. (AFP)
*Honduras cảnh báo đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ: Tổng thống Honduras Xiomara Castro cảnh báo rằng chính phủ quốc gia Trung Mỹ này có thể quyết định đóng cửa căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của mình trong trường hợp chính quyền Donald Trump tiến hành trục xuất hàng loạt người Honduras.
Theo nhà lãnh đạo Honduras, Mỹ đã duy trì các căn cứ quân sự ở quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua mà không phải trả bất kỳ một khoản phí nào. Từ năm 1982, quân đội Mỹ đã duy trì căn cứ không quân Soto Cano ở Palmerola, nằm cách thủ đô Tegucigalpa của Honduras khoảng 80 km về phía Bắc và hoạt động như trụ sở của Lực lượng đặc nhiệm chung Bravo - một trong hai lực lượng đặc nhiệm trực thuộc Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ. Căn cứ quân sự này là nơi đồn trú của hơn 500 lĩnh Mỹ. (Politico)
*Venezuela sẵn sàng tái lập quan hệ với Mỹ: Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuyên bố sẵn sàng tái thiết lập quan hệ với Mỹ dựa trên đối thoại và tôn trọng.
Nhà lãnh đạo Venezuela bày tỏ hy vọng quan hệ song phương sẽ bước sang một trang mới và một sự khởi đầu mới khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới.
Tổng thống Nicolas Maduro đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 2019, sau khi chính quyền Trump 1.0 (2017-2021) công nhận nhân vật đối lập Juan Guaidó là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela. (Reuters)