📞

Tin thế giới ngày 7/10: Lãnh đạo Nga – Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm, Mỹ tiếp tục nâng cấp THAAD

Minh Quân 20:16 | 07/10/2022
Na Uy cử tàu giám sát đường ống khí đốt tới Đức, Ấn Độ phản đối Đại sứ Mỹ tại Pakistan tới Kashmir…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Mỹ đang tiến hành nâng cấp hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật ngày 7/10.

Nga-Ukraine

* Quân đội Nga chuyển sang thế tấn công ở Spornyi: Trang mạng quân sự của Nga ngày 7/10 đưa tin, sau khi Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) phản công bất thành tại Spornyi, Bakhmut tại khu vực của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng khiến một lượng lớn thiết bị quân sự của VSU bị phá hủy, quân đội Nga đã chuyển sang tấn công ở khu vực này.

Theo Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Cộng hòa Chechnya Apti Alaudinov, quân đội Nga đang tiến công mạnh theo hướng Spornyi và đạt được thành công nhất định: “Tôi muốn lưu ý rằng trên mặt trận của chúng tôi, các tay súng của chúng tôi, cùng với Quân đoàn 2 Công an Dân quân LPR (Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng) và nhóm Wagner đang dần tiến bước, gây sức ép lên một đoạn chiến tuyến”.

Thông tin cũng cho biết quân đội Nga đã kiểm soát 2 khu dân cư Veselaya Dolina và Otradovka thuộc Donetsk, qua đó chặn đứng khả năng VSU tấn công theo hướng khu dân cư New York. Theo phóng viên Nga, việc VSU rút khỏi khu vực này đã làm suy yếu đáng kể vị thế chiến thuật và mở ra khả năng giành quyền kiểm soát khu dân cư chiến lược Bakhmut trong tương lai gần. Một ngày trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo việc kiểm soát làng Zaitsevo, Bakhmut. (Sputnik)

* Máy bay không người lái rơi tại sân bay quân sự gần Ukraine: Ngày 7/10, người đứng đầu khu vực Kaluga của Nga, ông Vladislav Shapsha, cho biết một máy bay không người lái đã rơi xuống sân bay quân sự Shaykovka tại đây, cách Ukraine hơn 200 km về phía Đông Bắc. Quan chức này nêu rõ: “Một máy bay không người lái, có lẽ bay từ phía bên kia biên giới, đã bị rơi… Cơ sở hạ tầng và thiết bị của sân bay không bị hư hại. Không có mối đe dọa nào đối với các hoạt động ở đây”. (Reuters)

* Ukraine muốn tăng trừng phạt để ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân: Người phát ngôn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tại cuộc thảo luận với Viện Lowy (Australia) ngày 6/10, ông Zelensky đã đề cập đến khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, coi đây là điều cần thiết để ngăn chặn Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, phát biểu của ông Zelensky đã xác nhận sự cần thiết của “chiến dịch quân sự đặc biệt” Moscow đang triển khai tại Ukraine. (Sputnik)

Châu Âu

* Lãnh đạo Nga-Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy quan hệ: Ngày 7/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về thực trạng và cách thúc tăng cường quan hệ song phương.

Về xung đột Nga-Ukraine, ông Erdogan nhấn mạnh Ankara sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình theo hướng có lợi cho tất cả các bên. Cuộc điện đàm diễn ra một ngày sau khi ông Erdogan dự hội nghị đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại Prague (Czech) và gặp lãnh đạo Pháp, Armenia và Azerbaijan. (Reuters)

* Na Uy cử tàu giám sát đường ống vận chuyển khí đốt sang Đức: Reuters dẫn nhiều nguồn tin và dữ liệu giám sát tàu biển Refinitiv cho biết Na Uy đã triển khai tàu chuyên dụng kiểm tra đường ống dẫn khí đốt dưới biển đến Đức do lo ngại vấn đề an toàn sau sự cố của 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2.

Theo Refinitiv, tàu Havila Subsea trang bị phương tiện vận hành dưới đáy biển điều khiển từ xa đã được triển khai ngày 5/10 để kiểm tra đường ống Europipe II nối nhà máy khí đốt Kaarstoe của Na Uy với Dornum tại Đức. Đường ống này dài 658 km, có khả năng vận chuyển 71 triệu m3 khí/ngày, tương đương khoảng 20% tổng lượng khí xuất khẩu của Na Uy.

Ông Jostein Alendal, Giám đốc Reach Subsea vận hành Havila Subsea, cho biết công tác giám sát được thực hiện theo yêu cầu của Equinor, cơ quan được nhà vận hành hệ thống khí đốt ngoài khơi Gassco ủy quyền để giám sát đường ống khí đốt.

Na Uy hiện thay Nga trở thành nước cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu sau khi các nước này tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Moscow. Tuần trước, Na Uy đã đặt ngành năng lượng vào tình trạng báo động cao, triển khai lực lượng hải quân và không quân tuần tra các cơ sở ngoài khơi và bố trí binh lính tại các nhà máy sản xuất khí đốt sau khi xảy ra sự cố rò rỉ ở hai Dòng chảy phương Bắc.

