📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 24/8: Cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, ASEAN và Trung Quốc nối lại đàm phán Biển Đông

Quang Đào 09:26 | 24/08/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19, ASEAN trước cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Người dân đeo khẩu trang và tấm chắn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 khi mua sắm tại một khu chợ ở Manila, Philippines ngày 16/8. (Nguồn: THX)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 24/8, ASEAN có tổng số nhiễm Covid-19 trên 414.059 ca, trong khi tổng số ca tử vong là 9.924 người. Trong đó, ASEAN ghi nhận thêm 4.475 ca mắc mới và 119 ca tử vong trong ngày.

Sau 5 ngày liên tiếp ghi nhận ca nhiễm mới ở mức trên 4.000 ca, ngày 23/8, Philippines chứng kiến số ca nhiễm mới giảm mạnh xuống 2.352 ca, trong khi tổng ca tử vong ở nước này đã lên tới gần 3.000 người. Tuy nhiên với tổng cộng gần 190.000 ca nhiễm, Philippines vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á.

Trước đại dịch, Philippines là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, nhưng đã rơi vào thời kỳ suy thoái đầu tiên trong vòng 29 năm qua, với mức giảm kỷ lục trong quý 2/2020 do các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch.

Tại Indonesia, số liệu từ Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 nước này cho thấy đã ghi nhận thêm 2.037 ca mới, nâng tổng số ca lên 153.535 ca. Ngoài ra, Indonesia cũng thông báo có thêm 86 ca tử vong, nâng tổng số lên 6.680 ca, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Thái Lan đang thận trọng xem xét các kế hoạch tái mở cửa các đường biên giới trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, với các du khách quốc tế chiếm khoảng 2/3 doanh thu. Trong đó, Thái Lan có thể cho phép những du khách quốc tế đầu tiên quay trở lại nước này từ đầu tháng 10/2020. Du khách từ những quốc gia có số ca nhiễm hạn chế có thể sẽ được yêu cầu đeo vòng tay định vị GPS cũng như cần cách ly tại khách sạn trong 14 ngày đầu tiên.

Trong khi đó, Malaysia thông báo thêm 10 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.267 ca. Trong số các ca mới nhiễm có 8 ca là nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng có thêm 10 ca bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 8.959 ca, chiếm 96,7% số ca nhiễm.

Tại Singapore, giới chức nước này ngày 23/8 ghi nhận 87 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 lên 56.353 người. Trước đó một chùm lây nhiễm mới lại được phát hiện tại khu ký túc xá công nhân lớn nhất Singapore, khoảng 1 tháng sau khi nơi đây được công bố là "sạch" virus SARS-CoV-2.

Tại Việt Nam, Bản tin 6h sáng ngày 24/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Việt Nam vẫn có 1016 bệnh nhân.

(TGVN/TTXVN)

ASEAN và cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ

Mặc dù số lượng các ca nhiễm Covid-19 hiện vẫn tiếp tục tăng ở mức đáng báo động, nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang tìm các cân bằng việc ngăn chặn sự lây nhiễm của virus và phục hồi kinh tế bằng các sáng kiến thương mại, do chính phủ các nước không có khả năng kéo dài các biện pháp kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, khả năng cao khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều. Những năm vừa qua, nền kinh tế khu vực này phụ thuộc lớn vào toàn cầu hóa - dòng vốn đầu tư và khách du lịch quốc tế. Đồng thời, "sức khoẻ" tài chính nhiều quốc gia hiện được đánh giá là tương đối "yếu".

Tại sự kiện do Trung tâm ASEAN-Nhật Bản tổ chức vào tuần vừa qua, Tổng thư ký ASEAN, ông Lim Jock Hoi khẳng định: "ASEAN đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng không giống bất cứ khu vực nào trên thế giới".

Các quốc gia đang đối mặt với những mối đe dọa khác nhau. Indonesia và Philippines liên tục ghi nhận hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia đã thành công trong cuộc chiến chống đại dịch. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đấu tranh với làn sóng dịch bệnh bất ngờ từ tháng trước.

Chính vì lẽ đó, các chuyên gia đánh giá rằng, viễn cảnh kinh tế khối ASEAN hiện vẫn chưa rõ ràng. Căng thẳng leo thang giữa hai trong số các đối tác kinh tế lớn nhất của khu vực là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế các nước Đông Nam Á.

(Nikkei)

Trung Quốc và ASEAN lên kế hoạch tổ chức đàm phán Biển Đông

Ba tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố lập trường mới của Mỹ về Biển Đông, Bắc Kinh đã kêu gọi các nhà ngoại giao từ 10 quốc gia ASEAN cùng họp mặt để bày tỏ về nguy cơ gia tăng xung đột trên vùng biển này.

Một số nhà ngoại giao ở ASEAN cho rằng, Bắc Kinh đã thể hiện thiện chí hơn bằng cách kêu gọi thảo luận về các cách giải quyết tranh chấp Biển Đông, một vấn đề mà Trung Quốc đang cố gắng gạt sang một bên để thay vào đó, tập trung vào hợp tác kinh tế song phương.

Trong cuộc gặp ở Bắc Kinh vào đầu tháng 8, một quan chức Trung Quốc phụ trách các vấn đề biên giới và hàng hải bày tỏ lo ngại của Bắc Kinh về “rủi ro cao” từ các hoạt động quân sự của “các nước ngoài khu vực”, câu nói mà Trung Quốc thường sử dụng khi thảo luận về vai trò của Mỹ ở châu Á.

Ngoài ra, ngày 20/8 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi rằng, Trung Quốc đã sẵn sàng hợp tác với ASEAN để đảm bảo đưa ra Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông trước thời hạn.

Các chuyên gia khu vực tin rằng, việc ra được COC là cực kỳ quan trọng, trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường sự hiện diện tại khu vực và căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn ngày một tăng.

(SCMP)

Những thách thức về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á

ASEAN đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đảm bảo 23% năng lượng được dùng tại khu vực đến từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025, vì nhu cầu năng lượng trong khu vực dự kiến sẽ tăng 50%.

Với việc chi phí sản xuất năng lượng tái tạo như gió và quang điện mặt trời đang giảm nhanh chóng, Đông Nam Á đang có cơ hội vàng để đáp ứng nhu cầu điện to lớn của mình một cách hiệu quả và bền vững.

Nhu cầu năng lượng gia tăng và động lực cung - cầu thay đổi đang tạo ra những thách thức mới và khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách của khu vực. Bất chấp những cơ hội hiện có do các chính sách phù hợp tạo ra, một số thách thức đòi hỏi phải có cách tiếp cận trên phạm vi toàn khu vực.

Trong đó có một số vấn đề chính bao gồm, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực không hề rẻ và nhiều quốc gia không thể gồng gánh được khoản phí khổng lồ đó. Ngoài ra, điều kiện địa lý và kỹ thuật là một số thách thức mà các nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo trong khu vực phải đối mặt.

Việc sử dụng đất hợp lý và tác động đến môi trường sau này cũng là mối quan tâm lớn. Cuối cùng, sự thiếu nhận thức và sự thiếu ủng hộ của cộng đồng cũng góp phần vào những thách thức mà các quốc gia thành viên ASEAN phải đối mặt khi phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực.

(ASEAN Post)