ASEAN căng mình trước cạnh tranh nước lớn
Quan hệ giữa ASEAN, Trung Quốc và Mỹ đang chịu những áp lực nhất định, trong một thế giới mà trật tự toàn cầu đang thay đổi đáng kể.
Sự thay đổi này đe dọa tới thịnh vượng và an ninh chung của châu Á và là sản phẩm của những thay đổi lớn trong cấu trúc quyền lực toàn cầu.
Ngoài ra, áp lực này cũng đang ngày một gia tăng do đại dịch Covid-19 và tác động của nó lên nền kinh tế toàn cầu.
ASEAN hiện đang bị kẹt trong “cuộc chiến lợi ích” của Mỹ-Trung Quốc và các chính sách của hai cường quốc trên. Đối với Trung Quốc là vấn đề Biển Đông và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Sức mạnh ngày càng tăng và tham vọng địa chính trị của Trung Quốc khiến Mỹ ra sức ngăn chặn, đồng thời cường quốc số 1 thế giới cũng giảm cam kết với những cơ chế đa phương mà chính quyền ông Trump cho rằng đang gây ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ.
ASEAN được nhận định đã đóng vai trò như một điểm tựa để các cường quốc lớn chen lấn trong khu vực ổn định. Các thỏa thuận hợp tác của ASEAN như một cơ chế hiệu quả để thu hút và quản lý các lợi ích của các cường quốc lớn trong khu vực.
Hiện tại, có năm “sân khấu” chính giữa cạnh tranh Mỹ-Trung gây ảnh hưởng trực tiếp đến ASEAN: vấn đề lãnh thổ và tự do hàng hải ở Biển Đông; BRI; cuộc chiến thương mại và công nghệ leo thang; phản ứng với sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ; và đối mặt với hậu quả của đại dịch Covid-19.
(East Asia Forum)
Hàng không Việt Nam có thể phục hồi nhanh hàng đầu Đông Nam Á
Theo Tổ chức nghiên cứu và bình luận thị trường Fitch Ratings, nhờ kiểm soát tốt Covid-19 và số ca nhiễm bệnh ghi nhận ở mức thấp, hàng không Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Mới đây, Fitch Ratings đã dự báo khách luân chuyển (RPK) trung bình của hãng hàng không Việt Nam bằng 55% mức cơ sở năm 2020 và 90% vào năm 2021. Những con số tích cực này đang cao hơn các thị trường khác tại Đông Nam Á.
Singapore Airlines có thể chứng kiến mức giảm RPK mạnh nhất trong khu vực - khoảng 70% do phụ thuộc hoàn toàn vào bay quốc tế. Năm 2021, chỉ số RPK của hãng này được dự báo dưới 50% so với năm 2019.
Indonesia và Philippines, các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong đại dịch Covid-19, dự báo sẽ có RPK trung bình 35% mức cơ sở năm 2020 và 60% năm 2021.
Các hãng hàng không của Thái Lan và Malaysia cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự khi lượng khách vận chuyển quốc tế ở mức thấp, dù hai nước này đã có thành công nhất định trong công tác kiểm soát bệnh dịch.
Về tổng quan, Fitch Ratings cho rằng, lưu lượng hành khách năm 2021 của các hãng hàng không ở một số thị trường châu Á – Thái Bình Dương (APAC) chủ chốt có khả năng vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2019, mặc dù đã có sự phục hồi trở lại.
(Sputnik)
Australia bổ nhiệm đại sứ mới tại ASEAN
Theo thông cáo của Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne, ông Will Nankervis sẽ trở thành Đại sứ mới của Australia tại ASEAN. Ông Nankervis từng giữ chức Trợ lý Bộ trưởng về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Hàng hải Khu vực. Trước đây, ông từng phục vụ ở Phái đoàn Thường trực Australia tại Liên hợp quốc và ở Colombo.
Cũng theo thông cáo, Đông Nam Á có ý nghĩa chiến lược và kinh tế sâu sắc đối với Australia. Quan hệ Đối tác chiến lược Australia-ASEAN được hình thành dựa trên các mối quan hệ chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân lâu đời. Các nền kinh tế ASEAN mang đến cơ hội thú vị cho các doanh nghiệp cả hai bên.
