Singapore là nước ghi nhận nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhất khu vực ASEAN trong 24 giờ qua. (Nguồn: Jakarta Post) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính đến rạng sáng ngày 6/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 51.271 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.346 ca so với 1 ngày trước. Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.694 người dân ở khu vực này, tăng 23 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.999 trường hợp.
Ngày 5/5, giới chức y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận 484 ca mắc bệnh cấp Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á lên thành 12.071 người. Đây cũng là ngày có nhiều ca mắc nhất được ghi nhận tại nước này.
Trước tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ký sắc lệnh hoãn cuộc bầu cử khu vực dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới. Theo sắc lệnh được ký ban hành ngày 4/5, cuộc bầu cử này sẽ được hoãn tới tháng 12 tới do “thảm họa phi tự nhiên” và sẽ tiếp tục được hoãn nếu đến thời điểm đó dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục chuyển biến tích cực tại Thái Lan khi nước này ngày 5/5 đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 theo ngày thấp nhất trong vòng 2 tháng qua kể từ ngày 9/3, với chỉ một trường hợp duy nhất. Vậy là, Thái Lan có tổng cộng 2.988 bệnh nhân mắc Covid-19 trong đó có 54 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế Singapore ngày 5/5 cũng xác nhận 632 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 19.410 người. Singapore chính là nước ghi nhận nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhất khu vực ASEAN trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, đảo quốc sư tử tới nay mới có tổng cộng 18 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines trong ngày thông báo 14 ca tử vong do Covid-19 và 199 ca mắc Covid-19. Trong vòng 1 ngày qua, Philippines là nước có số ca tử vong vì đại dịch nhiều nhất Đông Nam Á. Hiện tổng số ca tử vong tại Philippines do dịch bệnh nguy hiểm này đã lên tới 637 ca, trong khi số ca nhiễm là 9.684 ca. Ngoài ra, đã có thêm 93 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục lên 1.408 người.
Trong ngày 5/5, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này có 30 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 6.383 người trong bối cảnh Malaysia bước sang ngày thứ 2 nới lỏng những hạn chế về đi lại và kinh doanh. Tuy nhiên, Malaysia cùng ngày cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên 106 người.
Ngày 5/5, các nước thành viên ASEAN khác như Việt Nam, Brunei, Lào, Campuchia không ghi nhận bất kỳ ca bệnh mới hay tử vong nào liên quan tới dịch Covid-19.
(TGVN/TTXVN)
Chỉ số PMI ở ASEAN giảm mức thấp kỷ lục
Theo công ty cung cấp thông tin tài chính IHS Markit, hoạt động của các nhà máy tại khu vực ASEAN đã xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4 do sự gián đoạn về cung và cầu cạn kiện trong đại dịch Covid-19.
Theo đó, IHS Markit cho biết, chỉ số PMI (Quản lý Thu mua) tại ASEAN đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 30,7 trong tháng 4, tồi tệ hơn chỉ số 43,4 trong tháng 3. Đây là sự suy giảm hàng tháng lớn nhất kể từ khi IHS Markit bắt đầu theo dõi thị trường ASEAN từ tháng 7/2012.
Tất cả chỉ số của 7 quốc gia được khảo sát đều giảm trong tháng vừa qua, với Indonesia có chỉ số PMI thấp nhất ở mức 27,5, Myanmar là 29, Singapore là 29,3.
(Business World)
Singapore đề xuất thủ tục đi lại mới ở ASEAN hậu Covid-19
Một khi đại dịch Covid-19 lắng xuống và các quốc gia trong khu vực ASEAN bắt đầu mở cửa trở lại, Singapore có thể sẽ đề xuất một thủ tục mới, bao gồm một số luật nhập cảnh nhất định, cho phép người dân đi lại một cách dễ dàng và an toàn hơn, theo Đại sứ Singapore tại Indonesia Anil Kumar Nayar.
Ông Nayar cho rằng, các nước ASEAN nên cùng ngồi lại, đàm phán để đưa ra một bộ danh sách những quy tắc nhập cảnh chung trước khi mở lại biên giới. Điều này có thể mất thời gian, nhưng đáng để khám phá.
Ngoài ra, ASEAN cũng có thể đối thoại cùng các quốc gia như Australia và New Zealand để có thể sớm khởi động lại du lịch với những quốc gia này.
(Jakarta Post)
Cơ quan Thổ Nhĩ Kỳ gửi viện trợ Covid-19 cho Đông Nam Á
Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo (IHH) có trụ sở tại Istanbul đã gửi 9.500 gói thực phẩm cho người dân và người tị nạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho các quốc gia Đông Nam Á.
Tổ chức này đã phân phối viện trợ cho Cộng đồng Hồi giáo ở Indonesia, Thái Lan, Philippines và Myanmar. Họ hy vọng rằng khối viện trợ này sẽ giúp những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bớt khó khăn và hy vọng rằng những người mắc Covid-19 sớm khỏi bệnh.
(Anadolu)
Các thành phố phát triển nhanh ở Đông Nam Á chịu trách nhiệm tới 60% lượng chất thải nhựa thải ra môi trường. |
Sáng kiến mới của Liên hợp quốc nhằm giảm ô nhiễm nhựa từ các thành phố ASEAN
Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) của LHQ phối hợp với Chính phủ Nhật Bản ngày 5/5 đã đưa ra một dự án mới nhằm giảm ảnh hưởng tới môi trường của các thành phố ở Đông Nam Á bằng cách giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trên sông và đại dương.
Dự án “Closing the Loop” (tạm dịch: Kết thúc vòng lặp) sẽ hỗ trợ các chính phủ giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa vào môi trường biển. Để thực hiện điều này, dự án sẽ tận dụng các công nghệ tiên tiến như viễn thám, ứng dụng dữ liệu vệ tinh và dữ liệu đám đông để phát hiện và giám sát các nguồn và đường dẫn chất thải nhựa chảy vào sông trong khu vực lưu vực đô thị.
Bốn thành phố ASEAN sẽ thí điểm dự án là: Kuala Lumpur (Malaysia), Surabaya (Indonesia), Nakhon Si Thammarat (Thái Lan) và Đà Nẵng (Việt Nam).
Các thành phố phát triển nhanh ở Đông Nam Á chịu trách nhiệm tới 60% lượng chất thải nhựa thải ra môi trường. Trong khu vực, 75% nguồn ô nhiễm nhựa bắt nguồn từ chất thải không được kiểm soát và 25% từ rò rỉ trong hệ thống quản lý chất thải đô thị. Ngoài ra, 95% nguồn ô nhiễm nhựa tại đại dương của thế giới xuất phát từ 10 con sông lớn, 8 trong số đó là ở châu Á.
Dự án sẽ tạo ra các bản đồ theo dõi tình hình chất thải nhựa cho từng thành phố thí điểm và sẽ đào tạo các quan chức và các bên liên quan sử dụng các công nghệ thông minh để giám sát, đánh giá, báo cáo và quản lý bền vững chất thải nhựa cũng như tăng cường hơn nữa hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị.
Các nhà hoạch định chính sách đô thị cũng sẽ được cung cấp các công cụ và bí quyết để phát triển các chiến lược chính sách và đầu tư áp dụng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý dòng chất thải nhựa của họ.
(ESCAP)