📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 11/5

Quang Đào 09:30 | 11/05/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Cạnh tranh thị trường fintech Đông Nam Á ngày một gay gắt... là những thông tin chính trong bản tin ngày hôm nay
Đa số người dân Thái Lan đồng ý nới lỏng các biện pháp hạn chế do dịch Covid-19. (Nguồn: AFP)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính đến rạng sáng ngày 11/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 58.601 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.521 ca so với 1 ngày trước. Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.883 người dân ở khu vực này, tăng 29 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 15.763 trường hợp.

Ngày 10/5, Thái Lan đã thông báo về 5 ca mắc Covid-19, song không có trường hợp tử vong. Như vậy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan hồi tháng 1, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 3.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 56 trường hợp tử vong.

Thái Lan bắt đầu giai đoạn 1 của tiến trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 3/5, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5. Giai đoạn 2 của tiến trình gồm 4 giai đoạn này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số ca mắc Covid-19 mới không tăng.

Malaysia ghi nhận thêm 67 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 6.656 người, trong đó có 108 ca tử vong. Trước tình hình này, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh thêm 4 tuần đến ngày 9/6, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang dần mở cửa trở lại hoạt động kinh tế vốn bị đình trệ bởi đại dịch Covid-19.

Bộ Y tế Singapore thông báo trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 876 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 23.336 người, tiếp tục là điểm nóng của dịch Covid-19 tại khu vực

Bộ Y tế Philippines cũng xác nhận 184 ca nhiễm, đưa tổng số ca ở nước này lên 10.794 người. Cũng trong 24 giờ qua, Philippines có 15 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 719 người. Số trường hợp hồi phục hiện là 1.924 người.

Tại quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia, ngày 10/5 chính phủ nước này thông báo 387 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.032 người. Indonesia cũng ghi nhận 14 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 973 người.

Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei Timor Leste tiếp tục thành công trong nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19, khi không ghi nhận bất kỳ ca tử vong hay dương tính với virus SARS-CoV-2 nào.

(TGVN/TTXVN)

Cạnh tranh thị trường fintech Đông Nam Á ngày một gay gắt

Các công ty công nghệ tài chính (fintech) Trung Quốc như Baidu, Alibaba and Tencent đã trưởng thành nhờ chế độ chính sách nội địa thuận lợi với các tiêu chuẩn rất khác biệt so với các thị trường khác. Các sản phẩm ví điện tử như WeChat và AliPay chiếm đến 90% các giao dịch ở thị trường Trung Quốc

Chính vì vậy, các công ty này đang bắt đầu hướng tới thị trường nước ngoài và thị trường Đông Nam Á có vẻ là món hời béo bở, khiến cuộc chiến giữa các công ty fintech tại đây sẽ ngày một nóng hổi.

Dường như, những công nghệ của Trung Quốc khá phù hợp với các nước đang phát triển ở Đông Nam Á nhờ những yếu tố như địa lý, nhân khẩu học và lượng khách du lịch Trung Quốc tới thị trường này là rất lớn. Tuy nhiên, Đông Nam Á cũng đang có nhiều công ty khởi nghiệp fintech đã đạt được khá nhiều thành công tại thị trường nội địa như Grab, Gojek,...

Khả năng cạnh tranh và sự phổ biến của các nhà cung cấp thanh toán di động Trung Quốc ở Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào việc liệu các tập đoàn Trung Quốc có mang lại những dịch vụ mới lạ nào ngoài các ví điện tử vốn đã rất thành công tại thị trường trong nước hay không.

(Business Times)

Dịch vụ y tế từ xa có thể là công nghệ đổi mới sáng tạo chủ đạo của Đông Nam Á trong tương lai.

Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi công nghệ chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á

Trước đại dịch Covid-19, thị trường công nghệ y tế châu Á được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 133 tỷ USD vào năm 2020. Đã có nhiều cuộc thảo luận về đổi mới và tăng trưởng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ số hóa hồ sơ bệnh nhân đến cải tiến thiết bị công nghệ thông tin được sử dụng bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Do sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 đã khiến các nguồn lực y tế của nhiều quốc gia bị quá tải. Một số quốc gia ASEAN như Indonesia và Philippines phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, vì các nhân viên y tế đã kiệt sức và phải vật lộn để tăng cường các mẫu xét nghiệm Covid-19.

Để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ y tế đã cung cấp các chiến lược mới để giúp chống lại đại dịch, bao gồm các công nghệ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm và tạo liên lạc giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Doctor Anywhere, công ty cung cấp dịch vụ y tế từ xa của Singapore đã phát triển các dịch vụ để giúp những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19 tìm sự giúp đỡ sớm nhất có thể từ các bác sĩ mà không cần phải đến phòng khám.

Ngoài Singapore, Doctor Anywhere còn hoạt động ở Thái Lan và Việt Nam và trong tháng 3 vừa qua, công ty này đã nhận được khoản đầu tư 27 triệu USD để phát triển tại các thị trường khác.

Nhiều chuyên gia nhận định, sau dịch Covid-19, các dịch vụ y tế từ xa sẽ dần trở thành tiêu chuẩn, vì ngành công nghiệp này được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày và hệ thống chăm sóc sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, dịch vụ này sẽ không thể thay thế được các phòng khám và bệnh viện truyền thống.

(ASEAN Today)

ASEAN Para Games 2020 chính thức bị hủy bỏ vì Covid-19

Ngày 8/5, Liên đoàn Thể thao Người khuyết tật ASEAN (APSF) đã chính thức tuyên bố hủy bỏ Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 10 (ASEAN Para Games) tại Philippines, sau khi Manila rút khỏi việc tổ chức sự kiện này vì đại dịch Covid-19. Thông báo này được Chủ tịch APSF Osoth Bhavilai gửi tới Ủy ban Thế vận hội dành cho người khuyết tật Đông Nam Á.

Trước đó, ngày 3/5, Ủy ban thể thao Philippines (PSC) đã ngừng hỗ trợ tài chính cho việc tổ chức kỳ Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông - Nam Á lần thứ 10 tại quốc đảo này, nhằm dồn nguồn lực cho cuộc chiến chống Covid-19.

Ban đầu, Đại hội được ấn định tổ chức vào tháng một đầu năm nay nhưng buộc phải dời lại đến tháng 3-2020 do khó khăn về tài chính và lý do kỹ thuật. Tiếp sau đó, sự kiện thể thao lớn nhất khu vực dành cho các vận động viên khuyết tật lại tiếp tục bị hoãn lần thứ hai do những lo ngại về đại dịch Covid-19, dời từ tháng ba sang tháng 10 cùng năm. Và cuối cùng, sau hai lần báo hoãn, chủ nhà Philippines đã thông báo hủy tổ chức ASEAN Para Games 2020 sau khi PSC ngừng hỗ trợ tài chính cho sự kiện này như là một phần của các biện pháp chống dịch.

Không thể tham dự ASEAN Para Games năm nay, các vận động viên sẽ phải tiếp tục chờ đợi cho đến ít nhất là mùa hè năm 2021, thời điểm dự kiến tổ chức Thế vận hội dành cho người khuyết tật - Paralympic 2020 tại Nhật Bản, hoặc ASEAN Para Games 2021 dự kiến diễn ra vào cuối năm sau tại Việt Nam.

(Jakarta Post)