Là đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN, Australia từ lâu đã công nhận và coi trọng vai trò trung tâm của một ASEAN mạnh mẽ và gắn kết trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
(Mirage News)
Tình nguyện viên tại một trung tâm cách ly bệnh nhân Covid-19 ở Yangon, Myanmar ngày 1/10. (Nguồn: AFP) |
Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính đến rạng sáng ngày 5/10, các nước ASEAN ghi nhận thêm 7.489 ca nhiễm mới, nâng tổng ca mắc Covid-19 lên 717.847 ca, trong đó tổng số người tử vong là 17.559 ca.
Số ca nhiễm mới tại Philippines trong ngày 4/10 đã tăng vọt lên 3.190 trường hợp, mức cao nhất trong gần 2 tuần qua.
Như vậy, tổng số ca bệnh tại nước này đã lên tới 322.497 người, trong đó có 5.776 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục cũng tăng thêm 18.065 người, đạt 273.079 trường hợp.
Mới đây nhà chức trách Philippines đã gia hạn các lệnh giới hạn phòng dịch thêm 1 tháng để đề phòng "làn sóng Giáng sinh". Tuy nhiên, chính phủ hiện đang tập trung vào các giải pháp mở dần lại những điểm đến du lịch với khách trong nước khi cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh.
Theo số liệu của Reuters, số ca tử vong do Covid-19 tại Myanmar đã tăng gấp đôi trong 7,8 ngày - nhanh hơn bất cứ quốc gia nào có tổng số ca tử vong nhiều hơn 5. Những ngày gần đây, Myanmar ghi nhận mỗi ngày trên 1.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 16.503, với 371 bệnh nhân tử vong và 4.795 người đã hồi phục.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây đã lên tiếng bảo vệ thành tích chống dịch Covid-19 của chính phủ trong bối cảnh ông đang đối mặt với những chỉ trích về tình hình y tế do cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng.
"Tôi có thể nói rằng, việc xử lý Covid-19 ở Indonesia không tệ, thực sự là khá tốt", Tổng thống Widodo khẳng định trong video được đăng trên tài khoản YouTube chính thức của mình.
Ông cho rằng, tổng số trường hợp mắc bệnh và số người chết tại Indonesia thấp hơn so với những nước tương đương.
Ông Widodo cũng bảo vệ quyết định không áp đặt lệnh phong toả toàn tỉnh hoặc toàn thành phố tại những nơi có số ca lây nhiễm tăng mạnh vì không muốn làm tổn hại tới đời sống của người dân.
Ngày 4/10, Indonesia ghi nhận thêm 3.992 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong vòng 6 ngày, nâng tổng số ca bệnh lên 303.498 ca, bao gồm 11.151 ca tử vong - con số cao nhất tại châu Á.
Chính phủ Indonesia cũng đã lên kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 160 triệu người dân vào cuối năm 2021, một kế hoạch tham vọng nhằm chủng ngừa cho hơn một nửa dân số đang sinh sống ở hàng ngàn hòn đảo.
Theo kế hoạch này, chính phủ ưu tiên chủng ngừa người dân trong độ tuổi 19-59, chiếm tới 70% dân số, và những người ở tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế, cảnh sát...
Bộ Y tế Malaysia thông báo trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 293 ca nhiễm virus SARS-Cov-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này nên 12.381 ca với 137 người tử vong.
Tổng giám đốc Cơ quan y tế Noor Hisham Abdullah cho biết, trong số các ca bệnh mới được phát hiện chỉ duy nhất 1 ca nhập cảnh, trong khi 292 ca còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng.
(TGVN/TTXVN)
| Việt Nam khẳng định vai trò xây dựng và trách nhiệm tại Liên hợp quốc TGVN. Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã kết thúc ngày 2/10. Đại dịch Covid-19 không phải là vấn ... |
| Quốc hoa các nước ASEAN cùng khoe sắc tại Hà Nội TGVN. Ngày 2/10, tại Nhà triển lãm số 2 Lê Thái Tổ (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm tranh với hai ... |
| Hậu Covid-19, ASEAN đứng trước những thách thức gì? TGVN. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia thành viên ASEAN rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế và đứng trước nhiều thách ... |