Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Yangon, Myanmar. (Nguồn: THX) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 1/9, ASEAN có tổng số nhiễm Covid-19 là trên 467.572 ca, trong khi tổng số ca tử vong là 11.230 người. Trong ngày 31/8, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 6.349 ca mắc Covid-19 tại 8 quốc gia và 115 ca tử vong tại 4 quốc gia ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Việt Nam và Malaysia.
Tại Philippines, dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay. Malaysia ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 sau nhiều tuần. Trong khi đó, số ca mắc mới ở Myanmar đang có xu thế tăng trong những ngày qua.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Tại Indonesia, ngày 31/8, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận thêm 2.743 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên thành 174.796 ca. Ngoài ra, đã có thêm 74 người tử vong, nâng số người tử vong lên thành 7.417 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo đã ghi nhận thêm 3.446 ca mắc và 38 ca tử vong do dịch Covid-19, nâng tổng số ca mắc và ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 220.819 ca và 3.558 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân đã bình phục đã tăng lên 157.562 người.
Thứ trưởng Y tế Rosario Vergeire cho biết Philippines hiện đang thảo luận và nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán với 16 nhà sản xuất vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Hiện đã có 5 bệnh viện của Philippines được xác định là địa điểm tiềm năng để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine phòng Covid-19 do công ty công nghệ sinh học Sinovac có trụ sở tại Trung Quốc sản xuất.
Trong khi đó, Bộ Y tế và Thể thao Myanmar cho biết, hết ngày 31/8, nước này phát hiện thêm 107 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 882 ca.
Campuchia ngày 31/8 công bố thêm một ca nhiễm mới Covid-19 là trường hợp một bệnh nhân người Pháp, 30 tuổi, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại nước này lên 274 người và kết thúc chuỗi 16 ngày liên tiếp Campuchia không có ca mắc mới tính đến hôm qua 30/8.
Tại Việt Nam, Bản tin 6h sáng ngày 1/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, không có ca mắc mới Covid-19 được ghi nhận. Như vậy, đã bước vào ngày thứ 3, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Các ổ dịch Đà Nẵng và Hải Dương cũng được kiểm soát cơ bản.
(TGVN/TTXVN)
Xây dựng và đẩy mạnh bản sắc ASEAN
Ngày 31/8, Ban thư ký ASEAN đã tổ chức cuộc họp tham vấn trực tuyến liên ngành và liên trụ cột về xây dựng “Bản tường thuật về bản sắc ASEAN”. Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội Kung Phoak và người đứng đầu các bộ phận phụ trách 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN đã tham dự cuộc họp.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Dato Lim nhấn mạnh để có sức thu hút rộng rãi hơn, ASEAN không chỉ cần nâng cao sự hiểu biết về tổ chức, mà còn cần thúc đẩy sự gắn kết của 660 triệu người dân trong khu vực. Về phần mình, Ngoại trưởng Marsudi cho rằng bản sắc ASEAN phải trở thành “linh hồn gắn kết ASEAN”.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký ASEAN Kung Phoak kêu gọi các bộ phận của Ban thư ký tiếp tục chủ động lồng ghép bản sắc ASEAN. Theo ông, đây chỉ mới là bước khởi đầu. ASEAN sẽ có thêm nhiều cuộc thảo luận và cam kết với các bộ phận của Ban thư ký nhằm xây dựng và phát huy bản sắc ASEAN.
Văn kiện nói trên là nội dung chính của Năm Bản sắc ASEAN 2020 và là một trong những nội dung quan trọng của Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam. Theo kế hoạch, văn kiện này sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
(TTXVN)
Động lực mới trong quan hệ đối tác của ASEAN
Trước Brexit, rất ít người có thể tưởng tượng rằng Anh sẽ rời Liên minh châu Âu và ngay lập tức muốn trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN.
Nhìn về quá khứ, trong giai đoạn ASEAN mở rộng thành viên từ 1995-1999, khu vực đang phải điều chỉnh để sống chung với cuộc khủng hoảng tài chính và thế giới đa cực. Xu hướng này cũng thúc đẩy ASEAN thiết kế chính sách ngoại giao tiếp cận với tất cả các quốc gia có ảnh hưởng để đảm bảo sự cân bằng chiến lược bền vững giữa các bên.
Một thập kỷ sau khi thành lập, ASEAN nhận ra rằng quan hệ với các đối tác nước ngoài là rất quan trọng để đẩy mạnh kinh tế, tiếp cận thị trường và chuyển giao công nghệ cũng như hỗ trợ phát triển. Vào cuối những năm 1990, khi tiềm năng của khu vực ngày một tăng lên do sự ổn định tại khu vực, gần một chục quốc gia muốn hợp tác với ASEAN.
Ngoại trừ Australia và New Zealand đã được thừa nhận là đối tác đối thoại vào năm 1974 và 1975, từ năm 1977-1996 ASEAN đã có thêm 8 đối tác như vậy, đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Nga, Ấn Độ, Mỹ và EU, ngoại trừ LHQ và các tổ chức khu vực khác.
Với Vương quốc Anh, họ có đầy đủ các phẩm chất để trở thành một đối tác đối thoại quan trọng với ASEAN. Xét cho cùng, Anh đã từng là một thành viên EU và hiện chỉ đang tự mình chuyển đổi. Tháng 11/2019, ông Jon Lambe đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Anh tại ASEAN, thể hiện thiện chí và nhu cầu đẩy mạnh quan hệ Anh-ASEAN. Anh là một nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn với ASEAN, với những lĩnh vực chính về du lịch và giáo dục.
Ngoài ra, Anh cũng sẽ mang thêm giá trị giúp ASEAN vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19, nhờ nền y tế hiện đại và nghiên cứu vaccine tiên tiến, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng ASEAN.
Dường như tất cả thành viên ASEAN đều ủng hộ Anh trở thành đối tác đối thoại, tuy nhiên, hiện tại ASEAN vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để đưa ra quyết định.
(Bangkok Post)
Công bố Giải thưởng khoa học ASEAN-Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ
Ngày 31/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN (COSTI), Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), và Phòng thí nghiệm Underwriters đã công bố Giải thưởng khoa học ASEAN-Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ năm 2020 với chủ đề chăm sóc sức khỏe dự phòng.
Giải nhất kèm phần thưởng trị giá 20.000 USD đã thuộc về Tiến sĩ người Malaysia Chan Yoke Fun, trong khi Tiến sĩ người Singapore Shefaly Shorey giành Giải danh dự cùng phần thưởng trị giá 5.000 USD.
Tiến sĩ Chan là Trưởng Bộ môn Vi sinh y học thuộc Khoa Y trường Đại học Malaya. Bà đã tập trung nghiên cứu phát triển một loại vaccine chống lại virus gây bệnh tay chân miệng và các bệnh viêm não ở trẻ em, đồng thời cộng tác với các chuyên gia địa phương nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm và cách phòng chống loại virus này.
Tiến sĩ Shefaly Shorey - hiện là Trợ lý Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Điều dưỡng Alice Lee thuộc Đại học Quốc gia Singapore - là chuyên gia điều dưỡng. Các nghiên cứu của bà tập trung vào ngăn ngừa bệnh trầm cảm ở nữ giới khi mang thai và sinh con. Bà đã tìm cách vận động các nhà hoạch định chính sách thông qua nghiên cứu của mình nhằm hỗ trợ sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong khu vực.
(Universiti Malaya)