Trong báo cáo chung gửi lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 30/9 vừa qua, Đan Mạch và Thụy Điển cho biết các vụ nổ dưới biển với sức mạnh tương đương hàng trăm kg thuốc nổ có thể là nguyên nhân dẫn tới sự cố rò rỉ ở 2 đường ống vận chuyển khí đốt này. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Mỹ áp đặt thêm trừng phạt liên quan Triều Tiên: Ngày 7/10, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã áp đặt lệnh trừng phạt mới liên quan đến Triều Tiên, nhằm vào 2 công ty đăng ký hoạt động tại Singapore và Quần đảo Marshall, trong khi Washington tìm cách ngăn chặn Triều Tiên lách trừng phạt của nước này và Liên hợp quốc.

Ông Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách thông tin tài chính và chống khủng bố, cho biết: “Các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên, trong đó có cả vụ phóng qua Nhật Bản, thể hiện sự coi thường các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mỹ sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt đa phương và theo đuổi các nỗ lực trốn tránh các lệnh trừng phạt của Triều Tiên trên toàn thế giới, bao gồm cả việc xác định các cá nhân và công ty ủng hộ các hoạt động này”. (Reuters)

* Mỹ xúc tiến nâng cấp THAAD tại Hàn Quốc: Ngày 7/10, các quan chức Hàn Quốc thông báo Lực lượng Mỹ đồn trú tại nước này (USFK) đã bắt đầu bổ sung phụ kiện cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại một tỉnh miền Nam nhằm hoàn thiện chương trình nâng cấp, giúp cải thiện năng lực của hệ thống.

Trong vài năm qua, USFK đã triển khai chương trình nâng cấp 3 giai đoạn nhằm tích hợp hệ thống THAAD với tổ hợp tên lửa phòng không phiên bản nâng cấp (PAC-3 MSE), nhằm nâng cao năng lực của lực lượng phòng không một cách toàn diện. Theo các quan chức Hàn Quốc, việc chuyển giao các thiết bị bắt đầu từ ngày 6/10 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng này.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc kỳ vọng việc nâng cấp THAAD sẽ củng cố hơn nữa năng lực phòng thủ quốc gia, đồng thời khẳng định đây không phải động thái triển khai một hệ thống THAAD mới mà là thay thế các thiết bị hiện có bằng những thiết bị mới. Các thiết bị được thay thế sẽ được đưa trở lại Mỹ.

Hệ thống THAAD được thiết kế để bắn hạ tên lửa ở độ cao 40-150 km trong khi hệ thống PAC-3 MSE dùng để đánh chặn tên lửa ở độ cao 40 km và thấp hơn. Các chuyên gia cho biết sự tích hợp của 2 hệ thống được kỳ vọng sẽ tăng cường tính linh hoạt trong hoạt động phòng không. (Yonhap)

Đông Nam Á

* Indonesia hy vọng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ sớm kết thúc: Tiếp Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko tại Jakarta, Indonesia ngày 6/10, Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia Bambang Soesatyo cho biết: “Với tư cách là một người bạn, Indonesia hy vọng cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine có thể sớm kết thúc và thế giới có thể phục hồi nhanh chông”.

Ông Bambang cho rằng việc giải quyết xung đột giữa hai nước là cần thiết, vì lợi ích của người dân Nga và Ukraine nói riêng và thế giới nói chung. Theo ông, xung đột chấm dứt sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi toàn cầu sau đại dịch Covid-19. (Reuters)

Nam Á

* Ấn Độ phản đối Đại sứ Mỹ tại Pakistan tới Kashmir: Ngày 7/10, Ấn Độ đã phản đối Đại sứ Mỹ tại Pakistan tới Kashmir, vốn được New Delhi coi là lãnh thổ của mình. Trả lời họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết: “Lời phản đối của chúng tôi về chuyến thăm này cũng như các cuộc gặp của Đại sứ Mỹ tại khu vực Jammu và Kashmir do Pakistan chiếm giữ đã được chuyển tới phía Mỹ”. (Reuters)

* Ấn Độ: Đã tìm thấy 19 người thiệt mạng trong vụ lở tuyết trên dãy Himalaya: Nhà chức trách Ấn Độ ngày 7/10 cho biết số người thiệt mạng trong vụ lở tuyết trên dãy núi Himalaya sáng ngày 4/10 đã tăng lên 19. Hiện thời tiết xấu đang cản trở nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã bước sang ngày thứ 4.

Người phát ngôn cơ quan ứng phó thảm họa bang Uttarakhand, Ridhim Aggarwal cho biết: “19 thi thể được tìm thấy. 10 người vẫn còn mất tích. Hoạt động cứu hộ đã được nối lại nhưng thời tiết rất xấu”. Hiện Cảnh sát và Không quân Ấn Độ đã được huy động để giúp tìm kiếm và đến nay đã cứu được 32 người từ dãy núi bất chấp tuyết và mưa.

Trước đó, sáng 4/10, một đoàn gồm hàng chục học viên leo núi đã gặp phải trận lở tuyết khi đang leo gần đỉnh Draupadi ka Danda-II ở độ cao 4.900 m so với mực nước biển, thuộc bang Uttarakhand, Bắc Ấn Độ. (The Indian Express)